Bài 3: Biện pháp giảm ô nhiễm không khí, giảm phát thải nhựa
Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 06-NQ/TW) yêu cầu về hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý và phát triển đô thị bền vững phải 'Tăng cường các biện pháp kiểm soát, cải thiện chất lượng không khí tại các đô thị, giảm thiểu nhanh ô nhiễm bụi, tiếng ồn; xây dựng đồng bộ hệ thống quan trắc, giám sát chất lượng môi trường tại các đô thị; chú trọng xử lý nước thải sinh hoạt và chất thải rắn đô thị...'.
Bảo vệ môi trường trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)
Mức độ ô nhiễm bụi mịn có xu hướng tăng qua các năm
Như đã đề cập trong Báo cáo đánh giá tác động và thuyết minh dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), ô nhiễm không khí tại Thủ đô Hà Nội, đặc biệt là ô nhiễm bụi PM10 và bụi PM2.5. Mức độ ô nhiễm bụi mịn có xu hướng tăng qua các năm. Do đó, quy định về Vùng phát thải thấp là cơ sở để xây dựng các biện pháp giảm ô nhiễm không khí, giảm phát thải nhựa.
Các biện pháp này được đề xuất tại Khoản 4 Điều 29 là phù hợp với khả năng thực hiện của Thủ đô, như “hỗ trợ cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch và lộ trình thực hiện; thu mua, đổi phương tiện giao thông cũ sang phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch để giảm ô nhiễm môi trường; đầu tư phát triển phương tiện giao thông công cộng kết hợp lộ trình hạn chế phương tiện giao thông cá nhân để hạn chế ùn tắc giao thông, giảm phát thải”. Ngoài ra, để giảm ô nhiễm không khí tại Hà Nội, dự thảo Luật Thủ đô cũng đã xác định cần phải có sự phối hợp giữa TP Hà Nội với các địa phương khác trong Vùng Thủ đô như theo quy định tại Điều 48 của dự thảo.
Vấn đề giảm phát thải nhựa được quy định tại Điều 73 Luật Bảo vệ môi trường 2020 nhưng mới chỉ quy định trách nhiệm của “UBND cấp tỉnh chỉ đạo tổ chức thu gom, xử lý chất thải nhựa trên địa bàn; tuyên truyền, vận động việc hạn chế sử dụng bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm nhựa sử dụng một lần; tuyên truyền về tác hại của việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển, rác thải nhựa đối với hệ sinh thái”. Hà Nội cần thiết phải có các biện pháp mạnh hơn để có thể giảm phát thải nhựa, như quy định hạn chế sử dụng bao gói nilon, nhựa khi mua hàng. Những biện pháp mạnh có thể sẽ tác động được vào ý thức của người dân, doanh nghiệp trong việc giảm phát thải nhựa trên địa bàn Thủ đô.
Theo TS. Nguyễn Diệu Hằng - Khoa Môi trường, Biến đổi khí hậu và Đô thị (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân), ô nhiễm không khí đã và đang là mối quan ngại lớn đối với người dân Hà Nội. Khảo sát ý kiến với 1.028 người dân Hà Nội cho thấy giải pháp mà người dân mong muốn ưu tiên áp dụng để cải thiện chất lượng không khí bao gồm: phát triển hệ thống cây xanh, chuyển đổi sang nhiên liệu ít gây ô nhiễm và phát triển hệ thống giao thông công cộng.
Nghiên cứu cũng sử dụng phương pháp Thực nghiệm các lựa chọn (CE) nhằm khảo sát mức sẵn lòng chi trả của người dân cho việc cải thiện chất lượng không khí. Thông qua việc thể hiện sự sẵn lòng chi trả, người dân đánh giá cao lợi ích kinh tế từ việc cải thiện diện tích cây xanh và giảm thiểu nguy cơ tử vong do các bệnh liên quan tới ô nhiễm không khí. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy mỗi hộ gia đình có mức sẵn lòng chi trả tối đa là 75-95 nghìn đồng/tháng cho mức cải thiện cao nhất, tương đương khoảng 0,3-0,4% thu nhập.
