Tai nạn giao thông mãi báo động, vì sao?

Đường sá đang dần rộng mở, các quy định pháp luật xử lý vi phạm giao thông được áp dụng triệt để, nhưng tai nạn giao thông vẫn xảy ra ở mức báo động

Hơn nửa tháng trôi qua, sự ra đi của nữ nghệ sĩ Lê Phương vẫn để lại niềm tiếc thương cho hàng xóm, người hâm mộ. Xóm nhỏ thuộc ấp 35, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP HCM, nơi nghệ sĩ này ở trọ, sáng 18-11, nhiều người vẫn tiếp tục nhắc lại với niềm tiếc thương người nghệ sĩ trẻ chịu thương chịu khó.

Nỗi đau dai dẳng

Anh Tuấn, làm shipper thường xuyên giao hàng cho nghệ sĩ Lê Phương, cho hay tối hôm trước, chị ấy còn chuyển khoản cho em 56.000 đồng tiền hàng thì hôm sau nghe tin chị ấy bị tai nạn giao thông (TNGT) mất khi trên đường đi hát đám tang ở Long An. Đời người quá vô thường.

TNGT không chỉ cướp đi sinh mạng của những người đang tuổi cống hiến cho xã hội mà còn để lại nỗi đau khôn nguôi cho người ở lại. Như vụ TNGT ngày 7-11, xảy ra trên đường Phan Văn Hớn, quận 12 khiến chị N.T.N.G (40 tuổi) ra đi mãi mãi, còn con gái chị G. bị gãy chân. Gia đình chị G. rất khó khăn khi vợ chồng chị có 3 con nhỏ, trong đó 2 bé đầu không may bị câm điếc bẩm sinh, phải theo học tại trường dành cho trẻ khiếm khuyết...

Nhan nhản trên báo chí, mạng xã hội từ Facebook, TikTok đến YouTube... thường xuyên đăng tải, cập nhật thông tin các vụ TNGT xảy ra trên địa bàn. Chỉ trong một ngày, trên các trang mạng xã hội: Tôi là dân Hóc Môn, Tôi là dân Thủ Đức... liên tiếp đăng tải các vụ TNGT chết người. Cá biệt có thời điểm, chỉ trong 11 ngày (từ ngày 10-10 đến 21-10-2024), trên địa bàn TP Thủ Đức có 5 nữ sinh tử vong vì TNGT.

Thống kê mới đây của Ban An toàn Giao thông (ATGT) TP HCM cho thấy, 10 tháng đầu năm 2024, toàn thành phố đã xảy ra 1.234 vụ TNGT, làm chết 380 người và bị thương 768 người.

Về nguyên nhân các vụ TNGT, theo Ban ATGT TP HCM, hầu hết số vụ xảy ra do ý thức người tham gia giao thông như thiếu quan sát khi chuyển hướng, vượt xe, đi không đúng làn đường, sử dụng bia rượu... Tai nạn xảy ra nhiều trên tỉnh lộ, kế đến là nội thị và quốc lộ. Nhóm tuổi bị TNGT nhiều nhất là 27 đến 55, kế đến là 18 đến 27 tuổi.

Vụ tai nạn giao thông chiều 10-10 khiến 2 nữ sinh tử vong ở TP Thủ Đức, TP HCMẢnh: ANH VŨ

Vụ tai nạn giao thông chiều 10-10 khiến 2 nữ sinh tử vong ở TP Thủ Đức, TP HCMẢnh: ANH VŨ

Dự báo đáng lo ngại

Thống kê của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM cho thấy, trong 10 tháng đầu năm 2024, công tác bảo đảm ATGT, giảm ùn tắc giao thông được duy trì thường xuyên, liên tục. Theo đó đến tháng 9-2024, Sở GTVT đã xóa 3 điểm đen giao thông, hiện còn 7 điểm đen gồm vòng xoay Mỹ Thủy (TP Thủ Đức), nút giao Bình Thuận (huyện Bình Chánh), nút giao Nguyễn Văn Linh - Quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh); nút giao Quốc lộ 1 - Tân Kỳ Tân Quý (quận Bình Tân); cầu vượt thép nút giao Ba Tháng Hai - Nguyễn Tri Phương (quận 10)... Sở GTVT tiếp tục theo dõi, dùng nhiều biện pháp về điều chỉnh đèn tín hiệu, biển cảnh báo, camera để khắc chế.

TNGT có thể xảy ra bất cứ đoạn đường nào, thời điểm nào trong ngày kể cả tuyến quốc lộ và nội đô. Nguyên nhân không chỉ do ý thức người tham gia giao thông không tuân thủ quy định Luật Giao thông đường bộ mà còn do quá tải phương tiện, hạ tầng phát triển không theo kịp tốc độ tăng dân số.

Mặc dù trong năm 2023, thành phố hoàn thành đưa vào sử dụng đường Song hành từ đường Mai Chí Thọ qua khu dân cư Nam Rạch Chiếc (đoạn từ nút giao An Phú đến đường Đỗ Xuân Hợp); nâng cấp, cải tạo đường và kênh Nước Đen (đoạn từ cống hộp hiện hữu đến kênh Tham Lương); cầu Long Kiểng (huyện Nhà Bè); xây dựng cầu Vàm Sát 2 (huyện Cần Giờ); cầu Hang Ngoài (quận Gò Vấp); cầu Rạch Kè, cầu Rạch Kinh, cầu Chuối Nước (huyện Củ Chi), cầu Long Đại (TP Thủ Đức).

