Bài 2: Ngôi nhà Nga tại Hà Nội - Nhịp cầu thúc đẩy hợp tác giáo dục và ngoại giao nhân dân

Sau hơn 20 năm hoạt động tại Việt Nam, Ngôi nhà Nga đã tích lũy được một kho tàng kinh nghiệm quý báu, xây dựng những chương trình tham quan phù hợp và ý nghĩa cho các đoàn học sinh. Chương trình không chỉ mở ra cơ hội khám phá lịch sử, văn hóa Việt Nam mà còn đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc tăng cường kết nối giữa thế hệ trẻ hai quốc gia.

Đại diện lãnh đạo Ngôi nhà Nga gặp gỡ các em học sinh tham gia dự án “Ngoại giao học đường”.

Đại diện lãnh đạo Ngôi nhà Nga gặp gỡ các em học sinh tham gia dự án “Ngoại giao học đường”.

Năm 2025 đánh dấu sự mở rộng quy mô rõ nét của dự án “Ngoại giao học đường”. Lần đầu tiên có tới 80 học sinh từ tỉnh Irkutsk cùng đến thăm Việt Nam, chia thành hai đoàn (cuối tháng 3, đầu tháng 4).

Là đơn vị đồng hành quan trọng trong hành trình của đoàn, Ngôi nhà Nga (Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga) tại Hà Nội đã xây dựng một chương trình phong phú, kết hợp hài hòa giữa việc tham quan, tìm hiểu văn hóa đất nước và giao lưu trực tiếp với bạn bè đồng trang lứa. Chuyến đi không chỉ mở ra cơ hội khám phá lịch sử, văn hóa Việt Nam mà còn đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc tăng cường kết nối giữa thế hệ trẻ hai quốc gia.

Hành trình trải nghiệm giàu ý nghĩa

Sau hơn 20 năm hoạt động tại Việt Nam, Ngôi nhà Nga đã tích lũy được một kho tàng kinh nghiệm quý báu, xây dựng những chương trình tham quan phù hợp và ý nghĩa cho các đoàn học sinh. Với những hiểu biết sâu sắc về lịch sử và văn hóa Việt Nam, Trung tâm đã xây dựng chương trình cho đoàn học sinh Irkutsk thăm những địa điểm mang đậm giá trị lịch sử và văn hóa, như Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Công viên Lê-nin, Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Hồ Hoàn Kiếm, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam và Văn Miếu-Quốc Tử Giám, biểu tượng cho truyền thống hiếu học, văn hóa và khoa học của Việt Nam.

Các em học sinh tỉnh Irkutsk tham quan làng gốm Bát Tràng.

Các em học sinh tỉnh Irkutsk tham quan làng gốm Bát Tràng.

Bên cạnh đó, đoàn học sinh còn thưởng thức các tiết mục múa rối nước đặc sắc tại Nhà hát múa rối Thăng Long và khám phá làng gốm Bát Tràng, nơi nổi tiếng với nghề thủ công truyền thống.

Không chỉ vậy, để phù hợp với sở thích của lứa tuổi thiếu niên, chương trình còn đưa các em đến Công viên Thiên đường Bảo Sơn, nơi các em có thể thư giãn, tận hưởng những giây phút vui tươi. Những hoạt động này không chỉ giúp các em hiểu hơn về Việt Nam mà còn góp phần tạo nên những kỷ niệm khó quên trong chuyến đi.

“Chính những cuộc trò chuyện chân thành, không khoảng cách ấy đã nhanh chóng kết nối các em học sinh, tạo nên sự thấu hiểu, làm cho chương trình ngoại giao học đường thực sự có giá trị”, Giám đốc Ngôi nhà Nga tại Hà Nội Vladimir Murashkin chia sẻ.

“Ngoại giao học đường” - đầu tư chiến lược cho tương lai

Thúc đẩy ngoại giao học đường không chỉ dừng lại ở các chuyến tham quan và giao lưu, mà còn là chiến lược dài hạn nhằm hình thành một thế hệ công dân toàn cầu - những người hiểu biết lẫn nhau, cùng chia sẻ trách nhiệm trong việc xây dựng một thế giới hòa bình và hợp tác.

Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, ông Vladimir Murashkin, Giám đốc Ngôi nhà Nga tại Hà Nội cho biết, việc giao lưu trực tiếp, không qua màn hình, giữa các bạn trẻ chính là khoản đầu tư dài hạn cho tương lai quan hệ song phương. Những học sinh hôm nay có thể là nhà khoa học, doanh nhân hay chính khách của ngày mai. Họ sẽ mang trong mình không chỉ tri thức, mà cả kinh nghiệm đối thoại liên văn hóa, cũng như khát vọng phát triển hợp tác giữa hai quốc gia. “Mô hình giao lưu thanh niên như vậy chính là sự đầu tư cho tương lai lâu dài”, ông nhấn mạnh.

Ông Vladimir Murashkin, Giám đốc Ngôi nhà Nga tại Hà Nội.

Ông Vladimir Murashkin, Giám đốc Ngôi nhà Nga tại Hà Nội.

Tham gia các chương trình giao lưu, các em học sinh nhận thức được vai trò là những sứ giả đại diện cho đất nước, khu vực của mình, là người mang tiếng nói và văn hóa nước mình đến với bạn bè quốc tế.

Dù mang lại nhiều giá trị thiết thực, các chương trình trao đổi thanh thiếu niên hiện nay vẫn đối mặt với không ít thách thức, đặc biệt là vấn đề tài chính và khâu tổ chức. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng Nga, những rào cản ấy từng bước được tháo gỡ.

Đơn cử, năm 2024, hơn 20 học sinh Việt Nam đã có cơ hội đến Nga trong thời gian một tháng rưỡi. Các trường đại học Nga cũng tích cực tổ chức kỳ thi Olympic, chương trình học bổng, các khóa học mùa hè và chương trình trao đổi chuyên sâu.

Mỗi năm, có khoảng 1.000 sinh viên Việt Nam nhận học bổng toàn phần để theo học tại các cơ sở giáo dục đại học ở Nga, tạo điều kiện thuận lợi để duy trì cầu nối giáo dục.

Nâng cao hiệu quả hợp tác giáo dục song phương

Khi bàn về giải pháp mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả của các chương trình hợp tác giáo dục, đại diện Ngôi nhà Nga nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường công tác tuyên truyền. Ông cho biết, các nền tảng của Ngôi nhà Nga tại Hà Nội thường xuyên cập nhật thông tin về các cơ hội tham gia cuộc thi và các chương trình khác nhau.

Bên cạnh đó, ông đề xuất cần phát triển thêm các chương trình và dự án dài hạn. Một ví dụ điển hình là chương trình “Thế hệ mới”, tạo cơ hội cho các chuyên gia trẻ từ Việt Nam và nhiều quốc gia khác học tập và tích lũy kinh nghiệm tại Nga. Ngoài ra, còn có một số dự án đáng chú ý như “Sứ giả tiếng Nga” và “Thạc sĩ tiếng Nga”.

Tiết mục nghệ thuật tại lễ kỷ niệm Ngày Quốc khánh Nga, do Ngôi nhà Nga tổ chức.

Tiết mục nghệ thuật tại lễ kỷ niệm Ngày Quốc khánh Nga, do Ngôi nhà Nga tổ chức.

Giám đốc Ngôi nhà Nga cũng nhấn mạnh vai trò thiết yếu của các cơ quan nhà nước, cơ sở giáo dục và các tổ chức xã hội trong việc thúc đẩy hợp tác. Ông chia sẻ, mỗi năm có tới 1.000 sinh viên Việt Nam nhận học bổng toàn phần để học tại các trường đại học Nga.

Trong bối cảnh Việt Nam và Liên bang Nga ngày càng mở rộng hợp tác đa phương diện, việc học tiếng Nga đang trở nên thiết thực hơn bao giờ hết. Hiện có khoảng 5.000 học sinh và sinh viên Việt Nam đang theo học tiếng Nga tại các trường đại học, trung học chuyên nghiệp và phổ thông. Tuy nhiên, con số này vẫn còn khiêm tốn nếu so với tiềm năng hợp tác giữa hai quốc gia.

Nhờ sự kết nối bền vững giữa Ngôi nhà Nga tại Hà Nội, các tổ chức hữu nghị, cơ sở giáo dục và cộng đồng học sinh-sinh viên hai nước, “ngoại giao học đường” đang trở thành một trụ cột quan trọng trong quan hệ hợp tác song phương. Không chỉ tạo cơ hội giao lưu, gặp gỡ, các chương trình này còn góp phần bồi đắp nền tảng nhân văn cho mối quan hệ Việt-Nga, hướng tới một tương lai đầy triển vọng.

THANH NGA

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/bai-2-ngoi-nha-nga-tai-ha-noi-nhip-cau-thuc-day-hop-tac-giao-duc-va-ngoai-giao-nhan-dan-post871568.html