BÀI 2: Tạo 'đất' để cán bộ phát huy năng lực
Sau sáp nhập, cán bộ, công chức Văn phòng Huyện ủy, Chính quyền huyện Tây Hòa luôn đoàn kết, vui vẻ, phát huy năng lực. Ảnh: THÙY THẢO
Thực hiện Nghị quyết 18, 19 của Trung ương 6 (khóa XII): Quyết tâm cao, tập trung hành động
BÀI 2: Tạo “đất” để cán bộ phát huy năng lực
Thực hiện Nghị quyết 18, 19 của Trung ương 6 (khóa XII), nhiều đầu mối trung gian cắt giảm, từng bước khắc phục tình trạng trùng lắp, chồng chéo nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý. Việc bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị cơ bản phù hợp trình độ chuyên môn; hiệu quả làm việc của những chức danh kiêm nhiệm được nâng lên, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hoạt động của chính quyền ở cơ sở.
Chuyển động tích cực ở Tây Hòa
16 năm gắn bó với huyện Tây Hòa, kinh qua nhiều công việc, đến năm 2018, anh Trương Ngọc Hoàng được phân công làm Chánh Văn phòng Huyện ủy, Chính quyền huyện Tây Hòa. Công việc hàng ngày của anh Hoàng khá vất vả khi vừa phải tham mưu công tác cho Huyện ủy và UBND huyện, vừa chịu trách nhiệm điều phối công việc hợp lý cho các cá nhân tại văn phòng. Song với tinh thần trách nhiệm, cùng sự chia sẻ, hỗ trợ của cấp trên và đồng nghiệp, anh dẫn dắt hoạt động của văn phòng trôi chảy.
Anh Hoàng bộc bạch: “Tây Hòa là địa phương đầu tiên trên địa bàn tỉnh thí điểm hợp nhất Văn phòng Huyện ủy với Văn phòng HĐND-UBND thành Văn phòng Huyện ủy, Chính quyền huyện. Thời gian đầu, tôi và các đồng nghiệp không tránh khỏi những bỡ ngỡ, lúng túng. Đến nay, mọi thứ đã trơn tru hơn, chất lượng và tiến độ công việc đảm bảo tốt, không có sự chồng chéo nhiệm vụ giữa các bộ phận. Tính hiệu quả trong tham mưu, tổng hợp, phục vụ của cơ quan văn phòng cũng được nâng lên”.
Theo Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa Nguyễn Tấn Chân, tinh thần đoàn kết, chia sẻ công việc được thể hiện rõ khi hợp nhất các văn phòng. Bộ máy tham mưu vừa giảm sự cồng kềnh, vừa phát huy hiệu quả sức mạnh tập thể. Việc tổng hợp, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong đánh giá, phân tích và nhận định về công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế ở địa phương cũng được sâu sát, kịp thời hơn.
“Trước khi sáp nhập, huyện đã triển khai kế hoạch, phương án sắp xếp, tinh giản gắn với bố trí, luân chuyển, điều động cán bộ để bảo đảm hài hòa giữa hoạt động bộ máy và quyền lợi cán bộ. Cho nên, tư tưởng của cán bộ, công chức trong cơ quan luôn thoải mái, phát huy được năng lực, sở trường của mỗi người. Nhờ làm tốt chính sách tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy các
cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập và kiên quyết giải quyết thôi việc đối với các hợp đồng lao động theo tinh thần chỉ đạo của tỉnh mà tổng chi thường xuyên của huyện 3 năm qua giảm trên 1.106 tỉ đồng”, ông Chân cho hay.
Tròn việc Đảng, trọn việc dân
Cứ vào ngày 29 hàng tháng, gần 50 đảng viên Chi bộ thôn Hoàn Thành, xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa lại tề tựu về nhà rông văn hóa thôn để sinh hoạt thường kỳ. Bí thư chi bộ Y Neng điều hành trôi chảy các bước trong cuộc họp.
Theo đánh giá của Ban Tổ chức Huyện ủy Sơn Hòa, Chi bộ thôn Hoàn Thành rất nghiêm túc thực hiện sinh hoạt chi bộ đúng quy định và có nhiều sáng tạo, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của chi bộ, đảng viên. Trong đó, vai trò của Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Y Neng rất quan trọng. Đảng viên 31 tuổi đời, 4 tuổi đảng này luôn phát huy vai trò gương mẫu, tiên phong đi đầu trong các hoạt động. Trẻ tuổi nhưng đảm nhận cùng lúc hai chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, nên để thuyết phục cán bộ, đảng viên và người dân làm theo các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, Y Neng luôn cập nhật tin tức thời sự mỗi ngày, chịu khó tìm hiểu các văn bản, quy định. Đảng viên hay người dân trong thôn, việc gì cần, hỏi Y Neng; việc gì không hiểu, nhờ Y Neng giải thích; việc gì bức xúc, báo cáo cho Y Neng.
