Bài 2: Không nêu gương là không lãnh đạo!
Cùng với các biểu hiện nêu gương trá hình và tệ bêu gương, thì thực tiễn cũng đang gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về tình trạng cán bộ, đảng viên (CBĐV), nhất là cán bộ cấp cao (CBCC) có tâm lý ngại trở thành điển hình, sợ thành gương sáng thì dễ bị xăm xoi, đố kỵ, rồi sinh ra dễ mờ, dễ vỡ.
Ngại thành gương sáng, vì đâu?
Thử thao tác tra cứu Google với ký tự “Gương cán bộ cấp tỉnh, thành phố”, “Gương cán bộ Trung ương”... thì kết quả thu được thật khó tin. Gần như chỉ đếm được trên đầu ngón tay số cán bộ cấp tỉnh, thành phố, CBCC ở các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương được báo chí truyền thông viết thành gương điển hình để đăng tải. Nhưng cũng với thao tác ấy, tìm kiếm bằng ký tự “Gương đảng viên, cán bộ cấp thôn, xã” thì chỉ với 0,37 giây đã xuất hiện hơn 14.700.000 kết quả, với vô số cán bộ điển hình ở các địa phương trong cả nước. Như vậy, gương cán bộ thì không thiếu, nhưng gương cán bộ cấp tỉnh, thành phố và CBCC thì hiếm đến độ bất thường.
Trong nhiều tác nghiệp, chúng tôi luôn mạnh dạn đề nghị cơ quan chức năng của các ban, bộ, ngành, địa phương giới thiệu cán bộ chủ trì, chủ chốt là điển hình để phản ánh, đúc rút thành gương sáng phục vụ công tác tuyên truyền, vận động quần chúng. Thế nhưng kết quả thu được cũng chỉ là những lời từ chối khéo.
Những dữ liệu thực tế trên khiến người ta không khỏi băn khoăn: Phải chăng, ở đối tượng CBCC không có điển hình, thiếu gương sáng?
Sự hoài nghi là có lý do, nhưng thực tiễn hoàn toàn không phải vậy. Thật ra điển hình CBCC thì không thiếu, nhưng chính tâm lý sợ trở thành gương sáng của họ trở thành một rào cản vô hình.
Trong suốt hai năm nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, Báo Quân đội nhân dân tiến hành khảo sát trên địa bàn 34 huyện ở 7 tỉnh thành phố thuộc khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Tây Bắc cho thấy: Hiện có rất nhiều cán bộ cấp tỉnh, thành phố xứng đáng là điển hình mẫu mực, có trình độ, năng lực tiêu biểu, là gương sáng thực chất; thế nhưng việc xây dựng, tuyên truyền, nhân rộng điển hình ở đối tượng này không hề đơn giản.
Vì cương vị công tác và đặc thù nhiệm vụ, CBCC thường “từ chối khéo” khi được đặt vấn đề phản ánh thành tích bản thân lên diễn đàn báo chí truyền thông. Các đồng chí này cũng không mấy mặn mà đón nhận những giải thưởng và sự tôn vinh, với lý do: Mình sẽ chỉ trao đổi, nói về thành tích chung của tập thể, còn điển hình cá nhân thì xin khất; nên ưu tiên tuyên truyền, tôn vinh những tấm gương ở cơ sở và người lao động.
Thoạt nghe thì cách từ chối ấy có phần hợp lý. Bởi lẽ, CBCC mà trân trọng cơ sở, hướng về người lao động thì tốt biết bao. Thậm chí, đây còn là một biểu hiện đáng quý của đức hy sinh ở người CBĐV. Thế nhưng đáng bàn là, chính sự khiêm tốn có phần thái quá vô hình trung tạo ra những tin đồn, dư luận tiêu cực trong đời sống xã hội. Dư luận lo ngại rằng, suốt cả đợt thi đua sôi nổi, rộng khắp với hàng loạt mô hình, điển hình nở rộ ở mọi giai tầng, nhưng lại không thể nhận ra bóng dáng điển hình CBCC, lãnh đạo, chủ trì cấp tỉnh, thành phố... Thế thì gương sáng ở đâu để cấp dưới và quần chúng soi vào học tập, làm theo? Trong khi, phương châm thực hành nêu gương của Đảng ta là “từ trên xuống dưới”, cán bộ có chức vụ càng cao, càng phải nêu gương.
