Bài 2: Nhiều khó khăn trong sắp xếp đơn vị hành chính
Thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, nhiều địa phương đã có sự cân nhắc kỹ lưỡng, lựa chọn phương án tối ưu nhất để việc sắp sếp đạt kết quả tích cực, thuận lợi cho hoạt động của đơn vị hành chính mới, tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp Nhân dân. Việc sắp xếp kịp ổn định tổ chức bộ máy và tiến hành Đại hội đảng bộ các cấp ở cơ sở. Tuy nhiên, qua thực tiễn sắp xếp cho thấy còn rất nhiều khó khăn trong triển khai .
Giảm 07 đơn vị hành chính cấp huyện, 373 đơn vị hành chính cấp xã
Kết luận số 1036/KL-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 ngày 29/10/2024 nêu rõ: Trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, đến nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, thông qua 37 Nghị quyết về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 37 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2023-2025 (chưa bao gồm việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Thừa Thiên Huế đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành về nguyên tắc nhưng chưa ban hành Nghị quyết).
Qua đó, đã thực hiện sắp xếp đối với 25 đơn vị hành chính cấp huyện, 756 đơn vị hành chính cấp xã trong giai đoạn 2023 - 2025; giảm được 07 đơn vị hành chính cấp huyện, 373 đơn vị hành chính cấp xã.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp
Trước đó, tại phiên họp ngày 24/10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2025 của 21 tỉnh, thành phố. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trên cơ sở đề nghị của UBND 21 tỉnh, thành phố và của Bộ Nội vụ, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp, thành lập đối với 18 đơn vị hành chính cấp huyện và 487 đơn vị hành chính cấp xã thành 12 đơn vị hành chính cấp huyện và 254 đơn vị hành chính cấp xã mới của 21 tỉnh, thành phố. Các địa phương này gồm Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bắc Ninh, Bến Tre, Bình Định, Bình Thuận, Cà Mau, Đà Nẵng, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Kiên Giang, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Long An, Quảng Bình, Quảng Nam, Nghệ An, Thái Nguyên, Thanh Hóa và Yên Bái.
Quá trình lãnh đạo, tổ chức thực hiện, thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành cũng như tinh thần trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị tại 21 tỉnh, thành phố nêu trên được đánh giá cao trong việc quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng và các quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Tuy nhiên, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để tiếp tục khẩn trương hoàn thành việc sắp xếp và tổ chức triển khai thi hành các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 tại các địa phương trong cả nước, kịp ổn định tổ chức bộ máy và tiến hành Đại hội đảng bộ các cấp ở cơ sở, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương quan tâm, lưu ý một số nội dung. Trong đó, có những yêu cầu cụ thể đối với các đơn vị hành chính thuộc diện phải sắp xếp mà Chính phủ đề nghị chưa thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2023-2025; Đối với Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của 13 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương còn lại.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị tập trung các giải pháp và nguồn lực để bảo đảm giữ vững ổn định chính trị, an ninh, quốc phòng, giải quyết tốt vấn đề bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cá nhân, tổ chức khi thay đổi giấy tờ có liên quan và các điều kiện cần thiết khác cho hoạt động của các đơn vị hành chính vừa được sắp xếp, thành lập mới, hạn chế gây xáo trộn lớn đến đời sống của Nhân dân. Bên cạnh đó, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để giải quyết những khó khăn của cán bộ, Nhân dân khi sắp xếp đơn vị hành chính.
Khó sắp xếp đội ngũ cán bộ dôi dư
Sắp xếp đơn vị hành chính là một chủ trương lớn của Đảng. Từ giai đoạn 2019-2021 Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và các địa phương đã quyết tâm cao trong thực hiện. Kết quả cho thấy chúng ta đã đạt được những mục tiêu yêu cầu đề ra về tinh gọn tổ chức bộ máy, mở rộng không gian phát triển, đồng thời phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương.
Tuy nhiên, cũng như giai đoạn trước, thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện xã trong giai đoạn 2023-2030 cũng gặp những khó khăn nhất định. Theo báo cáo của Chính phủ, sau 4 năm kể từ khi Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp, đổi mới các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có hiệu lực, vẫn còn nhiều vấn đề tồn đọng. Cụ thể, 58 cán bộ, công chức cấp huyện và 1.405 cán bộ, công chức cấp xã dôi dư vẫn chưa được sắp xếp hoặc giải quyết chế độ.
