Bài 2: Phát triển công nghiệp phù hợp với quy hoạch

Các KCN đã thu hút được lượng vốn đầu tư lớn trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa tỉnh nhà, là nhân tố quan trọng góp phần tăng mạnh giá trị sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh.

Nhân viên công ty kiểm tra hệ thống xử lý nước tại KCN Thành Thành Công.

Nhân viên công ty kiểm tra hệ thống xử lý nước tại KCN Thành Thành Công.

Trong phương hướng phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng tập trung phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với công nghệ thông minh, thân thiện với môi trường, ít phát thải, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm sử dụng đất đai và lao động. Trong đó, tỉnh ưu tiên thu hút các doanh nghiệp sản xuất ngành nghề không ảnh hưởng đến môi trường như công nghiệp cơ khí và công nghệ cao.

Công nghiệp góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế địa phương

Việc hình thành và phát triển các khu công nghiệp (KCN) của tỉnh đóng vai trò quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp trong GRDP, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh; mở rộng nguồn thu ngân sách cho tỉnh nhà; tạo hệ thống cơ sở hạ tầng mới trong và ngoài KCN có giá trị lâu dài tại địa phương, đồng thời tác động tích cực đến việc hình thành đô thị mới và dịch vụ tại địa phương như tài chính, ngân hàng, dịch vụ lưu trú, ăn uống... tạo việc làm ổn định cho người dân, nâng cao dân trí.

Các KCN đã thu hút được lượng vốn đầu tư lớn trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa tỉnh nhà, là nhân tố quan trọng góp phần tăng mạnh giá trị sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh.

Ông Đặng Thủ Thừa- Phó Chủ tịch UBND huyện Dương Minh Châu cho biết, huyện có KCN trên địa bàn xã Chà Là và điểm sản xuất công nghiệp trên địa bàn xã Truông Mít, tổng diện tích đất công nghiệp trên 66 ha. Từ khi các KCN đi vào hoạt động góp phần tạo ra các giá trị công nghiệp, cũng như giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội của huyện.

KCN thu hút được vốn đầu tư trong và ngoài nước, góp phần hiện đại hóa kết cấu hạ tầng của huyện, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế của huyện, từ huyện nông nghiệp chuyển sang công nghiệp chiếm số lượng cao hơn. Việc hình thành KCN góp phần cùng địa phương giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động cũng như người dân ở địa phương. Hiện nay, huyện Dương Minh Châu thu hút 13.000 công nhân tham gia lao động tại các công ty.

Ông Nguyễn Thanh Hải- Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Dầu cho biết, KCN Phước Đông - Bời Lời có 36 doanh nghiệp hoạt động, thu hút vốn đầu tư lớn trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội của huyện- nhất là vốn đầu tư nước ngoài, góp phần phát triển hạ tầng kinh tế và giải quyết việc làm cho người dân ở địa phương, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa.

Bà Lê Thị Hồng Thắm- Phó Chủ tịch UBND thị xã Trảng Bàng cho biết, hiện nay, giá trị sản xuất công nghiệp của thị xã Trảng Bàng đứng thứ 2 toàn tỉnh, đóng góp 80% trong tổng giá trị sản xuất trên địa bàn thị xã Trảng Bàng, tác động tích cực lĩnh vực thương mại phát triển mạnh mẽ so với trước đây, giá trị thương mại dịch vụ đứng thứ 3 trên toàn tỉnh.

Theo ông Lê Thanh Kiệt- Phó trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, trong những năm gần đây, tình hình thu hút đầu tư vào các KCN, khu kinh tế có chuyển biến tích cực, thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Cụ thể trong giai đoạn 2016-2020, các KCN, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh thu hút 4,4 tỷ USD, bình quân mỗi năm khoảng 900 triệu USD. Riêng trong năm 2021, mặc dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng tại các KCN, khu kinh tế thu hút được 1 tỷ USD.

Đến nay, tại các KCN, khu kinh tế thu hút được 367 dự án đầu tư còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 8,7 tỷ USD, trong đó có 301 dự án đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho khoảng 130 ngàn lao động.

Đa số các dự án sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư đã triển khai đúng tiến độ, góp phần vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh, cũng như tạo việc làm ổn định cho người lao động.

Theo ông Trịnh Ngọc Phương- Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, việc hình thành và phát triển khu, cụm công nghiệp (CCN) theo định hướng quy hoạch phát triển của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu của tỉnh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp trong GDP, tăng trưởng kinh tế của tỉnh, tạo điều kiện cho các ngành nghề dịch vụ phát triển, nhất là đô thị tại các KCN phát triển theo. Bên cạnh đó, tạo kết nối hạ tầng trong và ngoài KCN được đồng bộ.

Giá trị kim ngạch xuất khẩu năm 2015 đạt 1.737 triệu USD, đến năm 2020 đạt 4.103 triệu USD cho thấy trong 5 năm kim ngạch xuất khẩu tỉnh tăng gấp đôi. Kim ngạch nhập khẩu, năm 2015 đạt 1.197 triệu USD, đến năm 2020 đạt 2.600 triệu USD.

