Bảo đảm an toàn tuyến đê tả Đáy ở Thanh Liêm

Tuyến đê tả Đáy trên địa bàn huyện Thanh Liêm có tổng chiều dài hơn 20,7 km đi qua địa phận thị trấn Kiện Khê và các xã: Thanh Thủy, Thanh Tân, Thanh Nghị, Thanh Hải. Những năm qua, tuyến đê thường xuyên được Nhà nước quan tâm đầu tư tôn cao, áp trúc và mở rộng mặt đê, bảo đảm cao trình thiết kế, đáp ứng yêu cầu đi lại và nâng cao khả năng phòng chống thiên tai. Hiện nay, tuyến đê tả Đáy đang tiếp tục được xây dựng, nâng cấp mở rộng mặt đê và các hạng mục công trình với tổng chiều dài 11,14 km.

Để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, những năm qua, Nhà nước đã ưu tiên nguồn vốn để xây dựng, nâng cấp, tu bổ một số đoạn trên tuyến đê tả Đáy. Trong đó, năm 2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đầu tư kinh phí láng nhựa và bê tông mặt đường đoạn 6 từ K135+863 – K137+516 xã Thanh Nghị chiều dài 1,65 km; năm 2019 thi công đoạn 5 từ K132+554 – K134+685 (Thanh Nghị ) chiều dài 2,1 km. Từ năm 2018 - 2020 toàn tuyến đê được láng nhựa, bê tông với tổng chiều dài 18,5 km. Theo đánh giá của ngành chức năng, tuyến đê tả Đáy được hoàn thiện có bề mặt rộng 8m, chiều dài hơn 2,8 km và hơn 2 km có mặt rộng 7m còn lại các đoạn mặt cắt hẹp so với thiết kế dưới 5m. Mặc dù nhiều đoạn mặt đê đã được nâng cấp, cải tạo nhưng chưa đồng bộ dẫn đến nhiều vị trí bê tông bị xuống cấp, một số đoạn rải đá cấp phối xuất hiện ổ gà. Mái phía hạ lưu và thượng lưu vẫn còn một số đoạn chưa bảo đảm yêu cầu. Nhiều đoạn đê nằm sát sông có dòng chủ lưu đâm thẳng vào chân đê nên dễ gây ra xói lở; một số đoạn có mặt đê thoáng rộng mùa lũ dễ gây ra hiện tượng sạt trượt... Những tồn tại này tập trung chủ yếu ở các đoạn từ K122 – K128+015 với chiều dài khoảng 6 km (từ xã Thanh Tân đến xã Thanh Nghị). Ông Trần Văn Thắm, Chủ tịch UBND xã Thanh Hải cho biết: Tuyến đê tả Đáy qua địa phận thôn Tri Xuyên được đầu tư xây dựng với chiều dài hơn 1 km đáp ứng yêu cầu của người dân và địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ đê điều. Việc xây dựng đoạn đê không những bảo đảm ổn định thân đê, nâng cao hiệu quả phòng, chống thiên tai, bảo đảm an toàn giao thông mà còn đẩy mạnh phát triển kinh tế trong khu vực.

Đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ xây dựng đê tả Đáy, đoạn qua xã Thanh Thủy.

Đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ xây dựng đê tả Đáy, đoạn qua xã Thanh Thủy.

Mặc dù việc xây dựng mặt đê bằng bê tông, asphalt tại một số đoạn của tuyến đê tả Đáy trên địa bàn huyện Thanh Liêm đã đạt được những kết quả tích cực, song do nguồn vốn đầu tư, tu bổ đê điều trên toàn tuyến còn hạn chế, các dự án mới cơ bản thực hiện xây dựng theo hiện trạng, không triển khai mở rộng mặt đê. Trong khi đó, nhiều khu vực mặt đê nhỏ hẹp, một số đoạn mới đổ bê tông một bên và chưa hoàn thiện toàn bộ mặt đường. Đơn cử như đoạn đê qua các thôn: Tân Hưng, Đức Hòa (Thanh Tân), Trung Thành, Trung Thứ (Thanh Thủy) bề mặt đê chỉ từ 3 – 3,5 m; một số vị trí khác mặt đê xuống cấp, nhất là đoạn tiếp giáp giữa xã Thanh Thủy với xã Thanh Tân.

