Bài 2: Tạo sân chơi cho người đam mê đờn ca tài tử
Thời gian gần đây, các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành Văn hóa có nhiều chủ trương, đề án thiết thực duy trì hoạt động, bảo tồn và phát huy giá trị loại hình ĐCTT và sân khấu cải lương trên địa bàn tỉnh.
Đào tạo thế hệ kế thừa nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) là việc làm cần kíp để vực dậy và gìn giữ, phát huy giá trị bộ môn nghệ thuật ĐCTT. Thời gian gần đây, các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành Văn hóa có nhiều chủ trương, đề án thiết thực duy trì hoạt động, bảo tồn và phát huy giá trị loại hình ĐCTT và sân khấu cải lương trên địa bàn tỉnh. Qua đó giúp phong trào ĐCTT cải lương (ĐCTT-CL) phát triển, tạo sân chơi cho người yêu thích bộ môn nghệ thuật này.
Không gian đờn ca tài tử
Đầu tháng 8.2023, Trung tâm Văn hóa tỉnh mở lớp “Không gian đờn ca tài tử”. Mỗi tối thứ 2, 4, 6 hằng tuần, những người yêu thích bộ môn ĐCTT-CL có thể đến Trung tâm Văn hóa tỉnh để đăng ký học hát, học đờn. Lớp học do Nghệ sĩ ưu tú Anh Thư, Nghệ nhân ưu tú Thành Trí, nghệ sĩ Đông Dương… Đây không chỉ là lớp học đàn, hát, mà còn là không gian giao lưu dành cho những ai có năng khiếu và đam mê bộ môn này.
“Tôi biết đến thầy Trí và cô Thư qua lớp ĐCTT tổ chức tại Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (thị xã Hòa Thành). Tôi rất thích bộ môn này nhưng lúc đó trường chưa đủ điều kiện giảng dạy nên lớp học giải tán. Nay thấy lớp học ĐCTT của Trung tâm Văn hóa tỉnh tuyển sinh, tôi đăng ký tham gia ngay. Đây là lớp học được nhiều người mong đợi từ lâu.
Từ ĐCTT Nam bộ được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tôi cảm thấy vô cùng tự hào nên muốn học cho bằng được để có hiểu biết nhiều hơn về ĐCTT-CL, học hát một cách chính quy, bài bản hơn. Sau hơn 3 tuần học tập, tôi thấy lớp hơi vắng, do chưa nhiều người biết, nhưng cách dạy của thầy cô rất nhiệt tình, hướng dẫn cách đi đứng, cách hát, từng điểm yếu, điểm mạnh của học viên”- chị Lộ Thị Thùy Trang chia sẻ.
Dạy và học ĐCTT-CL không đơn thuần là sự truyền dạy kiến thức chuyên môn, mà ở đó đòi hỏi sự đam mê, nhiệt huyết, kể cả sự kết hợp ăn ý giữa thầy và trò.
Nghệ nhân ưu tú Phan Thành Trí- Chủ nhiệm CLB ĐCTT tỉnh, giáo viên chủ nhiệm lớp học Không gian ĐCTT cho biết, lớp học này do Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức nhằm bảo tồn bộ môn nghệ thuật ĐCTT. Lớp mở được hơn 3 tuần, có 10 người đăng ký học, trong đó có 2 người học đờn và 8 người học hát.
Để lớp học phát triển hơn nữa, ông mong rằng Trung tâm Văn hóa tỉnh nỗ lực tuyên truyền, quảng bá hình ảnh lớp học nhiều hơn trên các nền tảng mạng xã hội, thu hút sự chú ý và quan tâm của người yêu thích ĐCTT, đặc biệt là các bạn trẻ.
Sau này, nếu lớp học hoạt động hiệu quả sẽ mở rộng quy mô hơn tại các huyện, thị, thành phố để mọi người được học bài bản, hiểu biết sâu hơn về ĐCTT. Bên cạnh đó, ông cũng mong rằng, các địa phương thường xuyên tổ chức liên hoan ĐCTT để tạo sân chơi, đáp ứng niềm đam mê của những người yêu thích bộ môn này.
