Bài 3: Các dân tộc bình đẳng, loại bỏ tư tưởng hẹp hòi
Trong quan hệ dân tộc, Đảng xác định rõ cần bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển...
Cách mạng là công việc khó khăn, phức tạp, nếu chỉ dựa vào ít người, vào lực lượng của một tổ chức hay một đảng phái thì không thể thành công. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”, và “đoàn kết là một chính sách dân tộc, không phải là một thủ đoạn chính trị”.
Giữ vững môi trường hòa bình
Tiến sĩ Nguyễn Thị Nguyệt Ánh (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, sách đã dẫn) nêu, đối với mỗi người Việt Nam, tinh thần yêu nước, trọng nhân nghĩa, đoàn kết đã thấm sâu vào tư tưởng, tình cảm, tâm hồn mỗi người dân, trở thành một tình cảm tự nhiên, in đậm dấu ấn trong cấu trúc xã hội truyền thống, tạo thành quan hệ ba tầng chặt chẽ: gia đình - làng xã - quốc gia.
Từ đời này sang đời khác, tổ tiên ta đã có rất nhiều câu chuyện cổ tích, ca dao, ngạn ngữ ca ngợi truyền thống đoàn kết dân tộc. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn kế thừa truyền thống của dân tộc, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào việc xây dựng và thực hiện chủ trương, chính sách nhằm khơi dậy, phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, với từng giai đoạn, hoàn cảnh lịch sử cụ thể sẽ có cách thể hiện, mức độ khác nhau. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn”.
Trong bối cảnh hiện nay, trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đang đặt ra cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân những nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vẻ vang. Trong những năm tới, tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen, đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đòi hỏi toàn Đảng phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, có quyết tâm chính trị cao, dự báo chính xác, kịp thời diễn biến của tình hình, chủ động ứng phó kịp thời với mọi tình huống, nỗ lực hơn nữa để tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, không ngừng gia tăng tiềm lực mọi mặt của quốc gia, bảo vệ vững chắc Tổ quốc và những thành quả phát triển đã đạt được, đưa đất nước vững bước tiến lên, phát triển nhanh và bền vững. Để nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, không có cách nào khác, chúng ta phải phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng. Hiện nay, chúng ta đang tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường các hoạt động đối ngoại, bảo đảm giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia. Tuy nhiên, chúng ta đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức: sự tác động của suy thoái kinh tế, tài chính, những tiêu cực trong xã hội, vấn đề bảo vệ chủ quyền biển, đảo... đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, tư tưởng của cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân.
Quan điểm của Đại hội XIII về xây dựng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc là vừa kế thừa, vừa bổ sung, phát triển những quan điểm mà Đảng đã xây dựng trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, thể hiện tập trung ở những nội dung chủ yếu sau: Đảng xác định rõ mục tiêu của vấn đề phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại là: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Khẳng định đó cho thấy Đảng đề cao vai trò của chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng đất nước giai đoạn mới, khẳng định mạnh mẽ hơn và thể hiện mục tiêu cũng chính là đích đến, là điểm hội tụ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Sự đồng nhất giữa mục tiêu cách mạng của Đảng với mục tiêu của khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã trở thành một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu tạo nên những thắng lợi của cách mạng, của công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc, Đại hội XIII đã khẳng định đây là một quan điểm, chủ trương lớn cần được toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nỗ lực củng cố, tăng cường trong chặng đường tiếp theo của cách mạng nước ta. Trong quan điểm chỉ đạo của Đại hội XIII, quan điểm chỉ đạo thứ tư đã đề cập trực tiếp nội dung: “Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”. Tiếp tục nhấn mạnh mối quan hệ giữa việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại là một tất yếu khách quan, vấn đề có tính quy luật, cũng là một yêu cầu trong chiến lược phát triển đất nước giai đoạn mới của cách mạng Việt Nam. Khẳng định rằng là một trong những nội dung quan trọng, trong đó, sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc là tổng hợp các yếu tố vật chất và tinh thần, truyền thống và hiện đại, là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, của dân tộc dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin.
Nghiêm trị hành vi chia rẽ dân tộc
Trước tình hình thế giới và trong nước vẫn còn những diễn biến phức tạp tác động không nhỏ đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra các nhiệm vụ để phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc: “Giải quyết hài hòa các quan hệ lợi ích giữa các giai tầng trong xã hội, bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển”. Trong bối cảnh quốc tế và trong nước có những diễn biến phức tạp, khó lường, đan xen cả thời cơ và thách thức, các thế lực thù địch đẩy mạnh hoạt động “diễn biến hòa bình”, kích động chia rẽ dân tộc, gây thù hằn tôn giáo, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở nước ta; khoét sâu các mâu thuẫn, gây xung đột xã hội, kích động biểu tình, bạo loạn, làm mất ổn định chính trị - xã hội, đặc biệt hiện nay chúng đang ra sức tìm cách chia rẽ Đảng, Nhà nước với Nhân dân...
Ở nước ta hiện nay, cần tập trung giải quyết các mối quan hệ dân tộc, tôn giáo, mối quan hệ với người Việt Nam ở nước ngoài nhằm củng cố sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong quan hệ dân tộc, Đảng xác định rõ cần bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển, đồng thời chống kỳ thị dân tộc, dân tộc cực đoan, dân tộc hẹp hòi. Cần nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Giải quyết tốt các mối quan hệ này không chỉ trực tiếp góp phần củng cố sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, mà còn là cơ sở để đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở nước ta.
“Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng và các nguyên tắc xây dựng Đảng. Kiên quyết, kiên trì bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Thực hiện nghiêm Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, ý chí vươn lên, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần phát triển đất nước, địa phương, cơ quan, đơn vị” (trích Điều 2, Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9.5.2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới).