Bài 2: Lãnh đạo địa phương không thể 'khoanh tay' đứng nhìn

Cách làm mới của lãnh đạo chủ chốt tỉnh trong việc hướng về cơ sở thời gian qua đã 'truyền lửa' về các địa phương. Có dịp về các huyện, xã nghèo của tỉnh, chúng tôi cảm nhận được không khí khẩn trương, bận rộn của cán bộ, đảng viên ở cơ sở tập trung về với đồng bào khó khăn ngay cả vào những ngày nghỉ cuối tuần, điều mà trước đây ít thấy. Sự nêu gương của các đảng viên đang tạo ra niềm tin cho người dân trong công cuộc giảm nghèo ở vùng cao.

“Ủ than nóng, nung lửa hồng”

>> Bài 1: Người đứng đầu cấp tỉnh nhận việc khó

Lãnh đạo huyện Mường Khương thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe ý kiến của người dân.

Lãnh đạo huyện Mường Khương thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe ý kiến của người dân.

Cho đến cuối năm 2020, chị Ma Pla ở thôn Sả Lùng Chéng, xã Cao Sơn, huyện Mường Khương đã có thể yên tâm ở trong ngôi nhà mới, không còn lo sợ mỗi khi trời mưa to, gió lớn, những kèo cột lắp theo kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia” có thể rơi xuống gây nguy hiểm cho gia đình mình. Gần 10 năm qua, số tiền chị Ma Pla bỏ ra để đi từ xã, tới huyện, ra tỉnh, thậm chí về cả Trung ương để gửi đơn khiếu kiện yêu cầu chính quyền dựng lại ngôi nhà nếu cộng lại có thể đủ xây một ngôi nhà mới, nhưng chị vẫn quyết tâm đi đòi bằng được công lý.

Câu chuyện xuất phát từ khi xã Cao Sơn thực hiện giải phóng mặt bằng mở rộng tuyến đường qua thôn Sả Lùng Chéng. Khi đó, ngôi nhà của chị Ma Pla cần phải tháo dỡ, di chuyển sang vị trí khác. Tuy nhiên, khi chính quyền xã cho người dựng lại ngôi nhà ở vị trí mới thì chị Ma Pla kiên quyết không nhận, vì cho rằng việc tháo lắp nhà không đúng như ban đầu, có thể gây nguy hiểm cho gia đình chị khi sống trong đó. Chị Ma Pla cùng với các con chuyển xuống gần bờ sông Chảy để làm lán tạm sống qua ngày. Vì cuộc sống tạm bợ quá vất vả, nên nhiều tuần, nhiều tháng rồi gần 10 năm, chị đôn đáo gửi đơn kiện khắp nơi để đòi xã dựng lại ngôi nhà đảm bảo an toàn nhưng không được giải quyết.

Chị Ma Pla chia sẻ: Tôi rất bất ngờ khi năm 2020, Bí thư Huyện ủy Giàng Quốc Hưng trực tiếp cùng cán bộ huyện 5 lần xuống nhà trò chuyện với tôi, tìm hiểu nguyên nhân sự việc và ngay sau đó đã chỉ đạo dựng lại cho tôi ngôi nhà mới khang trang, đẹp đẽ. Từ nay, tôi và các con yên tâm ngủ mỗi khi trời mưa gió, không còn phải sống ở lán tạm, khổ sở như mấy năm qua nữa. Tôi cảm ơn các đồng chí lãnh đạo mới của huyện đã quan tâm, gần gũi với người dân để giải quyết khó khăn cho chúng tôi.

Lãnh đạo xã Tả Thàng (Mường Khương) trực tiếp tìm gặp doanh nghiệp sản xuất, chế biến chè để liên kết tiêu thụ sản phẩm cho người dân.

Lãnh đạo xã Tả Thàng (Mường Khương) trực tiếp tìm gặp doanh nghiệp sản xuất, chế biến chè để liên kết tiêu thụ sản phẩm cho người dân.

