Vun bồi khối đại đoàn kết toàn dân - Trách nhiệm để dân thương

Vị trí, vai trò của MTTQ các cấp ở TPHCM rất quan trọng, góp phần củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết; là nơi vừa nói, vừa làm, vừa hành động, vừa chăm lo cho nhân dân, đồng thời chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực để góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền thành phố trong sạch. Để có được những phong trào thi đua hiệu quả, đội ngũ cán bộ MTTQ các cấp đã thể hiện rất rõ phương châm 'Tận tụy để dân mến, trách nhiệm để dân thương, kỷ cương để dân trọng, năng động để dân được nhờ'.

Người dân nhờ bà Nguyễn Thị Tuyết Vân (bên phải, phường Cầu Kho, quận 1) gửi mền và quần áo đến bà con vùng bão lũ. Ảnh: THÁI PHƯƠNG

Người dân nhờ bà Nguyễn Thị Tuyết Vân (bên phải, phường Cầu Kho, quận 1) gửi mền và quần áo đến bà con vùng bão lũ. Ảnh: THÁI PHƯƠNG

Trái ngọt của sự chung sức, chung lòng

“Dạ, bà Hai chờ con 3 phút nghen, con tới liền!”, ông Bùi Văn Cường (ngụ phường 9, quận Phú Nhuận) cúp điện thoại rồi lên xe máy hớt hải chạy đi. Gần 2 tháng qua, nhờ chiếc xe máy do UBND, Ủy ban MTTQ quận Phú Nhuận trao tặng, ông Cường có thêm phương tiện chạy xe ôm, giúp thu nhập gia đình dần ổn định sau khi thoát nghèo. Là lao động chính trong gia đình, ông Cường phải nuôi 2 người em bị tâm thần và bại liệt nằm một chỗ. Lâu nay, ông Cường làm nghề sửa giày dép tại nhà. Từ đồng tiền chắt chiu và sự hỗ trợ của địa phương, ông là một trong những hộ thoát nghèo của quận. “Tôi mừng lắm, từ nay có thêm cần câu để mưu sinh”, ông Cường bày tỏ.

Cũng trong tháng 7-2024, bà Sity Fatimah (đồng bào dân tộc Chăm, ngụ phường 7, quận Phú nhuận) nhận chiếc xe bán hàng mới toanh, được thiết kế đẹp mắt từ Ủy ban MTTQ quận Phú Nhuận trao tặng. Có chiếc xe mới, quán bún, bánh mì tạm bợ của bà Sity Fatimah được “lên đời” khang trang và thu hút thêm nhiều khách. Nhờ đó, bà Sity Fatimah xoay trở được chi phí lo cho gia đình và chăm sóc người mẹ bị tai biến...

Để có được nguồn chăm lo người dân khó khăn, 20 năm qua, quận Phú Nhuận tổ chức cuộc vận động đi bộ gây Quỹ xã hội “Đồng hành vì người nghèo”. Chương trình đã huy động được sự chung sức ủng hộ của người dân, doanh nghiệp, đơn vị. Đây là một trong những công trình hiệu quả trong phát huy thế mạnh đại đoàn kết, sự chung sức chung lòng của toàn dân để chăm lo cho dân theo tinh thần được Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM phát động trong phong trào ”Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Mỗi dịp đưa cháu đến khu vui chơi thiếu nhi tại ấp 18, xã Đa Phước (huyện Bình Chánh, TPHCM), bà Trần Kim Xuân luôn thấy phấn khởi. Ngoài các thiết bị vui chơi phục vụ trẻ em, nơi đây như một công viên thu nhỏ với góc lịch sử được trang trí mô hình xe tăng, tàu HQ-671…, các tiểu cảnh, bồn cây cảnh lúc nào cũng nở hoa rực rỡ. Bà Xuân cho biết, do khu đất nằm cạnh cống thoát nước nên nhiều năm qua trở thành bãi rác tự phát. Từ ngày MTTQ và các tổ chức đoàn thể chung tay dọn dẹp, mượn thêm một phần đất của người dân làm sân chơi, khu này trở nên sạch đẹp và thành điểm vui chơi yêu thích của người dân.

Đường D9 (phường 14, quận 10) cũng có một “điểm đen” về rác nay đã trở thành “Vườn Trường Sa”. Khu vườn có cây, hoa cùng cột mốc đảo Trường Sa, là một trong rất nhiều công trình huy động sức dân, dựa vào sức dân để thực hiện và cụ thể hóa nội dung thực hiện cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch, xanh, thân thiện với môi trường” do Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM phối hợp các sở ngành và tổ chức chính trị - xã hội triển khai thực hiện.

Những cầu nối yêu thương

“Mấy nay mưa gió vầy, có buôn bán được không chị Liên?”, bà Nguyễn Thị Tuyết Vân, Trưởng khu phố 3 (trước tháng 4-2024, bà là Trưởng Ban Công tác mặt trận khu phố 2), phường Cầu Kho, quận 1, vừa hỏi vừa đưa tặng bịch gạo khi thấy bà Nguyễn Thị Cẩm Liên (bán vé số dạo, ngụ trên địa bàn) đang ở nhà. Nhận quà, bà Liên tâm sự: “Mưa quá tôi không đi bán được nên mấy nay túng quá. Thiệt với chị, gạo trong nhà cũng gần hết. Tụi nhỏ vừa vào năm học mới, nhờ được hỗ trợ học bổng Nguyễn Hữu Thọ nên cũng đỡ”.

