Bài 3: Bảo vệ nguồn nước là bảo vệ sự sống

Tích cực trồng cây gây rừng để tạo nguồn sinh thủy tự nhiên; phòng, chống hiệu quả ô nhiễm nguồn nước; tham gia các diễn đàn hợp tác quốc tế về nước cũng như sử dụng hiệu quả các công cụ hợp tác quốc tế là các hiệp định, cơ chế mà nước ta đã ký kết, gia nhập. Đó là những giải pháp quan trọng để bảo vệ nguồn nước ở nước ta...

Tăng diện tích rừng giàu

Phần lớn lượng nước chảy trên sông lớn ở nước ta phụ thuộc vào nguồn nước ngoại sinh. Muốn giảm sự phụ thuộc vào nguồn nước ngoại sinh, chúng ta cần tập trung cho những giải pháp ít tốn kém nhưng mang lại hiệu quả cao cho việc sinh thủy tự nhiên. Một trong số đó là trồng rừng.

Thảm phủ rừng được coi là nhân tố giữ vai trò cực kỳ quan trọng trong việc tạo ra nguồn sinh thủy tự nhiên, bảo vệ môi trường. Vì vậy, ngay từ những ngày đầu xây dựng đất nước, sau khi giành lại được nền độc lập, tự do, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất quan tâm và khuyến khích việc trồng cây, gây rừng. Quốc hội đã đưa tỷ lệ che phủ rừng thành một trong 12 chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế-xã hội của nước ta hằng năm. Quốc hội, Chính phủ cũng ban hành rất nhiều văn bản để thúc đẩy việc trồng rừng, như Nghị quyết số 08/1997/NQ-QH10 về trồng mới 5 triệu héc-ta rừng. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu sáng kiến cả nước trồng 1 tỷ cây xanh thân gỗ lớn trong 5 năm. Đây là một sáng kiến không chỉ thiết thực, cụ thể để thực hiện lời dạy “vì lợi ích mười năm trồng cây” của Bác Hồ mà còn có ý nghĩa rất lớn trong việc hướng tới bảo đảm an ninh nguồn nước cho Việt Nam.

 Bộ đội Vùng 5 Hải quân cung cấp nước ngọt cho nhân dân đảo Hòn Chuối. Ảnh: VĂN KIÊN

Bộ đội Vùng 5 Hải quân cung cấp nước ngọt cho nhân dân đảo Hòn Chuối. Ảnh: VĂN KIÊN

Nhờ sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo các cấp và hưởng ứng của nhân dân, phong trào trồng cây, gây rừng ở nước ta đạt nhiều kết quả tốt. Các chỉ tiêu về tỷ lệ che phủ rừng hằng năm Quốc hội đặt ra hầu hết đều đạt. Tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc tăng liên tục từ 33,7% năm 2006 lên 41,89% vào năm 2019, và ước tính đã đạt chỉ tiêu 42% mà Quốc hội đặt ra cho năm 2020.

Tuy nhiên, đáng lưu ý là diện tích rừng nghèo kiệt và nghèo vẫn còn nhiều khiến hiệu quả giữ nước, điều hòa nguồn nước hạn chế. Do vậy, ngành lâm nghiệp cần có những chiến lược, kế hoạch tốt hơn để tăng diện tích rừng giàu, giảm diện tích rừng nghèo kiệt và nghèo bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ tăng tỷ lệ che phủ rừng.

Phòng, chống ô nhiễm nguồn nước

Xả thải công nghiệp và xả thải sinh hoạt là hai nguồn lớn nhất gây ô nhiễm cả nguồn nước mặt và mạch nước ngầm ở Việt Nam. Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã tập trung chính sách, nguồn lực để quản lý các nguồn xả thải công nghiệp. Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 25/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường. Tính đến nay, cả nước có 89% khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung, 60% khu công nghiệp có hệ thống quan trắc tự động. Tại các địa phương có số lượng khu công nghiệp lớn thì 100% các khu công nghiệp đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung, điển hình như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Quảng Ninh, Bắc Ninh.

Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cũng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án kiểm soát đặc biệt đối với các cơ sở tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; xây dựng tiêu chí về môi trường làm cơ sở lựa chọn, sàng lọc loại hình sản xuất và công nghệ có nguy cơ gây ô nhiễm; tập trung thanh tra, kiểm tra các nguồn thải từ 200m3/ngày đêm trở lên; rà soát đánh giá tác động môi trường, công trình, biện pháp bảo vệ môi trường của các dự án lớn, nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường; điều tra, đánh giá, phân loại các nguồn thải, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn thải; lập danh mục các nguồn nước có nguy cơ ô nhiễm, cạn kiệt để có giải pháp cải thiện, phục hồi. Bộ TN&MT cũng yêu cầu các chủ nguồn thải lớn đầu tư hệ thống giám sát liên tục tự động hoạt động xả nước thải vào nguồn nước, kết nối dữ liệu vào hệ thống quan trắc trực tuyến của cơ quan TN&MT ở Trung ương và địa phương...

