Bài 2: Yên Bái tạo cơ hội để người trẻ rèn luyện và trưởng thành
Trẻ về tuổi đời không đồng nghĩa với thiếu kinh nghiệm, thiếu bản lĩnh, thiếu quyết liệt. Khi được Đảng tin tưởng, giao phó trọng trách lãnh đạo cấp ủy, chính quyền ở cơ sở và thôn/bản, họ đã thể hiện, phát huy những thế mạnh của tuổi trẻ để có những cách làm mới, quyết liệt và mạnh mẽ; coi đây là cơ hội để rèn luyện, thử thách và trưởng thành.
Để phát huy năng lực của đội ngũ cán bộ trẻ trong hệ thống chính trị, Huyện ủy Mù Cang Chải đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ trẻ. Công tác phát hiện, quy hoạch, tạo nguồn các nhân tố trẻ triển vọng, có phẩm chất, trình độ, kiến thức đã trở thành việc làm thường xuyên và liên tục. Cùng với đó là luôn tạo điều kiện, sẵn sàng giao trọng trách lãnh đạo cấp ủy, chính quyền cơ sở cho người trẻ đủ đức đủ tài, vững vàng bản lĩnh chính trị để rèn luyện, thử thách và khẳng định bản thân.
Anh Lý A Tủa, xã Púng Luông từng kinh qua các vị trí: Bí thư Chi đoàn Nả Háng Tâu, Bí thư Đoàn xã, Phó Chủ tịch UBND xã và hiện giờ là Phó Bí thư Đảng ủy xã Púng Luông (từ tháng 7/2024). Đó là cả một hành trình dài hơn 10 năm mà anh vừa phấn đấu học tập, trau dồi kiến thức vừa nỗ lực sáng tạo, cống hiến, đi đầu. Anh Tủa bày tỏ: "Được Đảng ủy tin tưởng giao trọng trách, ở mỗi cương vị mới, tôi lại càng đặt ra mục tiêu cao hơn cho bản thân. Không chỉ là tiên phong, đi đầu như lúc tham gia công tác Đoàn mà còn phải có những sáng tạo, đổi mới trong công tác lãnh, chỉ đạo, tận dụng kiến thức đã từng học tại Đại học Nông lâm Thái Nguyên để định hướng, hướng dẫn bà con có những đổi mới trong phát triển kinh tế”.
Nghĩ nào, làm thế! Anh Tủa đã tập hợp đội ngũ thanh niên nòng cốt để tuyên truyền, vận động họ đi trước, làm trước, mạnh dạn trồng các cây giống mới. Anh còn tổ chức các chuyến tham quan, học hỏi kỹ thuật, tìm kiếm nguồn giống chất lượng, năng suất cao, giá tốt tại Lào Cai, Sơn La để đưa vào thử nghiệm các giống chanh leo, đào, lê. Phong trào trồng cây ăn quả, nhất là lê ở Púng Luông cũng từ đây mà phát triển rộng rãi, từ 1 vài héc ta của dự án đã nhân lên 72 ha lê hiện tại. Vì ruộng Púng Luông chỉ sản xuất được 1 vụ lúa/năm nên hành trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho bà con vẫn luôn là điều anh trăn trở.
Anh nghĩ ra cách vận động các cán bộ, công chức xã thuê 5.000 m2 ruộng của nhân dân để tự mình trồng, chăm sóc, tìm kiếm các cây lương thực khác phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở Púng Luông. Ngoài ra, anh còn lấy mình làm gương, trồng thử nghiệm 2.000 m2 cây dược liệu cát cánh trên đất bạc màu của gia đình. Thành công của anh đã tạo động lực cho người dân phát triển mô hình trồng dược liệu tại địa phương. Ở Púng Luông hiện đã phát triển 4 ha trồng dược liệu: tam thất, cát cánh, có cam kết thu mua của công ty.
Được tin tưởng giao trọng trách chủ chốt trong cấp ủy cơ sở còn có chị Hờ Thị Dê - Phó Bí thư Đảng ủy xã Chế Cu Nha. Chị Dê chia sẻ: "Đảm nhận trọng trách Phó Bí thư Đảng ủy xã khi trẻ cả tuổi đời và tuổi Đảng, song tôi lấy đó làm động lực để phấn đấu và nỗ lực không ngừng”. Đã không biết bao đêm chị Dê thức trắng để nghiên cứu, học tập các chỉ thị, nghị quyết của Đảng rồi lại sâu sát cơ sở để tiến hành rà soát các nhiệm vụ, củng cố các văn bản, nghị quyết chuyên đề của Đảng ủy xã theo đúng quy định; bám sát các quy định của tỉnh về công tác quản lý đảng viên, sinh hoạt chi bộ, giúp chi bộ nắm rõ các bước, quy trình sinh hoạt chi bộ, vai trò của chi bộ…
Chị Dê còn mạnh dạn tham mưu, điều chỉnh lại quy chế làm việc, giao nhiệm vụ cụ thể cho các ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ xã tham dự và chỉ đạo các buổi sinh hoạt chi bộ bản. Để góp phần xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, công tác kiểm tra, giám sát được chị tham mưu triển khai thường xuyên, qua đó đã đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý kỷ luật 12 đảng viên vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, xóa tên 5 đảng viên không đủ tư cách ra khỏi Đảng.
