Bài 2: Những quyết sách kịp thời
Nhìn lại những dấu mốc thời gian từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát tại thành phố lớn nhất cả nước cho đến hôm nay, có thể nhận thấy rõ rằng, để có được sự phục hồi mạnh mẽ như hiện tại chính là nhờ vào việc thành phố đã thực hiện rất kịp thời, linh hoạt những quyết sách của Đảng, Chính phủ, Quốc hội cũng như có những chỉ đạo quyết liệt, sát sao từ các cấp ủy Đảng từ thành phố đến các quận, huyện, xã, phường…
Từ những chỉ đạo của Đảng, Chính phủ…
Đợt dịch thứ 4, đợt dịch lớn nhất, nhiều đau thương nhất kể từ đầu dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh bắt đầu bằng ca tiếp xúc ca nhiễm từ tỉnh Hà Nam. Nếu như tháng 5-2021, số ca mắc Covid-19 chỉ ở cấp độ 1 thì tháng 8-2021, số ca mắc tại thành phố đã lên tới cấp độ 4-cấp độ cao nhất. Cùng với TP Hồ Chí Minh, nhiều địa phương trong cả nước cũng tiếp tục gia tăng số ca nhiễm bệnh.
Trước bối cảnh đó, để ứng phó kịp thời, có hiệu quả với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28-7-2021 kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV về các chính sách phòng, chống dịch Covid-19.
Theo nghị quyết này, Chính phủ, Thủ tướng chính phủ đã áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong phòng, chống dịch theo quy định như áp dụng biện pháp hạn chế một số phương tiện; yêu cầu người dân không ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian nhất định, tại một số khu vực, địa bàn cần thiết; tổ chức các lực lượng để đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội trong vùng có dịch;...
Thực hiện nghị quyết, lần đầu tiên trong nhiều thập niên qua, TP Hồ Chí Minh chứng kiến những ngày đường phố vắng lặng, thưa thớt bóng người, khắp ngõ ngách đều bị chăng dây, lập chốt, gần như phong tỏa cứng khi thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Từ ngày 9-7 đến ngày 30-9-2021, TP Hồ Chí Minh đã trải qua 5 đợt giãn cách, gần như “đóng băng” thành phố.
Sau một thời gian chiến đấu với dịch bệnh, nhận thấy tình hình dịch có nhiều diễn tiến khả quan, đến ngày 11-10-2021, Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 được ban hành, áp dụng cho tất cả các tỉnh, thành phố là chìa khóa hóa giải khó khăn, tạo tiền đề để thực hiện thành công mục tiêu “kép”, phục hồi, phát triển kinh tế và ổn định xã hội cho các tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó có TP Hồ Chí Minh-nơi chịu nhiều tổn thất do dịch Covid-19 gây ra.
Tại Tọa đàm "Nghị quyết số 128/NQ-CP - Chuyển hướng chiến lược, ý nghĩa quyết định”, được tổ chức đầu tháng 10 vừa qua, các ý kiến đều khẳng định, Nghị quyết số 128 là một quyết sách sáng suốt, táo bạo, dũng cảm, thay đổi căn bản tư duy trong chiến lược phòng, chống dịch. Đây là một bước chuyển trạng thái chống dịch phù hợp với xu hướng ngày càng phổ biến trên thế giới, đó là chấp nhận sống chung với đại dịch, vừa sản xuất, vừa xây dựng kinh tế, vừa chống dịch. Nghị quyết số 128 đánh dấu cột mốc chuyển từ chiến lược "Zero Covid-19" sang "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", giúp các địa phương mở cửa, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh-nơi đang gần như bị “đóng băng” suốt thời gian dài.
Sau hơn 1 năm đại dịch đi qua, nhìn lại những quyết sách vào thời điểm cam go nhất, các chuyên gia đều có chung nhận định, việc “mở cửa” vào đầu tháng 10-2021 của cả nước, đặc biệt tại TP Hồ Chí Minh là một quyết định hết sức dũng cảm nhưng hoàn toàn không phải “làm liều” mà dựa trên những tiền đề hợp lý và có sự cân nhắc kỹ lưỡng.
