M&A chờ bùng nổ dưới thời Tổng thống Donald Trump

Các ngân hàng và công ty đầu tư M&A kỳ vọng sự tái xuất Nhà Trắng của ông Donald Trump sẽ giúp mang lại nhiều thỏa thuận mới hơn so với dự đoán trước đây. Các bên bảo lãnh nợ cũng háo hức giành chiến thắng.

Cử tri ở Las Vegas, bang Nevada (Mỹ) reo hò khi theo dõi ông Donald Trump phát biểu trong bữa tiệc bầu cử được phát sóng trên truyền hình ngày 6/11/2024. Ảnh: AFP

Cử tri ở Las Vegas, bang Nevada (Mỹ) reo hò khi theo dõi ông Donald Trump phát biểu trong bữa tiệc bầu cử được phát sóng trên truyền hình ngày 6/11/2024. Ảnh: AFP

Các giao dịch LBO sẽ chiếm sóng

Ông Trump, người vừa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024, dự kiến sẽ đề cử một chủ tịch mới của Ủy ban Thương mại Liên bang để thay thế bà Lina Khan, một quan chức được cho là đã chặn một loạt các vụ mua lại vì lý do chống độc quyền, theo Bloomberg.

Người kế nhiệm bà Lina Khan có thể sẽ thân thiện hơn với các thương vụ M&A lớn.

Nhiều thương vụ trong số đó có khả năng được chi trả bằng nợ. Ngoài ra, lập trường thân thiện với doanh nghiệp chẳng hạn như có khả năng giảm thuế doanh nghiệp của ông Trump - người sẽ nhậm chức Tổng thống thứ 47 của Mỹ vào tháng 1 năm sau, có thể góp phần thúc đẩy sự trở lại của các thương vụ mua lại làm đòn bẩy vốn tư nhân.

Trong khi đó, chi phí lãi vay đang giảm trên cả thị trường cho vay công và tư khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tiếp tục cắt giảm thêm lãi suất cơ bản trong vài ngày qua.

"Bạn có các thị trường liên kết và trực tiếp đang rất cần các giao dịch", ông Rob Fullerton, giám đốc toàn cầu về tài chính đòn bẩy tại Jefferies Financial Group, cho biết. "Bạn cũng có thanh khoản rất lớn trên cả thị trường cho vay và trái phiếu", ông Fullerton nói thêm.

Triển vọng kinh tế Mỹ trở nên tích cực hơn vào năm tới với tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát được cải thiện, theo ông Fullerton. "Bây giờ với chính quyền mới (chính quyền của Tổng thống Trump - BTV), thị trường đang kỳ vọng vào một môi trường hành chính thân thiện hơn với doanh nghiệp", đại diện Jefferies Financial Group nói thêm, đồng thời nhấn mạnh: "Điều này sẽ tốt cho M&A".

Tuy nhiên, vẫn còn những trở ngại để thực hiện các thương vụ. Bởi lẽ, định giá các mục tiêu khả thi là cao do thị trường chứng khoán Mỹ tăng vọt sau chiến thắng của ông Trump, nhưng bên mua thường không muốn trả giá cao nhất.

Thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ chứng kiến làn sóng bán tháo sau khi chiến thắng của ông Trump đẩy lợi suất lên mức cao nhất trong nhiều tháng, bởi lẽ ông Trump được dự đoán sẽ ủng hộ các chính sách như áp thuế nhập khẩu mạnh mẽ và điều này có thể đẩy lạm phát tăng lên.

Các nhà kinh tế trên khắp Phố Wall đã giảm bớt kỳ vọng của họ về việc cắt giảm lãi suất của Mỹ, bất luận Fed đã tiếp tục cắt giảm thêm lãi suất vài ngày trước.

"Đã có hy vọng từ lâu rằng sẽ có nhiều hoạt động mua lại bằng đòn bẩy (LBO) hơn nữa", Trip Morris, đồng giám đốc tài chính đòn bẩy tại Wells Fargo & Co. cho biết. Vị này lưu ý: "Nhưng tôi không biết những thách thức cơ bản xung quanh việc mua và bán công ty có khác biệt như vậy không".

Hoạt động mua lại bằng đòn bẩy đã được cải thiện trong năm nay so với năm ngoái. Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, các công ty cổ phần tư nhân đã công bố chi ít nhất 94 tỷ USD để tiếp quản các công ty đại chúng của Mỹ trong năm nay, tăng 63% so với cùng kỳ năm 2023.

Thị trường xuất hiện nhu cầu bị dồn nén trong số các công ty cổ phần tư nhân để thực hiện các giao dịch. Các công ty đầu tư đã sử dụng tiền mặt của mình để mua lại các công ty và họ cũng chịu áp lực phải bán các công ty để trả lại vốn cho các nhà đầu tư. Trong khi đó, sự cạnh tranh giữa các thị trường nợ được hợp vốn rộng rãi và các bên cho vay trực tiếp đang làm giảm chi phí đi vay.

