Bài 2: Muốn giảng hay, giáo dục khéo phải có cán bộ giỏi

Hiệu quả công tác giáo dục chính trị (GDCT), giáo dục pháp luật (GDPL)... phụ thuộc không nhỏ vào chất lượng giáo án, bài giảng của đội ngũ cán bộ trực tiếp giáo dục, giảng dạy. Do đó, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn 324 (Quân khu 4) đặt ra yêu cầu rất cao về chất lượng chuẩn bị giáo án, bài giảng; chú trọng rèn luyện, bồi dưỡng kỹ năng để xây dựng một đội ngũ giáo viên thực sự ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ.

Để có những bài giảng hay

Gần 22 giờ, sau khi cùng đồng chí đại đội trưởng kiểm tra một lượt các vị trí canh gác của đơn vị, Đại úy Nguyễn Đình Thịnh, Chính trị viên Đại đội Thông tin 18, Trung đoàn 335, tiếp tục ngồi vào bàn làm việc, tranh thủ thục luyện một lượt bài giảng GDCT mà mình được giao đảm nhiệm lên lớp sắp tới.

Với chuyên đề “Một số vấn đề dân chủ và kỷ luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam” dành cho chiến sĩ mới năm 2020, Đại úy Nguyễn Đình Thịnh khéo léo chắt lọc nhiều hình ảnh, video clip trực quan sinh động để minh họa cho bài học, như: Nguyên nhân, hậu quả của một số vụ việc vi phạm kỷ luật trong quân đội những năm gần đây; việc chấp hành nền nếp chế độ, lễ tiết tác phong hằng ngày của cán bộ, chiến sĩ đơn vị... Cùng với đó, anh cũng chuẩn bị sẵn nội dung một số thông tư, hướng dẫn, chỉ thị đã được ban hành, quán triệt để kiểm tra nhận thức bộ đội. Kết hợp liên hệ sát thực tế nhiệm vụ đơn vị, như: Bảo đảm thông tin liên lạc thường xuyên và đột xuất; chức trách, nhiệm vụ của chiến sĩ thông tin; việc chấp hành kỷ luật thông tin, bảo quản tài liệu mật… Đại úy Nguyễn Đình Thịnh tâm sự: “Chất lượng hệ thống giáo án, bài giảng quyết định hiệu quả công tác GDCT, GDPL, tác động trực tiếp đến nhận thức và hành vi của bộ đội. Vì vậy, công việc này càng kỹ càng, chặt chẽ, sát thực tế bao nhiêu thì chất lượng giáo dục sẽ càng thành công bấy nhiêu”.

 Lãnh đạo, chỉ huy Sư đoàn 324 kiểm tra nhận thức của chiến sĩ Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 3. Ảnh: HÀ HỮU TÂN

Lãnh đạo, chỉ huy Sư đoàn 324 kiểm tra nhận thức của chiến sĩ Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 3. Ảnh: HÀ HỮU TÂN

Được biết, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn 324 luôn đặt ra yêu cầu rất cao đối với chất lượng giáo án, bài giảng của đội ngũ cán bộ giảng dạy chính trị. Theo đó, bài giảng phải bảo đảm đúng, đủ nội dung, ngắn gọn, súc tích, có ví dụ, dẫn chứng sát đối tượng và thực tiễn đơn vị. Câu hỏi, nội dung ôn tập, thảo luận phải đúng trọng tâm, trọng điểm; khuyến khích sự sáng tạo, linh hoạt trong quá trình giảng dạy. Trước khi lên lớp hai ngày, cán bộ được phân công giảng dạy phải chuẩn bị đầy đủ câu hỏi và đề cương, đáp án theo nội dung bài giảng, gửi các trung đội, các bộ phận để tiến hành quán triệt và bộ đội nghiên cứu, tìm hiểu trước, làm cơ sở trao đổi, đàm thoại trong quá trình giảng dạy. Bên cạnh đó, quá trình lên lớp, người dạy chỉ tập trung vào ý chính, tăng cường trao đổi, định hướng tư tưởng, nhận thức, khơi gợi khả năng, tư duy sáng tạo của người học.

