Bài 2: Những ông chủ HTX '8x, 9x'
Danh xưng Chủ tịch Hội đồng quản trị, giám đốc HTX nông nghiệp, khó lòng dẫn dắt người ta liên tưởng đến hình ảnh những chàng trai, cô gái tuổi mới đôi mươi. Thế nhưng, trong những năm gần đây, với sự ra đời của các HTX kiểu mới, thế hệ trẻ ngày càng hào hứng liên kết với nhau trong 'ngôi nhà chung' HTX.
Hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới – “Luồng gió mới” phát triển kinh tế tập thể
Anh Lê Đình Trúc, giám đốc HTX nông sản hữu cơ Trúc Phượng luôn khát khao được làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Sinh năm 1990, chàng trai trẻ Phạm Hồng Sơn (phố Lê Lợi, thị trấn Lang Chánh) và những người bạn có cùng chí hướng, đam mê là Lương Văn Dương và Lê Văn Hán đã từng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách khi quyết định hiện thực hóa khát vọng lập thân lập nghiệp trên mảnh đất quê hương với mô hình trang trại nuôi gà khép kín. Song, với ý chí quyết tâm mạnh mẽ, chủ động học hỏi, trau dồi kiến thức, kỹ thuật, mạnh dạn vay vốn, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và áp dụng khoa học - kỹ thuật mới vào chăn nuôi, mô hình trang trại nuôi và cung ứng giống gà lai chọi và gà ri của các anh đã nhanh chóng gặt hái được “trái ngọt”.
Những thành quả mà mô hình kinh tế trang trại chăn nuôi, cung ứng giống gà của 3 chàng trai trẻ đã tạo được sức lan tỏa rộng rãi, trở thành nguồn động lực thúc đẩy nhiều đoàn viên, thanh niên trên địa bàn huyện Lang Chánh học hỏi, mạnh dạn dấn thân. Tháng 1-2018, ba chàng trai trẻ và một số đoàn viên, thanh niên trong huyện đã cùng nhau thành lập nên HTX nuôi gà Hán Sơn Dương với 7 thành viên, anh Phạm Hồng Sơn làm Chủ tịch HTX. HTX ra đời với mục đích vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương, hỗ trợ nhau về vốn, khoa học - kỹ thuật và bao tiêu đầu ra cho sản phẩm. Để thúc đẩy HTX phát triển, anh Sơn và các thành viên đã chủ động mở rộng lĩnh vực hoạt động, cung ứng vật tư chăn nuôi. Theo đó, các sản phẩm thức ăn chăn nuôi, máng ăn, thuốc thú y... được HTX mua trực tiếp tại các đơn vị cung ứng có uy tín, giúp thành viên yên tâm phát triển nghề. Đến nay, tuy mới đi vào hoạt động được hơn hai năm, từ 7 thành viên ban đầu, HTX đã phát triển lên 15 thành viên với 15 trang trại chăn nuôi gà, trung bình mỗi trang trại nuôi từ 2.000 – 3.000 con, thu nhập bình quân khoảng 70 – 80 triệu đồng/năm. Gà từ các trang trại của HTX đều lớn nhanh, phát triển ổn định, bảo đảm tiêu chuẩn về con giống, chất lượng thịt. Không dừng lại ở đó, ngay từ những ngày đầu xây dựng mô hình trang trại, HTX đã hiểu được quy luật tất yếu rằng: Việc tìm “đầu ra” cho sản phẩm có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển bền vững của mô hình. Để giải quyết bài toán nan giải ấy, các anh đã không quản khó khăn, vất vả, lặn lội khắp nơi để tìm đầu mối tiêu thụ. Nhờ chất lượng sản phẩm vượt trội, sản phẩm gà thịt của các thành viên nhanh chóng được thị trường chấp nhận và đánh giá cao, có cơ hội xuất hiện trong thực đơn phục vụ khách hàng của nhiều nhà hàng, khách sạn trong và ngoài tỉnh... “Trong thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục cố gắng mở rộng thêm về số lượng trang trại và quy mô chăn nuôi, phát triển hệ thống con giống bản địa. Hơn nữa, HTX chủ động phát triển thị trường, tìm kiếm cơ hội để có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi liên kết giá trị”...
Cũng như anh Sơn, chính nghĩa nặng tình sâu với hai tiếng “quê hương” đã trở thành nguồn động lực thôi thúc anh Lê Đình Trúc (xã Yên Thọ, huyện Như Thanh) quyết định lập nghiệp trên mảnh đất “chôn nhau cắt rốn” sau nhiều năm đi làm ăn xa. Nhận thấy nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch hữu cơ của thị trường hiện nay rất lớn; trong khi đó, điều kiện, tiềm năng, lợi thế để sản xuất cây nấm rất phù hợp với địa phương; anh Trúc mạnh dạn đầu tư, quyết tâm khởi nghiệp với mô hình nuôi trồng và chế biến nấm nông nghiệp công nghệ cao. Anh Trúc cho biết: “Khởi nghiệp ở bất kì lĩnh vực nào đều phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách. Tuy nhiên, khi bắt tay vào làm nông nghiệp công nghệ cao mới thấm hết bao nỗi gian nan, vất vả của nghề”.