Học viên Nguyễn Tấn Đạt, ngụ Bàu Năng, Dương Minh Châu chia sẻ: “Vì yêu thích bộ môn ĐCTT, nên tôi lên mạng để tìm lớp học cho bài bản hơn, nhưng tìm không thấy. Khi Trung tâm Văn hóa tỉnh chiêu sinh lớp học ĐCTT, tôi đăng ký học ngay. Thầy cô dạy rất nhiệt tình, kèm sát từng học viên, trời mưa gió nhưng lớp vẫn diễn ra. Đây thật sự là sân chơi bổ ích dành cho những người đam mê bộ môn này”.
Vực dậy phong trào
Bên cạnh việc đào tạo chuyên sâu, bài bản cho người đam mê ĐCTT, ngành Văn hóa tỉnh có nhiều chủ trương, cách làm hay để vực dậy phong trào ĐCTT trên địa bàn tỉnh. Trong đó, việc tạo thêm sân chơi cho người đam mê ĐCTT được quan tâm, chú trọng. Tuy nhiên, công tác tổ chức gặp nhiều khó khăn do thiếu điều kiện để duy trì, tổ chức thường xuyên.
“Hiện nay, ngoài việc củng cố, duy trì hoạt động của CLB ĐCTT tại các địa phương. Để khuyến khích và từng bước nâng cao chất lượng hoạt động phong trào ở cơ sở, Trung tâm Văn hóa tỉnh chủ trương chọn lựa các hạt nhân cơ sở tham gia các liên hoan ĐCTT cấp khu vực, qua đó giao lưu trao đổi kinh nghiệm góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của loại hình ĐCTT của tỉnh nói chung và của các địa phương nói riêng”- bà Hàng Thị Quý Tâm- Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Văn hóa tỉnh cho biết.
Trong năm 2023, Trung tâm Văn hóa tỉnh chọn CLB ĐCTT thị xã Hòa Thành và huyện Gò Dầu tham gia Liên hoan bóng rỗi và ĐCTT cụm miền Đông Nam bộ tại Đồng Nai; Liên hoan ĐCTT tại Long An đạt được nhiều thành tích đáng kể. Đây còn là dịp để các nghệ sĩ tỉnh nhà học hỏi, giao lưu từ các nghệ nhân, nghệ sĩ các tỉnh bạn.
Bên cạnh đó, Trung tâm Văn hóa tỉnh giới thiệu hình ảnh ĐCTT thông qua việc đưa các bài ca cổ, đờn ca tài tử hoặc chập cải lương vào chương trình nghệ thuật phục vụ cơ sở; mở các lớp năng khiếu thiếu nhi hè; thực hiện hoạt động truyền dạy nhằm tạo lực lượng kế thừa cho phong trào ĐCTT-CL trong tỉnh.
Sắp tới, Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức nhiều sân chơi hơn nữa dành cho người đam mê ĐCTT như Liên hoan ĐCTT cấp tỉnh vào cuối năm 2023; năm 2024-2025 tổ chức Không gian ĐCTT-CL và Liên hoan ĐCTT cấp tỉnh. “Hoạt động này như một bước diễn tập, chuẩn bị sẵn sàng cho công tác đăng cai Liên hoan ĐCTT quốc gia năm 2025.
Việc vực dậy phong trào ĐCTT có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động giữ gìn, bảo tồn và phát triển loại hình văn hóa này tại địa phương, góp phần xây dựng và khắc rõ hình ảnh “Cái nôi ĐCTT Nam bộ của tỉnh Tây Ninh”. Qua đó đào tạo, chọn lựa lực lượng văn nghệ sĩ ưu tú chuẩn bị sẵn sàng cho Liên hoan ĐCTT quốc gia năm 2025”- bà Hàng Thị Quý Tâm- Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Văn hóa tỉnh thông tin thêm.
Theo các nhà nghiên cứu, sức sống của ĐCTT luôn mãnh liệt khi môi trường thực hành ngày càng mở rộng, phần nào thỏa mãn được niềm đam mê của giới mộ điệu. Tuy nhiên, còn rất nhiều việc cần làm để bảo tồn loại hình nghệ thuật này. Do đó, để gìn giữ và phát huy giá trị nghệ thuật của ĐCTT không gì khác hơn ngoài việc dạy cho giới trẻ hiểu về ĐCTT, biết thưởng thức và nuôi dưỡng sự đam mê với bộ môn nghệ thuật này.
Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/bai-2-tao-san-choi-cho-nguoi-dam-me-don-ca-tai-tu-a162674.html