Trong thời gian qua, TP Hà Nội đã nỗ lực triển khai các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí như: triển khai xe buýt dùng khí nén CNG, xe buýt điện, vượt mục tiêu trồng 1 triệu cây xanh đến năm 2020 và tiếp tục trồng 500.000 cây xanh giai đoạn 2021-2025, lắp đặt thêm các trạm quan trắc không khí. Tuy nhiên, ô nhiễm không khí vẫn đang là mối quan ngại lớn của người dân Hà Nội, đòi hỏi nhiều giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí hiệu quả hơn.
Những việc cần làm trong chính sách cải thiện chất lượng không khí TP Hà Nội
Theo PGS.TS. Nguyễn Công Thành - Khoa Môi trường, Biến đổi khí hậu và Đô thị (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân), việc áp dụng các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí đem lại nhiều lợi ích tích cực cho xã hội, trong đó, lợi ích thường được quan tâm là giảm thiểu rủi ro sức khỏe cho con người. Từ những phân tích về hiệu quả của mỗi giải pháp và kết quả khảo sát ý kiến người dân, có thể gợi ý một số giải pháp cho Hà Nội.
Thứ nhất, cần tăng cường trồng cây xanh trong nội đô, đặc biệt khu vực ven đường giao thông nơi có mật độ xe lớn, mức ô nhiễm cao. Từ năm 2016 đến 2020, Hà Nội đã trồng mới hơn 1,5 triệu cây xanh, trong đó nhiều loại cây lần đầu tiên xuất hiện trên đường phố Thủ đô. Tuy nhiên, cây xanh được trồng theo tiêu chí cảnh quan là chủ đạo với nguyên tắc “đồng đều, đa dạng và đồng bộ về cả chủng loại, chiều cao và kích cỡ”, tạo điểm nhấn đặc trưng trên một số tuyến phố.
Mục tiêu cải thiện chất lượng không khí chưa thực sự được chú trọng do việc trồng cây chưa tính tới khả năng khuếch tán khí thải, lọc bụi,… của hệ thống cây xanh, cũng như đặc thù nguồn thải, hướng gió của từng mùa, từng địa bàn. Vì vậy, ngoài việc tiếp tục tăng số lượng cây xanh, Hà Nội cần có nghiên cứu cụ thể về mô hình trồng cây xanh có đặc điểm chiều cao, khoảng cách phù hợp với điều kiện khí tượng, góp phần hấp thụ và khuếch tán khí thải nhằm cải thiện chất lượng không khí.
Thứ hai, Hà Nội có thể dần thay đổi nhiên liệu trong đun nấu và trong giao thông. Trước đây, do điều kiện kinh tế và kiến thức về bếp tổ ong đều hạn chế, nên nhu cầu thay thế bếp than tổ ong bằng các loại bếp cải tiến còn thấp (Sở TN&MT Hà Nội, 2017). Hà Nội đã đặt mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong vào năm 2020 và đến năm 2023 thì kết quả đạt được là xóa bỏ được 99%.
Về giải pháp thay nhiên liệu trong giao thông, xe buýt sử dụng khí nén CNG đã bắt đầu được triển khai ở Hà Nội. 50 xe buýt CNG bắt đầu vận hành từ 1/7/2018, kỳ vọng có thể giảm thải NOx so với xe diesel với mức giảm khoảng 37kg/xe mỗi năm (Lowell, 2013). Ngày 2/12/2021, các tuyến xe buýt điện cũng đi vào hoạt động, kết nối với hệ thống vận tải hành khách công cộng Hà Nội. Lượng thải từ các xe vận hành thí điểm cần được đo đạc, thống kê để đánh giá được hiệu quả thực tế đối với chất lượng không khí tại Hà Nội. Dưới góc độ kinh tế, việc đánh giá hiệu quả giảm thiểu ô nhiễm không khí của xe buýt CNG là cơ sở để hỗ trợ cho doanh nghiệp về mặt tài chính khi mở rộng nhiều tuyến hơn trên toàn TP.