Trò chuyện với chúng tôi, Bí thư Huyện ủy Mường Khương Giàng Quốc Hưng bảo: Làm lãnh đạo huyện, nếu chỉ ngồi nghe các phòng, ban hay cán bộ xã báo cáo thì chưa thể nắm hết được tình hình. Thay vào đó, cần trực tiếp xuống thôn, bản để lắng nghe ý kiến của Nhân dân, đặc biệt là những vụ việc “nóng” liên quan đến đơn, thư khiếu kiện thì mới có thể giải quyết dứt điểm để lấy lại niềm tin trong Nhân dân. Bởi cũng theo đồng chí Bí thư Huyện ủy, “có gần dân mới biết dân khó ở đâu mà tháo gỡ”…

Minh chứng cho những lời nói của Bí thư Huyện ủy trẻ là những vụ việc cụ thể gần đây như vụ kiện của chị Ma PLa ở xã Cao Sơn, vụ tranh chấp đất đai ở xã Bản Lầu, vụ việc tranh mua bán chè tại xã Thanh Bình… Nhờ người đứng đầu huyện và cán bộ, đảng viên trực tiếp xuống đối thoại với Nhân dân, nên vướng mắc đã từng bước được tháo gỡ, từ đó giải quyết ổn thỏa mọi việc. Sát sao với công tác giảm nghèo bền vững cho đồng bào vùng cao, Bí thư Huyện ủy Giàng Quốc Hưng phân tích: Địa bàn huyện Mường Khương được ví như thế kiềng 3 chân, trong đó chân kiềng phía Bản Lầu, Thanh Bình, Lùng Vai khá vững chãi vì đời sống Nhân dân ấm no, còn chân kiềng phía Tả Ngài Chồ, Pha Long, Dìn Chin, Tả Gia Khâu và chân kiềng phía Nấm Lư, Lùng Khấu Nhin, Cao Sơn, La Pán Tẩn, Tả Thàng rất yếu vì đời sống người dân khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, nhiều người dân nhận thức còn hạn chế, còn tư tưởng chỉ cần làm đủ ăn, không có khát vọng làm giàu. Ngoài ra, đất sản xuất ít, thiếu nước sinh hoạt, cây ngô chiếm 2/3 diện tích đất nông nghiệp, giá trị chưa đến 15 triệu đồng/ha nên hiệu quả kinh tế thấp. Không có giải pháp nào khác là cán bộ huyện tích cực xuống xã, “xắn tay” cùng cấp ủy, chính quyền xã bàn phương án sinh kế giúp người dân thoát nghèo.

Chuyển giao kỹ thuật trồng chè tới người dân.

Chuyển giao kỹ thuật trồng chè tới người dân.

Với quyết tâm tìm cách giảm nghèo cho các xã này, đặc biệt là 5/10 xã nghèo nhất tỉnh (đã được tỉnh phê duyệt), huyện Mường Khương đã phân công các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện phụ trách giúp đỡ từng xã nghèo, thậm chí phụ trách tới từng hộ nghèo. Trong đó, Bí thư Huyện ủy Giàng Quốc Hưng phụ trách trực tiếp xã Tả Thàng; Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hoàng Văn Tuyên phụ trách xã Dìn Chin; Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lê Ngọc Dương phụ trách xã La Pan Tẩn và Lùng Khấu Nhin; Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Trường Minh phụ trách xã Tả Ngài Chồ.