Nhiều CBCC thẳng thắn giãi bày, rằng khi chưa là điển hình thì bản thân vẫn được yên ổn, tham gia công tác, học tập, cống hiến một cách bình thường, nhưng khi thành điển hình rồi thì bỗng nảy sinh nhiều hệ lụy kéo theo kiểu “tai bay vạ gió”. Riêng chuyện phải đi báo cáo điển hình, phục vụ công tác kiểm tra, tiếp đón báo chí, rồi phải “tự gò mình” cho xứng với danh hiệu và sự mẫu mực của một tấm gương sáng... âu cũng không phải chuyện đơn giản. Mặt khác, dẫu cán bộ là gương sáng thật sự nhưng trong điều kiện xã hội đa chiều thông tin, đâu dễ gì quần chúng tiếp nhận tích cực, mà có khi lại bị quy kết vào các biểu hiện háo danh, tô vẽ thành tích, marketing lý lịch...
Rất nhiều lý do chính đáng được viện dẫn. Thế nhưng, suy đến cùng thì việc CBCC ngại và sợ trở thành gương sáng là một biểu hiện tâm lý có phần tiêu cực, cần sớm được nhận diện, khắc phục. Bác Hồ kính yêu từng răn dạy: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” và chắc chắn không có “đảng viên đi trước” thì làm sao có “làng nước theo sau”.
Lúc sinh thời, Bác Hồ không ngần ngại nhận lời báo chí phỏng vấn, viết về bản thân mình. Sống cạnh Bác có những con người chuyên tâm viết đúng, đủ về Bác. Thậm chí, Bác luôn khuyến khích viết về các điển hình cán bộ Trung ương, chỉ yêu cầu là viết đúng sự thật, không được tung hô quá trớn. Để việc nêu gương đạt kết quả, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm theo dõi những điển hình tiên tiến được phản ánh trên các báo để tổng hợp và yêu cầu tìm cách nhân rộng.
Thực tiễn cách mạng Việt Nam minh chứng: Trong những năm kháng chiến và thời điểm bắt đầu công cuộc đổi mới, nhiều nhà báo có điều kiện thuận lợi phản ánh sâu đậm những tấm gương lãnh đạo, chỉ huy các cấp, về nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương... Những bài báo này thực sự gây tiếng vang và tạo sức lan tỏa nêu gương sâu rộng, kịp thời cổ vũ toàn dân hành động cách mạng. Hay như gần đây, khi thông điệp và sự nêu gương của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được báo chí tuyên truyền sâu đậm đã nhanh chóng trở thành “tiếng trống hiệu lệnh” thúc giục toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tích cực đấu tranh đẩy lùi “giặc nội xâm”.
Để xây dựng, tuyên truyền, nhân rộng thành công gương CBCC, nhất thiết phần việc này phải được cụ thể hóa một cách đầy đủ vào chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng và nghị quyết các cấp; thậm chí nên hoạch định một chiến lược, đề án có tính chất chuyên đề với những giải pháp đồng bộ, khả thi cao. Từ Trung ương đến cấp cơ sở phải dốc sức lãnh đạo, xốc lại quyết tâm chính trị, đẩy mạnh lựa chọn, xây dựng, nhân rộng gương sáng là người đứng đầu, cán bộ chủ trì, chủ chốt. Các cấp ủy, cơ quan, địa phương, hội đồng thi đua cần mạnh dạn bình bầu, lựa chọn điển hình là người đứng đầu thực sự tiêu biểu. Cùng với đó, việc thực hành nêu gương của CBCC không chỉ theo phân cấp, đóng khung trong nội bộ tổ chức mà cần công khai rộng rãi đến mọi tầng lớp xã hội. Đội ngũ CBCC phải xác định rõ vai trò của mình trong thực hành nêu gương, sớm gạt bỏ tâm lý ngại "lên báo", không dám nhận các danh hiệu tôn vinh, khen thưởng...
Chức vụ càng cao càng nêu gương sáng
Năm 1945, khi nước ta vừa giành độc lập, để giải quyết nạn đói đang hoành hành, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi đồng bào cả nước: “Vậy tôi đề nghị với đồng bào cả nước...: Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ba bữa. Ðem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo” và Người nêu gương thực hành trước rất nghiêm túc. Chính sự nêu gương ấy của Bác đã khởi tạo cao trào thực hành tiết kiệm, giúp dân tộc ta vượt qua đại họa giặc đói, kiên định sự nghiệp kháng chiến đi đến thắng lợi cuối cùng.