Cũng theo báo cáo của Chính phủ, giai đoạn 2023 - 2025, cả nước thực hiện sắp xếp 49 đơn vị cấp huyện và 1.247 đơn vị hành chính cấp xã của 53 địa phương, việc sáp nhập phải hoàn thành trước tháng 10/2024. Tuy nhiên, so với tiến độ và yêu cầu đề ra, đến nay việc sắp xếp còn chậm.
Trước hết xuất phát từ việc đây là nội dung phức tạp, mức độ tác động, ảnh hưởng lớn, khối lượng công việc đồ sộ, quy trình thực hiện được tiến hành chặt chẽ, qua nhiều giai đoạn nên các địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc bảo đảm tiến độ thời gian theo yêu cầu.
Mức kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Trung ương đối với mỗi đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã còn hạn chế, sẽ không đảm bảo so với nhu cầu chi thực tế. Hiện nay, sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính, nhiều địa phương gặp khó khăn trong việc cân đối nguồn kinh phí để thực hiện cải tạo cơ sở hạ tầng, sửa chữa các trụ sở UBND cấp xã sau sắp xếp, cũng như xử lý vấn đề sắp xếp vị trí việc làm và chế độ, chính sách đối với số công chức dôi dư sau khi giảm số lượng đơn vị hành chính cấp xã.
Không chỉ đối với những địa phương ngân sách eo hẹp, trong khi đội ngũ cán bộ dôi dư lớn, ở ngay những tỉnh có đề án đã được thông qua cũng phải thực hiện với một quyết tâm rất lớn.
Đơn cử như ở Phú Thọ là một trong những địa phương có số lượng đơn vị hành chính phải sắp xếp khá lớn (có 20 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sắp xếp và 10 đơn vị hành chính cấp xã liền kề; đồng thời tiến hành thành lập mới 12 đơn vị hành chính cấp xã mới) tuy nhiên, khó khăn lớn là vấn đề sắp xếp cán bộ cấp xã, đây là số được đào tạo rất cơ bản, năng lực thực tiễn tốt. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là ngân sách của Phú Thọ rất khó khăn, khó cân đối, có hỗ trợ chế độ chính sách cho đội ngũ này thì chỉ một phần nhỏ. Do vậy, Phú Thọ đề nghị TW cần có chính sách hỗ trợ cán bộ dôi dư ở mức phù hợp để cán bộ có trợ cấp thỏa đáng. Chính sách này cần ban hành trước khi sắp xếp.
Tại TP Hà Nội, sau sắp xếp giảm 53 đơn vị hành chính cấp xã. Với số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách được giao định mức trên 4.032 người (hiện có 3.383 người). Sau sắp xếp, số cán bộ, công chức, người hoạt động chuyên trách dôi dư là 1.031 người UBND thành phố Hà Nội đưa ra phương án sắp xếp, bố trí cán bộ dôi dư theo lộ trình 5 năm. Theo đó, gồm cả việc thực hiện điều động sang xã, phường còn chỉ tiêu. Trường hợp dôi dư không bố trí sắp xếp được thì động viên nghỉ hưu trước tuổi hoặc thôi việc theo nguyện vọng.
Hay như tại Vĩnh Phúc, một địa phương khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính được cho là có nhiều thuận lợi, cả về sự ủng hộ của người dân, lẫn các điều kiện đảm bảo, đặc biệt về cơ chế tài chính. Tuy nhiên, với đội ngũ cán bộ phải bố trí sau khi sắp xếp cũng đặt ra cho Vĩnh Phúc nhiều vấn đề phải xử lý. Trong đó, bố trí đội ngũ cán bộ cấp xã rất khó sắp xếp (trưởng các tổ chức chính trị, xã hội sau sắp xếp chỉ được bố trí 01 người, trong khi đó trưởng một số tổ chức chính trị, xã hội chưa đảm bảo điều kiện để sát hạch, tiếp nhận sang công chức theo quy định).
Ngoài ra, tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi tháng 8/2024, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cũng lý giải về việc có 21 đơn vị hành chính cấp huyện và 508 đơn vị hành chính cấp xã không thuộc diện sắp xếp là do các đơn vị này hội tụ một trong 4 yếu tố đặc thù không phải sắp xếp theo đúng tinh thần Nghị quyết 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Như vậy, nhìn lại quá trình thực hiện Nghị quyết 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy chủ trương của Đảng về sắp xếp đơn vị hành chính là phù hợp thực tiễn, đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, đây là công việc khó, nhạy cảm, phức tạp, do đó trong giai đoạn tiếp theo cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.
(Còn tiếp)