Bài 2: Những mô hình trường học tạo 'thương hiệu' cho giáo dục Lào Cai
Khởi sắc từ đề án đổi mới giáo dục
>>>Bài 1: Ðổi thay từ quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp
LCĐT - Một trong những mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng trong Đề án 06 được tỉnh và ngành giáo dục và đào tạo Lào Cai đặt lên hàng đầu là đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước. Mục tiêu này đang dần được thực hiện bắt đầu với những mô hình trường học gắn với thực tiễn, trường học chất lượng cao, trường học thông minh.
Nét mới mô hình “Trường học gắn với thực tiễn”
Cách đây không lâu, chúng tôi có chuyến công tác lên xã vùng cao Thải Giàng Phố (Bắc Hà). Thật ngạc nhiên khi thấy quang cảnh của trường như tiểu công viên, thu hút nhiều đoàn khách du lịch trong nước và nước ngoài vào tham quan, trải nghiệm. Càng ngạc nhiên hơn nữa khi chứng kiến các em học sinh người Mông là “hướng dẫn viên”, vô tư giới thiệu về trường lớp, bản sắc dân tộc, trò chuyện với khách Tây bằng tiếng Anh rất tự tin, khác hẳn với thái độ nhút nhát thường thấy của học sinh vùng cao. Các em còn làm ra những sản phẩm từ thổ cẩm, gỗ, tre nứa… để bán cho du khách.
Thầy giáo Nguyễn Văn Lục, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Thải Giàng Phố là mảnh đất giàu tiềm năng du lịch, thu hút ngày càng đông du khách đến tham quan. Mô hình trường học gắn với du lịch được nhà trường thực hiện cách đây 3 năm, nhằm dạy học sinh các kỹ năng giao tiếp với du khách, hiểu biết về làm du lịch, qua đó bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, trở thành những hạt nhân phát triển du lịch Bắc Hà trong tương lai. Có những đoàn khách tới thăm trường, sau đó còn quay trở lại tặng nhiều phần quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Qua hoạt động này, nhà trường còn kết nối để các đoàn thiện nguyện giúp đỡ những trường học khó khăn khác trên địa bàn huyện Bắc Hà.
Câu chuyện ở Thải Giàng Phố khiến tôi nhớ đến mô hình “Trường học gắn với thực tiễn” đã tạo nên “thương hiệu” cho giáo dục Lào Cai những năm qua. Tiêu biểu như Sa Pa, nổi bật là mô hình “Trường học du lịch” của một số trường ở các xã Tả Van, Tả Phìn, Lao Chải. Ở đó, học sinh tham gia câu lạc bộ thổ cẩm, câu lạc bộ hướng dẫn viên du lịch, câu lạc bộ tiếng Anh… và học các kỹ năng giao tiếp với du khách. Ở vùng cao Bát Xát, Bắc Hà, Si Ma Cai có nhiều “Trường học nông trại”, nơi học sinh được học cách trồng trọt, chăn nuôi đúng kỹ thuật; “Trường học đa văn hóa”, học sinh được giáo dục ý thức bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Ở các huyện Bảo Yên, Bảo Thắng, Sa Pa có mô hình “Trường học trồng trọt ứng dụng công nghệ cao”, giúp học sinh tiếp cận với phương pháp trồng rau trong nhà lưới, nhà màng với hệ thống tưới rau tự động…
Giáo dục “mũi nhọn” nổi bật
Theo thầy giáo Đỗ Thanh Tùng, Phó Trưởng Phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo, mô hình trường học gắn với thực tiễn là một sáng tạo của giáo dục Lào Cai, được nhiều tỉnh, thành phố trong nước đến học tập kinh nghiệm. Cũng từ đây, phong trào nghiên cứu, sáng tạo khoa học trong học sinh được đẩy mạnh. Năm 2019 là năm thứ 5 liên tiếp tỉnh Lào Cai có 5/6 dự án đoạt giải trong Cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học (4 giải Nhất, 1 giải Tư), là tỉnh có số giải Nhất nhiều nhất toàn quốc. Đặc biệt, có 1 dự án được chọn dự thi khoa học quốc tế tại Hoa Kỳ và đã xuất sắc giành giải Ba (là dự án duy nhất đoạt giải trong 10 dự án của Việt Nam dự thi quốc tế). Trường THPT Chuyên Lào Cai chính là cái nôi đào tạo học sinh tài năng, nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh. Mỗi năm, nhiều học sinh của trường đã chinh phục thành công học bổng của các trường đại học danh tiếng của Mỹ, Úc, Canada…
Trong các địa phương, thành phố Lào Cai luôn là lá cờ đầu về đổi mới giáo dục với những kết quả thật đáng tự hào. Từ năm 2015 đến nay, thành phố có 12.758 học sinh đoạt giải các cuộc thi, kỳ thi từ cấp thành phố trở lên; 1.124 lượt học sinh đoạt giải các cuộc thi cấp quốc gia, quốc tế, trong đó có học sinh đoạt giải cao trong các cuộc thi quốc tế Toán Úc, Toán Hoa Kỳ. Đặc biệt, năm 2019 thành phố có 2 học sinh đoạt giải cao các cuộc thi quốc tế tổ chức ngoài lãnh thổ Việt Nam là em Vũ Hoàng Long, Trường THPT số 1 thành phố Lào Cai và em Nguyễn Việt Hoàng, Trường THCS Lê Quý Đôn.
