BÀI 2: Nhìn lại để đi tới

Theo đánh giá của một số doanh nghiệp xuất khẩu thanh long, hiện dư địa của thanh long nước ta vẫn còn lớn.

Để sản xuất và phát triển bền vững cây thanh long, vấn đề trước mắt hiện nay là phải tổ chức lại sản xuất theo hướng an toàn, chú trọng việc liên kết sản xuất, tiêu thụ.

CƠ HỘI VẪN CÒN?

Thực tế cho thấy, hiện nay thanh long của nước ta nói chung và Tiền Giang nói riêng đang chịu sự cạnh tranh khá gay gắt. Sản lượng thanh long chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc nên tiềm ẩn nguy cơ biến động về giá. Chưa kể, thị trường Trung Quốc hiện nay cũng có sự cạnh tranh lớn khi nước này đang phát triển diện tích thanh long lớn, chưa kể là sự cạnh tranh từ một số nước trong khu vực Đông Nam Á. Khó khăn là vậy, nhưng theo một số doanh nghiệp xuất khẩu, thanh long của nước ta vẫn còn nhiều dự địa phát triển.

Theo ông Trần Hữu Danh, Giám đốc Công ty TNHH Long Việt (huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang), dù tình hình tiêu thụ thanh long đang rất khó khăn, nhưng nông dân nên bình tĩnh. Đối với những vườn thanh long già cỗi, nông dân nên thay đổi giống.

Thu hoạch thanh long ở huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: NHỰT THƯỞNG

Thu hoạch thanh long ở huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: NHỰT THƯỞNG

Theo dự báo của các doanh nghiệp xuất khẩu, trong 1 - 2 năm tới, nông dân trồng thanh long sẽ có cơ hội, chắn chắn giá sẽ tốt hơn.

“Vừa qua, chúng tôi lập một đoàn khoảng 4 doanh nghiệp sang Trung Quốc để xem tình hình phát triển thanh long của nước bạn như thế nào. Hiện một số thanh long ở Trung Quốc đang bị phá bỏ, không chăm sóc nữa. Nguyên nhân là do trước đây Trung Quốc hỗ trợ tất cả chi phí, nhân công cho nông dân để trồng và phát triển cây thanh long.

Tuy nhiên, hiện chính quyền Trung Quốc không còn cung cấp nguồn vốn tài trợ cho nông dân, do đó dẫn đến hàng ngàn ha thanh long đang bị chặt bỏ, không có người chăm sóc. Từ đó, chúng tôi nhìn thấy rằng, tiềm năng của thanh long Việt Nam còn rất nhiều. Theo đánh giá bước đầu, vài năm tới đây, thanh long sẽ hồi phục về giá”- ông Trần Hữu Danh cho biết.

Theo Quyền Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang Đặng Văn Tuấn, việc Trung Quốc hạn chế nhập khẩu trái thanh long, cũng như các loại trái cây khác của nước ta đã được cảnh báo khá lâu, chứ không phải chỉ trong đợt dịch Covid-19 vừa qua.

Theo xu hướng chung, nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển nhanh, việc tiêu thụ các sản phẩm dần chú trọng đến chất lượng, siết chặt việc nhập khẩu thực phẩm. Do đó, nếu sản phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, không đảm bảo quy hoạch, việc tiêu thụ vào thị trường này sẽ khó khăn trong thời gian tới.

Do đó, sắp tới, dù khó khăn, nhưng phải hình thành các mô hình liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ; từ đó xác định được mã số vùng trồng, mã số kho, đóng gói, truy xuất nguồn gốc để việc xuất khẩu đảm bảo bền vững…

Ở góc nhìn khác, Phó Giám đốc Hợp tác xã Mỹ Tịnh An (xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) Văn Tấn Phương cho biết, không riêng gì thị trường Trung Quốc, các thị trường khác hiện cũng trong tình hình chung là chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng như tác động từ cuộc chiến giữa Nga - Ukraine. Do dịch bệnh nên cước vận chuyển tăng cao ở những thị trường cao cấp. Xung đột Nga - Ukraine cũng ảnh hưởng rất nhiều đến lượng hàng xuất sang châu Âu.