Nhiều năm nay, một tháng có khi mấy lần, bà Tuyết Vân ghé qua nhà bà Liên, khi thì gửi gạo, mì, nhu yếu phẩm, khi tạt qua để xem mấy đứa nhỏ học hành thế nào. Bà Liên là phụ nữ đơn thân, nuôi 3 đứa cháu bị ba mẹ bỏ lại. Ngôi nhà nhỏ xíu chỉ tầm 12m2 trong con hẻm sâu ấy cũng được địa phương, MTTQ hỗ trợ xây, sửa rồi chống dột nhiều lần, nhờ đó 4 bà cháu mới có nơi trú nắng mưa. Cuối năm 2023, từ đề xuất của bà Vân, địa phương hỗ trợ bà Liên vay vốn theo diện hỗ trợ việc làm mua chiếc xe gắn máy cho đứa cháu lớn chạy xe ôm kiếm thêm thu nhập.

Gần 20 năm làm công tác mặt trận, bà Tuyết Vân thuộc lòng từng hoàn cảnh hơn 500 nóc gia ở khu phố. Ai có vấn đề khó khăn, khúc mắc nào bà đều tìm đến nghe rồi giải thích, tìm cách trợ giúp. Cũng bởi được người dân tin tưởng nên cuối năm 2019, khi cần vận động để di dời khẩn cấp dân ra khỏi lô E chung cư 518 đường Võ Văn Kiệt đang có nguy cơ mất an toàn, bà Vân đi vận động và được những cái gật đầu.

Kết nối, tạo sức mạnh đại đoàn kết trong dân cũng được bà Phạm Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Linh Trung (TP Thủ Đức) vận dụng tốt. Ở phường Linh Trung, trước đây, các ngành dọc đều có những định hướng hoạt động riêng, vì vậy mà nhiều hoạt động chưa sâu và sức lan tỏa chưa cao. Để cải thiện, bà Thanh Tâm mạnh dạn xin ý kiến phối hợp tổ chức các hoạt động, nhờ đó mà các phong trào được sự ủng hộ mạnh mẽ hơn.

Chẳng hạn, qua rà soát, một số hộ dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn chưa quan tâm đến chăm sóc sức khỏe, một phần nguyên nhân do vướng về giấy tờ tùy thân nên không tham gia BHYT. Ngay sau đó, MTTQ phường Linh Trung chủ động đề xuất biện pháp giải quyết, một thời gian ngắn sau, 100% gia đình với 88 nhân khẩu là đồng bào dân tộc Khmer ở phường Linh Trung đã có giấy tờ tùy thân và được tặng thẻ BHYT.

Để có thể trở thành “cầu nối”, bà Thanh Tâm cho rằng, là người công tác ở địa phương lâu năm, nhiều kinh nghiệm nên phần nào có uy tín trong tập thể. Mặt khác, bà luôn tuân thủ các quy định, văn bản phối hợp đều xin ý kiến Đảng ủy để đảm bảo vai trò tham gia của các đoàn thể. Đặc biệt, các hoạt động đều hướng trọng tâm vào người dân, đảm bảo quyền lợi, phục vụ tốt nhất người dân nên các đề xuất của bà và MTTQ phường đều được mọi người ủng hộ.

Một số kết quả của hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp TPHCM trong phát huy dân chủ, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền

Chủ trì tổ chức giám sát 37 nội dung, 6.552 cuộc giám sát chuyên đề và đột xuất, có 5.150/6.552 ý kiến, kiến nghị sau giám sát được các cơ quan có thẩm quyền tiếp thu và phản hồi, giải quyết.

Chủ trì tổ chức 371 hội nghị góp ý, phản biện xã hội, gửi 513 văn bản phản biện đối với các dự thảo luật, chương trình, đề án, dự án quan trọng, có tác động lớn trong xã hội và cộng đồng dân cư.

Phối hợp tổ chức 922 cuộc tiếp xúc cử tri, thu hút được 136.263 lượt cử tri tham dự; có 6.729 ý kiến, kiến nghị, trong đó có 4.353 ý kiến, kiến nghị đã được trả lời, giải quyết.

Tiếp 7.883 lượt công dân, tiếp nhận 4.943 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; có 776/1.242 công văn phúc đáp kết quả giải quyết của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Phạm Minh Tuấn, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam TPHCM nhiệm kỳ 2019-2024, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đã phối hợp với UBND TPHCM, các sở ngành và tổ chức chính trị - xã hội xây dựng thành công hơn 1.720 khu dân cư sạch, xanh và thân thiện môi trường; công nhận 264 phường, xã, thị trấn đạt tiêu chí “Phường, xã, thị trấn sạch, xanh và thân thiện với môi trường” cấp huyện và 223 khu dân cư Đoàn kết - Nghĩa tình - Tự quản.

THU HƯỜNG - THÁI PHƯƠNG - NGÔ BÌNH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/vun-boi-khoi-dai-doan-ket-toan-dan-trach-nhiem-de-dan-thuong-post761357.html