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Long An cung cấp nước ngọt miễn phí cho người dân địa phương. Ảnh: LÊ ĐỨC

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Long An cung cấp nước ngọt miễn phí cho người dân địa phương. Ảnh: LÊ ĐỨC

Tuy nhiên, cũng phải nhấn mạnh rằng, tình trạng các cơ sở sản xuất xả trộm chất thải, nước thải chưa qua xử lý ra môi trường vẫn còn tiếp diễn, gây ô nhiễm nặng cho các nguồn nước. Những vụ việc bị phanh phui đã ảnh hưởng lớn đến tên tuổi, thương hiệu của doanh nghiệp, nhưng vì muốn cắt giảm chi phí xử lý nước thải, chất thải, không ít doanh nghiệp vẫn đang bất chấp an nguy về môi trường, an toàn sức khỏe, tính mạng của người dân và lợi ích kinh tế của cộng đồng để xả trộm chất thải, nước thải chưa qua xử lý ra môi trường. Để xử lý nghiêm và dứt điểm tình trạng này, cần có hệ thống quan trắc nước trên các hệ thống sông, ngòi, kênh, suối để kịp thời phát hiện sự thay đổi bất thường của nguồn nước, qua đó nhanh chóng khoanh vùng, phát hiện sớm các cơ sở sản xuất xả thải trái phép ra môi trường.

Bên cạnh đó, nguồn nước thải sinh hoạt cũng là yếu tố khiến tình trạng ô nhiễm nguồn nước ở nước ta ngày càng trầm trọng hơn. Việc thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt cần phải được các địa phương, đặc biệt là các đô thị, ưu tiên đầu tư xây dựng, coi đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về bảo vệ nguồn nước

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm tới việc hợp tác quốc tế trong bảo vệ, khai thác và sử dụng tài nguyên nước xuyên biên giới. Nước ta đã tham gia 3 hiệp định và 2 cơ chế hợp tác về vấn đề này. Đó là Hiệp định Hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công ký năm 1995 giữa Campuchia, Lào, Việt Nam và Thái Lan; Hiệp định về quy chế sử dụng nước dọc biên giới giữa Việt Nam và Campuchia; Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy năm 1997; Bản ghi nhớ chia sẻ số liệu khí tượng thủy văn giữa Việt Nam-Trung Quốc; Hợp tác Mê Công-Lan Thương.

Hiệp định Hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công ký năm 1995 giữa Campuchia, Lào, Việt Nam và Thái Lan được coi là một hiệp định hợp tác lưu vực sông tiến bộ trên thế giới. Hiệp định quy định các điều khoản cụ thể về khai thác, sử dụng tài nguyên nước, bảo vệ môi trường, tổ chức thực hiện và trách nhiệm, quyền lợi của các bên hướng tới mục tiêu phát triển bền vững lưu vực. Để thực hiện hiệu quả hiệp định này, Ủy hội sông Mê Công quốc tế đã xây dựng, phê chuẩn các bộ thủ tục về sử dụng nước nhằm bảo đảm sử dụng nước công bằng và hợp lý. Đó là thủ tục trao đổi và chia sẻ số liệu; thủ tục thông báo, tham vấn và thỏa thuận; thủ tục giám sát sử dụng nước; thủ tục duy trì dòng chảy trên dòng chính và thủ tục chất lượng nước.

Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy năm 1997 là công ước toàn cầu đầu tiên điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia trong việc sử dụng nguồn nước liên quốc gia một cách công bằng, hợp lý giữa thượng lưu và hạ lưu, việc thực hiện nghĩa vụ không gây hại đáng kể với các quốc gia liên quan theo các nguyên tắc và chuẩn mực quốc tế. Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực ASEAN tham gia công nước này.

Với việc đẩy mạnh phong trào trồng cây gây rừng, bảo vệ rừng tự nhiên, đặc biệt là rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ; phòng, chống hiệu quả ô nhiễm nguồn nước và tích cực tham gia các diễn đàn hợp tác quốc tế về nước, cũng như sử dụng hiệu quả các công cụ hợp tác quốc tế là các hiệp định, cơ chế mà Việt Nam đã ký kết, gia nhập, chúng ta hy vọng và tin rằng, nguồn nước của Việt Nam sẽ được bảo vệ tốt để bảo đảm an ninh, an toàn nguồn nước phục vụ cho đời sống, sinh hoạt và sản xuất.

(còn nữa)

NGUYỄN CHIẾN THẮNG - HOÀNG GIA MINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/bai-3-bao-ve-nguon-nuoc-la-bao-ve-su-song-654725