Theo đánh giá, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn và tiềm năng để xuất khẩu thanh long của nước ta. “Nhìn trên bình diện chung, Trung Quốc vẫn là một thị trường tiềm năng rất lớn và có thể là thị trường số 1 trong việc tiêu thụ thanh long của Việt Nam, không thể bỏ qua được. Cây thanh long Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng. Do đó, nông dân không nên vội vã. Đối với thành viên hợp tác xã, từ giai đoạn thanh long rẻ cho đến giờ, chưa có một hộ nào phá thanh long” - ông Phương thông tin thêm.

PHẢI LÀM KHÁC

Trước những cơ hội và thách thức hiện nay buộc lòng chuỗi sản xuất, tiêu thụ thanh long cần có cách làm khác. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang, thị trường tiêu thụ thanh long đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi dịch Covid-19 chưa được kiểm soát triệt để. Trong những năm tới, thị trường tiêu thụ chủ yếu là Trung Quốc và một số nước như Hàn Quốc, Mỹ, Nhật… nhưng sẽ không có đột biến trong tăng trưởng nhu cầu mà vẫn giữ mức tương đối ổn định.

Mặt khác, một số nước đang phát triển sản xuất thanh long như Trung Quốc, Ấn Độ… dẫn đến thị trường tiêu thụ sẽ thu hẹp, nhất là sản phẩm sản xuất không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Với tốc độ phát triển nhanh cây thanh long trong những năm qua, hiện diện tích, năng suất và sản lượng thanh long đã đạt và vượt mục tiêu đề ra đến năm 2025.

Chuỗi sản xuất thanh long cần được thay đổi để phù hợp với yêu cầu của thị trường.

Chuỗi sản xuất thanh long cần được thay đổi để phù hợp với yêu cầu của thị trường.

Trong thời gian tới, việc sản xuất thanh long cần tập trung nâng cao về chất lượng và giải quyết đầu ra để nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất. Trong giai đoạn 2022 - 2025, tỉnh Tiền Giang phấn đấu có khoảng 3.600 ha đạt chuẩn GAP. Theo đó, tỉnh sẽ tổ chức sản xuất theo mô hình liên kết, nâng cao chất lượng trái thanh long đạt tiêu chuẩn xuất khẩu; tạo điều kiện thực hiện liên kết chuỗi giá trị với các công ty, tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm giúp sản xuất thanh long đạt hiệu quả và bền vững. Trên cơ sở quy hoạch dự án phát triển cây thanh long trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, các địa phương có kế hoạch cân đối nguồn vốn đầu tư công để xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất.

Cũng theo Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang, tỉnh sẽ thông qua các chính sách đầu tư về vốn vay để khuyến khích doanh nghiệp, công ty đầu tư xây dựng cơ sở, kho, bãi thu mua, sơ chế, ưu tiên ứng dụng công nghệ cao trong chế biến sâu về thanh long. Đồng thời, tạo điều kiện cho doanh nghiệp gặp gỡ các tổ hợp tác, hợp tác xã ký kết tiêu thụ thanh long. Trước mắt, tỉnh sẽ xây dựng mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ trên sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Ông Lê Văn Thủy (xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo) là một nông dân có nhiều năm gắn bó với cây thanh long. Theo ông Thủy, nhiều năm qua, cây thanh long đã giúp ích rất nhiều cho cuộc sống của người dân địa phương. Nhiều người thoát nghèo, vươn lên làm giàu cũng từ cây thanh long. Thời gian gần đây, thanh long rớt giá là khó khăn chung của người dân cả nước. Do đó, người dân không nên vội vàng phá bỏ cây thanh long đã gắn bó, giúp nông dân nâng cao thu nhập này.

Có thể nói, để hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ thanh long bền vững, các tổ hợp tác, hợp tác xã đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối giữa doanh nghiệp và nông dân.

Do đó, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục hỗ trợ và hướng dẫn các tổ hợp tác, hợp tác xã tiếp cận và nhận hỗ trợ từ các chính sách: Đầu tư kết cấu hạ tầng; hỗ trợ thu hút cán bộ trẻ làm việc có thời hạn; đào tạo, bồi dưỡng, củng cố, nâng cao năng lực hoạt động, tháo gỡ khó khăn cho các tổ hợp tác, hợp tác xã. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp sẽ xây dựng chiến lược phát triển thị trường; trong đó, chú trọng đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá thanh long để phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ tránh phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc; đẩy mạnh phát triển sản xuất thanh long an toàn, VietGAP.

THÁI AN - ANH THƯ

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202204/vi-sao-thanh-long-giam-suc-hut-bai-2-nhin-lai-de-di-toi-948901/