Thứ ba, tiếp tục phát triển đa dạng các loại hình giao thông công cộng để dần thay thế được nhu cầu đi lại bằng phương tiện cá nhân rất lớn của người dân. Hà Nội dự kiến sẽ cấm hoàn toàn xe máy vào năm 2030 và với khoảng 6,5 triệu chiếc đang hoạt động trong TP, hệ thống giao thông công cộng cần được đầu tư mở rộng để đáp ứng được số lượng người đang đi xe máy hiện tại.
Theo quy hoạch, Hà Nội sẽ phát triển mạng lưới giao thông công cộng với 8 tuyến đường sắt đô thị và 7 tuyến xe buýt nhanh BRT. Đến nay, các tuyến BRT đã đi vào hoạt động từ tháng 1/2017; đường sắt đô thị Hà Đông - Cát Linh vận hành từ 11/2021. Gần đây, dự án xe đạp đô thị cũng được triển khai từ tháng 8/2023. Tuy nhiên, không chỉ xây dựng hệ thống giao thông công cộng, cơ quan quản lý Nhà nước còn cần có biện pháp tác động thay đổi hành vi lựa chọn phương tiện giao thông của người dân.
Hiệu quả của các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí đô thị có mức độ khác nhau, trong đó phát triển hệ thống cây xanh, thay đổi nhiên liệu sạch và mở rộng mạng lưới giao thông công cộng không chỉ có hiệu quả, mà còn đáp ứng được mong muốn của người dân. Việc áp dụng các giải pháp này nên được nghiên cứu cụ thể về hiệu quả giảm thải, lợi ích sức khỏe,… để có cơ sở đưa ra các thay đổi cần thiết tại Hà Nội cũng như mở rộng phạm vi áp dụng ở các đô thị khác của Việt Nam.
Nỗ lực cải thiện chất lượng không khí của cơ quan quản lý sẽ đem lại lợi ích cho người dân. Trong nghiên cứu này, người dân đã thể hiện sự sẵn lòng chi trả, từ đó phản ánh lợi ích kinh tế họ cảm nhận về cải thiện chất lượng không khí của Hà Nội. Kết quả phân tích cho thấy lợi ích về giảm nguy cơ hại sức khỏe (cụ thể là giảm nguy cơ ốm nhập viện và giảm nguy cơ tử vong do các bệnh liên quan tới ô nhiễm không khí) và lợi ích từ tăng không gian xanh đều có ý nghĩa thống kê.
Mức WTP trung bình của mỗi hộ gia đình để giảm 1/100.000 người ốm nhập viện do ô nhiễm không khí là khoảng 76-97 nghìn đồng/tháng; giảm 1/100.000 người tử vong do ÔNKK là khoảng 456-607 nghìn đồng/tháng; và tăng1m2 cây xanh đầu người được ước tính là 1360-1927 nghìn đồng/tháng. Mỗi hộ gia đình Hà Nội dường như sẵn sàng chi trả tối đa 75-95 nghìn đồng/tháng cho mức cải thiện cao nhất trong nghiên cứu này, tương đương khoảng 0,3-0,4% thu nhập của hộ gia đình.
Với quá trình thiết kế và thực hiện khảo sát thận trọng, đồng thời với việc áp dụng các mô hình phân tích kinh tế lượng nâng cao, các kết quả WTP nêu trên được kỳ vọng phản ánh tốt nhất giá trị lợi ích kinh tế mà người dân Hà Nội cảm nhận đánh giá về các chương trình hành động của các cơ quan quản lý.