Bài 2: Nhìn thẳng vào tồn tại
Xe buýt Hà Nội đang đứng trước hàng loạt khó khăn, kìm hãm sự phát triển. Bảo đảm được những điều kiện thuận lợi nhất cho xe buýt hoạt động, nâng cao chất lượng nhân lực, tăng khả năng kết nối và tiếp cận sẽ giải quyết được nhiều vấn đề nóng mà giao thông Hà Nội đang đối mặt.
Nhân sự chưa chuyên nghiệp
Theo thông tin của Sở GTVT TP Hà Nội, tính đến hết tháng 6/2023, mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn TP Hà Nội gồm 154 tuyến. Trong đó, có 132 tuyến trợ giá, 8 tuyến không trợ giá, 12 tuyến buýt kế cận và 2 tuyến City Tour. Mạng lưới xe buýt tiếp cận đến 30/30 quận, huyện, thị xã, đạt 100%.
Với hàng trăm tuyến xe buýt, đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ trên xe buýt tại Thủ đô có đến hàng nghìn người. Việc duy trì số lượng, nâng cao chất lượng nhân sự đang là một thách thức với các đơn vị vận tải.
Nhiều người dân thường xuyên sử dụng xe buýt để đi lại đánh giá về chất lượng phục vụ, cả phương tiện và nhân lực đều còn tồn tại một số vấn đề bất cập như lái xe ẩu, phương tiện xập xệ, phụ xe thiếu văn minh… làm giảm tính hấp dẫn của xe buýt.
Anh Hà Minh Hoàng, trú tại phường Mỗ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội chia sẻ: “Tôi sử dụng xe buýt để đi lại hằng ngày nhiều năm nay. Một số tuyến xe buýt tài xế không dừng đỗ khi đến điểm dừng, cửa lên xuống không được mở đủ, nhân viên thu vé tỏ thái độ thiếu hòa nhã…”.
Không ít người dân đặt câu hỏi: vì sao một bộ phận lái phụ xe lại thiếu niềm nở, văn minh, lịch sự, nhiệt tình với hành khách? Phải chăng công việc phục vụ trên xe buýt quá vất vả, khó khăn, trở thành gánh nặng tâm lý với họ; hay mức độ đãi ngộ, thù lao chưa cao khiến họ không toàn tâm, toàn ý với nghề?
Chuyên gia giao thông Vũ Tuấn Linh nhận định: “Có một số nguyên nhân chính dẫn đến chất lượng phục vụ của nhân viên lái phụ xe buýt chưa đạt được kỳ vọng như: tiền lương so với mức sống hiện tại chưa cao, không đủ khích lệ người lao động. Bên cạnh đó, nhân viên xe buýt chưa yêu nghề, chưa nhận thức rõ ý nghĩa giá trị công việc mình đang làm”.
Theo ông Vũ Tuấn Linh, nhiều tuyến buýt của Hà Nội sử dụng nhân lực chưa được qua đào tạo bài bản, chuyên sâu. Hiện nay, chưa có một trường lớp chính thức nào dạy nghề phục vụ trên xe buýt. Theo quy định có lớp tập huấn cho lái và phụ xe buýt diễn ra hằng năm nhưng cần xem xét lại giáo trình đào tạo đã đáp ứng nhu cầu hay chưa. Hiện nay, các đơn vị tự đào tạo theo giáo trình khung do Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ Việt Nam trước đây ban hành. Tuy nhiên, cần cập nhật thêm những đòi hỏi của giai đoạn hiện nay.
Thiếu điều kiện ưu tiên
Không chỉ dừng lại ở vấn đề nhân lực, xe buýt Hà Nội đang bị hạn chế rất lớn về khả năng bảo đảm hành trình do phải di chuyển chung cùng các loại phương tiện khác trong tình cảnh ùn tắc. Việc triển khai đồng bộ các giải pháp, tạo không gian lưu thông cho xe buýt sẽ là chìa khóa trong việc giảm thiểu phương tiện cá nhân.
Muốn nâng cao chất lượng dịch vụ, xe buýt Hà Nội cần có nguồn nhân lực ổn định, được đào tạo bài bản, chuyên sâu. Các đơn vị vận tải cần phải chủ động được nguồn nhân lực. Ngoài ra cũng cần bảo đảm được thu nhập đáp ứng đời sống cho lái xe, phụ xe.
