Bài 2: Ưu đãi thuế TNDN, TNCN chưa tạo hứng khởi cho doanh nghiệp, nhà nghiên cứu

Mặc dù lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã có nhiều ưu đãi về thuế TNDN, thuế TNCN. Tuy nhiên, doanh nghiệp, cá nhân chưa thực sự 'mặn mà' với những ưu đãi đó do những vướng mắc trong áp dụng chính sách.

Bài 1: “Mở đường” cho khoa học và công nghệ phát triển

Nguy cơ “bình mới, rượu cũ”

Ông Nguyễn Văn Được, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn Thuế Trọng Tín cho hay, hiện nay có hiện tượng lạm dụng chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với hoạt động đầu tư. Cụ thể, chính sách ưu đãi thuế chủ yếu áp dụng đối với dự án đầu tư nhưng một nhà đầu tư có thể có nhiều dự án đầu tư và được ưu đãi nếu vẫn thuộc đối tượng được ưu đãi (bao gồm dự án đầu tư mới và dự án đầu tư mở rộng).

Vì vậy các dự án của nhà đầu tư đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài thường chỉ hoạt động trong thời gian được hưởng ưu đãi thuế, khi hết thời gian hưởng ưu đãi thuế sẽ chấm dứt hoạt động của dự án đang thực hiện, sau đó di chuyển đầu tư tại địa bàn mới hình thành dự án đầu tư mới để tiếp tục được hưởng ưu đãi đầu tư đối với dự án mới này.

 (Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Ông Được dẫn chứng, trong trường hợp Samsung khi hết thời hạn được hưởng ưu đãi thuế đã có động thái di chuyển nhà máy đến địa bàn khác để đầu tư với danh nghĩa là dự án đầu tư mới và được ưu đãi thuế theo quy định. Hiện tượng này dẫn đến nguồn vốn đầu tư mới không tăng, tổng quy mô đầu tư không thay đổi hoặc có thay đổi nhưng không nhiều trong khi nhà nước có nguy cơ thất thu thuế, lãng phí tài nguyên, không phát huy được hiệu quả của chính sách ưu đãi.

Đặc biệt, các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghệ như sản xuất phần mềm thường có thời gian hoạt động bằng hoặc thấp hơn thời gian được hưởng ưu đãi (Miễn thuế 04 năm, giảm 50% trong 09 năm với thuế suất 10% trong 15 năm). Sau đó, dự án đầu tư hoặc doanh nghiệp mới được thành lập với pháp nhân mới với bản chất không thay đổi chủ sở hữu thực sự hoặc bản chất vẫn là kế thừa dự án cũ. Mặc dù vậy các dự án này vẫn được ưu đãi thuế do hình thức là dự án đầu tư mới hoặc dự án đầu tư mở rộng, hiện tượng này được ví như “bình mới, rượu cũ” hay “quay vòng ưu đãi”.

Ngoài ra, theo ông Được, hiện tượng các tổ chức cá nhân Việt Nam đứng tên trên danh nghĩa (không phải chủ sở hữu thực sự) cho các nhà đầu tư nước ngoài đối với các lĩnh vực được ưu đãi hoặc các lĩnh vực hạn chế tiếp cận thị trường làm cho chính sách ưu đãi không đúng đối tượng, không tạo sự công bằng, bình đẳng. Với những thực tiễn như nêu trên làm cho hiệu quả thu hút đầu tư và hiệu quả xã hội từ chính sách ưu đãi thuế bị ảnh hưởng đáng kể.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Được cho rằng, chính sách ưu đãi thuế TNDN nói chung và với dự án đầu tư nói riêng chỉ đem lại hiệu quả và lợi ích trực tiếp cho nhà đầu tư khi kinh doanh có thu nhập chịu thuế. Trong khi đó, lĩnh vực khoa học và công nghệ đòi hỏi phải có thời gian và chi phí đầu tư lớn đồng thời lại rủi ro cao, vì vậy nhiều trường hợp chính sách ưu đãi thuế TNDN không đem lại lợi ích thực sự và trực tiếp cho nhà đầu tư khi dự án đầu tư dài, chi lớn và đang bị lỗ.

Quỹ khoa học và công nghệ chưa sử dụng hiệu quả

TS Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho hay, Luật Thuế TNDN số 14/2008/QH12 đã quy định tại khoản 1 Điều 17 là “doanh nghiệp được trích tối đa 10% thu nhập tính thuế hằng năm để lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp”. Tuy nhiên, nhìn vào quy định này có thể thấy, Luật Thuế TNDN không bắt buộc doanh nghiệp phải trích lập quỹ và lại quy định giới hạn trần 10% thu nhập tính thuế. Chính vì thế, trong suốt hơn 10 năm qua các doanh nghiệp hầu như không chịu trích lập quỹ.