Trung tá Hoàng Nghĩa Phú, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Trung đoàn 335, chia sẻ: "Để nâng cao chất lượng GDCT, GDPL, hằng năm, Đảng ủy, chỉ huy trung đoàn đều xây dựng kế hoạch bồi dưỡng đội mẫu về công tác giáo dục đối với tổ giáo viên các cấp; tập trung vào phương pháp, cách thức tiến hành, đồng thời cùng nhau chia sẻ bài học hay, kinh nghiệm quý của mỗi đơn vị trong quá trình giảng dạy, giáo dục bộ đội. Hơn thế, đơn vị siết chặt nền nếp, kỷ cương trong quá trình thông qua giáo án; chú trọng đổi mới quyết liệt công tác kiểm tra chính trị; lấy kết quả giảng dạy chính trị, giáo dục bộ đội là một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu trong đánh giá chất lượng cán bộ.

Hòa vào bộ đội, khởi tạo phong trào học tập

Cùng với rèn cán bộ trực tiếp giáo dục bộ đội, giảng dạy chính trị thì việc bồi dưỡng phương pháp duy trì thảo luận ở tổ đối với trung đội trưởng cũng được Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn 324 hết sức coi trọng. Đây cũng là một trong những khâu quyết định đến chất lượng giáo dục và định hướng hành vi bộ đội.

Đại úy Nguyễn Đình Phú, Chính trị viên Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 1), chia sẻ: “Trên cơ sở nội dung lý thuyết trước đó, khi duy trì thảo luận, tôi cùng bộ đội đi sâu phân tích, làm rõ một số nội dung trọng tâm trong bài, rút ra ý nghĩa thực tiễn. Ví như trong chuyên đề “Một số vấn đề dân chủ và kỷ luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam”, các tổ sẽ tập trung làm rõ: Dân chủ, kỷ luật là gì? Để giữ nghiêm kỷ luật và bảo đảm dân chủ trên các mặt công tác, từng cán bộ, chiến sĩ phải có trách nhiệm như thế nào? Quá trình thảo luận, phân tích từng vấn đề nêu trên giúp bộ đội nắm chắc nội dung bài học để áp dụng vào thực tiễn nhiệm vụ, phù hợp cương vị, chức trách”.

Tâm huyết với chủ trương lãnh đạo của cấp ủy, chỉ huy cấp trên, Thiếu tá Nguyễn Viết Dũng, Phó chính ủy Trung đoàn 3, cho biết: “Cùng với chuẩn bị kỹ càng, chất lượng hệ thống giáo án, bài giảng thì việc “học thực chất” của chiến sĩ được đơn vị hết sức quan tâm”. Theo đó, quá trình lên lớp cũng như duy trì thảo luận ở tổ, cán bộ giảng dạy phải làm sao tạo được sự hứng thú, giúp bộ đội chú ý nghe giảng, ghi chép đầy đủ nội dung. Khi được quán triệt các nội dung câu hỏi liên quan đến bài giảng, bộ đội phải tích cực nghiên cứu, tìm hiểu, nắm chắc nội dung cơ bản, làm cơ sở trao đổi, thảo luận với giáo viên trong quá trình học tập, ôn luyện. Thảo luận ở tổ phải sôi nổi, hăng hái phát biểu, không tự ti giấu dốt.

Bàn thêm về nội dung này, Trung úy Huỳnh Anh Khánh, Trung đội trưởng Trung đội 7, Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 1 cho rằng, muốn tạo không khí học tập ở tổ một cách nghiêm túc, hiệu quả, người duy trì vừa phải tổ chức chặt chẽ nhưng không làm ảnh hưởng đến không gian tự học tập, tự nghiên cứu của bộ đội. Cùng với đó, cán bộ phải tạo được quỹ thời gian để tổ 3 người thảo luận; tiếp đó là thảo luận giữa các tổ, giữa các tiểu đội, thậm chí là thảo luận giữa các trung đội với nhau. Trong quá trình đó, người chỉ huy phải thường xuyên kèm cặp, hướng dẫn người học, nhất là chiến sĩ có nhận thức chậm, đồng thời kịp thời định hướng tư tưởng, nhận thức cho bộ đội sau từng nội dung”.

Từ năm 2016 đến nay, Sư đoàn 324 đã có gần 20 mô hình, cách làm sáng tạo được ứng dụng hiệu quả vào quá trình giảng dạy chính trị. 100% cán bộ giảng dạy chính trị sử dụng thành thạo máy tính và kỹ thuật trình chiếu powerpoint trong giảng dạy.

(còn nữa)

NGUYỄN HỒNG SÁNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/bai-2-muon-giang-hay-giao-duc-kheo-phai-co-can-bo-gioi-615818