Bài 2: Không còn chỗ cho thuế khoán trong nền kinh tế dữ liệu

Việc xóa bỏ thuế khoán, triển khai hóa đơn điện tử và quản lý thuế dựa trên dữ liệu là bước tiến tất yếu trong lộ trình xây dựng một hệ thống tài chính quốc gia hiện đại, hiệu quả và công bằng. Đây là một cuộc cải cách thể chế lớn, không thể trì hoãn, cần được thực hiện quyết liệt với sự đồng hành của cả hệ thống chính trị, cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Việc loại bỏ thuế khoán và phổ cập hóa đơn điện tử chính là những mảnh ghép quan trọng trong bức tranh chuyển đổi số ngành Thuế.

Việc loại bỏ thuế khoán và phổ cập hóa đơn điện tử chính là những mảnh ghép quan trọng trong bức tranh chuyển đổi số ngành Thuế.

Lộ trình cải cách không thể trì hoãn

Thuế khoán được thiết kế trong bối cảnh nền kinh tế chưa phát triển mạnh mẽ, công nghệ giám sát doanh thu chưa phổ biến và năng lực quản lý thuế còn hạn chế.

Cách làm này từng giúp nhà nước duy trì một mức thu ngân sách cơ bản từ khối kinh tế cá thể mà không cần nhiều chi phí quản lý. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, phương thức này bộc lộ nhiều bất cập – đặc biệt là sự thiếu công bằng, dễ tạo kẽ hở cho tiêu cực và thất thoát ngân sách.

Nhận thức rõ điều này, Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định số 70/2025/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 1/6/2025, yêu cầu hộ kinh doanh có doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm phải chấm dứt hình thức khoán thuế, chuyển sang kê khai doanh thu thực tế và sử dụng hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế. Theo ước tính, khoảng 37.000 hộ kinh doanh trên cả nước thuộc diện này.

Tiếp đó, Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị đã quyết định: “Chấm dứt hoàn toàn hình thức thuế khoán chậm nhất trong năm 2026”, đồng thời khuyến khích hộ kinh doanh đủ điều kiện chuyển đổi thành doanh nghiệp để được hưởng chính sách hỗ trợ, tiếp cận tín dụng, và mở rộng quy mô phát triển.

Có thể thấy đây là hai mốc quan trọng, thể hiện sự đồng thuận chính trị cao trong việc xóa bỏ hình thức thuế khoán và chuyển sang mô hình quản lý thuế hiện đại, dựa trên kê khai thực tế và hóa đơn điện tử. Điểm mới trong chính sách không chỉ là yêu cầu kê khai, mà là kết nối trực tiếp dữ liệu kinh doanh với cơ quan thuế thông qua hệ thống công nghệ. Mỗi giao dịch được ghi nhận, mỗi hóa đơn được xuất ra là một dữ liệu đầu vào để xác lập nghĩa vụ thuế công bằng và chính xác.

Nhiều chuyên gia nhận định, việc chuyển từ phương thức khoán sang kê khai theo doanh thu thực tế, kết hợp với triển khai hóa đơn điện tử, không chỉ góp phần tăng thu ngân sách nhà nước mà còn thể hiện bước đi quyết liệt trong việc tái lập kỷ cương pháp luật thuế. Đây là nền tảng quan trọng để xây dựng một môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch và hiện đại – nơi mọi chủ thể đều phải thực hiện nghĩa vụ thuế trên cơ sở số liệu thực, có thể kiểm chứng.

Đặc biệt, với hệ thống hóa đơn điện tử đã được triển khai đồng bộ và vận hành ổn định trên toàn quốc, việc mở rộng đối tượng áp dụng chế độ kê khai không còn là trở ngại lớn về mặt kỹ thuật.

Tính đến nay, nay hệ thống hóa đơn điện tử của cơ quan thuế đã ghi nhận số lượng phát hành là trên 14,6 tỷ hóa đơn. Cùng với đó, đã có 219.711 doanh nghiệp, hộ và cá nhân kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền thành công, với tổng số lượng hóa đơn phát hành đạt hơn 2,38 tỷ hóa đơn.

