Bài 2: Nông dân cần sự chia sẻ từ doanh nghiệp
Trong lúc nông dân khó khăn, công ty không giảm lãi, cũng không tiếp tục đầu tư, không chia sẻ, thông cảm với nông dân. Muốn người dân tiếp tục gắn bó thì công ty phải có chính sách giảm bớt lãi hoặc tiếp tục đầu tư, phải thấu hiểu cho nông dân.
Trước những khó khăn, trăn trở của người trồng mía, đại diện Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa khẳng định: “Công ty xem bà con nông dân trồng mía là yếu tố sống còn. Nông dân sống được, nhà máy mới sống được và ngược lại. Trong quá trình phát triển, ban lãnh đạo công ty vẫn bám sát mục tiêu "nhà máy có lời, nông dân có lãi. Nhà máy và nông dân sẽ luôn là mối quan hệ cộng sinh bền chặt”.
Yêu cầu của người trồng mía là “không phù hợp” (!?)
Liên quan đến một số nội dung phản ánh của người trồng mía tỉnh Tây Ninh, Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa cho biết, nội dung khiếu nại "hợp đồng vụ 2017-2018, công ty có cam kết trong 3 vụ liên tiếp 2017-2018, 2018-2019, 2019-2020 giá thu mua mía là 900.000 đồng/tấn/10 CCS và hỗ trợ tạp chất 3%, nếu vượt 3% mới trừ vào trọng lượng mía” là không phù hợp với quy định trong các hợp đồng, phụ lục hợp đồng đã ký kết giữa các bên.
Đại diện Công ty cho rằng, sở dĩ có phát sinh yêu cầu của người trồng mía về việc bảo hiểm giá thu mua và bảo hiểm tạp chất là do người trồng mía chỉ căn cứ vào hợp đồng được ký cho vụ 2017-2018 mà không căn cứ vào các phụ lục của hợp đồng vụ 2017-2018 được ký tiếp theo trong các vụ 2018-2019, 2019-2020.
Căn cứ phụ lục hợp đồng vụ 2018-2019 và 2019-2020, bảo hiểm giá thu mua và bảo hiểm tạp chất sẽ được xác định theo chính sách thu mua vụ 2018-2019 và 2019-2020 do công ty ban hành. Trên thực tế, chính sách thu mua vụ 2018-2019 và 2019-2020 không có bảo hiểm giá thu mua và bảo hiểm tạp chất. Vì vậy, việc người trồng mía yêu cầu công ty phải bảo hiểm giá thu mua và bảo hiểm tạp chất là không phù hợp quy định hợp đồng đã được ký kết giữa các bên.
“Mía là loại cây trồng đặc thù có lưu gốc và thường chu kỳ sẽ là 3 vụ. Để tạo điều kiện cho người trồng mía đã ứng vốn có thể hoàn trả vốn tương ứng với đặc thù này của cây mía, công ty ký hợp đồng ứng vốn đối với mía tơ có quy định thời hạn 3 vụ để giãn thời gian hoàn trả vốn đã ứng tương ứng với chu kỳ mía, giúp cho người trồng mía có đủ chi phí trang trải cho hoạt động trồng, chăm sóc, thu hoạch.
Riêng quy định về định mức ứng vốn, thu mua mía phải được thực hiện theo từng vụ để phù hợp với hoàn cảnh thực tế từng năm, nên hằng năm đều có ký lại phụ lục hợp đồng quy định rõ định mức ứng vốn, giá thu mua.
Đây là cách thức thực hiện của công ty từ trước đến nay chứ không riêng 3 vụ 2017-2018, 2018-2019, 2019-2020. Việc người trồng mía viện dẫn hợp đồng mía tơ có thời hạn trong 3 vụ liên tiếp để yêu cầu công ty phải bảo hiểm giá mía và tạp chất trong 3 vụ liên tiếp là hoàn toàn không phù hợp với các hợp đồng, phụ lục hợp đồng đã ký kết, cũng không phù hợp với đặc thù mang tính chu kỳ của cây mía...” - đại diện Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa cho biết.
Phía công ty cũng khẳng định giá thu mua mía áp dụng trong vụ thu hoạch 2018-2019, 2019-2020 được xây dựng trên mặt bằng giá thu mua mía nguyên liệu chung trên thị trường, không xuất phát từ ý chí chủ quan của công ty.
“Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng công ty vẫn ban hành và áp dụng giá thu mua mía nguyên liệu của vụ thu hoạch 2018-2019 là 750.000 đồng/tấn mía sạch 10 CCS tại ruộng, thêm cước vận chuyển và khoản đầu tư không hoàn lại thì giá mua mía về đến nhà máy từ 870.000 - 900.000 đồng/tấn mía sạch.