… đến sự chủ động của địa phương
Giữa những ngày “nước sôi lửa bỏng”, tập thể Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh cũng đã có những quyết định táo bạo. Tại Hội nghị Ban Thường vụ Thành ủy chiều 11-9-2021, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho rằng, việc áp dụng các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt không thể kéo dài, điều đó là quá sức chịu đựng của người dân và nền kinh tế. Thành phố phải xây dựng một chương trình phục hồi kinh tế sớm để kịp chớp thời cơ. Nội dung này ngay sau đó cũng được Bí thư Thành ủy chia sẻ với các chuyên gia, bàn việc phục hồi kinh tế thành phố.
Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ 8, nhiệm kỳ 2020-2025, diễn ra vào giữa tháng 9-2021, đã thảo luận, cơ bản thống nhất về Kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế trên địa bàn thành phố từ sau ngày 15-9. Kế hoạch được đưa ra trong thời điểm công tác phòng, chống dịch của thành phố đã có những tín hiệu tích cực. Theo đó, kế hoạch phục hồi kinh tế thành phố được chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn đầu từ ngày 1-10 đến 31-10; giai đoạn 2 từ ngày 1-11 đến 15-1-2022 và giai đoạn 3 từ sau ngày 15-1-2022.
Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 15-9-2021 của Thành ủy về kế hoạch tổng thể phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế trên địa bàn TP Hồ Chí Minh sau ngày 15-9-2021 với quyết tâm chính trị cao nhất, nỗ lực hơn nữa, đoàn kết hơn nữa, trách nhiệm hơn nữa, hành động quyết liệt và hiệu quả hơn nữa ra đời, tạo tiền đề cho những bứt phá sau này. Có thể nói, tập thể lãnh đạo TP Hồ Chí Minh nhìn nhận rõ rằng, phục hồi kinh tế sớm ngày nào sẽ giúp cho cuộc sống người dân trở về trạng thái bình thường mới sớm ngày đó.
Để mở lối cho kế hoạch phục hồi kinh tế, ngày 30-9-2021, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đã ký ban hành Chỉ thị số 18/CT-UBND. Từ đây, “tảng băng” mang tên Covid-19 chính thức dần dần được phá bỏ khi những con đường, tuyến phố trở nên nhộn nhịp, sôi động hơn. Từ “bóng tối” bủa vây, nhịp thở, cuộc sống của người dân thành phố dần trở lại trạng thái bình thường mới…
Tại Hội nghị lần thứ 17 của Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hồ Chí Minh khóa XI sơ kết một năm thực hiện nghị quyết về kế hoạch tổng thể phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế thành phố sau ngày 15-9-2021, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên nhắc lại thời điểm này năm ngoái, dù đã bàn nhiều giải pháp nhưng TP Hồ Chí Minh vẫn rất lo lắng bởi các chỉ tiêu kinh tế-xã hội 9 tháng đều thấp, tăng trưởng âm, chỉ có ngân sách đạt 74% dự toán. Khó khăn là vậy nhưng theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, tình thế và trọng trách buộc TP Hồ Chí Minh phải nghĩ đến điều xa hơn và quyết tâm thực hiện với các giải pháp đồng bộ. Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã ban hành Nghị quyết số 05. Đây được xem là một trong những “quyết định lịch sử” giúp kinh tế thành phố sớm phục hồi nhanh chóng ngay trong dịch bệnh.
Từ chỉ đạo của thành phố, các quận, huyện cũng ngay lập tức bắt tay vào công cuộc phục hồi sau đại dịch. Theo đồng chí Võ Khắc Thái, Bí thư Quận ủy quận 7, từ hiệu quả của bài học chủ động trong đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19, quận 7 tiếp tục chủ động đề xuất các biện pháp thực hiện các giải pháp cho các vấn đề kinh tế-xã hội sau khi đã kiểm soát được dịch.