Song song đó, khởi công 12 dự án, gói thầu nhằm giảm tải cho các cửa ngõ, trục nội đô như dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý, mở rộng đường Hoàng Hoa Thám, xây dựng cầu Tân Kỳ Tân Quý; xây dựng nút giao An Phú; nhóm giảm tải cửa ngõ phía Nam có dự án hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, mở rộng Quốc lộ 50, Vành đai 3 TP HCM...

Tuy nhiên, đại diện Sở GTVT, cho biết phát triển hạ tầng vẫn không theo kịp tốc độ đô thị hóa, phát triển dân số và phương tiện giao thông. Cụ thể, mật độ đường giao thông đầu năm 2021 là 2,2 km/km2, cuối năm 2023 là 2,38 km/km2, theo quy chuẩn là từ 10 - 13 km/km2. Tỉ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đầu năm 2021 là 12,2%, cuối năm 2023 là 13,88%, nhưng theo Nghị định 11/2010/NĐ-CP phải đạt 24% - 26%. So với quy chuẩn, mật độ đường giao thông hiện tại không đáp ứng, trong khi lượng phương tiện tăng mỗi năm, năm 2024 TP HCM đang quản lý khoảng gần 9,4 triệu phương tiện (tăng 4,5% so với cùng kỳ), chưa bao gồm lượng phương tiện vãng lai từ các tỉnh đi qua.

"Với tình hình này, dự báo 3 tháng cuối năm 2024, trật tự giao thông diễn biến còn phức tạp hơn do nhu cầu đi lại tăng cao, nguy cơ ùn tắc tại các cửa ngõ cũng như nguy cơ TNGT tăng" - đại diện Sở GTVT TP HCM cho biết.

Mời tham gia diễn đàn

Hạ tầng giao thông ngày càng được đầu tư hiện đại, các quy định về ATGT được ban hành chặt chẽ, thế nhưng số liệu thống kê, 10 tháng năm 2024, cả nước đã xảy ra 19.513 vụ TNGT, làm chết 8.990 người, bị thương 14.505 người. Số vụ TNGT tăng so với cùng kỳ năm trước. Từ hôm nay, Báo Người Lao Động mở diễn đàn "Tai nạn giao thông mãi báo động, vì sao?" để tiếp nhận những hiến kế, những bài học quý nhằm kéo giảm TNGT.

Bài viết tham gia diễn đàn vui lòng gửi về địa chỉ email: bandoc@nld.com.vn

Cần cái nhìn toàn cảnh

Câu trả lời không đơn thuần nằm ở yếu tố vật chất mà còn ở những vấn đề sâu xa hơn, liên quan đến ý thức, hành vi của người tham gia giao thông và cả những lỗ hổng trong công tác quản lý.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng TNGT gia tăng là ý thức chấp hành luật giao thông của một bộ phận người dân còn hạn chế. Việc vượt đèn đỏ, đi quá tốc độ, không đội mũ bảo hiểm, sử dụng điện thoại khi lái xe… vẫn diễn ra phổ biến. Thói quen xấu này, cộng với việc thiếu kiên nhẫn, không nhường nhịn nhau trên đường đã tạo ra những tình huống nguy hiểm, dễ dẫn đến tai nạn.

Bên cạnh đó, việc sử dụng rượu bia khi lái xe vẫn là vấn nạn nhức nhối. Mặc dù pháp luật đã quy định nghiêm khắc, nhưng vẫn có không ít người coi thường luật pháp, sẵn sàng đánh đổi tính mạng của mình và những người xung quanh để thỏa mãn thú vui nhất thời. Rượu bia làm giảm khả năng tập trung, kéo dài thời gian phản ứng, gây mất kiểm soát tay lái, từ đó dẫn đến những hậu quả khôn lường.

Một nguyên nhân khác không thể bỏ qua là tình trạng quá tải phương tiện giao thông ở một số khu vực. Việc quá tải khiến cho việc lưu thông trở nên khó khăn, dễ xảy ra va chạm. Ngoài ra, chất lượng phương tiện cũng là một vấn đề đáng quan tâm. Nhiều phương tiện cũ kỹ, xuống cấp, không bảo đảm an toàn kỹ thuật, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn.

Để giải quyết vấn đề này, cần có sự phối hợp đồng bộ của nhiều cấp, nhiều ngành. Trước hết, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về giao thông cho mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ. Các chương trình tuyên truyền cần được thực hiện thường xuyên và đa dạng hóa hình thức, sử dụng nhiều kênh thông tin khác nhau để tiếp cận được với đông đảo người dân.

Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng cần thường xuyên tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đặc biệt là các hành vi vi phạm nghiêm trọng như đua xe trái phép, sử dụng rượu bia khi lái xe.

Việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông cũng là một giải pháp quan trọng. Các tuyến đường cần được đầu tư nâng cấp, mở rộng để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Hệ thống đèn tín hiệu giao thông cần được lắp đặt đồng bộ, bảo đảm hoạt động hiệu quả.

Cuối cùng, cần nâng cao chất lượng đào tạo lái xe. Các trung tâm đào tạo lái xe cần trang bị cơ sở vật chất hiện đại, đội ngũ giảng viên có chuyên môn cao. Việc sát hạch cấp giấy phép lái xe cần được thực hiện nghiêm túc, bảo đảm rằng người tham gia giao thông thực sự nắm vững kiến thức và kỹ năng lái xe.

Văn Tuấn

THU HỒNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tai-nan-giao-thong-mai-bao-dong-vi-sao-196241118210400707.htm