Bài 2: Thủ đoạn 'gắp lửa bỏ tay… doanh nhân'
Cắt ghép ảnh, lấy thông tin cũ 'xào' lại rồi tung lên mạng... bình luận theo chiều hướng doanh nghiệp này sắp phá sản là thủ đoạn 'gắp lửa bỏ tay doanh nhân'.
Cắt ghép ảnh, ghép nối văn bản, lấy thông tin cũ "xào" lại rồi tung lên mạng, bôi đen hoạt động sản xuất kinh doanh, tiếp đó bình luận theo chiều hướng như doanh nghiệp này sắp phá sản, doanh nhân kia sắp vào “lò”... Thủ đoạn “gắp lửa bỏ tay… doanh nhân” này của các thế lực thù địch và cơ hội chính trị đã khiến doanh nghiệp, doanh nhân rơi vào hoàn cảnh khó khăn, làm giảm niềm tin của người dân vào môi trường kinh doanh.
Mấy năm gần đây,đã có không ít doanh nghiệp, doanh nhân “khóc dở, mếu dở” khi xuất hiện trên mạng xã hội hình ảnh xe công an, cảnh sát đậu trước trụ sở doanh nghiệp, cùng với đó là thêu dệt chuyện doanh nghiệp, doanh nhân bị bắt, bị thanh tra… Thực chất, đây là ảnh cũ hoặc ảnh gắn với một sự kiện kỷ niệm thành lập doanh nghiệp.
Nguy hiểm hơn, các đối tượng chống phá còn cắt ghép ảnh, ghép nối văn bản, lấy thông tin cũ "xào" lại rồi tung lên mạng, thu hút cộng đồng mạng vào xem, bình luận theo chiều hướng như doanh nghiệp này sắp phá sản, doanh nhân kia sắp vào “lò". Có doanh nghiệp, doanh nhân còn bị những nhóm người đến trụ sở căng băng-rôn, chụp ảnh quay phim và tung lên mạng xã hội, tạo ra những tin đồn ác ý, gây sự nghi ngờ trong xã hội, khiến các nhà đầu tư nản lòng, mất niềm tin vào doanh nghiệp.
Tin đồn, cùng với những thông tin xuyên tạc, bịa của các đối tượng thù địch tấn công trực tiếp vào các doanh nghiệp, doanh nhân còn nhằm mục đích sâu xa là gây hoang mang dư luận, tạo bất ổn trong xã hội, khiến người dân suy giảm lòng tin vào kinh tế đất nước.
Một số tổ chức, hội nhóm phản động như Việt Tân, Hội Anh em dân chủ; các hãng truyền thông hải ngoại thiếu thiện chí với Việt Nam đã “gắp lửa bỏ tay doanh nhân”, rồi suy diễn thành việc “doanh nhân đối đầu với thế lực chính trị như việc trứng chọi đá”…
Gần đây, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, một số doanh nghiệp Nhà nước khó khăn, một số đối tượng chống đối đã nhân cơ hội đó phủ nhận vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước với những giọng điệu như: "kinh tế nhà nước với hàng loạt doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ chỉ là gánh nặng của nền kinh tế", "phải xóa bỏ vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước”… Những lập luận này khiến một số người bị thuyết phục nhưng thực chất là những quan điểm phản khoa học, phiến diện, chủ quan cảm tính.
Bởi lẽ kinh tế Nhà nước không đồng nhất với doanh nghiệp Nhà nước. Kinh tế nhà nước là thành phần kinh tế (bao gồm các yếu tố thuộc sở hữu nhà nước và các yếu tố thuộc sở hữu toàn dân mà nhà nước được giao quyền đại diện chủ sở hữu) do nhà nước tổ chức, quản lý, điều hành. Ngoài doanh nghiệp nhà nước, kinh tế nhà nước còn có các yếu tố khác thuộc sở hữu nhà nước như tài nguyên quốc gia, ngân hàng nhà nước, ngân sách, quỹ dự trữ quốc gia... Vì vậy, không thể lấy dẫn chứng về hạn chế của một số doanh nghiệp Nhà nước để quy chụp thành yếu kém của cả thành phần kinh tế Nhà nước.
Mặt khác, không phải tất cả các doanh nghiệp nhà nước đều yếu kém. Theo báo cáo mới đây của Chính phủ gửi Quốc hội, đến cuối 2022, cả nước có 827 doanh nghiệp có vốn góp Nhà nước, trong đó 676 đơn vị có vốn Nhà nước từ 50%. Quy mô tài sản của mỗi doanh nghiệp có vốn nhà nước bình quân là 4.700 tỷ đồng, lãi trước thuế tăng 23% so với năm 2021, tạo động lực và đóng góp nguồn thu vào ngân sách nhà nước, việc làm, thu nhập cho người lao động.
