Bài 2: Quy hoạch và thực thi phải chặt chẽ khoa học

Từ đề xuất di dời 80 cây hoa sữa trên đường Nguyễn Chí Thanh của UBND quận Đống Đa và thay thế bằng một loài cây phù hợp khác, có thể thấy việc quản lý, quy hoạch hệ thống cây xanh của Hà Nội còn nhiều bất cập. Theo ý kiến các chuyên gia, đã đến lúc cần nhìn nhận và xây dựng quy hoạch cây xanh đô thị của Thủ đô một cách bài bản, khoa học và nghiêm túc.

Phát triển "không gian xanh" trong đô thị

Thủ đô Hà Nội có hệ thống cây bóng mát mới trồng và cây lâu năm với hơn 100 loài trong đó có 25 loài có số lượng, cá thể lớn, có thể coi là truyền thống như long não, bằng lăng, hoa sữa, sấu, lát hoa, muồng, chẹo, sếu, sao đen, xà cừ… Đây cũng là chứng nhân thuyết phục cho bề dày lịch sử văn hóa của một đô thị, làm tăng vẻ đẹp kiến trúc cảnh quan, phản ánh trình độ văn minh.

Tại nhiều đô thị, tùy vào điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, quan điểm, tầm nhìn của nhà quy hoạch mà cây xanh ở mỗi đô thị có những sắc thái và đặc trưng khác nhau, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân thị thành.

Những tuyến phố rợp bóng cây xanh ở Hà Nội (Ảnh: Quốc Việt)

Những tuyến phố rợp bóng cây xanh ở Hà Nội (Ảnh: Quốc Việt)

Trồng đa dạng các giống cây cũng là cách để làm mới bộ mặt đô thị, nhưng những năm gần đây, tại Hà Nội có tình trạng nhiều loại cây xanh được đưa vào trồng trên đường phố chạy theo phong trào, không phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, không tạo nên bản sắc riêng cho mỗi đô thị. Từ đó dẫn đến hiện tượng cây trồng xong vài năm lại đốn bỏ, trồng lại mới vừa gây lãng phí tiền bạc, công sức, vừa tạo nên những đô thị lộn xộn, kém mỹ quan. Điều đó cũng chứng tỏ, cơ quan chức năng chưa có những đề án nghiên cứu thật sự nghiêm túc về vấn đề này; chưa nhận thức đầy đủ, chưa đưa ra được những quyết sách phù hợp trong việc lựa chọn, quy hoạch cây trồng đô thị.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội cho biết, cây xanh không chỉ đáp ứng yêu cầu cảnh quan mà còn giải quyết ô nhiễm do quá trình đô thị hóa gây nên. Ngoài phương diện kiến trúc do mỗi loài cây có hình dáng, màu sắc, kích thước, cấu trúc, sinh trưởng khác nhau, phối hợp với các thành phần kiến trúc khác tạo đô thị thành một quần thể thống nhất, có giá trị thẩm mỹ cao; cây xanh còn có chức năng góp phần cải thiện điền kiện khí hậu, vệ sinh đô thị. Bên cạnh đó, cây xanh còn giúp giải quyết các vấn đề liên quan đến kỹ thuật môi sinh như thanh lọc ô nhiễm không khí, hạn chế tiếng ồn, kiểm soát sự xói mòn đất, bảo vệ nguồn nước, nguồn nước thải...

Hiện nay, công tác quy hoạch cây xanh đã xác định tiêu chí: Xanh – Văn Minh – Văn hiến – Hiện đại; xác định được mục tiêu: 70% không gian xanh – 30% phát triển đô thị; tạo ra hệ thống tầng bậc các công viên đô thị như: công viên cấp vùng đô thị, công viên cấp đô thị, công viên cấp quận, cấp khu vực, cấp đơn vị ở, vườn hoa nhóm ở…; tiêu chí lựa chọn cây xanh.

KTS Lê Phước Anh nhận định, trồng đồng loạt một loại cây trên một tuyến phố là ý tưởng hay vì sẽ tạo nên bản sắc riêng của tuyến phố đó. Thế nhưng, các nhà quản lý cần nghiên cứu, lựa chọn kỹ lưỡng loại cây sẽ trồng để không tiếp diễn tình trạng “trồng-nhổ, nhổ-trồng”; gây ảnh hưởng xấu đến đời sống an sinh và cảnh quan đô thị.

Theo KTS Phước Anh, bài học kinh nghiệm từ những dự án đang "bỏ ngỏ", chưa hoàn thiện vẫn còn đó. Dù lựa chọn biện pháp di dời hay thay thế cơ quan quản lý cần tính toán kỹ lưỡng, để quy hoạch cây xanh luôn gắn liền với phát triển đô thị bền vững.

Trước những ý kiến khác nhau về vấn đề quy hoạch cây xanh đô thị, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng, PGS.TS Bùi Thị An cho rằng, chỉ những nhà khoa học, nhà nghiên cứu về cây xanh, những người có nghiên cứu chuyên sâu về đặc thù, đặc tính của cây mới đưa ra được câu trả lời xác đáng. Người dân Thủ đô muốn được sống trong một không gian xanh, gần gũi với thiên nhiên nên UBND TP Hà Nội cần giao nhiệm vụ quy hoạch cây xanh đô thị cho một đơn vị cụ thể để trực tiếp quản lý và thực thi.

“Đã làm thì phải làm chuẩn, tránh gây lãng phí. Quan trọng nhất vẫn là “khảo sát thật cẩn thận” trước khi thực hiện. Có như vậy, kế hoạch phát triển cây xanh đô thị mới đạt được hiệu quả thật sự” - PGS.TS Bùi Thị An nhấn mạnh.

Lãnh đạo TP Hà Nội cũng nhấn mạnh quan điểm nhất quán trong phương án quy hoạch đầu tư xây dựng là tránh tối đa vùng cây xanh, công viên, hồ nước. Trong trường hợp bắt buộc di dời, giải tỏa cây xanh nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng thực hiện dự án phải được tính toán chặt chẽ, chọn phương án tối ưu với ưu tiên hàng đầu là bảo tồn, di chuyển dù có thể phát sinh chi phí, trong điều kiện không thể dịch chuyển mới thực hiện giải pháp giải tỏa, chặt hạ.

Đại diện Sở Xây dựng thì khẳng định, trên cơ sở nội dung góp ý của các tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, Sở đã chỉ đạo Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội và các đơn vị đang thực hiện quản lý duy trì hệ thống cây xanh thành phố rà soát lưa chọn loài cây trồng phù hợp trong đô thị, đối với các cây già cỗi cần đánh giá ưu nhược điểm của cây, đánh giá về quá trình phát triển của cây và vòng đời sống và chết theo quy luật của tự nhiên. Việc xác định và lựa chọn chủng loại cây trồng cần phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng để xác định danh mục các loài cây cho từng khu vực trong đô thị, nhằm đa dạng chủng loại, mầu sắc và hoàn thiện hệ thống cây xanh.

Trang Nhung - Lê Tùng - Quốc Việt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song/bai-2-quy-hoach-va-thuc-thi-phai-chat-che-khoa-hoc-i311575/