Bài 2: Trẻ em đang sống giữa muôn trùng vây của những nội dung xấu độc trên mạng xã hội
Nhiều phụ huynh bày tỏ lo lắng khi hiện nay, trẻ em đang sống giữa sự bủa vây của những video, clip chứa nội dung xấu độc trên internet.
Thức giấc lúc 2h sáng, chị Lê Thanh Thu (Thanh Xuân, Hà Nội) phát hiện ánh sáng le lói từ căn phòng cậu con trai đang học cấp 2, tiến lại gần, chị bất ngờ bởi con trai vẫn đang thức, mắt chăm chú lướt từng clip trên mạng xã hội TikTok.
Trang bị máy tính bảng với mục đích giúp con trai thuận tiện hơn trong việc học tập, nhất là việc học online trong mùa dịch, song chị Thu ngày càng nhận thấy nhiều mặt trái mà thiết bị di động này mang lại.
Trước đây, con trai chị cũng được trang bị máy tính kết nối internet để phục vụ học tập, bên cạnh đó nhà cũng có ti vi thông minh nhưng việc sử dụng máy tính hay ti vi đều được bố mẹ kiểm soát khá chặt chẽ. Tuy nhiên, từ khi có máy tính bảng, việc giám sát trở nên khó khăn hơn.
"Rảnh tay là cháu ôm máy tính bảng, ban đầu là những phim hoạt hình trên YouTube, khi đó vì những nội dung cháu xem là lành mạnh nên chúng tôi chỉ nhắc nhở, lưu ý thời gian xem không nên quá nhiều, để ảnh hưởng đến sức khỏe và học tập.
Sau đó cháu bắt đầu xem các YouTuber trẻ tuổi livestreams các trò chơi điện tử, cháu có thể ngồi hàng giờ để xem 1 đứa trẻ khác lớn hơn vừa chơi game vừa nói chuyện với những phát ngôn rất nhố nhăng, tục tĩu.
Đặc biệt, sau đó tôi còn phát hiện cháu xem những clip rất phản cảm trên TikTok. Từ những thử thách vô nghĩa, clip về soái ca, soái tỷ cho đến cả những clip khoe thân uốn éo" chị Thu nói.
Nhận thấy con trai bắt đầu xem các nội dung nhảm nhí, thậm chí có phần độc hại, nguy hiểm, chị Thu nhắc nhở nhiều lần và cân nhắc tịch thu máy tính bảng nếu con trai không dừng xem những video vô bổ để tập trung cho việc học.
Sau lần phát hiện con thức thâu đêm xem TikTok, chị Thu cùng chồng quyết định tạm thu lại máy tính bảng dù nó vẫn đang phục vụ việc học tập của con trai mình.
"Trẻ con có thể học theo lối hành xử, ăn nói vô văn hóa trên mạng để hình thành tính cách tiêu cực. Đặc biệt, nếu trẻ tiếp cận những clip lệch lạc về tình dục, giới tính hoặc những hành vi bao lực, vi phạm pháp luật sẽ để lại hậu quả khó lường", chị Thu lo ngại.
Cũng giống như chị Thu, chị Nguyễn Thị Lam (Sơn Tây, Hà Nội) có con trai đang học lớp 1, vì bận rộn công việc, nhiều khi chị buộc phải cho con sử dụng điện thoại, ti vi thông minh để con trai ngoan, chịu ngồi yên một chỗ.
"Công việc quá bận khiến nhiều lúc dù không muốn, tôi buộc phải cho con trai dùng điện thoại và ngay khi cầm tới chiếc điện thoại của mẹ, việc đầu tiên cháu làm là lên YouTube để xem video.
Dù đã cố gắng hướng cháu xem các video lành mạnh, mang tính giáo dục, song dường như những video nhảm nhí mới thu hút cháu nhiều hơn.
Tôi rất lo lắng vì những video nhảm, nội dung xấu độc sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ nhỏ sau này", chị Lam lo lắng nhưng cho biết hiện bản thân chưa có cách khắc phục.
Trường hợp của chị Thu hay chị Lam không phải là cá biệt mà rất phổ biến hiện nay. Đặc biệt, trong bối cảnh trẻ nhỏ tiếp cận internet càng sớm, càng bắt gặp nhiều phụ huynh than phiền về những nội dung nhảm nhí, xấu độc.
Trước thực trạng đó, nhiều ý kiến phu huynh bày tỏ, để trẻ tiếp cận với những nội dung gây hại này thì trách nhiệm chính thuộc về chính phụ huynh khi thiếu quan tâm, giám sát con mình.
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh khác lại cho rằng, để ngăn chặn những video nhảm nhí, xấu độc thì vai trò quan trọng thuộc về cơ quan chức năng, khi chỉ các cơ quan quản lý mới có thể chặn video nhảm nhí ngay từ nguồn, không để các clip này phát tán và để trẻ em có dịp tiếp cận.
Theo chị Thu, dù đã để ý nhưng rất khó để phụ huynh giám sát tuyệt đối việc con em mình tiếp thu những clip nhảm nhí, vô bổ, bởi những nội dung này đang tràn ngập khắp các trang mạng xã hội, từ Facebook, YouTube đến TikTok. Những nội dung xấu độc đang như tấm lưới bủa vây con trẻ trên internet.
Bên cạnh đó, chị Thu nhấn mạnh, không thể không kể đến vai trò của những người sản xuất nội dung trên mạng xã hội. Theo chị Thu, đây mới là yếu tố quan trọng nhất, những nhà sáng tạo nội dung phải hiểu rõ trách nhiệm của mình với cộng đồng, không thể vì chạy theo view, chạy theo lợi nhuận mà tạo ra những nội dung xấu độc, gây hại.
"Trẻ em ngày nay không còn thích xem truyền hình nữa, chúng bị cuốn hút bởi những video nhảm nhí trên mạng xã hội. Tôi không hiểu tại sao những người làm nội dung trên YouTube, TikTok lại bất chấp tất cả để sản xuất ra những nội dung vô bổ, phi văn hóa, phản giáo dục như vậy? Và bằng cách nào mà những video này lại thu hút trẻ em như thế?
Cá nhân tôi không dùng TikTok vì nhận thấy mạng xã hội này chứa quá nhiều nội dung nhảm nhí, vô bổ nhưng trẻ em khi dùng rất khó để nhận thức được mặt lợi, mặt hại.
Vì vậy, theo tôi cơ quan chức năng cần có những biện pháp giám sát, quản lý chặt chẽ, phải mạnh tay với những video xấu độc vì những video này ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của trẻ", chị Thu bày tỏ.