Với trách nhiệm phụ trách các khối đoàn thể, chị Dê còn tham mưu giúp Đảng ủy xã ra nghị quyết chuyên đề về xây dựng và phát triển các tổ chức đoàn thể và MTTQ với các nhiệm vụ cụ thể như: giao ban hàng tháng, giao chỉ tiêu cụ thể, kế hoạch kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện… Từ chỗ không có mô hình, ít phong trào, xã Chế Cu Nha đã xây dựng được 37 mô hình dân vận khéo, 13 mô hình điển hình tiên tiến học và làm theo Bác, hàng chục mô hình về thắp sáng đường quê, gia đình 5 không 3 sạch trong chưa đầy 4 năm.
Rõ ràng, Mù Cang Chải đã thể hiện sự linh hoạt, sáng tạo trong vận dụng chủ trương trọng dụng người trẻ của Đảng ta khi ngày càng đã có những người trẻ có đủ phẩm chất, bản lĩnh chính trị được giao giữ các vị trí quan trọng trong cấp ủy cơ sở. Đến nay, người trẻ tham gia cấp ủy cơ sở ở Mù Cang Chải có 76/222 đồng chí, chiếm 34,2%; giữ các vị trí quan trọng là 15/76 đồng chí với 2 đồng chí có trình độ chuyên môn là thạc sĩ, trình độ cao cấp lý luận chính trị là 5 đồng chí (còn lại là trình độ chuyên môn đại học và trung cấp lý luận chính trị).
Không chỉ ở cấp cơ sở, ở bản cũng có tới 226/313 đồng chí là người trẻ tham gia cấp ủy chi bộ bản, chiếm 72,2%; trong đó giữ các vị trí quan trọng là 156 đồng chí chiếm 84,8%; trình độ chuyên môn chưa qua đào tạo chỉ có 8 đồng chí. Người trẻ khi tham gia cấp ủy chi bộ đã khẳng định sức trẻ, sự quyết đoán, nói được, làm được, trở thành người gương mẫu đi đầu trong triển khai các mô hình xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới cho đến công tác tuyên truyền, vận động đảng viên và nhân dân làm theo đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Tiêu biểu có thể kể đến: Bí thư Chi bộ bản Háng Bla Ha B xã Khao Mang - Vàng A Hồng luôn gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình. Anh Hồng đã xây dựng mô hình chăn nuôi lợn thịt hàng hóa đầu tiên ở bản, trồng và chăm sóc 2 ha thảo quả, mở cửa hàng tạp hóa tại nhà, tổng thu nhập bình quân đạt 100 - 120 triệu đồng/năm.
Anh Hồng làm được nhà khang trang, con cái được học hành, có cuộc sống ấm no. Sau thành công đó, trong các cuộc họp chi bộ, họp thôn, họp đoàn thể, anh đều kiên trì vận động, định hướng cho các gia đình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất và chăn nuôi, tận dụng sự hỗ trợ của tỉnh để xây dựng các mô hình.
Chị Giàng Thị Bla ở bản Háng Bla Ha B chia sẻ: "Mình cảm ơn Bí thư Hồng lắm! Nhờ học theo và được Bí thư Hồng hướng dẫn, giúp đỡ, mình đã mạnh dạn đăng ký tham gia mô hình chăn nuôi lợn theo hỗ trợ từ Nghị quyết 69. Giờ nhà mình có 19 con lợn thịt và 3 con lợn nái, mình còn nuôi cả gà, ngan, cuộc sống đang dần tốt lên”.
Còn có Trưởng bản La Phu Khơ, xã Kim Nọi - Giàng A Hồng lấy uy tín của bản thân để mua chịu vật liệu từ nhà cung ứng, giúp nhân dân trong bản dựng nhà, làm nhà vệ sinh, nhà tắm, phấn đấu để bản đạt nông thôn mới trong năm nay. Bí thư Chi bộ bản Sẻ Sáng, xã Cao Phạ - Lý A Sâu luôn tích cực hoàn thiện bản thân, trau dồi các kiến thức về pháp luật, pháp lệnh để làm tốt công tác của tổ hòa giải, góp phần phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, giữ gìn phát huy tinh thần đoàn kết trong nhân dân…
Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Mù Cang Chải - Phạm Văn Quynh cho biết: "Người trẻ giữ các vị trí quan trọng trong cấp ủy chi bộ thôn đã thực sự tạo ra bước chuyển động lớn đối với công tác lãnh, chỉ đạo chi bộ. Trong thời kỳ 4.0 hiện nay, họ tiếp cận những cái mới, những thành tựu của chuyển đổi số rất tốt và nhanh nhạy; đồng thời, có sự năng động, biết làm kinh tế, xây dựng các mô hình kinh tế rất hiệu quả, từ đó tạo sức lôi cuốn người khác tìm hiểu và làm theo. Đặc biệt, họ có sức khỏe, có tinh thần sẵn sàng đảm nhận mọi nhiệm vụ dù khó dù khổ - điều này là hết sức cần thiết ở vùng cao”.
Được "Đảng tin, dân cử”, người trẻ Mù Cang Chải đã và đang nỗ lực hết mình hoàn thành và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tạo sức bật cho địa phương đổi mới bằng thế mạnh của mình. Song, để họ có thể tiếp tục phát huy khả năng, năng lực, khát vọng cống hiến cần có sự định hướng, giải pháp căn cơ, cụ thể từ cấp ủy, chính quyền…
Hoài Anh - Hồng Duyên
(Bài cuối: Để người trẻ tiếp tục cống hiến)