Thực hiện xây dựng đồng bộ tuyến đê tả Đáy kết hợp đường giao thông theo quy hoạch trên địa bàn huyện Thanh Liêm, ngày 25/8/2022 Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định số 3242/QĐ-BNN-PCTT phê duyệt dự án thành phần số 12 nâng cấp tuyến đê tả Đáy đoạn từ K117+810 đến K129+000 tỉnh Hà Nam thuộc dự án Tu bổ xung yếu hệ thống đê điều giai đoạn 2021 – 2025 với tổng chiều dài 11,14 km. Dự án tiến hành nâng cấp, xử lý các trọng điểm xung yếu, hoàn thiện mặt cắt đê nhằm từng bước tăng cường khả năng chống lũ, bão góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Trong đó, đắp áp trúc mặt đê bằng đất đắp đầm chặt đạt K95, đoạn qua khu dân cư gia cố mặt rộng 7,5m, lề mỗi bên rộng 0,25m. Kết cấu gia cố mặt đê bằng lớp bê tông nhựa hạt mịn dày 5 cm, lớp bê tông láng nhựa hạt thô dày 7 cm, lớp đá dăm loại 1 dày 15 cm, lớp cấp đá dăm loại 2 dày 30 cm và mái đê trồng cỏ. Một số vị trí qua khu dân cư khó khăn về mặt bằng bố trí xây dựng tường chắn chân đê chiều cao 1m, kết cấu bê tông cốt thép. Cùng với đó, xây dựng mới đường hành lang phía đồng tại một số khu vực với tổng chiều dài khoảng 2,85 km gia cố bằng bê tông dày 20 cm, rộng 4,5 m, phía dưới là lớp cấp phối đá dăm dày 18 cm. Ngoài ra, dự án xây dựng mới một số điếm canh đê cũ đã bị xuống cấp, lắp đặt các biển báo, cải tạo, vuốt nối, gia cố các dốc phù hợp với mặt đê. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 138,3 tỷ đồng, trong đó vốn Trung ương hơn 123,5 tỷ đồng và hơn 14,7 tỷ đồng ngân sách địa phương phục vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB). Ông Đào Xuân Ảnh, Chủ tịch UBND xã Thanh Tân cho biết: Tuyến đê qua địa phận xã chiều dài khoảng 3,7 km. Thời gian qua, địa phương đã vận động các hộ ảnh hưởng đất bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thi công dự án. Tuy vậy, hiện nay còn hơn 20 cột điện cần phải dịch chuyển vị trí nhưng chưa được ngành chức năng thực hiện. Bên cạnh đó, các vị trí đấu nối rãnh thoát nước đường gom dân sinh chưa được các hộ chấp thuận vì ảnh hưởng đến phần đất thổ cư của gia đình. Do vậy, xã tiếp tục vận động các hộ dành đất để lắp đặt vị trí đấu nối và đề nghị ngành chức năng khẩn trương dịch chuyển cột điện để đơn vị thi công theo kế hoạch.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công dự án, thời gian qua các địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ ảnh hưởng thu hồi đất đồng thuận bàn giao mặt bằng để xây dựng hoàn thiện các hạng mục công trình. Ông Nguyễn Đắc Khánh, cán bộ kỹ thuật Ban quản lý dự án tỉnh cho biết: Dự án thi công từ tháng 11/2023 và hoàn thành tháng 12/2025. Đến hết tháng 10/2024 dự án đã bàn giao cho đơn vị thi công mặt bằng các đoạn thuộc đất do UBND xã, thị trấn quản lý với tổng chiều dài hơn 9,4 km. Hiện tại nhà thầu thi công đã cơ bản hoàn thiện hết phần đất K95, K98 và nhiều đoạn đến phần cấp phối đá răm với chiều dài hơn 7,2 km; giá trị thi công khoảng đạt 40,5%. Mặc dù vậy, các đoạn từ K118+431 – K119+223 (thị trấn Kiện Khê) dài 748 m; đoạn từ K128+77.86 – K129+000 (Thanh Nghị) chiều dài hơn 927 m chưa hoàn thành GPMB. Do công tác GPMB chưa hoàn chỉnh nên nhà thầu phải triển khai nhiều đoạn ngắt quãng không liên tục theo tuyến.

Hiện tại dự án thành phần số 12 nâng cấp tuyến đê tả Đáy đoạn từ K117+810 đến K129+000 thực hiện ở một số địa phương đang gặp khó khăn liên quan đến công tác GPMB. Đơn vị thi công mong muốn các cấp, ngành tăng cường phối hợp, sớm hoàn thiện phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB, bảo đảm cho dự án thi công đúng kế hoạch. Nâng cấp và xây dựng đồng bộ các hạng mục trên tuyến đê tả Đáy thuộc địa bàn huyện Thanh Liêm không chỉ góp phần nâng cao khả năng phòng, chống lũ bão, kết nối giao thông mà còn tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa trong khu vực.

Phùng Thống

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/kinh-te/giao-thong-xay-dung/bao-dam-an-toan-tuyen-de-ta-day-o-thanh-liem-140369.html