Năm 2019, qua tìm hiểu, biết gia đình anh Kpá Y Soen không có nhà ở, nên Y Neng đã báo cáo xã, vận động Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam tài trợ hơn 40 triệu đồng xây nhà cho hộ nghèo này. Năm 2020, Y Neng cùng chi bộ triển khai mô hình Heo đất tiết kiệm, mỗi năm, đảng viên trong chi bộ thôn tiết kiệm 120.000 đồng/người để thực hiện một công trình hoặc hoạt động an sinh xã hội. Tốt nghiệp ngành Công nghệ sinh học nên Y Neng chịu khó tìm tòi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Y Neng đang triển khai một số mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương. Đảng viên người Ê Đê này đang ngày càng khẳng định uy tín, năng lực qua hơn một năm kiêm nhiệm hai chức danh.
Anh Y Neng (trái), Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Hoàn Thành phổ biến thông tin về các chính sách mới cho người dân. Ảnh: KHÁNH HÀ
Cải cách để nâng cao chất lượng
Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, qua 3 năm thực hiện Nghị quyết 18, 19-NQ/TW, đến nay, tỉnh đã bố trí trưởng ban dân vận đồng thời là chủ tịch ủy ban MTTQ ở cấp tỉnh (từ tháng 4/2019) và 8/9 đơn vị cấp huyện; bố trí trưởng ban tuyên giáo đồng thời là giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị ở 9/9 đơn vị cấp huyện (hoàn thành từ năm 2018); bố trí bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, buôn, khu phố tại 528/603 đơn vị, đạt 87,56%. Tỉnh cũng đã tinh giản, thu hồi 1.665/2.389 biên chế, đạt 70% kế hoạch đề ra đến năm 2021.
Cầm hồ sơ rời Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, bà Ngô Thị Ý Thanh, phường 9 (TP Tuy Hòa) phấn khởi chia sẻ: “Tôi không nghĩ chỉ trong một giờ đồng hồ, tại một địa điểm mà tôi có thể giải quyết được nhiều thủ tục hành chính (TTHC) như vậy, vừa làm lại giấy chứng minh nhân dân, vừa làm thủ tục nộp thuế, rồi đăng ký giấy phép kinh doanh. Được sự hướng dẫn của công chức ở trung tâm, tôi đăng ký trả kết quả bằng đường bưu điện giao trả tận nhà mà không phải mất thời gian lên lấy”.
Không chỉ bà Thanh, mà đa số cá nhân, tổ chức hài lòng với việc thu về một mối các thủ tục để giải quyết tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và thái độ phục vụ của cán bộ, công chức tiếp nhận, trả kết quả. Việc thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh là một bước cải tiến dài trong hoạt động cải cách hành chính tỉnh. Theo đó, cả Nhà nước, tổ chức, cá nhân đều có lợi. Cụ thể là giảm thời gian thực hiện TTHC; giảm thời gian đi lại và chi phí; giảm biên chế cho các cơ quan chuyên môn. Đồng thời, tỉnh đã triển khai “mô hình 4 tại chỗ” (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả) tại trung tâm, phục vụ tốt nhất nhu cầu giải quyết TTHC của người dân, doanh nghiệp.
Ông Huỳnh Văn Khoa, Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, cho biết: “Trung tâm là đầu mối thực hiện tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC của 23 cơ quan, đơn vị với hơn 1.500 TTHC. Trung tâm trang bị hệ thống máy lấy số, hệ thống đánh giá mức độ hài lòng đối với cán bộ tiếp nhận và trả kết quả TTHC. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại đây luôn có thái độ nhiệt tình, có kinh nghiệm, tiếp nhận hồ sơ đảm bảo đúng quy định thành phần hồ sơ của TTHC; hạn chế việc yêu cầu công dân bổ sung hồ sơ, đi lại nhiều lần. Tổ chức, cá nhân có thể tra cứu quá trình giải quyết hồ sơ trên Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh. Qua hơn một năm hoạt động, trung tâm từng bước đáp ứng nhu cầu, được đa số cá nhân, tổ chức hài lòng, đánh giá cao”.