Bài 2: Người con của đồng bào
Một trong những nguyên nhân khiến kinh tế ở các bản, xã biên giới chậm phát triển so với các địa phương khác là phương thức, kỹ thuật sản xuất còn lạc hậu… Nhận thức rõ vấn đề này, những năm qua, lực lượng bộ đội biên phòng (BĐBP) đã và đang triển khai nhiều mô hình, hướng dẫn đồng bào dân tộc miền biên giới phát triển kinh tế một cách bền vững.
Bài 1: Tấm “lá chắn” quân hàm xanh
Hướng đi mới cho kinh tế vùng biên
Đã có một thời gian dài, người dân vùng cao, đặc biệt là những xã biên giới, do nhận thức còn hạn chế đã chọn phương thức sản xuất “du canh, du cư”, đốt rừng làm nương rẫy… khiến rừng xanh liên tục "chảy máu", việc quản lý dân cư, bảo đảm an ninh trật tự gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, những năm gần đây, thông qua tuyên truyền, hướng dẫn của BĐBP, đồng bào dân tộc nơi vùng cao đã từng bước thay đổi thói quen, tập tục.
Và cũng từ đây, những mô hình kinh tế đem lại hiệu quả cao ngày càng xuất hiện nhiều hơn, góp phần quan trọng trong việc bảo đảm đời sống Nhân dân, an ninh biên giới, chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
Đứng giữa đồi mận hậu xanh bạt ngàn, chạy dọc theo các sườn núi chờ đến ngày thu hoạch, anh Phàng Lao Lang, bản Pa Kha 1, xã Chiềng Tương, huyện Yên Châu (tỉnh Sơn La) cho biết, trước đây, những diện tích này chủ yếu trồng ngô, hiệu quả kinh tế không cao. "Trồng ngô rất vất vả nhưng tiền chẳng được bao nhiêu, cả vụ may ra được 20 – 30 triệu đồng, trừ chi phí phân bón, công sức… tiền bán ngô không đủ ăn.
Từ khi BĐBP đồn Chiềng Tương hướng dẫn người dân chuyển sang trồng cây mận hậu, thu nhập đã cao hơn nhiều. Từ ngày được bộ đội dạy cách trồng mận hậu, hai vợ chồng tôi chỉ ở nhà chuyên tâm làm ăn, không đi đốt rừng làm nương nữa, con cái cũng được đi học, không phải nay đây mai đó theo bố mẹ nữa” – anh Phàng Lao Lang cho hay.
Không chỉ hướng dẫn đồng bào huyện Yên Châu trồng mận hậu, mô hình trên cũng được BĐBP tỉnh Sơn La triển khai tại các huyện Vân Hồ, Mai Sơn. Ngoài ra, lực lượng BĐBP tỉnh Sơn La đang triển khai mô hình trồng cây chanh leo tại xã Sóng Lập, huyện Mộc Châu. Đồng thời, tiếp tục kiên trì hướng dẫn kỹ thuật để nhân rộng, phát triển lúa nước hai vụ, mô hình VAC, chăn dê núi, nuôi bò sinh sản tại các huyện Sốp Cộp, Yên Châu, Mộc Châu theo hướng nâng cao năng suất và giá trị.
Tương tự, tại bản Tân Phong, xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên), những mô hình phát triển kinh tế mới đã được chiến sĩ BĐBP đồn Si Pa Phìn triển khai đến đồng bào dân tộc, từng bước đem lại hiệu quả cao hơn cách trồng trọt, chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát trước đây. Bí thư Đảng ủy xã Tân Phong Lò Văn Chinh cho biết: "Từ khi cán bộ biên phòng hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc khoai tây, năng suất và hiệu quả kinh tế đã tăng lên rõ rệt. Đồng bào ai cũng ưng, phấn khởi, an tâm sinh sống ổn định, không du canh, du cư".
Đồng hành cùng sự phát triển của vùng cao
Không chỉ giúp dân trong việc phát triển kinh tế, trong những ngày bám trụ với miền biên ải, các chiến sĩ BĐBP còn tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, giúp người dân xóa bỏ những tập tục lạc hậu. Đồng thời mỗi chiến sĩ là một tuyên truyền viên tích cực, từng bước chuyển tải những chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào dân tộc vùng biên. Nhờ vậy, đời sống của người dân từng bước được nâng lên.
Trưởng ban Công tác Mặt trận bản Hua Pe, xã Thanh Luông (tỉnh Điện Biên) Đường Văn Dộn phấn khởi chỉ tay về phía ngôi nhà sàn mới xây cho biết, từ khi được BĐBP cùng ăn, cùng ở, hướng dẫn các biện pháp bảo đảm vệ sinh môi trường, đồng bào Khơ Mú đã không nhốt trâu bò dưới gần nhà sàn nữa.
“Bản Hua Pe có 100% đồng bào là dân tộc Khơ Mú, nhận thức của bà con còn hạn chế. Từ khi bộ đội dạy cách làm chuồng trâu, vận động đồng bào không nên sinh con thứ 3, vì nhà nghèo, đông con càng khổ, không có cái ăn, đến nay cả bản Hua Pe không có hộ sinh con thứ 3” – Trưởng ban Công tác Mặt trận bản Hua Pe Đường Văn Dộn cho biết.
Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đồn biên phòng Mường Pồn (Điện Biên), Trung tá Trần Anh Tuấn cho biết, ngoài việc giúp đồng bào phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, Đồn đang nhận đỡ đầu hai bản Pá Chả và Nậm Ty. Đây là hai bản khó khăn nhất của hai xã biên giới Mường Pồn và Hua Thanh. Đến nay, tại bản Pá Chả đã hoàn thành 9/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trong khi đó, bản Nậm Ty còn vướng tiêu chí về điện.
“Đồn biên phòng Mường Pồn đang tiếp tục phối hợp với chính quyền xã kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí, nguyên vật liệu để hoàn thiện tiêu chí về điện cho đồng bào dân tộc nơi đây ổn định cuộc sống, tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội” – Trung tá Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.
Chia sẻ với chúng tôi, Trung tá Lương Hoàng Hiển - Đồn trưởng Đồn biên phòng Si Pha Phìn, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên cho biết: "Bộ đội luôn phải nói ít làm nhiều để đồng bào thấy. Ngoài ra, trong việc triển khai các quy định của pháp luật, chính sách tại địa phương vẫn còn bất cập, chúng tôi đề xuất để giải quyết kịp thời thì bà con tin ngay. Tôi cũng từng mất cả năm trời mới được người có uy tín nhất bản mời vào nhà. Mình phải nắm rõ, sinh hoạt như đồng bào từ phong tục, tập quán, đời sống, hiểu tiếng nói, tâm lý của đồng bào. Bởi, khi đã trở thành người con, người nhà của bản, của đồng bào thì bất cứ việc gì, dù khó đến mấy cũng thành công".
(còn nữa)
Theo thống kê của Bộ Tư lệnh BĐBP tỉnh Sơn La, trong năm 2020, các đơn vị BĐBP trong tỉnh tham gia giúp dân làm đường ống nước sạch dài 1,5km. Đồng thời vận động phối hợp xây dựng căn nhà cho Nhân dân trị giá 150 triệu đồng; 1 nhà đồng đôị̣ trị giá 80 triệu đồng; xây dựng 5 phòng học trị giá 1,3 tỷ đồng; xây dựng 130m tường rào, 180m2 sân trường và xây dựng nhà vệ sinh cho trường mầm non...