Theo ông Quân điều này xuất phát từ 3 nguyên nhân chính: do luật không bắt buộc doanh nghiệp trích lập quỹ; nếu lập quỹ lại bị giới hạn mức 10% lợi nhuận trước thuế trong khi 97% - 98% số doanh nghiệp ở nước ta là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nếu chỉ được trích tối đa 10% lợi nhuận trước thuế thì không đủ để đổi mới công nghệ; ngành tài chính hiện nay vẫn kiểm soát chi quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp như chi ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, Luật Khoa học và công nghệ năm 2013 quy định, doanh nghiệp nhà nước phải trích lập quỹ khoa học và công nghệ (tỷ lệ 3%-10%) và dành một tỷ lệ tối thiểu lợi nhuận trước thuế (mức sàn tối thiểu) để lập quỹ và giao Chính phủ quy định mức sàn này. Thế nhưng cho đến nay cũng chỉ có một số ít doanh nghiệp nhà nước làm được điều đó, còn rất nhiều doanh nghiệp cũng có lập quỹ nhưng không sử dụng được.

Đồng quan điểm theo ông Được, tỷ lệ và mức trích lập quỹ khoa học và công nghệ chưa phù hợp. Hiện mức chi đầu tư cho khoa học và công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều hạn chế mặc dù mức trích lập quỹ khoa học và công nghệ được trừ trước khi nộp thuế TNDN tối đa 10% là tỷ lệ không nhỏ. Tuy nhiên, do mức thu nhập của các doanh nghiệp tại Việt Nam không cao đặc biệt chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ dẫn đến mức trích tuyệt đối không lớn. Tức là, mức chi của doanh nghiệp và tổng chi của nền kinh tế cho khoa học và công nghệ là khá thấp không tạo được động lực bức phá cho nền kinh tế.

 (Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, việc trích lập và chi tiêu quỹ khoa học và công nghệ của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhà nước nói riêng gặp rất nhiều khó khăn, từ cơ chế, thủ tục, quản lý, phê duyệt đến khi sử dụng đều phải đúng mục đích và quy định. Thực tế cho thấy có nhiều doanh nghiệp bị truy thu và xử phạt tiền chậm nộp do trích lập và sử dụng sai mục đích quỹ khoa học và công nghệ… ông Được nhấn mạnh.

Chưa có chính sách ưu đãi thuế TNCN

Trong khi chính sách ưu đãi thuế TNDN còn nhiều vấn đề thì ưu đãi thuế TNCN cũng chưa hợp lý. Chuyên gia thuế Nguyễn Văn Được chỉ rõ, hiện nay, pháp luật thuế TNCN chưa có quy định ưu đãi, hỗ trợ thuế TNCN đối với khoa học và công nghệ trong khi lĩnh vực này có nhiều rủi ro lại tốn kém thời gian, chi phí. Tức là cá nhân tham gia hoạt động khoa học và công nghệ chưa được hưởng các chính sách ưu đãi thuế.

“Thiếu chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với cá nhân tham gia hoạt động khoa học và công nghệ không sẽ làm giảm động lực tham gia sáng tạo, nghiên cứu khoa học và công nghệ, kìm hãm phát triển của lĩnh vực này, đồng thời tạo ra sự bất bình đẳng giữa các chủ thể cùng tham gia hoạt động khoa học và công nghệ. Đặc biệt cá nhân là nhân tố quyết định quan trọng không thể thiếu trong hoạt động này nhưng lại không được hưởng ưu đãi. Ngoài ra, thiếu cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho cá nhân dẫn đến không thu hút được nguồn nhân lực có chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học và công nghệ”, ông Được khuyến cáo.

Trước đó, thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho hay, Nghị quyết đã chỉ ra sẽ được miễn thuế TNCN đối với các phần kinh phí từ ngân sách nhà nước đầu tư cho nghiên cứu. Tuy nhiên, đối với phần kinh phí do doanh nghiệp tài trợ chỉ có doanh nghiệp được trừ vào trong phần chi phí để tính thuế còn đơn vị nghiên cứu lại vẫn phải tính thuế TNCN.

“Đây là điều bất hợp lý khi nhà nước đáng ra phải cấp tiền thì nhà nước miễn thuế TNCN. Bây giờ đơn vị nghiên cứu tự đi khai thác từ bên ngoài thì lại phải nộp thuế TNCN. Đây là điều không công bằng. Do vậy, tôi đề nghị phải miễn thuế TNCN cho tất cả các hoạt động nghiên cứu”, đại biểu Cường nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, đại biểu Cường cũng đề nghị là đối với các trường đại học hiện nay là những trường công lập, những trường không đặt ra mục tiêu lợi nhuận, những trường tư thục hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, đã không vì mục đích lợi nhuận thì không có cơ sở để tính thuế, nhưng hiện nay các trường này vẫn phải nộp thuế, đặc biệt là những trường tự chủ, là những trường phải tự lo, nhà nước không cấp ngân sách thì lại phải thu thuế và như vậy thu thuế đối với các trường đại học công lập tự chủ hoặc là những trường tư thục không vì lợi nhuận không có căn cứ cơ sở và thậm chí tăng thêm trách nhiệm, gánh nặng cho người học.

Huyền Châu

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/bai-2-uu-dai-thue-tndn-tncn-chua-tao-hung-khoi-cho-doanh-nghiep-nha-nghien-cuu-d57698.html