Bài 2: Tháo gỡ 'nút thắt' hướng tới mục tiêu khu công nghiệp Net Zero

Việc phát triển các khu công nghiệp xanh là giải pháp hữu hiệu góp phần hiện thực mục tiêu Net Zero vào năm 2050, tuy nhiên vẫn còn vướng mắc về cơ chế.

Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045 và đạt phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Đây vừa là tham vọng lớn nhưng cũng là thách thức đối với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Việc phát triển các khu công nghiệp (KCN) sinh thái, chuỗi sản xuất tuần hoàn khép kín được coi là giải pháp hữu hiệu để góp phần hiện thực hóa mục tiêu này.

Nút thắt cơ chế

Để thúc đẩy phát triển KCN sinh thái, tăng trưởng xanh, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý KCN và khu kinh tế (Nghị định 35). Nghị định này được kỳ vọng sẽ tạo cơ sở tiền đề, tạo động lực để mô hình KCN sinh thái thực sự phát huy được vai trò tích cực trong tăng trưởng xanh, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mô hình KCN sinh thái chỉ thực sự phát huy vai trò tích cực đối với với chiến lược phát triển bền vững của quốc gia khi được nhân rộng trên cả nước, với các hỗ trợ về chính sách, công nghệ, tài chính, thông tin và cơ chế kết nối chặt chẽ giữa các cơ quan trong nước và các tổ chức quốc tế.

Các chuyên gia kinh tế nhìn nhận, để đẩy nhanh quá trình Net Zero tại các KCN, cần sớm cụ thể hóa các chính sách ưu đãi cho KCN sinh thái tại Nghị định 35 để việc áp dụng đi vào thực tiễn. Đồng thời áp dụng một số ưu đãi riêng cho những đơn vị phát triển hoặc chuyển đổi KCN sinh thái thành công.

 Tháo gỡ “nút thắt” hướng tới mục tiêu khu công nghiệp Net Zero

Tháo gỡ “nút thắt” hướng tới mục tiêu khu công nghiệp Net Zero

Đơn cử như Dự án KCN Hỗ trợ Nam Hà Nội (Hanssip) dù mới ở giai đoạn 1 đã và đang xây dựng phát triển theo hướng là “Hệ sinh thái công nghiệp”, bao gồm đầy đủ các điều kiện cho doanh nghiệp và người lao động sản xuất – làm việc – sinh sống, tối đa hóa phục vụ người lao động – công nhân viên – cán bộ quản lý chuyên gia và các đối tác đến giao dịch sản xuất – kinh doanh dịch vụ tại KCN Hanssip. Cụ thể, các nhà xưởng tiêu chuẩn được xây dựng cho thuê với các điều kiện linh hoạt và có sự hỗ trợ hợp tác của các tổ chức tài chính, ngân hàng ngay tại KCN. Ngoài ra, KCN còn tích hợp cả trung tâm logistics, trường học, phòng khám y tế, trung tâm thương mại, rạp chiếu phim, khách sạn…

Ông Phạm Quang Khải- Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Phát triển N&G, Chủ đầu tư KCN hỗ trợ Nam Hà Nội cho biết, để hướng đến một KCN xanh, sản xuất sinh thái với chuỗi các nhà sản xuất trong KCN. Tuy vậy, để hình thành KCN sinh thái, ngoài việc tăng vốn đầu tư, thì cũng còn nhiều thủ tục hành chính liên quan, việc xây dựng chuỗi sản xuất vẫn là khâu khó khăn nhất, bởi việc lựa chọn được các nhà đầu tư cùng lĩnh vực, bổ trợ cho nhau là rất khó.

"Theo đó, đề xuất cơ quan chức năng ngoài việc tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tinh gọn, thì cũng có các chương trình hỗ trợ về kỹ thuật, hướng dẫn doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, xây dựng KCN sinh thái", ông Phạm Quang Khải nêu ý kiến.

Để hỗ trợ doanh nghiệp và nhân rộng mô hình KCN sinh thái, một số doanh nghiệp cho rằng, trước hết cần tạo lập môi trường thuận lợi. Theo đó, khung pháp lý cần tiếp tục hoàn thiện theo hướng thúc đẩy đầu tư cho tăng trưởng xanh; xây dựng danh mục đầu tư trọng điểm, nhằm định hình thu hút nguồn lực đầu tư; xây dựng chính sách ưu đãi cho đầu tư tăng trưởng xanh; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư tăng trưởng xanh… Bên cạnh đó, các quy định về KCN sinh chưa có sự đồng bộ giữa Luật Quy hoạch, Luật Đất đai, môi trường, các Nghị định....