Những ngày đầu lập nghiệp, đối với anh Trúc là cả một hành trình nỗ lực, cố gắng tự hoàn thiện chính mình và bước đầu gặt hái được “trái ngọt”. Được sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, sự động viên, khích lệ của gia đình, anh Trúc tập trung xây dựng đề án thành lập HTX nông sản hữu cơ Trúc Phượng. Mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trồng nấm với quy mô nhà xưởng khoảng 100m2 với những loại nấm ăn thông thường, như: Mộc nhĩ, nấm kim châm... và đăng ký chứng nhận VietGAP. Tháng 8-2011, HTX được chọn tham gia chương trình xây dựng, hoàn thiện mô hình HTX kiểu mới của tỉnh. Ngoài việc hướng dẫn sửa đổi điều lệ, giới thiệu Luật HTX 2012, hướng dẫn xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh.... HTX được đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại nhiều mô hình HTX phát triển khác dọc các tỉnh miền Trung. Tháng 9-2013, HTX chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật HTX năm 2012 với 12 thành viên tham gia, vốn điều lệ là 950 triệu đồng. Do nhu cầu sản xuất, kinh doanh ngày càng phát triển, đến tháng 9–2017, HTX bổ sung vốn điều lệ lên 5 tỷ đồng với 15 thành viên tham gia hoạt động. Ngoài việc liên kết thu mua mộc nhĩ khô, nấm bào ngư xám, bí xanh, ớt xuất khẩu... HTX đang xây dựng vùng sản xuất rau an toàn có diện tích 3 ha. HTX trực tiếp đấu mối với các công ty, doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên và người nông dân, tạo được sự yên tâm để sản xuất. HTX tích cực tham gia vào chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm và tham gia Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa. Nấm do HTX nông sản hữu cơ Trúc Phượng được cung cấp cho hệ thống các cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị tại Thanh Hóa, Hà Nội...
Bên cạnh nỗ lực không ngừng học hỏi, đầu tư phát triển quy mô sản xuất, nuôi trồng nấm ăn, nấm dược liệu; năm 2018, do được bổ sung thêm nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, được đào tạo bài bản, HTX nông sản hữu cơ Trúc Phượng đã có những bước tiến mới, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đến thời điểm hiện tại, HTX đã chủ động được nguồn giống, kỹ thuật để chuyển giao công nghệ cho thành viên và bà con Nhân dân. Hiện tại, HTX đang nuôi trồng, sản xuất những loại nấm chủ lực như: Linh chi đỏ, mộc nhĩ khô, bào ngư xám, nấm rơm, nấm mỡ và đang tiếp tục mở rộng thêm một số sản phẩm. Năm 2019, tổng doanh thu của HTX đạt 7.670.334 nghìn đồng; lợi nhuận đạt 1.230.334 nghìn đồng.
Có thể nói, vấn đề phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực trẻ trong phát triển mô hình HTX nói chung, HTX nông nghiệp kiểu mới nói riêng là một trong những nhiệm vụ tiên quyết, luôn được các cấp, ban, ngành quan tâm, sâu sát. Không chỉ khuyến khích người trẻ mạnh dạn đầu tư, làm chủ mô hình HTX, tỉnh Thanh Hóa còn ban hành Kế hoạch số 115/KH-UBND ngày 4-6-2018 về việc thí điểm đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học về làm việc có thời hạn ở các HTX nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh (giai đoạn 2018 – 2020). Theo đó, 5 HTX nông nghiệp tham gia thí điểm, gồm: HTX nông nghiệp và phát triển nông thôn Đông Phương Hồng (Thọ Xuân), HTX dịch vụ nông nghiệp Xuân Lai (Thọ Xuân), HTX dịch vụ nuôi trồng thủy sản và nông nghiệp Hoằng Lưu (Hoằng Hóa), HTX dịch vụ nông nghiệp và xây dựng Hưng Thịnh (Ngọc Lặc), HTX nông sản hữu cơ Trúc Phượng (Như Thanh). Nhìn chung, các HTX sau khi tham gia thí điểm đã có những chuyển biến rõ nét trong kết quả sản xuất, kinh doanh. Doanh thu và lợi nhuận đạt được của các HTX đều tăng so với trước khi có cán bộ trẻ về làm việc. Các HTX đã có những bước đột phá trong việc ứng dụng công nghệ cao vào trong quá trình sản xuất, kinh doanh như: HTX nông sản hữu cơ Trúc Phượng đã áp dụng thành công công nghệ nhân giống dạng dịch thể trong việc sản xuất các loại giống nấm; HTX dịch vụ nông nghiệp Xuân Lai xây dựng nhà lưới sản xuất rau an toàn...
Nhìn những con người trẻ với nhiệt huyết cống hiến, lăn xả với nghề, sống trọn niềm tin, kiên định với mục tiêu, lý tưởng đang ngày đêm cống hiến bỗng như cảm nhận được “làn gió mới” đang từng giờ, từng ngày góp phần làm nên diện mạo, hướng đi mới cho mô hình HTX nông nghiệp. Khát vọng lập thân, lập nghiệp, kiến thức chuyên môn vững vàng, được đào tạo bài bản cùng sự năng động, nhiệt huyết của những người trẻ này đã góp phần thổi bừng lên sức sống cho mô hình kinh tế tập thể vừa quen thuộc lại cũng thật mới mẻ này. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thuận lợi, họ phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức về nguồn vốn, kinh nghiệm, năng lực quản lý, điều hành, kỹ năng giao tiếp, bản lĩnh “chiến đấu” trên “thương trường”... Để có thể phát huy hơn nữa tiềm năng, thế mạnh, tạo nguồn động lực, khuyến khích, thu hút người trẻ tham gia phát triển mô hình HTX nông nghiệp, các cấp, ban, ngành của tỉnh và Trung ương cần có sự quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa, nhất là việc xây dựng các cơ chế, chính sách giúp những người trẻ thuận lợi hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, công tác quản lý...
Bài và ảnh: Hương Thảo
Bài cuối: Khơi thông những điểm nghẽn, tạo đà bứt phá.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/khat-vong-thanh-hoa/bai-2-nhung-ong-chu-htx-8x-9x/123796.htm