Bài 3: Cần điều chỉnh lại tiêu chí cho phù hợp thực tiễn

Luật Nghĩa vụ quân sự (NVQS) năm 2015 cũng như các nghị định, thông tư, hướng dẫn về công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ là căn cứ pháp lý quan trọng nhất để thực hiện nhiệm vụ này. Tuy vậy, những vấn đề phát sinh từ thực tiễn có ảnh hưởng lớn đến công tác tuyển quân thì cần được nghiên cứu, bổ sung trong hệ thống văn bản pháp luật, giúp cho quá trình thực thi hiệu quả hơn.

Bài 1: Vì sao tuyển ít, gọi nhiều?

Bài 2: Báo động tình trạng trốn nghĩa vụ quân sự

Rào cản gia tăng tình trạng cận thị

Quy định về tiêu chuẩn thị lực là một tiêu chí quan trọng khi đánh giá, phân loại sức khỏe đối với công dân nhập ngũ, nhằm bảo đảm cho chiến sĩ có đủ tiêu chuẩn về thị lực khi hoạt động trong môi trường quân sự, vì vậy, Thông tư số 148/2018/TT-BQP ngày 4-10-2018 “Quy định tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ” của Bộ Quốc phòng, tại điểm c, khoản 3, Điều 4 quy định: “Không gọi nhập ngũ vào Quân đội những công dân có sức khỏe loại 3 tật khúc xạ về mắt (cận thị 1,5 dioptre (đi-ốp) trở lên, viễn thị các mức độ); nghiện ma túy, nhiễm HIV, AIDS”. Nhưng thực tế hiện nay, cận thị đã trở thành một bệnh lý xã hội, nhất là ở các đô thị lớn, ảnh hưởng rất nhiều đến công tác tuyển chọn công dân nhập ngũ. Tất cả các thành phố đều gặp phải tình trạng này. Đơn cử như tại TP Ninh Bình (Ninh Bình), số thanh niên bị loại vì cận thị chiếm 50-70% tổng số công dân không đủ tiêu chuẩn về sức khỏe. Tại Hà Nội, có phường tỷ lệ công dân bị cận thị trong độ tuổi thực hiện NVQS lên đến 90%. Không chỉ thành thị, ở các vùng nông thôn, tỷ lệ trẻ em bị cận thị cũng đang gia tăng. Cận thị ở người trẻ gia tăng bởi nhiều nguyên nhân, trong đó việc trẻ em ngày càng tiếp cận sớm và thường xuyên với các thiết bị điện tử, thời gian, chương trình học tập của bậc phổ thông nặng khiến nhiều em ít có thời gian hoạt động ngoài trời dẫn đến dễ bị cận thị hơn. Cũng có thể thấy trường hợp cận thị thường rơi vào những gia đình có điều kiện mọi mặt cho con em ăn học và ngược lại. Thế nên, dù thực tế là các trường hợp này không đủ tiêu chuẩn thực hiện NVQS nhưng người dân vẫn cảm thấy có điều gì “gợn gợn” về tiêu cực, mất công bằng xã hội. Do đó, việc nghiên cứu sửa đổi quy định này không chỉ tạo thuận lợi cho công tác tuyển chọn công dân nhập ngũ mà còn đáp ứng mục tiêu công bằng xã hội.

Từ thực tiễn, Đại tá Ngô Công Khánh, Trưởng phòng Quân lực, Bộ Tham mưu Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội và Trung tá Tạ Văn Hải, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Phúc Thọ (Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội) kiến nghị: “Ở các thành phố, chúng ta có thể nghiên cứu để tuyển công dân cận thị đến 2 đi-ốp. Việc này cũng giúp phát huy được nguồn tuyển quân có chất lượng, sử dụng ở những vị trí công việc phù hợp”.

Cán bộ Ban CHQS thị xã Hoàng Mai (Bộ CHQS tỉnh Nghệ An) cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thăm, động viên gia đình thanh niên ở xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai lên đường nhập ngũ. Ảnh: HOÀNG TRUNG

Cán bộ Ban CHQS thị xã Hoàng Mai (Bộ CHQS tỉnh Nghệ An) cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thăm, động viên gia đình thanh niên ở xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai lên đường nhập ngũ. Ảnh: HOÀNG TRUNG

Đại tá Nguyễn Quốc Hải, Trưởng phòng Quân số Chính sách, Cục Quân lực (Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam) cũng cho rằng: "Việc tuyển công dân cận thị đến 2 đi-ốp trong thực hiện NVQS cần nghiên cứu thấu đáo bởi hoạt động trong môi trường Quân đội có tính đặc thù cao và yếu tố sức khỏe rất quan trọng".

