Bài 2: Tìm nguyên nhân, lấp khoảng trống
Theo nhiều ý kiến, hành vi cài đặt 'lợi ích nhóm', tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật diễn ra tinh vi, rất khó phát hiện mối quan hệ giữa biểu hiện bên ngoài và động cơ thực sự bên trong, trong khi còn thiếu cơ chế giám sát, nhất là giám sát bên ngoài cũng như thiếu cơ chế và chế tài để phát hiện, xử lý hành vi. Đây là những 'khoảng trống' trong thực tiễn cần sớm được lấp đầy.
Bài 1: Kiểm soát quyền lực trong hoạt động lập pháp
Bài 3: Nhận diện rõ chủ thể và hành vi
Quy định đã đủ
Công tác giám sát xây dựng pháp luật, phản biện xã hội đòi hỏi cán bộ, công chức phải có chuyên môn sâu, am hiểu về nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội có trình độ lý luận và kinh nghiệm thực tiễn phong phú, sâu sắc, trong khi số lượng và chất lượng của cán bộ, công chức làm công tác Mặt trận chưa tương xứng với yêu cầu và nhiệm vụ đề ra; chưa thể hiện bản lĩnh dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm ; chưa có cơ chế hữu hiệu để huy động và phát huy trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn và nhân dân tham gia vào công tác này.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực
Để bảo đảm việc xây dựng chính sách, pháp luật được khách quan, có chất lượng, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành đã xác định nhiều yêu cầu như: công khai, dân chủ, minh bạch, mọi cơ quan, tổ chức, người dân đều có thể giám sát. Luật này cũng quy định các vấn đề quan trọng như: thẩm quyền ban hành văn bản, vấn đề ủy quyền lập pháp (qua đó loại trừ việc lạm quyền, tùy tiện trong ban hành văn bản); trách nhiệm tham gia của các cơ quan trong quá trình soạn thảo; nội dung thẩm định, thẩm tra dự án luật. Quy định việc xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến đại biểu Quốc hội; việc phối hợp giữa các cơ quan và chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc tiếp thu, chỉnh lý dự án luật... Đặc biệt quy định về giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, sự tham gia ý kiến của các tổ chức chính trị - xã hội; sự giám sát của báo chí, của nhân dân đối với hoạt động lập pháp.
Ngoài những quy định nêu trên, ở nước ta còn có quy định về hoạt động kiểm tra, giám sát của Đảng đối với các cơ quan nhà nước, bao gồm các cơ quan hoạch định chính sách, pháp luật; quy định về kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan, tổ chức tham gia mỗi công đoạn của hoạt động lập pháp; quy định về hoạt động giám sát của nhân dân, của các tổ chức xã hội, của báo chí… Qua đó góp phần phòng, chống tác động tiêu cực của nhóm lợi ích trong xây dựng chính sách, pháp luật.
Thực tế cho thấy, hoạt động xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật gồm nhiều quy trình, công đoạn với sự tham gia của nhiều cơ quan, đơn vị; kết quả của hoạt động xây dựng pháp luật là sản phẩm trí tuệ có tác động đến toàn xã hội… Hơn nữa, hành vi cài đặt “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật diễn ra tinh vi, rất khó phát hiện mối quan hệ giữa biểu hiện bên ngoài và động cơ thực sự bên trong nên khi phát hiện thì để chứng minh và xử lý trách nhiệm cũng rất phức tạp. Đôi khi ý tưởng chính sách nhằm phục vụ “lợi ích nhóm” được thể hiện dưới hình thức lợi ích chung cho cộng đồng và hậu quả của chính sách được cài cắm không xảy ra ngay trong tương lai gần.
Nhưng thiếu chế tài
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực cho rằng, theo quy trình xây dựng pháp luật hiện nay, cơ quan thi hành pháp luật đồng thời là cơ quan chủ trì soạn thảo nên thường đề xuất, đưa vào dự thảo văn bản những nội dung thuận lợi cho mình. Quy trình thẩm định, tiếp thu ý kiến góp ý chưa rõ trách nhiệm của các cơ quan. Nhiều ý kiến góp ý được ghi nhận nhưng cơ quan chủ trì soạn thảo vẫn xin giữ nguyên như dự thảo. Trong khi đó, đánh giá tác động chính sách pháp luật nhiều khi chưa đầy đủ, còn hình thức; khâu lấy ý kiến nhân dân chưa được quy định và tổ chức thực hiện nghiêm túc; thời gian kỳ họp Quốc hội ngắn nhưng khối lượng văn bản luật cần cho ý kiến, biểu quyết thông qua lớn cũng ảnh hưởng đến chất lượng, tuổi thọ của các dự án luật.
Ở góc độ khác, Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án tham nhũng, chức vụ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Đức Thái cho rằng, hiện nay còn có “khoảng trống” trong cơ chế giám sát đối với văn bản quy phạm pháp luật, nhất là cơ chế giám sát bên ngoài. Trước đây, theo Hiến pháp 1959, Hiến pháp 1980 và Hiến pháp 1992, Viện Kiểm sát nhân dân có trách nhiệm kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc ban hành văn bản pháp quy nhằm bảo đảm tính hợp hiến và thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Đây là một trong những cơ chế bảo vệ Hiến pháp, pháp luật rất hiệu quả, là đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, đến Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung 2001) và Hiến pháp năm 2013, Viện Kiểm sát nhân dân chỉ còn kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tư pháp, không thực hiện kiểm sát văn bản quy phạm pháp luật nữa nhưng lại chưa thiết lập được cơ chế hữu hiệu khác thay Viện Kiểm sát nhân dân thực hiện trách nhiệm này.
Do vậy, đã tạo ra “khoảng trống” trong giám sát bên ngoài đối với việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, có nguy cơ nảy sinh hiện tượng cục bộ ngành, cục bộ địa phương, “lợi ích nhóm”. Thực tế các vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ vừa qua cho thấy, một số văn bản quy phạm pháp luật được ban hành có nội dung trái pháp luật là nguyên nhân gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, Vụ trưởng Nguyễn Đức Thái dẫn chứng.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Chí Công cho hay, chưa có quy định về cơ chế và chế tài để phát hiện, xử lý “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong soạn thảo, ban hành văn bản còn chung chung, chưa quy định chế tài cụ thể khi không thực hiện đúng, đủ nhiệm vụ, quyền hạn. Đặc biệt, chưa có chế tài xử lý đối với cơ quan có thẩm quyền khi Tòa án đã kiến nghị xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ văn bản pháp luật trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH nhưng không xem xét, không trả lời Tòa án.