“Công ty xem bà con nông dân trồng mía là yếu tố sống còn. Nông dân sống được, nhà máy mới sống được và ngược lại. Trong quá trình phát triển, ban lãnh đạo công ty vẫn bám sát mục tiêu nhà máy có lời, nông dân có lãi”.
Tương tự, vụ 2019-2020, công ty ban hành và áp dụng giá thu mua mía nguyên liệu về đến nhà máy là 960.000 - 1.010.000 đồng/tấn mía sạch”, đại diện Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa cho biết thêm.
Phải thấu hiểu cho nông dân
Theo đại diện Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa, trong niên vụ 2020-2021, tình hình suy thoái ngành mía đường tạm thời đi qua, giá đường trên thị trường thế giới có chiều hướng khởi sắc.
Do đó, công ty đã quan tâm và mạnh dạn nâng giá thu mua mía cho bà con nông dân lên 947.000 đồng/tấn mía 10 CCS đến 1.128.000 đồng/tấn mía 10 CCS tùy theo khách hàng và khu vực. Đồng thời, công ty cũng đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, truyền thông và chuyển giao giải pháp khoa học kỹ thuật tiên tiến trong quá trình trồng, chăm sóc mía đến người trồng mía...
Hiện tại, công ty đã thực hiện các mô hình khuyến nông với chính sách hỗ trợ từ 3 triệu đồng đến 16 triệu đồng/ha đối với mô hình trồng mía tơ năng suất cao, trồng mía bằng stump bầu, tưới mía...
Trong khi đó, những người trồng mía thua lỗ liên tiếp mấy năm qua vẫn đau đáu nỗi niềm khó nguôi ngoai: “Nông dân rất bức xúc với chính sách ứng vốn và thu hồi tạm ứng của Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa. Công ty tự hạ giá thu mua mía theo từng năm, nông dân phải nợ công ty tiền ứng vốn.
Tiền nợ này phải trả lãi, và khi nông dân còn nợ, công ty không tiếp tục ứng vốn đầu tư. Một khi đã lỡ thuê đất trồng mía 3 năm, nông dân buộc canh tác tiếp nên phải vay bên ngoài với lãi suất cao để tiếp tục đầu tư.
“Công ty tự hạ giá thu mua mía theo từng năm, nông dân phải nợ công ty tiền ứng vốn. Tiền nợ này phải trả lãi, và khi nông dân còn nợ, công ty không tiếp tục ứng vốn đầu tư”.
Trong lúc nông dân khó khăn, công ty không giảm lãi, cũng không tiếp tục đầu tư, không chia sẻ, thông cảm với nông dân. Muốn người dân tiếp tục gắn bó thì công ty phải có chính sách giảm bớt lãi hoặc tiếp tục đầu tư, phải thấu hiểu cho nông dân”- một nông dân trồng mía chia sẻ tâm tư.
Ông Lâm Chí Dũng- Chủ tịch Hội Người trồng mía tỉnh cho biết, vừa qua, có 106 nông dân trồng mía gửi đơn đến Hội với nội dung chính là kêu cứu, không phải thưa kiện; muốn công ty xem xét hỗ trợ phần nào cho nông dân. Trong 3 vụ mía liên tiếp 2018-2019, 2019-2020, 2020-2021, nông dân thuê đất trồng mía đều lỗ rất nặng, rơi vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn, nhiều người lỗ trên 10 tỷ đồng.
Trong khi đó, theo báo cáo tài chính của Tập đoàn Thành Thành Công, năm nào cũng có lãi, mà nhà máy Thành Thành Công - Biên Hòa tại Tây Ninh lại là một trong những nhà máy có công suất lớn, tiên tiến, tốt nhất của Việt Nam, từ cây mía đi thẳng ra đường tinh luyện RE. Do đó, Ban Chấp hành Hội Người trồng mía đề nghị công ty xem xét lại, những nông dân nào lỗ 3 năm liên tiếp mà vẫn gắn bó với công ty thì hỗ trợ họ.
Vụ mía 2018-2019, theo hợp đồng chính công ty ký với nông dân, giá thu mua bảo hiểm là 900.000 đồng/tấn/10 CCS, nhưng thực tế đầu vụ, công ty chỉ mua với giá 700.000 đồng/tấn/10 CCS, thấp hơn nhiều so với các nhà máy đường khác. Năm đó, chỉ trong 4 tháng, giữa Hội Người trồng mía và công ty đã có đến 10 cuộc họp. Mỗi lần họp, công ty đều hứa xem xét nâng giá mía, nhưng đợi cuối vụ mới hỗ trợ thêm 50.000 đồng/tấn.
Bảo Tâm - Nguyên An
(còn tiếp)
Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/bai-2-nong-dan-can-su-chia-se-tu-doanh-nghiep-a139023.html