Bài 2: Quản trị công ty tại Việt Nam đứng trước nhiều thách thức

Dù đã đạt được những bước tiến đáng kể, thực trạng quản trị công ty tại Việt Nam vẫn bộc lộ nhiều hạn chế, từ mức độ minh bạch thấp đến việc áp dụng công nghệ và ESG còn chậm chạp. Liệu Việt Nam có thể vượt qua thách thức này để nâng cao hiệu quả hoạt động?

Nhận thức về quản trị công ty ở các doanh nghiệp vẫn còn hạn chế

Nhận thức về quản trị công ty ở các doanh nghiệp vẫn còn hạn chế

Thực trạng quản trị công ty tại Việt Nam

Thực trạng quản trị công ty tại Việt Nam cho thấy cả những bước tiến và khoảng trống cần lấp đầy.

Bà Nam Anh, Giám đốc Phòng Quản lý Niêm yết của HOSE, cho biết, điểm trung bình quản trị của các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE chỉ đạt 50,60 trên thang 140 vào năm 2024, tăng nhẹ từ 49,67 năm 2020. Dù vậy, con số này phản ánh mức độ thực hành quản trị vẫn còn thấp, chỉ nhỉnh hơn 50%.

Bà chỉ ra rằng, chỉ 11% trong số 493 doanh nghiệp tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông trực tuyến, 6% công bố đánh giá chi tiết về Hội đồng quản trị kèm dẫn chứng cụ thể, và 28% xác định được các chủ đề ESG trọng yếu. Những con số này cho thấy minh bạch và ứng dụng công nghệ hiện đại vẫn là điểm yếu lớn, đặt doanh nghiệp Việt vào thế bất lợi khi cạnh tranh với khu vực.

Bà Hà Thị Kim Thanh, Chủ tịch VIOD, cung cấp thêm góc nhìn khu vực khi cho biết, điểm ASEAN CG Scorecard 2024 của Việt Nam đạt 60,1 trên thang 130, tăng từ 57,6 trước đó. Tuy nhiên, mức điểm này vẫn thấp hơn mục tiêu 65 điểm của Chiến lược Phát triển thị trường chứng khoán 2030.

Bà Thanh nhấn mạnh rằng, chỉ 69 trong số 493 doanh nghiệp niêm yết tham gia đánh giá, với 23% tích hợp ESG vào chiến lược và 54% giám sát rủi ro biến đổi khí hậu - thấp hơn nhiều so với mức 83% của ASEAN. Điều này cho thấy sự chuẩn bị của doanh nghiệp Việt để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế còn chưa đồng đều, đặt ra câu hỏi về khả năng cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa, nhất là khi vốn hóa thị trường đã đạt 5,4 triệu tỷ đồng, tương đương 47% GDP năm 2024.

Cơ hội cải thiện

Dù tồn tại nhiều hạn chế, doanh nghiệp Việt vẫn có những cơ hội lớn để cải thiện quản trị công ty. Bà Nam Anh chỉ ra rằng, hệ thống pháp lý đã đặt nền móng vững chắc với Luật Chứng khoán 2019, Luật Doanh nghiệp 2020, các văn bản hướng dẫn như Nghị định 155/2020/NĐ-CP và Thông tư 96/2020/TT-BTC. Những quy định này yêu cầu minh bạch, bảo vệ quyền cổ đông và xây dựng cơ cấu quản trị hợp lý, tạo điều kiện để doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động.

Đặc biệt, từ ngày 1/1/2025, Thông tư 68/2023/TT-BTC buộc 100% doanh nghiệp niêm yết có vốn hóa trên 120 tỷ đồng phải công bố báo cáo bằng tiếng Anh - một bước tiến lớn để tiếp cận nhà đầu tư quốc tế, như bà Nam Anh xác nhận với tỷ lệ công bố song ngữ đạt 100% cho quý 4/2024.

Ông Andri Meier bổ sung rằng, sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế như IFC và SECO, đặc biệt qua việc nâng cấp VN CG Code trong năm 2025, sẽ giúp doanh nghiệp tiệm cận chuẩn ASEAN và G20/OECD.

Nhấn mạnh vai trò của “Cẩm nang Quản trị công ty 2025”, ông Vũ Chí Dũng cho biết tài liệu này, với các hướng dẫn chi tiết về quyền cổ đông, họp cổ đông và ESG, là công cụ hữu hiệu để doanh nghiệp cải thiện quản trị. Chẳng hạn, cẩm nang cập nhật chuẩn G20/OECD 2023, hướng dẫn doanh nghiệp nâng điểm từ 60,1/130 lên mục tiêu 65 điểm ASEAN CG Scorecard vào năm 2026. Những yếu tố này không chỉ mở ra cơ hội nâng cao hiệu quả mà còn giúp doanh nghiệp Việt xây dựng hình ảnh hiện đại, thu hút dòng vốn xanh và đáp ứng kỳ vọng toàn cầu.

Cơ hội đi kèm thách thức

Tuy nhiên, cơ hội luôn đi kèm thách thức. Bà Hà Thị Kim Thanh nhận định rằng nhận thức chiến lược về ESG tại Việt Nam còn thấp, với chỉ 28% doanh nghiệp xác định chủ đề trọng yếu và chưa doanh nghiệp nào gắn thù lao với ESG. Điều này khiến Việt Nam có nguy cơ tụt hậu trong cuộc đua bền vững, nhất là khi các thị trường lớn như EU yêu cầu khắt khe về phát thải carbon, theo ông Andri Meier.

Ông Vũ Chí Dũng thì cho rằng nếu không áp dụng quản trị công ty hiệu quả, doanh nghiệp dễ rơi vào vi phạm, mất uy tín và đánh mất sức hút với nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt khi tiềm năng 25 tỷ USD vào năm 2030 đang chờ phía trước.

Bà Nam Anh cũng chỉ ra thêm rằng, việc áp dụng công nghệ hiện đại còn hạn chế, chỉ 11% doanh nghiệp họp trực tuyến, và minh bạch chưa đồng đều, với 25% doanh nghiệp không công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông đúng hạn.

Ông Andri Meier khuyến nghị rằng trong bối cảnh các thị trường lớn như EU đặt tiêu chuẩn khắt khe về phát thải carbon, sự chậm trễ trong cải thiện quản trị có thể khiến doanh nghiệp Việt bị bỏ lại phía sau. Những thách thức này đòi hỏi doanh nghiệp phải hành động quyết liệt để không chỉ tuân thủ pháp lý mà còn vượt lên áp dụng các thông lệ tốt, như khuyến nghị từ cả ba đại biểu, nhằm biến tiềm năng thành hiện thực trong kỷ nguyên hội nhập.

Trần Hương

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/bai-2-quan-tri-cong-ty-tai-viet-nam-dung-truoc-nhieu-thach-thuc-162395.html