Với trách nhiệm là người đứng đầu chính quyền ở địa phương, Chủ tịch UBND huyện Lê Ngọc Dương đã đứng ra nhận phụ trách xã La Pan Tẩn và Lùng Khấu Nhin. Chủ tịch UBND huyện Lê Ngọc Dương đã từng phát biểu trước cán bộ, đảng viên và Nhân dân: “Nơi tôi sinh ra và lớn lên, người dân cũng làm nông nghiệp, cũng đông đồng bào dân tộc thiểu số và cũng nghèo khó như ở Mường Khương. Cho nên, tôi muốn làm gì đó để giúp người dân ở nơi này bớt nghèo, bớt khổ và đó cũng là trách nhiệm chính trị của những người lãnh đạo chủ chốt của huyện”. Với suy nghĩ, trong thời gian ngắn nhất phải nắm được nhiều nhất tình hình của địa phương. Chính vì vậy, vào Mường Khương công tác chưa đầy một năm, trừ những cuộc họp ở tỉnh, huyện mà phải tham dự, còn lại Chủ tịch UBND huyện Lê Ngọc Dương đều dành thời gian đi cơ sở, thậm chí còn dành cả thứ Bảy, Chủ nhật, ngày nghỉ lễ 30/4 -1/5 vừa qua ở lại huyện, một mình lái xe máy “lang thang” trên những con đường đến xã, đến nương chè, nương ngô, đường xuống “mỏ” nước, “đi có mục tiêu, luôn hướng đến đích đã vạch ra, mang theo những trăn trở, đam mê với công việc, thì sẽ không ngại bất kỳ khó khăn nào” đã trở thành phương châm làm việc của Chủ tịch UBND huyện Mường Khương. Vài tháng đầu, có thể cán bộ xã và người dân không biết, nhưng giờ đây, họ đã quen với hình ảnh Chủ tịch huyện với dáng người nhỏ bé “thoắt ẩn thoắt hiện” lúc ở xã này, khi ở xã khác. Sau mỗi ngày rong ruổi ở xã, tối về, dưới ánh đèn làm việc, Chủ tịch UBND huyện Lê Ngọc Dương đặt ra muôn vàn câu hỏi: Tại sao người dân nghèo? Nguyên nhân chính dẫn đến nghèo? Hiệu quả đầu tư của Nhà nước như thế nào?... Và ông cũng tự trả lời cho từng câu hỏi mà chính mình đặt ra.

Để có câu trả lời chính xác nhất, mỗi xã nghèo, Chủ tịch UBND huyện Lê Ngọc Dương đều đến 2 -3 lần, trực tiếp thu thập thông tin về hạ tầng kinh tế - xã hội, tỷ lệ hộ nghèo, phỏng vấn người nghèo, từ đó xây dựng bức tranh tổng quan của từng xã nghèo. Bằng kinh nghiệm của người từng làm quản lý cấp sở, Chủ tịch UBND huyện Lê Ngọc Dương nhận thấy 2 vấn đề ở các xã trên địa bàn huyện cần phải tập trung giải quyết, đó là hạ tầng và nguồn nước. “Đáp số rất đơn giản, nhưng quá trình tìm ra lại tốn rất nhiều công sức, đòi hỏi sự nỗ lực và trách nhiệm”, Chủ tịch UBND huyện Lê Ngọc Dương tâm sự. Quả thực, để tìm được “đáp số” về nguồn nước, đồng chí Chủ tịch UBND huyện đã dành 10 chuyến công tác đến xã La Pan Tẩn, hỏi tỉ mỉ người dân về các khe nước trên địa bàn, rồi khảo sát thực địa. Có những khe nước theo chỉ dẫn của người dân, đi bộ hơn 2 tiếng đồng hồ, lúc xuống “lao đầu xuống đất”, khi lên “bở hơi tai” nhưng không biết vì lý do nào đó, nguồn nước không còn. Khó khăn, vất vả là vậy, nhưng chưa lúc nào Chủ tịch UBND huyện “bỏ cuộc”, nguồn này không có nước thì tìm nguồn khác.

Với Chủ tịch UBND huyện Lê Ngọc Dương, không chỉ đơn thuần là tìm được nguồn nước, mà quá trình thực tế sẽ giúp người lãnh đạo quan sát, nắm được địa hình, địa chất, tập quán canh tác của bà con… sẽ giúp ích cho công việc sau này. Thành quả cho những nỗ lực của Chủ tịch UBND huyện chính là tìm được “mỏ nước” có thể đầu tư xây đập dâng, tạo hồ chứa trên núi, giải quyết được nhu cầu nước cho sản xuất và sinh hoạt của người dân cả 3 xã Tả Thàng, La Pan Tẩn, Cao Sơn. Đề xuất làm “hồ treo” của Chủ tịch UBND huyện Lê Ngọc Dương được đánh giá là táo bạo và chưa từng được đề cập đến ở khu vực 3 xã nói trên, nhưng với “con mắt” của người làm kỹ thuật, kết hợp khảo sát thực địa kỹ lưỡng, Chủ tịch UBND huyện hoàn toàn tin tưởng vào tính khả thi. “Tâm huyết, trách nhiệm giúp đỡ 2 xã nghèo của tôi không bao giờ thay đổi, những việc đang làm chỉ là bước khởi đầu. Để hoàn thành mục tiêu, đến năm 2025, trên địa bàn huyện sẽ không còn xã nghèo, rõ ràng trách nhiệm của tôi còn lớn hơn, đòi hỏi tôi và đội ngũ cán bộ các phòng, ban của huyện và của các xã cùng đồng hành, chung tay vì sự nghiệp lớn”- Chủ tịch UBND huyện Lê Ngọc Dương trải lòng.