Năm 2030 có 40-50% địa phương thực hiện KCN sinh thái

Với một đất nước đang tập trung nguồn lực cho xây dựng và phát triển kinh tế như Việt Nam, việc xây dựng các KCN xanh là cần thiết, để tập trung các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vào một địa bàn nhất định. Tuy nhiên, với việc xây dựng các KCN tập trung cao độ, vấn đề bảo vệ môi trường trở thành một thách thức nghiêm trọng cho các mục tiêu phát triển xã hội của Việt Nam. Chính vì vậy, việc hướng tới KCN Net Zero là hoàn toàn cần thiết.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, các doanh nghiệp ngành Công Thương đóng vai trò quan trọng trong xanh hóa nền công nghiệp, xây dựng nền kinh tế xanh, phát triển bền vững đất nước. Để đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường, những năm qua, ngành Công Thương đã nỗ lực xử lý các vấn đề về ô nhiễm môi trường, những “điểm nóng” về môi trường và từng bước kiểm soát nguồn thải trong ngành công nghiệp có nguy cơ ô nhiễm như thép, nhiệt điện, hóa chất, khoáng sản, luyện kim..., hướng đến xây dựng các KCN xanh.

Cụ thể, mục tiêu đến năm 2025, 70-90% nguồn thải trong các lĩnh vực công nghiệp trọng điểm được đánh giá, kiểm kê, hoàn thiện cơ sở dữ liệu và ban hành chính sách, quy định kiểm soát; 80% tổng lượng tro, xỉ, thạch cao phát sinh từ các nhà máy điện, nhà máy hóa chất, phân bón được tái chế, tái sử dụng và xử lý làm nguyên liệu sản xuất, vật liệu xây dựng, san lấp,... đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; 100% các doanh nghiệp ngành Công Thương được tập huấn và phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường.

Đáng chú ý Bộ Công Thương tập trung đẩy mạnh các mô hình công nghiệp xanh trong các ngành công nghiệp. Xây dựng mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững các sản phẩm nhựa thân thiện với môi trường, gắn với phát triển ngành công nghiệp môi trường. Nghiên cứu, đề xuất xây dựng mô hình KCN, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp sinh thái, thân thiện môi trường.

Trong thời gian tới với nguồn lực công - tư trong việc chuyển đổi, phát triển mô hình KCN sinh thái đang đặt ra cho Việt Nam một “cuộc chơi” mới nhằm tiến tới Net zero (mức phát thải ròng bằng 0). Điều đó đặt ra vai trò và trách nhiệm của nhiều bên có liên quan, trong đó Chính phủ và các bộ, ngành có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, chiến lược hành động tổng thể trên phạm vi quốc gia và làm cơ sở cho các địa phương và từng KCN triển khai thực hiện một cách bài bản.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cần xây dựng bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn để theo dõi, giám sát các KCN sinh thái. Bộ tiêu chí này phải đánh giá dựa trên khung quốc tế chứ không chỉ đánh giá trên khung của Việt Nam. Đồng thời cần có một hệ thống thông tin để có cơ sở theo dõi, đánh giá và giám sát tổng kết, rút kinh nghiệm. Từ đó, cộng đồng doanh nghiệp cũng có thể tự xây dựng và thực hiện các giải pháp hiệu quả về tài nguyên, sản xuất sạch hơn và cộng sinh công nghiệp. Mặt khác, cần xây dựng hành lang pháp lý để tạo "sân chơi" cho mô hình KCN sinh thái. Đồng thời, sẽ khuyến nghị các cơ quan hữu quan xây dựng các chính sách, công cụ để huy động nguồn lực cho phát triển xanh và bền vững.

Mới đây, theo báo cáo tổng kết 30 năm phát triển KCN, Khu kinh tế của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã được Chính phủ đồng ý, đến năm 2030 sẽ có từ 40-50% địa phương có kế hoạch chuyển đổi các KCN hiện hữu sang KCN sinh thái và 8-10% địa phương có định hướng xây dựng KCN sinh thái mới từ bước lập quy hoạch xây dựng và định hướng ngành, nghề thu hút đầu tư. Việc quan tâm xây dựng mới KCN sinh thái được thực hiện đồng thời với việc chuyển đổi KCN truyền thống sang KCN sinh thái.

Việt Anh- Hải Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bai-2-thao-go-nut-that-huong-toi-muc-tieu-khu-cong-nghiep-net-zero-271848.html