Bài 2: Lợi ích song trùng (Tiếp theo và hết)

Việc trở thành thành viên thứ 7 của ASEAN được nhìn nhận đem lại lợi ích không chỉ cho riêng Việt Nam mà còn cho cả hiệp hội.

“Sáng kiến đầu tiên”

Trong những năm 1980-1990, trên các cương vị trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao rồi Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan là người trực tiếp tham gia tiến trình Việt Nam gia nhập ASEAN cũng như chứng kiến những bước khởi đầu chập chững của Việt Nam tại một “sân chơi” mới. Ngoài ký ức về buổi lễ kết nạp long trọng 25 năm trước, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan vẫn còn nhớ tới một lần họp bàn về thủ tục để Việt Nam gia nhập ASEAN mà ông đánh giá là “rất thú vị”. Vì ngôn ngữ làm việc của ASEAN là tiếng Anh nên ông bắt đầu phát biểu bằng cụm từ “Your Excellency” (thưa ngài). Thế nhưng, ngay lập tức, các đồng nghiệp ASEAN đã đề nghị ông về sau không xưng hô là “ngài” nữa mà chỉ gọi nhau bằng tên như bạn bè cho thân mật.

Một kỷ niệm khác mà nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan không quên nhắc đến là câu chuyện liên quan tới Diễn đàn hợp tác Á-Âu. Tại một cuộc họp của các quan chức cao cấp ASEAN ở Brunei vào năm 1995, phía Singapore đưa ra ý tưởng thành lập Diễn đàn hợp tác Á-Âu nhằm tạo dựng “một mối quan hệ đối tác mới toàn diện Á-Âu vì sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn”, “tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai châu lục và thiết lập đối thoại chặt chẽ giữa các đối tác bình đẳng”. Có ý kiến đề nghị lấy AEM làm tên viết tắt của Diễn đàn hợp tác Á-Âu. Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan nhanh chóng phát hiện ra AEM trùng với tên viết tắt của Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN. “Sau đó có ý kiến đề nghị đổi từ AEM sang EAM. Tôi phát biểu đây là sáng kiến của châu Á, vì vậy tên châu Á nên đứng trước và tôi đã đề xuất là ASEM. Các đại biểu đều nhất trí. Lúc đó, tôi nói đùa rằng đây là sáng kiến đầu tiên của Việt Nam khi trở thành thành viên của ASEAN. Cả hội nghị liền cười”, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan kể.

 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị cấp cao ASEAN 36 diễn ra theo hình thức trực tuyến ngày 26-6-2020. Ảnh: TTXVN.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị cấp cao ASEAN 36 diễn ra theo hình thức trực tuyến ngày 26-6-2020. Ảnh: TTXVN.

Bước tạo đà

Quyết định gia nhập ASEAN là bước đi chiến lược đúng đắn và sáng suốt của Đảng và Nhà nước ta, đánh dấu cột mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước. Kinh nghiệm thành công với ASEAN đã tạo đà để “con tàu” Việt Nam tiến ra “biển lớn”, vững tin mở rộng, nâng tầm quá trình hội nhập quốc tế của đất nước với việc gia nhập Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), ASEM, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và đảm nhiệm thành công vai trò thành viên nhiều cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc như Hội đồng Bảo an, Hội đồng Nhân quyền...

Theo Đại sứ Ong Keng Yong, nguyên Tổng thư ký ASEAN, hiện là Phó chủ tịch điều hành Trường Nghiên cứu Quốc tế S.Rajaratnam (RSIS) thuộc Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), ASEAN là một điểm đột phá đầu tiên để Việt Nam triển khai phương châm đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, giúp Việt Nam chấm dứt thế bị cô lập, đồng thời nâng cao vị thế đất nước. Trong khi đó, nhấn mạnh gia nhập ASEAN đã mở ra cơ hội để Việt Nam phát triển kinh tế và hội nhập kinh tế khu vực, Giáo sư Carlyle Thayer tại Đại học New South Wales (Australia) cho rằng, tư cách thành viên của một tổ chức khu vực thành công như ASEAN gia tăng uy tín cho Việt Nam. “Với việc gia nhập ASEAN, Việt Nam trở thành thành viên của một tổ chức độc lập và không thuộc bất kỳ liên minh của nước lớn nào. ASEAN tạo ra khuôn khổ để Việt Nam xây dựng quan hệ với các nước lớn. Việt Nam hưởng lợi từ các hoạt động hợp tác đa phương mà ASEAN thúc đẩy ngày càng nhiều”, Giáo sư Carlyle Thayer nhấn mạnh khi trả lời phỏng vấn Báo Quân đội nhân dân.