Lãnh đạo xã Nậm Chày (Văn Bàn) kiểm tra mô hình nuôi nhốt gia súc của người dân.

Lãnh đạo xã Nậm Chày (Văn Bàn) kiểm tra mô hình nuôi nhốt gia súc của người dân.

Theo Nghị quyết 20/NQ-TU ngày 24/5/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về giảm nghèo bền vững đối với các xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 40% trở lên đến hết năm 2020, tầm nhìn đến 2025, có xét đến năm 2030, trong 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh, huyện Văn Bàn có xã Nậm Chày. Chưa bao giờ, một nguồn lực lớn (vật chất, con người) được “mang” đến xã Nậm Chày. Ban Thường vụ Huyện ủy Văn Bàn đã ban hành Nghị quyết số 10 –NQ/HU về giảm nghèo bền vững xã Nậm Chày giai đoạn 2019 -2030; đồng thời thành lập Ban Chỉ đạo Giảm nghèo bền vững xã Nậm Chày giai đoạn 2019 -2030 do Bí thư Huyện ủy Nguyễn Thành Sinh làm Trưởng Ban; Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện làm Phó Trưởng ban, với 24 thành viên là các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ, ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện và lãnh đạo các cơ quan. Cùng với đó, Ban Thường vụ Huyện ủy Văn Bàn đã quyết định thành lập 8 tổ công tác giúp đỡ 8 thôn của xã Nậm Chày trong công tác giảm nghèo. Bí thư Huyện ủy Nguyễn Thành Sinh cho biết: Đây là lần đầu tiên, Ban Thường vụ Huyện ủy cử lực lượng cán bộ hùng hậu, có năng lực và kinh nghiệm để giúp đỡ xã Nậm Chày. Đó cũng là việc hiện thực hóa chủ trương của tỉnh, địa phương không thể “khoanh tay” đứng nhìn, mà phải “xắn tay” cùng với lãnh đạo tỉnh được phân công giúp đỡ xã nghèo sớm thoát nghèo.

Những chuyến công tác đến xã Nậm Chày của Ban Chỉ đạo huyện, của các tổ công tác diễn ra như “con thoi”, thậm chí còn tạo ra “cuộc đua” giữa các tổ công tác, cơ quan, đơn vị được giao giúp đỡ các thôn của xã Nậm Chày. Những nội dung, nhiệm vụ liên quan đến ngành nào thì ngành đó phải nắm rõ, kịp thời tham mưu cho huyện chỉ đạo thực hiện, thay vì như trước, các ngành của huyện đợi xã báo cáo, rồi “dành thời gian nghiên cứu, xem xét”, thành ra cả “núi” công việc mà xã cần huyện giải quyết ngày càng chất cao. Hơn nữa, để tránh hình thức, hằng tháng, Ban Thường vụ Huyện ủy tổ chức đánh giá, kiểm điểm chất lượng lãnh đạo, chỉ đạo công tác giảm nghèo xã Nậm Chày đối với các đồng chí được phân công giúp đỡ. “Những đồng chí được phân công giúp đỡ xã, các tổ công tác được phân công giúp đỡ thôn, nếu công việc không đạt (chất lượng, tiến độ), Huyện ủy sẽ nghiêm túc kiểm điểm và thay thế, không để ảnh hưởng đến mục tiêu đề ra”.

Với sự vào cuộc trách nhiệm, quyết liệt trên tinh thần “Không bỏ lại các xã nghèo phía sau” của lãnh đạo các địa phương, bước đầu đã đem lại sự “chuyển mình” trong tư duy, nhận thức và hành động của cán bộ xã và cho những “quả ngọt” trong phát triển kinh tế - xã hội.

Bài 3: Nhen lên ngọn lửa khát vọng thoát nghèo

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/348087-bai-2-lanh-dao-dia-phuong-khong-the-khoanh-tay-dung-nhin