Về doanh thu, năm 2015 đạt 1.599 triệu USD, đến năm 2020 đạt 4.134 triệu USD. Năm 2015 nộp ngân sách 562 tỷ đồng, đến năm 2020 nộp 1.330 tỷ đồng. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2020 đạt 1.462 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 4,5% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.

Tỷ lệ lấp đầy của các KCN đạt 62,8%

Ông Trịnh Ngọc Phương- Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thời gian qua, việc quy hoạch phát triển khu, CCN trên địa bàn tỉnh được lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh rất quan tâm. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 6 khu, cụm công nghiệp, trong đó có 5 khu, CCN đã triển khai gồm: Trảng Bàng, Linh Trung, Thành Thành Công, Phước Đông - Bời Lời, Chà Là.

Tổng diện tích theo quy hoạch trên 3.800 ha, so với thực tế 3.000 ha và quy hoạch diện tích đất cho thuê khoảng 2.500 ha, đến nay, diện tích đất cho thuê 1.500 ha, đạt trên 60%. Hiện phát triển thêm KCN Hiệp Thạnh (huyện Gò Dầu), KCN này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung vào KCN của tỉnh trong giai đoạn 2015-2020.

Theo Quyết định số 26 năm 2016 của UBND tỉnh phê duyệt toàn tỉnh có 20 CCN, tuy nhiên, trong quá trình điều chỉnh quy hoạch, quá trình triển khai, bám sát tình hình phát triển của các CCN, năm 2018, UBND tỉnh đã điều chỉnh CCN trên địa bàn tỉnh còn 7 CCN, trong đó có 5 CCN đã đi vào hoạt động gồm: Tân Hội 1, Thanh Xuân, Bến Củi, Hòa Hội, Ninh Điền. Trong 5 CCN này, có CCN Thanh Xuân có đầu tư hạ tầng, nhưng chưa thu hút nhiều các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất. Ngoài ra, còn 2 CCN chưa đi vào hoạt động, đó là CCN Tân Hội 2 và CCN Tân Phú.

Việc quy hoạch phát triển các khu, CCN trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện hiệu quả, bảo đảm theo đúng quy hoạch và định hướng của tỉnh đề ra. Trong thời gian qua, công tác quy hoạch khu, CCN trên địa bàn tỉnh đã được triển khai liên tục và có sự điều chỉnh phù hợp với sự phát triển của tỉnh và trong vùng, bảo đảm các khu, CCN thích ứng, thu hút được các dự án đầu tư, nâng cao giá trị.

Bà Lê Thị Hồng Thắm- Phó Chủ tịch UBND thị xã Trảng Bàng cho biết, Trảng Bàng có 4 KCN, Khu chế xuất, tỷ lệ lấp đầy của KCN hiện nay đạt 86%. Có thể nói KCN, khu chế xuất trên địa bàn thị xã Trảng Bàng là động lực quan trọng trong thời gian qua.

Trong quy hoạch và phát triển đô thị của địa phương, Thị xã tính toán quy hoạch khu dân cư mới, khu đô thị, khu nhà ở xã hội phục vụ nhu cầu cho người dân, cũng như các hạ tầng xã hội, hạ tầng giao thông, hạ tầng trường học, bệnh viện… Thị xã có kế hoạch đầu tư xây dựng, cơ bản đến nay có những khu vực đáp ứng được yêu cầu của người dân về cơ sở hạ tầng, góp phần giảm áp lực trong vấn đề quản lý.

Ngoài ra, các KCN đã giúp cho vấn đề giải quyết việc làm tại địa phương rất hiệu quả, đến thời điểm hiện tại, lao động làm việc tại KCN là 40.000 người, không có tình trạng lao động thất nghiệp trên địa bàn.

Trảng Bàng định hướng mở rộng và phát triển thêm một KCN, địa phương mong muốn các sở, ngành tỉnh tiếp tục hỗ trợ trong việc quản lý, kết hợp phát triển công nghiệp và đời sống xã hội của người dân. Trong thời gian tới, tỉnh cần xác định thêm một số KCN tạo động lực, tiền đề cho sự phát triển kinh tế, xã hội.

Theo định hướng quy hoạch trong thời gian tới, việc mở rộng phát triển KCN, CCN là phù hợp. Ngoài phát triển KCN, tỉnh cũng tiếp tục mở rộng và phát triển CCN, giữ nguyên các CCN hiện có, bổ sung thêm 3 CCN như: CCN Tân Hiệp diện tích 71,35 ha; CCN Tân Hòa, CCN Thành Long. Ngoài ra, tỉnh điều chỉnh thêm CCN Hòa Hiệp, Ninh Điền để tăng diện tích đáp ứng yêu cầu phát triển.

Trong thời gian tới, quy hoạch các KCN tỉnh gắn KCN với khu đô thị, dịch vụ đô thị, phát triển công nghiệp xanh, sạch, trong đó, thu hút các ngành nghề sản xuất phù hợp với môi trường bền vững, phát triển công nghiệp theo hướng công nghệ 4.0; phát triển nông nghiệp công nghệ cao; chọn lựa các ngành nghề mang tính kinh tế số phù hợp với thời đại chuyển đổi số hiện nay, góp phần tăng trưởng.

Nhi Trần

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/bai-2-phat-trien-cong-nghiep-phu-hop-voi-quy-hoach-a143624.html