Bài 2: Liên kết chuỗi giá trị - Tăng hiệu quả sản xuất
Đứng trước những biến động ngày càng phức tạp và bất ổn của nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam chịu nhiều tác động buộc hoạt động sản xuất nông nghiệp ngoài sản xuất thuần túy đáp ứng đủ sản lượng còn cần phù hợp với nhu cầu của thị trường. Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp nông nghiệp đã kết nối thị trường với người sản xuất để đưa sản phẩm nông nghiệp ra thế giới dù giá cả sản phẩm biến động và đôi lúc còn bấp bênh.
Thiết bị cơ giới do một doanh nghiệp đầu tư cho người trồng mía (ảnh minh họa)
Tuy nhiên, nông nghiệp Việt Nam ở hầu hết các loại cây trồng vẫn chưa thể hiện được thế mạnh trong việc liên kết chuỗi giá trị nông nghiệp từ khâu nguyên liệu đầu vào cùng người nông dân đến áp dụng các giải pháp kỹ thuật để tăng hiệu quả cây trồng và bảo đảm chất lượng sản phẩm đầu ra đúng yêu cầu. Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất tự chủ nguồn cung còn khá khan hiếm, các giải pháp hỗ trợ nông dân tự mua nguyên liệu sản xuất thông qua các đại lý trung gian vẫn còn lẻ tẻ nên chất lượng hàng hóa không được bảo đảm, giá cao, chịu lãi suất lớn nếu mua trả sau. Người dân lựa chọn trên cơ sở tư vấn của đại lý hoặc với giá thấp mà hiện tượng phân bón giả, thuốc BVTV giả, thức ăn chăn nuôi giả đang là vấn đề nóng hiện nay, ảnh hưởng tới hiệu quả sản xuất của nông dân.
Nhận thức được vấn đề đó, hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp điển hình cho hoạt động chuỗi liên kết từ đầu vào, giải pháp kỹ thuật đến đầu ra sản phẩm như Mía đường Nghệ An (Nasu), Mía đường Lam Sơn (LSS), Mía đường Quảng Ngãi (QNS) hay các doanh nghiệp thuộc Thành Thành Công – Biên Hòa (TTC AgriS). Cây mía là cây nông nghiệp có hiệu quả thấp hơn so với một số loại cây trồng khác như cây ăn quả nếu xét trên đơn vị diện tích héc-ta. Do vậy, các doanh nghiệp mía đường cần hướng tới hiệu quả sản xuất tổng thể và tiến hành nhiều giải pháp cung ứng đầu vào như đầu tư phân bón, giống, tiền cho người trồng mía.
Tiêu biểu như một số doanh nghiệp như Lam Sơn, Thành Thành Công - Biên Hòa đã thực hiện các mô hình ngân hàng đất đai để liên kết lại thành cánh đồng lớn để phát huy hiệu quả cơ giới, chương trình giống sạch bệnh 3 cấp thông qua nuôi cấy mô nhằm giúp giống mía sạch bệnh hơn, cũng như các chương trình đầu tư máy móc thiết bị để giảm chi phí sản xuất, tăng sự chính xác trong hoạt động nông nghiệp, tổ chức dịch vụ thu hoạch và vận chuyển cho người trồng mía bảo đảm mía thu hoạch mang về nhà máy trong vòng 24 giờ để giải quyết vấn đề thu hoạch đầu ra người trồng mía và cung ứng về mặt tài chính với lãi suất tương đối cạnh tranh so với lãi suất đi vay nông nghiệp chung.
Việc tổ chức liên kết cung ứng các giải pháp đầu vào sản xuất có thể giảm được 5% - 10% chi phí sản xuất so với thông thường tương ứng 30.000 – 60.000 VND/tấn mía 10 CCS khi so sánh với việc các doanh nghiệp không liên kết để người trồng mía tự triển khai. Đặc biệt, lợi nhuận/ha của mía đường có thể thấp hơn nhưng giải pháp liên kết thành cánh đồng lớn để tăng hiệu quả/nông hộ/năm có thể giúp thu nhập lên 200 – 300 triệu VND/hộ/năm, thậm chí nhiều nông hộ có thể có thu nhập (sau khi trừ chi phí) lên đến 3 – 3,5 tỷ đồng/hộ/năm như trường hợp một số người trồng mía tại Tây Ninh…
Để phát triển được chuỗi liên kết này, doanh nghiệp phải có tầm nhìn dài hạn và đầu tư vào các giải pháp nghiên cứu, phát triển đội ngũ nhân sự cũng như chịu sự đánh đổi nhiều chi phí trong hoạt động.