Phí bảo hiểm rủi ro đã trở nên chặt chẽ hơn trên cả thị trường trái phiếu lợi suất cao và trái phiếu đầu tư, khiến việc vay vốn rẻ hơn một chút so với trước đây.

Nhu cầu nợ của các nhà đầu tư đã giúp tạo ra làn sóng tái cấp vốn trong các khoản vay đòn bẩy, đẩy lượng phát hành trong năm nay lên trên 1.000 tỷ USD, một con số kỷ lục.

Chiến thắng của ông Trump có thể thuyết phục các công ty đã né tránh rủi ro M&A trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, giờ đây yên tâm hơn khi có vẻ như áp lực chống độc quyền sẽ được giảm bớt. Chẳng hạn, Qualcomm đã quyết định đợi sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ mới quyết định xem có theo đuổi đề nghị mua lại Intel hay không.

Các công ty cổ phần tư nhân cũng có thể hưởng lợi từ môi trường hành chính dễ thở hơn, thuận lợi hơn cho hoạt động của Phố Wall. Tuy vậy, đến thời điểm này vẫn còn quá sớm để dự đoán đầy đủ những tác động của nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trump. Thị trường đang chờ đợi thông tin cụ thể về các chính sách của ông Trump, đặc biệt là về thuế quan, lãi suất và chi tiêu của chính phủ nhiệm kỳ mới, bởi tất cả các chính sách này đều có thể làm tăng lạm phát.

Ông Fullerton, giám đốc toàn cầu về tài chính đòn bẩy tại Jefferies Financial Group, dự đoán nửa cuối năm 2025 có thể chứng khiến khối lượng M&A tương tự năm 2021 và các lĩnh vực tăng trưởng như công nghệ và chăm sóc sức khỏe sẽ có sức hút lớn. "Tôi nghĩ bạn sẽ thấy một lượng khổng lồ các giao dịch LBO", ông Fullerton nhận định.

Những điều cần chú ý

Tín dụng toàn cầu gia tăng sau thông tin ông Trump đắc cử Tổng thống thứ 47 của Mỹ. Các nhà quản lý tiền tệ cũng đang chuẩn bị cắt giảm thuế và nới lỏng quy định để có khả năng thúc đẩy lợi nhuận của doanh nghiệp.

Mới đây nhất, Trung Quốc đã cấp cho các địa phương đang sa lầy nợ một khoản cứu trợ trị giá 10.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 1.400 tỷ USD), nhưng vẫn chưa tung ra các biện pháp kích thích mới nhằm bảo toàn khả năng ứng phó với một cuộc chiến thương mại tiềm tàng khi ông Trump nhậm chức vào đầu năm tới.

Một số doanh nghiệp lớn nhất của Mỹ có thể mất xếp hạng đầu tư đáng mơ ước của mình, làm thị trường ngập trái phiếu lợi suất cao với khoản nợ lên tới 60 tỷ USD sau khi lạm phát tăng vọt đã đẩy chi phí hoạt động của họ lên cao.

Đáng chú ý, tập đoàn viễn thông Verizon Communications sẽ mua lại tới 3,5 tỷ USD nợ đáo hạn trong hai năm tới để giúp kiểm soát đòn bẩy của mình. Còn công ty phần cứng máy chủ Super Micro Computer có thể phải đối mặt với việc hoàn trả sớm trái phiếu lên tới 1,725 tỷ USD nếu những khó khăn về kế toán khiến họ bị loại khỏi sàn chứng khoán Nasdaq.

Trong khi đó, Bank of America đang cân nhắc một giao dịch tài chính có cấu trúc nhằm giảm bớt một số rủi ro trong danh mục đầu tư cho vay doanh nghiệp trị giá 1 tỷ USD.

Công ty đầu tư tư nhân Franchise Group đã xin được cấp phép tạm thời của tòa án đối với khoản vay tới 250 triệu USD từ các chủ nợ cấp cao để tiếp tục hoạt động, trong bối cảnh họ cố gắng cắt giảm nợ và bán mình.

Đầu tuần tới, chuỗi nhà hàng bình dân TGI Fridays sẽ trao đổi với những bên mua tiềm năng. Một luật sư của TGI Fridays tiết lộ rằng công ty này đã hụt một khoản thu "đáng kể" do mất quyền kiểm soát các tài sản mà công ty đã sử dụng để đảm bảo 375 triệu USD trái phiếu mà công ty đã bán vào năm 2017.

Các ngân hàng lớn như Barclays và Deutsche Bank đang phải nắm giữ một phần trong thỏa thuận tái cấp vốn trị giá 2,1 tỷ USD của công ty công nghệ tài chính FNZ Group sau khi không huy động đủ lãi suất để bán toàn bộ khoản vay cho các nhà đầu tư.

Đông Phong

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/ma-cho-bung-no-duoi-thoi-tong-thong-donald-trump-d229678.html