Bài 2: Một thập kỷ phát triển du lịch thích ứng thời tiết

Sau nhiều trận 'đại hồng thủy', người dân xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình dần có những thích ứng với thời tiết khắc nghiệt, nhất là ý tưởng du lịch thích ứng thời tiết. Với sự nghiêm túc ngay từ khi bắt đầu, trải qua gần 10 năm thực hiện, Tân Hóa đã trở thành đại diện cho khát vọng phát triển của địa phương và quyết tâm giải 'bài toán' du lịch mùa vụ.

Từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu

Thời gian qua, chiến lược du lịch thích ứng với diễn biến phức tạp của thời tiết được các quốc gia và nhiều doanh nghiệp trên thế giới nghiêm túc nghiên cứu, thử nghiệm. Theo ông Kevin Phun, Giám đốc Trung tâm du lịch có trách nhiệm, thành viên của Hiệp hội du lịch châu Á - Thái Bình Dương, du lịch là một ngành kinh tế lý tưởng để hỗ trợ sự thích ứng với thời tiết. Hoạt động này có thể diễn ra theo hai chiều, thích ứng với thời tiết để du lịch và trải nghiệm những trạng thái mới của thiên nhiên. Ngược lại, du lịch sẽ góp phần tích cực vào tiến trình làm chậm tình trạng ấm lên toàn cầu, giảm phát thải khí nhà kính.

Tại Khu nghỉ dưỡng Trượt tuyết Whistler Blackcomb (Canada), đơn vị vận hành đã sử dụng công nghệ sáng tạo “gieo hạt đám mây”, nhằm tạo tuyết hoặc mưa tại một số khu nghỉ dưỡng do lượng tuyết giảm đáng kể vì biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng chuyển một số địa điểm trượt tuyết đến khu vực cao hơn. Ngành du lịch New Zealand thì phát động “Thử thách Carbon du lịch”, nhằm giảm lượng carbon do ngành kinh tế này tạo ra.

Tại Việt Nam, các địa phương có hoạt động du lịch cũng đối mặt với nhiều thách thức đặt ra từ tình trạng biến đổi khí hậu, ảnh hưởng rất lớn đến trải nghiệm của du khách. Nhóm tác giả Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã đưa ra những nghiên cứu nhằm gợi ý việc thay đổi mùa du lịch thích ứng với biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long. Tỉnh Thanh Hóa cũng tích cực thực hiện các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng đến du lịch biển.

Du khách thích thú trải nghiệm vẻ đẹp nguyên sơ trong tour du lịch khám phá Tân Hóa. Ảnh: K.T

Du khách thích thú trải nghiệm vẻ đẹp nguyên sơ trong tour du lịch khám phá Tân Hóa. Ảnh: K.T

Quyết tâm giải bài toán du lịch mùa vụ

Với làng Tân Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình, sau nhiều trận lũ lịch sử được ví như “đại hồng thủy”, người dân dần có những thích ứng riêng về cả tâm thế lẫn chuyển đổi cơ sở vật chất đáp ứng với kiểu thời tiết khắc nghiệt. Từ đây, ý tưởng phát triển du lịch thích ứng thời tiết được chính quyền cùng doanh nghiệp địa phương nhen nhóm thực hiện nhằm bắt kịp xu hướng phát triển chung của thế giới, phát huy lợi thế riêng có của địa phương. Quan trọng hơn là đưa cả cộng đồng dân cư đã sống nhiều thế hệ tại đây tham gia vào mô hình phát triển du lịch bền vững.

Với sự nghiêm túc ngay từ khi bắt đầu, trải qua gần 10 năm thực hiện, Tân Hóa đã trở thành đại diện cho khát vọng phát triển của địa phương và quyết tâm giải "bài toán" du lịch mùa vụ. Phó Giám đốc Sở Du lịch Đặng Đông Hà cho biết: nhằm từng bước đưa Tân Hóa trở thành trung tâm du lịch trọng điểm phía Tây Bắc của tỉnh, UBND tỉnh đã phối hợp với đơn vị du lịch xây dựng chiến lược phát triển từng bước vững chắc cho Tân Hóa. “Người dân địa phương không chỉ tham gia vào hoạt động du lịch mà còn làm chủ các dịch vụ mà họ cung cấp cho khách du lịch”, ông Đặng Đông Hà cho biết.

Thực hiện theo Quyết định 1388/QĐ-UBND ngày 2.6.2014 của UBND tỉnh Quảng Bình về việc phê duyệt đề án và công nhận tuyến du lịch khám phá hệ thống hang động Tú Làn, đến nay, du lịch tại Tân Hóa phát triển đã tạo việc làm ổn định cho 120 lao động địa phương. Giám đốc Công ty Chua Me đất (Oxalis) Nguyễn Châu Á cho biết: người dân được tập huấn và đào tạo để trở thành đầu bếp, trợ lý giám sát an toàn và nhân viên phục vụ khách du lịch trong các tour khám phá Tú Làn.

Bên cạnh cơ sở lưu trú của doanh nghiệp, 10 cơ sở lưu trú homestay được người dân quản lý cũng được doanh nghiệp hỗ trợ, triển khai thử nghiệm và sẽ đi vào khai thác chính thức vào tháng 11.2023. Homestay được xây dựng theo mô hình nhà nổi - một hình ảnh gắn liền với vùng “rốn lũ”. Khi xảy ra lụt, homestay sẽ nổi lên theo con nước, bảo đảm an toàn cho du khách mà vẫn mang đến trải nghiệm thú vị. Anh Trương Bá Hoàng, chủ một homestay cho biết: dù có nhiều điều mới mẻ khi ban đầu tiếp cận quá trình phục vụ du khách chuyên nghiệp, nhưng được tập huấn bài bản nên dần thích ứng với công việc mới. Với homestay, gia đình có thêm nguồn thu từ du lịch mà mùa mưa lũ cũng an tâm hơn nhiều.

Tân Hóa được định hướng phát triển theo mô hình làng du lịch thích ứng với thời tiết, cung cấp các trải nghiệm đa dạng cho du lịch từ homestay, trải nghiệm công việc làm nông, ăn uống tại nhà dân, quầy hàng lưu niệm và trong các dịch vụ đa dạng khác dành cho khách du lịch. Đặc biệt, trong điều kiện ngập lụt, một số trải nghiệm du lịch càng có phần thêm khác lạ, giúp du khách hiểu rõ hơn về điều kiện thời tiết của địa phương. Đây cũng là mục tiêu hướng đến của Tour “Trải nghiệm cuộc sống mùa lụt” đã được công ty Chua Me Đất (Oxalis) thử nghiệm trước đó.

Về công tác quảng bá, hình ảnh du lịch Tân Hóa cũng được đầu tư bài bản thông qua hàng trăm bài báo giới thiệu về Tú Làn, Tân Hóa, các bộ phim bom tấn quay tại Tân Hóa như “Kong: Skull Island”, “Người Bất Tử”, “Truyền thuyết về Quán Tiên”... đã giới thiệu vẻ đẹp thiên nhiên nguyên sơ hiếm có đến với đông đảo công chúng trong và ngoài nước.

Khánh Trinh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/du-lich-the-thao/bai-2-mot-thap-ky-phat-trien-du-lich-thich-ung-thoi-tiet-i350531/