Những con số trên cho thấy nền tảng kỹ thuật đã sẵn sàng, thói quen sử dụng của người nộp thuế đang hình thành rõ nét, tạo điều kiện thuận lợi để cơ quan thuế tiếp tục đẩy mạnh cải cách quản lý, từng bước xóa bỏ tình trạng thất thu từ khu vực hộ, cá nhân kinh doanh.

Cán bộ thuế hỗ trợ hộ kinh doanh thực hiện hóa đơn điện tử từ máy tính tiền có kết nối với cơ quan thuế.

Cán bộ thuế hỗ trợ hộ kinh doanh thực hiện hóa đơn điện tử từ máy tính tiền có kết nối với cơ quan thuế.

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Việc thay đổi phương thức quản lý từ khoán sang kê khai theo doanh thu thực tế là tất yếu, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức, nhất là với các hộ kinh doanh nhỏ.

Thực tế cho thấy, nhiều hộ vẫn còn tâm lý e ngại, thiếu kỹ năng sử dụng máy tính tiền, phần mềm hóa đơn điện tử, hoặc lo ngại về chi phí triển khai (từ 1,5–10 triệu đồng/năm cho thiết bị và dịch vụ phần mềm kế toán). Ngoài ra, thói quen cũ về khai thuế, tính toán lãi lỗ thủ công khiến quá trình chuyển đổi gặp không ít lúng túng, nhất là với các chủ hộ lớn tuổi, không quen công nghệ.

Tuy nhiên, trong bối cảnh cả nền kinh tế đang vận hành trên nền tảng minh bạch, số hóa và dữ liệu lớn, thì lối tư duy “khai thấp – đóng ít” không thể tồn tại lâu dài. Việc duy trì những cách làm cũ chỉ khiến hộ kinh doanh tự đẩy mình ra khỏi chuỗi phát triển chính thức, mất cơ hội tiếp cận vốn, không thể ký hợp đồng lớn hoặc tham gia các kênh phân phối hiện đại.

Cùng với đó, nếu người kinh doanh hiểu rằng việc kê khai trung thực, đóng thuế đúng nghĩa vụ chính là cách để khẳng định sự chính danh, được pháp luật bảo vệ, được tiếp cận tín dụng, mở rộng quy mô và phát triển bền vững, thì cải cách thuế mới đi vào thực chất.

Việc loại bỏ thuế khoán và phổ cập hóa đơn điện tử chính là những mảnh ghép quan trọng trong bức tranh chuyển đổi số ngành Thuế. Không còn là câu chuyện công nghệ thuần túy, đây là sự dịch chuyển căn cơ về cách thức quản lý nhà nước: Từ “niềm tin cảm tính” sang “niềm tin dựa trên dữ liệu số”. Mỗi hóa đơn điện tử là một đơn vị minh chứng cho tính hợp pháp, trung thực trong hoạt động kinh doanh – và đồng thời là “hạt nhân” của hệ thống thông tin tài chính quốc gia hiện đại.

Tuy nhiên, thành công của cải cách không nằm ở tốc độ triển khai phần mềm, mà ở sự chuyển biến thực chất trong tư duy tuân thủ thuế của xã hội. Nếu người nộp thuế vẫn tìm cách lách luật, nếu cán bộ vẫn dung túng tiêu cực, thì hệ thống dù có hiện đại đến đâu cũng khó phát huy hiệu quả.

Trong bối cảnh hiện nay, bỏ thuế khoán không chỉ là chuyện thay đổi hình thức thu – mà là bước đi căn bản để thiết lập một trật tự thuế mới – công bằng, minh bạch và có trách nhiệm. Chính phủ, ngành Thuế đã đi đầu trong hành trình chuyển đổi số. Điều cần thiết lúc này là người dân, hộ kinh doanh và doanh nghiệp cùng bước theo, để không bị bỏ lại phía sau trong một nền kinh tế vận hành bằng dữ liệu.

Đây là cuộc cải cách thể chế có quy mô lớn, đụng đến thói quen hàng chục năm của hàng trăm nghìn hộ kinh doanh, nhưng là lộ trình không thể trì hoãn nếu Việt Nam muốn xây dựng một nhà nước kiến tạo, một xã hội văn minh và một nền kinh tế hiện đại.

Thùy Linh

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/bai-2-khong-con-cho-cho-thue-khoan-trong-nen-kinh-te-du-lieu.html