Từ giữa tháng 8-2021, khi tình hình dịch bệnh đã có xu hướng tích cực hơn, quận đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu và phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn bình thường mới để sẵn sàng phục hồi kinh tế sau đại dịch. Cụ thể, Trung tâm nghiên cứu xây dựng các kế hoạch, phương án phục hồi, ổn định, phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn bình thường mới. Thực hiện Nghị quyết số 128, quận đã chủ động trong việc triển khai các kế hoạch, phương án nhằm kiện toàn hệ thống y tế cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn bình thường mới.
Cùng quan điểm này, đồng chí Võ Lê Phan Nguyễn, Phó chủ tịch UBND huyện Nhà Bè cho biết, sau thời gian tập trung toàn bộ nhân lực và vật lực để chống dịch, ngay từ tháng 10-2021, khi thành phố bắt đầu mở cửa trở lại, thực hiện “bình thường mới”, Ban Thường vụ Huyện ủy đã lãnh đạo UBND huyện Nhà Bè trực tiếp điều hành, khởi động tất cả các chương trình được ban hành, tập trung vào phát triển, phục hồi kinh tế - xã hội.
Là một trong những quận đầu tiên của thành phố chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, theo đồng chí Lê Thị Ngọc Dung, Phó chủ tịch UBND quận Bình Tân, dù việc giãn cách khá dài đã ảnh hưởng rất lớn hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, các chuỗi sản xuất bị đứt gãy nhưng ngay khi nhận được quyết định mở cửa, quận đã chủ động triển khai các biện pháp, đảm bảo linh hoạt, sáng tạo để phục hồi kinh tế một cách nhanh nhất.
Phải khẳng định, những quyết sách táo bạo, mang tính lịch sử của Đảng, Chính phủ, Quốc hội đến sự vào cuộc rốt ráo của chính quyền, quân và dân TP Hồ Chí Minh là “chìa khóa” cho sự bứt tốc của thành phố trong những tháng cuối năm 2021 và 10 tháng đầu năm 2022.
Trong những thời khắc đầy khó khăn, thách thức đó, tính ưu việt của hệ thống chính trị nước ta, ý chí, sức mạnh Việt Nam, truyền thống yêu nước, đoàn kết, tương thân, tương ái, "thương người như thể thương thân", và sức sống mãnh liệt của dân tộc ta, của nhân dân thành phố và các tỉnh Nam Bộ lại được khẳng định và phát huy ở tầm cao mới, rất kịp thời, đúng lúc.
Các cơ quan của Đảng, Nhà nước và Đảng bộ, chính quyền thành phố đã chủ động, kịp thời đề ra những chủ trương, chính sách, biện pháp đúng đắn, khả thi, phù hợp với thực tế tình hình và thực lực của đất nước, của thành phố với tinh thần: "Chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của người dân"; "chống dịch như chống giặc"...
(Phát biểu của Tổng Bí thư NGUYỄN PHÚ TRỌNG tại buổi làm việc với Thành ủy TP Hồ Chí Minh ngày 23-9-2022)
Chúng ta đã đoàn kết, nắm chặt tay nhau cùng nhau đẩy lùi những làn sóng tấn công của đại dịch, trong đợt dịch thứ tư nguy hiểm này chúng ta càng phải đoàn kết hơn nữa, một tinh thần "TP Hồ Chí Minh vì cả nước, cả nước vì TP Hồ Chí Minh" cần tiếp tục được phát huy, thời gian qua cả nước ưu tiên dành nhân lực, vật lực, vắc-xin, vật tư y tế... để TP Hồ Chí Minh chống dịch. TP Hồ Chí Minh chống dịch thành công cũng tạo nền móng thành công cho cả nước. Chúng ta giữ vững niềm tin ở tinh thần Việt Nam, cùng tin tưởng về một tương lai tươi sáng, nhất định sẽ sớm kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh, mang lại cuộc sống bình an cho nhân dân...
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/bai-2-nhung-quyet-sach-kip-thoi-711622