Khó khăn với trào lưu xăm hình trên cơ thể

Những năm trở lại đây, trào lưu xăm hình trên cơ thể đang đặt ra nhiều thách thức cho công tác tuyển quân. Khoản 9, Điều 5 Thông tư liên tịch số 50/2016/TTLT-BQP-BCA ngày 15-4-2016 của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quy định tiêu chuẩn chính trị tuyển chọn công dân vào phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam nêu rõ việc không tuyển chọn vào phục vụ trong Quân đội với những trường hợp sau: “Trên cơ thể có hình xăm, chữ xăm có nội dung chống đối chế độ, chia rẽ dân tộc, mang tính kinh dị, kỳ quái, kích động tình dục, bạo lực. Hình xăm, chữ xăm gây phản cảm ở vị trí lộ diện, như: Mặt, đầu, cổ; từ 1/2 cánh tay trên trở xuống, từ 1/3 dưới đùi trở xuống. Hình xăm, chữ xăm chiếm diện tích từ 1/2 lưng, ngực, bụng trở lên”. Khảo sát của nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân từ năm 2018 tại Sư đoàn 312 (Quân đoàn 1) cho thấy, khoảng 30% chiến sĩ có hình xăm trên cơ thể, ở những chỗ không nhìn thấy khi mặc quần áo, xăm đơn giản. Tuy nhiên, chỉ vài năm trở lại đây, vấn đề xăm hình của thanh niên đã hoàn toàn khác và trở thành một trào lưu. Lợi dụng các quy định trong tiêu chí tuyển chọn công dân nhập ngũ, nhiều công dân cố tình xăm hình, xăm chữ kỳ quái, phản cảm, diện tích lớn trên cơ thể trước thời điểm khám tuyển để trốn tránh thực hiện NVQS, gây dư luận bất bình trong nhân dân.

Trung tá Ngô Xuân Trường, Phó chỉ huy trưởng Ban CHQS TP Ninh Bình (Bộ CHQS tỉnh Ninh Bình) cho biết thêm: “Tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi thực hiện NVQS ở thành phố xăm hình với diện tích lớn chiếm khá nhiều, xu hướng ngày càng tăng. Theo quy định thì không đủ tiêu chuẩn. Nếu tiếp tục thực hiện quy định này, việc tuyển chọn sẽ ngày càng khó hơn. Vì thế, nếu có thể thì chỉ loại những trường hợp xăm hình quá phản cảm, xăm ở vùng mặt”. Cũng về vấn đề này, Thượng tá Nguyễn Thế Dương, Chính trị viên Ban CHQS huyện Thạch Thành (Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa) cho biết: “Sau khi khám tuyển, những trường hợp đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn nhập ngũ chúng tôi yêu cầu làm cam kết không xăm hình, xăm chữ thì có điều kiện, cơ sở để xử lý nếu cố tình vi phạm. Nhưng có những trường hợp, họ biết sắp tới đợt khám tuyển NVQS và đủ điều kiện, tiêu chí nên sẵn sàng xăm hình để không phải tham gia nhập ngũ”.

Đại tá Ngô Công Khánh đề cập đến cách làm của TP Hà Nội: Với những công dân có hình xăm, TP Hà Nội thực hiện cho chụp ảnh hình xăm của công dân ngay khi khám tuyển để Hội đồng NVQS cùng xem xét, đánh giá và kết luận. Trung tá Tạ Văn Hải kiến nghị: Nên mở rộng lấy công dân có hình xăm không lộ diện.

Trước thực tế vấn đề hình xăm đang gây nhiều khó khăn trong công tác tuyển quân, cơ quan chức năng cần tính tới các giải pháp từ y học (xóa xăm), hay chế tài pháp luật, đạo đức. Thực tế hiện nay không có quy định nào cấm người dân xăm hình, xăm chữ. Hơn nữa, xăm hình, xăm chữ đã trở thành thú chơi, trào lưu của giới trẻ.