Chuyên gia giao thông,
Thạc sĩ Vũ Tuấn Linh
Chị Nguyễn Thảo Vân, trú tại phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội cho hay: “Xe buýt hiện tại vẫn còn một số bất cập như nhiều điểm chờ được bố trí chưa hợp lý, thiếu mái che hay nằm ngay cạnh bãi rác, điểm chờ xuống cấp nghiêm trọng”.
Cũng theo chị Nguyễn Thảo Vân, việc xe buýt đi chậm, còn phải “giành giật” từng mét đường với các phương tiện khác cũng khiến loại hình này trở nên kém hấp dẫn đối với nhiều người.
Thạc sĩ xã hội học Nguyễn Văn Dương cho rằng, không ít người dân vẫn e dè với xe buýt. Hiệu quả mà xe buýt đem lại chưa đạt được như kỳ vọng. Một trong những nguyên nhân chính là loại hình vận tải hành khách công cộng này vẫn phải “chen chân” cùng các phương tiện khác, vật lộn với ùn tắc mỗi ngày. Thời gian di chuyển của những chuyến xe buýt quá dài, giữa các lượt chuyến vẫn còn khoảng trống, hành khách phải chờ đợi quá lâu do tắc đường.
Thời gian qua, số lượng xe cá nhân gia tăng chóng mặt. Càng nhiều xe cá nhân, giao thông quá tải, quãng thời gian đi lại bằng xe buýt lại càng dài, trở thành một trong những điểm yếu nhất của xe buýt. Việc di chuyển bằng xe buýt vào giờ cao điểm hiện nay gặp rất nhiều khó khăn khi đường phố chật kín phương tiện. Có lúc phải mất hàng giờ trên xe buýt, muộn học, muộn làm khiến nhiều người buộc lòng phải chuyển sang đi phương tiện cá nhân. “Xe buýt là loại xe cỡ lớn, được sử dụng với mục đích phục vụ đa số người dân, thay thế xe cá nhân. Vì thế, nó cần được ưu tiên tối đa về không gian lưu thông để phát huy thế mạnh” - Thạc sĩ xã hội học Nguyễn Văn Dương nói
Trong quá trình mở mới các tuyến buýt, việc bố trí điểm dừng còn có chỗ chưa hợp lý. Việc nghiên cứu tổ chức làn đường dành riêng cho xe buýt, phát triển những điểm trung chuyển còn chưa đạt được kết quả theo yêu cầu. “Đối với người dân, việc tiếp cận xe buýt còn khá khó khăn ở nhiều nơi. Một số đoạn tuyến vỉa hè không đủ rộng để lắp đặt nhà chờ, thậm chí còn không có cả vỉa hè để lắp đặt điểm dừng. Hạ tầng xe buýt bị xâm phạm, biến thành điểm bán hàng rong, dừng đỗ xe... ảnh hưởng không nhỏ đến công tác vận hành của xe buýt và an toàn của hành khách khi đi xe” - Thạc sĩ Nguyễn Văn Dương nhìn nhận.
(Còn nữa)
Những năm qua, Hà Nội đã có nhiều giải pháp để mở rộng không gian lưu thông, nâng cao hiệu quả hoạt động của xe buýt. Đơn cử như tuyến xe buýt BRT ra đời vào năm 2017 với ưu điểm là năng lực vận chuyển lớn, có làn đường riêng, xe buýt BRT được kỳ vọng sẽ giảm được ùn tắc giao thông. Hầu hết người dân khi đi xe buýt nhanh đều hài lòng về chất lượng dịch vụ tốt, xe sạch sẽ hiện đại, dễ dàng tiếp cận, nhưng ưu điểm lớn nhất là có làn đường riêng lại bị hạn chế cực kỳ lớn bởi vấn đề muôn thuở: xe cá nhân lấn làn, chèn ép. Chính vì vậy, thực tế vận hành của xe buýt BRT thời gian qua tại Hà Nội chưa được như kỳ vọng.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bai-2-nhin-thang-vao-ton-tai.html