Nông dân Sơn La thu nhập ổn định từ trồng rau an toàn theo nhu cầu thị trường
Trồng cây gì, nuôi con gì luôn là điều trăn trở của bà con nông dân khi thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Tại xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, nhiều diện tích trồng cây lương thực kém hiệu quả đã được bà con chuyển sang trồng cây rau màu, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Trước đây gia đình chị Vì Thị Ngân, ở xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La trồng ngô, trồng mía song hiệu quả kinh tế không cao. Từ năm 2020, tham gia hợp tác xã sản xuất rau an toàn Vạn Phúc, chị Ngân đã được truyền đạt kỹ thuật trồng rau an toàn. Khi nắm được kiến thức, gia đình chị Ngân đã chuyển 5.000 m2 đất vườn sang trồng các loại rau trái vụ như bắp cải, dưa chuột, bí xanh. Dù đòi hỏi kỹ thuật cao hơn, quy trình chăm sóc cũng khó hơn, nhưng bù lại rau trái vụ dễ tiêu thụ và được giá cao hơn, mỗi năm thu về khoảng 200 triệu đồng.
Theo chị Ngân: "Tôi thấy rau màu đem lại hiệu quả kinh tế rất là cao, cứ 3-4 tháng là mình thu được 1 lứa rồi, so với cây ăn quả lâu năm thì 1 năm mới cho thu hoạch 1 lần. Để tạo ra các loại rau sạch, đảm bảo an toàn thì mình chuyên tâm dùng các loại thuốc sinh học để phun chứ không dùng thuốc hóa học, dùng thuốc sinh học thì đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng".
Còn với anh Lò Văn Vinh, ở xã Cò Nòi, 4 năm tham gia hợp tác xã đã giúp anh thay đổi cách nghĩ, cách làm. Từ chỗ canh tác truyền thống, đến nay anh chỉ sản xuất theo nhu cầu của thị trường. Với 2.000 m2 đất, anh Vinh kết hợp trồng bầu và bí xanh để tiện chăm sóc. Chỉ tính riêng vụ bầu, anh Vinh thu được gần 100 triệu đồng. Từ ngày chuyển sang trồng rau, kinh tế gia đình anh được cải thiện đáng kể.
"Trồng rau củ quả thấy thu nhập cũng ổn định hơn so với trồng mía và trồng ngô. Trồng rau thì mình cũng học hỏi dần thôi, đi xem vườn nọ vườn kia mình cũng học hỏi người ta xong về áp dụng tại vườn của mình. Như mình trồng bầu này thì nó quá sạch, không có phun thuốc gì, chỉ có phun vùng quanh để đuổi con ruồi vàng thôi" - anh Vinh cho biết.
Sản xuất rau an toàn không chỉ là mục tiêu mà còn là đích đến của hợp tác xã sản xuất rau an toàn Vạn Phúc, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Sau 4 năm đi vào hoạt động, hợp tác xã luôn tiên phong trong việc sản xuất rau an toàn, rau trái vụ, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Với diện tích 11 ha, mỗi tháng hợp tác xã cung ứng ra thị trường hàng chục tấn rau củ quả các loại như bí xanh, bí đỏ, cải thảo, bắp cải, cà chua, dưa chuột… Sản phẩm sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, tạo động lực giúp cho hợp tác xã đi theo hướng sản xuất rau an toàn.
Chị Lò Thị Thủy, Giám đốc hợp tác xã sản xuất rau an toàn Vạn Phúc chia sẻ: "Để xây dựng được vùng nguyên liệu an toàn, hợp tác xã chúng tôi chủ yếu sử dụng sử dụng phân chuồng hoai mục, vẫn có sử dụng phân hóa học nhưng nó ít thôi, chủ yếu là phân hữu cơ và thuốc sinh học. Từ khi thay đổi cách làm thì sản lượng của mình nó tăng, mẫu mã nó đẹp hơn, đất thì giữ được độ tơi xốp nó không như mình dùng phân hóa học như những năm trước".
Tận dụng diện tích bãi bằng phẳng, thuận lợi về nước tưới, nhiều hợp tác xã, hộ gia đình tại xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La đã dần chuyển sang phát triển các loại rau màu và cây ngắn ngày với tổng diện tích trên 200 ha, nhiều diện tích rau màu được sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap, tạo thuận lợi trong việc tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị trong sản xuất nông nghiệp.