Cần phúc tra trước ngày nhập ngũ

Một trong những vấn đề gây ra nhiều khó khăn cho cả đơn vị nhận quân, địa phương giao quân và công dân nhập ngũ đó là bù đổi sau khi phúc tra chất lượng chiến sĩ mới. Thực trạng khá phổ biến sau khi đơn vị tiến hành phúc tra là chất lượng sức khỏe của bộ đội có độ vênh nhất định so với hồ sơ ban đầu của địa phương; có trường hợp bị bệnh trầm cảm, thậm chí bị bệnh động kinh, có cả bệnh án điều trị ở nhà, nhưng do rà soát chưa kỹ nên địa phương vẫn kết luận đủ điều kiện nhập ngũ. Nguyên nhân của thực trạng trên, theo lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị là do một số địa phương giao quân đơn giản trong thẩm định hồ sơ; năng lực sơ tuyển, khám tuyển, nhất là quy trình khám sức khỏe ở địa phương còn hạn chế; đặc biệt là bệnh thành tích và áp lực về chỉ tiêu giao quân, nên có những trường hợp công dân chưa đạt yêu cầu về sức khỏe, văn hóa, tiêu chuẩn chính trị nhưng địa phương vẫn khẳng định đủ điều kiện. Các trường hợp nêu trên chỉ được phát hiện khi đơn vị tiến hành phúc tra kết quả khám tuyển NVQS của địa phương giao quân.

Trước những khó khăn, bất cập trong vấn đề khám sức khỏe ở cơ sở, Đại tá Nguyễn Quốc Hải cho biết: Hiện Luật NVQS năm 2015 và Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP ngày 30-6-2016 của Bộ Y tế-Bộ Quốc phòng quy định việc khám sức khỏe thực hiện NVQS ở địa phương thì quá trình khám tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ chỉ khám lâm sàng (thể lực, mắt, tai mũi họng, răng hàm mặt, nội khoa, tâm thần kinh, ngoại khoa, da liễu...), chưa quy định bắt buộc khám cận lâm sàng; quá trình tổ chức khám phúc tra sức khỏe ở đơn vị tiến hành khám cận lâm sàng (X-quang, siêu âm, điện tim, xét nghiệm nhóm máu...). Quy định này là phù hợp nhằm tránh gây tốn kém cho địa phương bởi số khám sơ tuyển cao gấp 4 lần chỉ tiêu. Khi phúc tra sức khỏe khám cận lâm sàng, đơn vị phát hiện những trường hợp không đủ tiêu chuẩn buộc phải trả về và thực hiện bù đổi. “Nên thực hiện khám cận lâm sàng trước khi nhập ngũ đối với số đạt tiêu chuẩn sẵn sàng nhập ngũ. Việc này tạo thuận lợi cho cả đơn vị nhận quân, địa phương và công dân không đủ sức khỏe”, Đại tá Nguyễn Quốc Hải kiến nghị. Đây cũng là kiến nghị của Đại tá Vũ Văn Hải, Trưởng phòng Quân lực, Bộ Tham mưu Quân khu 1.

Trên thực tế, việc phải thực hiện bù đổi, trả lại công dân không đủ điều kiện nhập ngũ sau phúc tra gây rất nhiều khó khăn và xáo trộn cho đơn vị, địa phương cũng như chính cá nhân và gia đình công dân không đủ điều kiện. Giải pháp được nhiều ý kiến đồng tình đó là cần kiểm soát chặt chẽ hơn trong thực hiện bù đổi.

Điều 30 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 về “độ tuổi gọi nhập ngũ” quy định: Công dân đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ; độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi; công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi.

Thông tư số 148/2018/TT-BQP ngày 4-10-2018 “Quy định tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ” của Bộ Quốc phòng, tại khoản 2, Điều 5 quy định miễn gọi nhập ngũ với những công dân sau: a) Con của liệt sĩ, con của thương binh hạng một. b) Một anh hoặc một em trai của liệt sĩ. c) Một con của thương binh hạng hai; một con của bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; một con của người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên. d) Người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân, Công an nhân dân. đ) Cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật từ 24 tháng trở lên.

(còn nữa)

Nhóm phóng viên Báo QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/bai-3-can-dieu-chinh-lai-tieu-chi-cho-phu-hop-thuc-tien-721834