So với nhiều nước thành viên ASEAN, Việt Nam vẫn còn khoảng cách về trình độ phát triển ở một chừng mực nào đó. Tuy vậy, Việt Nam có thể tự hào về những đóng góp ngày càng quan trọng của mình cho hiệp hội trong suốt 25 năm qua. Việc kết nạp Việt Nam vào năm 1995 chính là bước khởi đầu quan trọng đối với tiến trình mở rộng và phát triển của ASEAN. Ngay sau khi tham gia ASEAN, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy ASEAN kết nạp Campuchia, Lào và Myanmar để đến năm 1999, giấc mơ về một đại gia đình ASEAN gồm 10 quốc gia Đông Nam Á trở thành hiện thực, tạo nền tảng thiết yếu cho ASEAN trở thành một tổ chức khu vực toàn diện, liên kết sâu rộng và có vai trò quan trọng ở Đông Nam Á cũng như châu Á-Thái Bình Dương như ngày nay.

Vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu, chỉ 3 năm sau khi gia nhập “mái nhà chung” ASEAN, Việt Nam đã để lại trong lòng bạn bè ASEAN và quốc tế những ấn tượng sâu sắc khi tổ chức thành công Hội nghị cấp cao (HNCC) ASEAN lần thứ 6 tại Hà Nội vào tháng 12-1998. Với việc thông qua Chương trình hành động Hà Nội, HNCC ASEAN 6 đã góp phần quan trọng giúp ASEAN duy trì đoàn kết, hợp tác và củng cố vị thế quốc tế trong lúc hiệp hội đang ở thời điểm khó khăn nhất do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Đặc biệt, theo Giáo sư Carlyle Thayer, Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2010 với những kết quả thực chất, như mở rộng HNCC Đông Á (EAS) bao gồm tất cả các nước lớn ở khu vực, thành lập cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN Mở rộng (ADMM+), qua đó góp phần thúc đẩy “văn hóa thực thi”.

Dấu ấn Việt Nam trong ASEAN đâu chỉ có vậy. Giáo sư Carlyle Thayer cho rằng những đóng góp nổi bật khác của Việt Nam với ASEAN trong chặng đường 25 năm qua còn được ghi nhận trong quá trình xây dựng Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Ðông (DOC) ký giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002, Hiến chương ASEAN năm 2007, hay đại diện cho ASEAN dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20)... Không phải nói đâu xa, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã chủ động, tích cực thúc đẩy đoàn kết, thống nhất và điều phối nỗ lực chung của Cộng đồng ASEAN trong ứng phó với dịch bệnh theo đúng tinh thần “Gắn kết và chủ động thích ứng”. Tuyên bố Chủ tịch ASEAN ngày 14-2-2020 khẳng định quyết tâm, cam kết chính trị ở mức cao của ASEAN để kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh, việc tổ chức HNCC đặc biệt ASEAN và HNCC đặc biệt ASEAN+3 về ứng phó đại dịch Covid-19 hay HNCC ASEAN 36 theo hình thức trực tuyến chính là những minh chứng cụ thể. “Việt Nam đã kích hoạt tất cả các kênh trực tuyến sẵn có để duy trì các cuộc thảo luận trong ASEAN. Với tinh thần đoàn kết và gắn kết, Việt Nam còn chủ động hỗ trợ vật tư y tế cho các quốc gia láng giềng. Sự hỗ trợ đó không chỉ dừng lại ở các nước ASEAN mà còn nhiều quốc gia khác ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ”, Đại sứ Ong Keng Yong nêu rõ.

HOÀNG VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/doi-ngoai/doi-ngoai/bai-2-loi-ich-song-trung-tiep-theo-va-het-629159