Sử dụng vật tư nông nghiệp có trách nhiệm, thu gom và xử lý chất thải trong sản xuất cà phê tại Việt Nam

Chiều 11/4, tại Đà Lạt, Vụ Hợp tác Quốc tế, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lâm Đồng, Tổ chức Diễn đàn Cà phê toàn cầu tại Việt Nam cùng chủ trì Hội thảo Tổng kết đánh giá Dự án Xây dựng đối thoại chính sách, nâng cao năng lực và nhận thức về sử dụng vật tư nông nghiệp có trách nhiệm, thu gom và xử lý chất thải trong sản xuất cà phê tại Việt Nam.

Chủ trì Hội thảo

Chủ trì Hội thảo

Tham dự có khoảng 150 đại biểu đến từ Sở Nông nghiệp và Môi trường, Trung tâm Khuyến nông các tỉnh Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông; các viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng; Hiệp hội Sản xuất cà phê; doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, cà phê trên địa bàn Tây Nguyên; hợp tác xã, tổ hợp tác, nông hộ sản xuât cà phê tỉnh Lâm Đồng; Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững; Trung tâm Phát triển cộng đồng…

Quang cảnh Hội thảo

Quang cảnh Hội thảo

Báo cáo tại Hội thảo, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhận định hiện nay, quản lý chất thải trong ngành cà phê ở Việt Nam còn nhiều hạn chế do nhận thức của người dân, công nghệ xử lý chưa đồng bộ và thiếu các chính sách hỗ trợ.

Chất thải từ sản xuất cà phê (vỏ quả, bã cà phê, nước thải chế biến, bao bì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...) đang gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường (do nước thải chế biến ướt và rửa hạt), suy thoái đất (do sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật không hợp lý làm mất cân bằng hệ vi sinh vật), phát thải khí nhà kính (CO2, CH4, N2O từ quá trình chế biến và vận chuyển).

Giới thiệu mô hình sản xuất cà phê bền vững của tỉnh Lâm Đồng tại Hội thảo

Giới thiệu mô hình sản xuất cà phê bền vững của tỉnh Lâm Đồng tại Hội thảo

Việc đảm bảo sử dụng vật tư nông nghiệp có trách nhiệm, thu gom và xử lý chất thải đúng cách là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự thay đổi đồng bộ từ chính sách đến hành vi của người sản xuất. Trong bối cảnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông đã phê duyệt văn kiện Dự án Xây dựng đối thoại chính sách, nâng cao năng lực và nhận thức về sử dụng vật tư nông nghiệp có trách nhiệm, thu gom và xử lý chất thải trong sản xuất cà phê tại Việt Nam do Tổ chức diễn đàn cà phê toàn cầu (GCP) tại Việt Nam tài trợ.

Mục tiêu chung nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ khuyến nông, khuyến nông cộng đồng, nông dân, người sản xuất cà phê và các đối tác liên quan về thực trạng của việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ảnh hưởng đến môi trường; nắm vững các biện pháp thu gom và quản lý chất thải trong sản xuất cà phê; nâng cao vai trò trách nhiệm trong vấn đề sử dụng vật tư nông nghiệp đầu vào (giống, thuốc trừ sâu bệnh, thuốc diệt cỏ, phân bón, nước tưới…) trong sản xuất cà phê, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng và bảo vệ môi trường.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Lâm Đồng Nguyễn Hoàng Phúc phát biểu tại Hội thảo

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Lâm Đồng Nguyễn Hoàng Phúc phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Lâm Đồng Nguyễn Hoàng Phúc cho biết, diện tích cây cà phê kinh doanh toàn tỉnh Lâm Đồng gần 170.000 ha, năng suất bình quân 3,4 tấn nhân/ha. Trong đó, 86.000 ha đạt các tiêu chuẩn chứng nhận hữu cơ, VietGAP, 4C… Sản lượng xuất khẩu cà phê nhân toàn tỉnh năm 2024 đạt 50.000 tấn, tổng kim ngạch xuất khẩu 170 triệu USD.

Để tiếp tục sản xuất cà phê an toàn, bền vững, tỉnh Lâm Đồng thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật trong việc thu gom, xử lý phụ phẩm, bao gói thuốc bảo vệ thực vật; xử lý chất thải, nước thải trong chế biến mặt hàng cà phê trên địa bàn…

Trưng bày sản phẩm sản xuất cà phê bền vững tại Hội thảo

Trưng bày sản phẩm sản xuất cà phê bền vững tại Hội thảo

Những ý kiến từ các chuyên viên, doanh nghiệp, nông hộ về quy trình sản xuất cà phê bền vững, tăng cường truyền thông cộng đồng, chương trình hỗ trợ nông dân phát triển cà phê gắn với bảo vệ môi trường lần lượt được chủ trì hội thảo chia sẻ những giải pháp kỹ thuật, định hướng sản xuất cà phê có trách nhiệm hơn nữa nhằm bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế cho người sản xuất…

Tham luận của đại biểu tại Hội thảo

Tham luận của đại biểu tại Hội thảo

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh cho rằng sáng kiến Diễn đàn Cà phê toàn cầu về nâng cao năng lực và nhận thức về sử dụng vật tư nông nghiệp có trách nhiệm rất kịp thời, đúng lúc. Theo đó, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia vào cuộc tích cực, mạnh mẽ, xây dựng đội ngũ khuyến nông cộng đồng; hàng năm tổ chức hàng trăm lớp đào tạo xây dựng, kết nối sản xuất bền vững hàng ngàn hecta vùng nguyên liệu cà phê trọng điểm trong cả nước .

Trong đó, có nhiều mô hình thành công về sử dụng vật tư có trách nhiệm, sản phẩm cà phê đầu ra đạt tiêu chuẩn an toàn, bền vững với môi trường, tiết kiệm chi phí đầu vào, qua đó hình thành tư duy mới sản xuất cà phê theo chuỗi giá trị gia tăng, đạt hiệu quả kinh tế cao..

Qua thảo luận của các đại biểu về vai trò, trách nhiệm của các bên, cũng như những khó khăn, thuận lợi của tổ khuyến nông cộng đồng trong việc thúc đẩy thu gom và xử lý chất thải trong sản xuất cà phê hiện nay, đóng góp và đề xuất từ hội thảo được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia ghi nhận, tổng hợp và phân tích, làm cơ sở quan trọng cho việc xây dựng các khuyến nghị chính sách và giải pháp thực tiễn nhằm cải thiện công tác quản lý chất thải, sử dụng vật tư nông nghiệp trong ngành sản xuất cà phê bền vững thời gian tới…

VĂN VIỆT

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/kinh-te/202504/su-dung-vat-tu-nong-nghiep-co-trach-nhiem-thu-gom-va-xu-ly-chat-thai-trong-san-xuat-ca-phe-tai-viet-nam-c027d9f/