Hiện có 30 doanh nghiệp nhà nước hoặc có vốn nhà nước đầu tư ra nước ngoài trực tiếp hoặc gián tiếp qua các công ty con cấp 1 và 2. Sau hàng chục năm đầu tư ra nước ngoài, các doanh nghiệp này (chủ yếu là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) đã có lãi chuyển về nước khoảng 2 tỷ USD. Các dự án này cũng thu được gần 2,1 tỷ USD tiền gốc và các khoản khác.
Trong đó, PVN vẫn là đơn vị ghi nhận số tiền thu về lớn nhất từ các dự án đầu tư ở nước ngoài, trên 2,9 tỷ USD, tiếp theo là Viettel với hơn 0,95 tỷ USD. Một số dự án hiệu quả, vốn thu hồi lớn hơn số bỏ ra đầu tư, như dự án thăm dò khai thác dầu khí tại Nga của PVN; Dự án khai thác sắt, vàng của Tổng công ty Hợp tác kinh tế (Quân khu 4); Dự án viễn thông của Viettel tại Campuchia, Lào…
Kinh tế nhà nước, trong đó có các doanh nghiệp nhà nước trực tiếp phụ trách những lĩnh vực trọng yếu liên quan đến an ninh chủ quyền quốc gia, quân sự quốc phòng, bảo đảm an sinh xã hội, tài nguyên quốc gia, hay đầu tư ở những ngành, lĩnh vực, địa bàn mà doanh nghiệp tư nhân không thể hoặc không muốn làm nhưng cần thiết cho tiến trình phát triển kinh tế của đất nước theo mục tiêu đã định, vì lợi ích đông đảo tầng lớp nhân dân như xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và sinh hoạt, cung ứng dịch vụ công ích, đầu tư vào những ngành có vốn đầu tư lớn, ở địa bàn khó khăn, nhiều rủi ro, khó thu được lợi nhuận cao...
Kinh tế Nhà nước, trong đó có các doanh nghiệp nhà nước giúp tạo điều kiện cho khu vực kinh tế ngoài nhà nước phát triển (như hỗ trợ, ưu đãi về vốn, hỗ trợ về hạ tầng cơ sở, chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ…); giảm thiểu, khắc phục được những khuyết tật của cơ chế thị trường; bảo vệ, hỗ trợ nhóm yếu thế, dễ gặp rủi ro... Ðặc biệt, kinh tế nhà nước chính là bộ phận quan trọng để định hướng sự phát triển của các thành phần kinh tế theo mục tiêu xã hội chủ nghĩa tiến bộ, công bằng, văn minh, không để các doanh nghiệp ngoài nhà nước tự do theo đuổi lợi nhuận bằng mọi giá, vì lợi ích tư nhân mà bất chấp lợi ích quốc gia, dân tộc, cộng đồng...
Một thủ đoạn “gắp lửa bỏ tay… doanh nhân” nữa của các đối tượng thù địch là “nhặt” những “gam màu đen” trong bức tranh doanh nghiệp doanh nhân rồi “quy thành bản chất” điển hình là việc chúng lấy số liệu trong báo cáo của Tổng cục Thống kê tình hình kinh tế-xã hội 9 tháng đầu năm 2023.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong tháng 9, cả nước có 12.684 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 9,7% so với tháng trước và tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước; 5.808 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 7,2% và tăng 13,5% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng đầu năm 2023, cả nước có 116,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước; 48,9 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 3,2%; 75,8 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 21,2%; 46,1 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 26,9%; 13,2 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 4,3%.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III năm 2023 cho thấy có 30,1% số doanh nghiệp đánh giá tốt hơn so với quý II năm 2023 và dự kiến quý IV năm 2023, có 39,1% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý III năm 2023…
Thế nhưng, một số đối tượng chống đối chỉ ấy số liệu “màu xám” trong báo cáo trên như số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 9 giảm, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 9 tháng đầu năm giảm… rồi “kết luận” rằng “bức tranh kinh tế Việt Nam ảm đạm”, “các doanh nghiệp Việt Nam chết gần hết rồi”.
Thực tế là số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường đang giảm tốc. Nếu như trong 9 tháng đầu năm, bình quân một tháng có 15.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường thì trong tháng 9 chỉ có 10.838 doanh nghiệp rút lui. Mặc dù 135.100 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 9 tháng đầu năm, nhưng bù lại có đến 165.200 doanh nghiệp mới tham gia thị trường. Nghĩa là trong 9 tháng đầu năm nay, cả nước vẫn có hơn 30 nghìn doanh nghiệp tăng thêm.
Bài 3 : Cần tỉnh táo và kiên quyết đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc, phản động
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bai-2-thu-doan-gap-lua-bo-tay-doanh-nhan-276932.html