Em Vũ Hoàng Long, Trường THPT số 1 thành phố Lào Cai cho biết: Chính môi trường học tập tốt, sự quan tâm và truyền cảm hứng của các thầy, cô giáo đã giúp em phát huy được những khả năng của bản thân. Từ đó, Dự án “Rô bốt hỗ trợ bón thức ăn cho bệnh nhân Parkinson sử dụng công nghệ xử lý ảnh” của em đã đoạt giải Ba Cuộc thi Nghiên cứu khoa học quốc tế dành cho học sinh trung học năm 2019. Em tự hào là học sinh miền núi Lào Cai đầu tiên đạt được giải thưởng cao quý này.
Xây dựng trường chất lượng cao, trường học thông minh
Cách đây 5 năm, khái niệm về trường học chất lượng cao, trường học thông minh đối với các trường học ở Lào Cai còn khá xa lạ. Thế nhưng những năm gần đây, những mô hình mới và hiện đại này đang trở thành mục tiêu phấn đấu của không ít trường học trên địa bàn tỉnh.
Tại Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, thành phố Lào Cai, học sinh rất hào hứng với mô hình lớp học thông minh, được nâng cao khả năng giao tiếp tiếng Anh bằng những giờ học có giáo viên người nước ngoài, những giờ học song ngữ Việt - Anh do giáo viên của trường thực hiện. Đặc biệt, nhà trường tổ chức nhiều giờ học kết nối với giáo viên và học sinh các nước như Anh, Mỹ, Singapore, Ấn Độ; các hoạt động trải nghiệm, giáo dục STEM, khuyến khích ý tưởng sáng tạo của học sinh.
Đối với Trường THPT Chuyên Lào Cai, hiện nay 4 chương trình giáo dục thông minh đang được triển khai như wifi thông minh, thẻ học sinh thông minh, học và thi kết nối trực tuyến, quản lý hệ thống bài giảng và giáo án điện tử của thầy cô giáo qua mạng internet. Thầy giáo Nguyễn Minh Thuận, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Điều thú vị là phần mềm học và thi kết nối trực tuyến là một mô hình dạy học đảo ngược, học sinh được chủ động tiếp cận trước kiến thức qua phần mềm, sau đó cùng thảo luận tại giờ học trên lớp. Giáo dục thông minh đang là mục tiêu đổi mới giáo dục nhà trường nhằm nâng cao chất lượng, xây dựng môi trường giáo dục hiện đại.
Theo bà Trần Thị Thùy Dung, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Lào Cai, ngoài các trường: Tiểu học Hoàng Văn Thụ, THPT Chuyên Lào Cai, còn có các trường: Mầm non Hoa Mai, THCS Lê Quý Đôn, THCS Lý Tự Trọng, THPT số 1 thành phố Lào Cai cũng được chọn để xây dựng trở thành trường chất lượng cao, trường trọng điểm chất lượng giáo dục và hội nhập. Để tạo bước đột phá và điểm nhấn trong giáo dục, những năm qua, việc dạy học tiếng Anh và tiếng Trung Quốc được đẩy mạnh. Các trường học ở thành phố Lào Cai cũng tiếp nhận 10 lượt tình nguyện viên nước ngoài đến giảng dạy.
Cùng với đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin được tăng cường vào công tác quản lý và dạy học, sử dụng tốt các phần mềm hỗ trợ quản lý, dạy học, triển khai hồ sơ điện tử, thành lập “Kho bài giảng điện tử’’ với các bài giảng E-learning trực tuyến toàn ngành... Hoạt động đổi mới giáo dục đã nhận được sự đồng thuận của xã hội và người dân, nâng cao được uy tín và vị thế của ngành giáo dục Lào Cai trên toàn quốc.