Nêu gương chính là thực hành lãnh đạo để lan tỏa, dẫn dắt, truyền cảm hứng, thúc đẩy hành động cách mạng của nhân dân. Mục đích nêu gương là tạo ra những giá trị tốt đẹp, mẫu mực cho người khác học tập và làm theo. V.I.Lenin khi bàn về xây dựng chính đảng vô sản kiểu mới đã căn dặn CBĐV: “Người cán bộ ấy phải nhớ rằng anh ta không những là người tuyên truyền bằng lời nói, không những phải giúp đỡ những tầng lớp nhân dân mê muội nhất, đó là nhiệm vụ chủ yếu của anh ta và không làm như vậy, anh ta sẽ không còn là người cán bộ của Đảng; không làm như vậy, anh ta không thể tự coi mình là người cộng sản được”.
Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, các triều đại phong kiến luôn chú trọng giáo huấn đạo lý “tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc” (lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ). Bộ phận quan lại luôn đề cao “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, trong đó, giá trị cốt lõi và làm gương là “tu thân” rồi mới đến “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc rút, sở dĩ cần phải nêu gương là do đặc thù của nền văn hóa, đạo đức phương Đông luôn coi trọng tình cảm, luôn lấy cái tốt đẹp của người khác để làm tấm gương soi mình. Trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” (1927), Người đặt lên hàng đầu tư cách một người cách mạng với 23 điểm. Theo Bác, người cách mạng tư cách phải chuẩn mực; thật sự là tấm gương trong các mối quan hệ: Với chính mình, với người khác, với công việc. Khi Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành Đảng cầm quyền, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra 12 điều về tư cách của Đảng chân chính cách mạng. Tư cách ở đây chính là sự nêu gương, là tấm gương của sự phấn đấu hy sinh vì dân, vì nước. Người nêu rõ bổn phận của mọi CBĐV là: Cố gắng làm kiểu mẫu cho quần chúng trong mọi việc.
Quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, nêu gương luôn là một phương thức lãnh đạo của Đảng ta. Trong những thời điểm khó khăn, bước ngoặt của cách mạng, đội ngũ CBĐV luôn nêu gương dũng cảm, không quản ngại hiểm nguy, vất vả, thậm chí sẵn sàng hy sinh cả tính mạng để hoàn thành nhiệm vụ. Những lúc Đảng phạm sai lầm, khuyết điểm, những người đứng đầu Đảng thẳng thắn nhận khuyết điểm, nhận lỗi trước quốc dân đồng bào. Trong Đảng, nhiều CBCC xin rút khỏi (từ chức) các cơ quan lãnh đạo cấp cao sau khi phạm sai lầm trong công tác quản lý, trở thành tấm gương sáng trong việc nêu gương của cán bộ. Ví như, sau sai lầm nghiêm trọng trong cải cách ruộng đất, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã xin rút khỏi Bộ Chính trị, đồng chí Hồ Viết Thắng xin rút khỏi Ban Chấp hành Trung ương và đặc biệt, đồng chí Trường Chinh xin từ chức Tổng Bí thư của Đảng... Cán bộ có chức vụ cao mà chủ động từ chức vì lợi ích chung thì có sức mạnh nêu gương rất lớn. Trên làm được, ắt dưới sẽ làm theo, đó là điều hiển nhiên.
Trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng thời gian qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng phát biểu tại Hội nghị Trung ương 8, khóa XII: "Nếu gần 200 Ủy viên Trung ương khóa XII, từng đồng chí thật sự soi vào bản thân, đề cao trách nhiệm nêu gương và gương mẫu đi đầu thực hiện thì sẽ có sức lan tỏa rất lớn, sẽ tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong toàn Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội".
Quả đúng vậy, một khi người đứng đầu thực hành nêu gương, chấp hành nghiêm kỷ luật, duy trì chặt chẽ kỷ cương phép nước thì cũng chính là cách họ viết nên “chiếu lệnh” để “ba quân tướng sĩ” đồng lòng tuân mệnh Đảng, phụng sự nhân dân. Nhưng tiếc thay, số ít trong các CBCC ấy đã chưa thực lòng, thực tâm và cũng chưa thực hành nêu gương, dính vòng lao lý, nên sự bêu gương của họ đã trở thành chướng ngại của công cuộc đổi mới, gây phương hại đến uy tín của Đảng, niềm tin của nhân dân.
“Nêu gương thì tất cả CBĐV đều phải làm nhưng trước hết, các lãnh đạo cao nhất phải có trách nhiệm chứ không phải vì vừa qua có một số lãnh đạo cấp cao hư hỏng nên phải có quy định nêu gương...", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
(còn nữa)