Bài 3: Cần giải pháp mang tính đột phá (Tiếp theo và hết)
Hiện nay, hệ thống tổ chức, biên chế, trang bị, phương tiện, năng lực bảo đảm kỹ thuật có mặt chưa theo kịp sự phát triển của thực tiễn; công tác kỹ thuật (CTKT) đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trước sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; nhiệm vụ xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc đòi hỏi ngày càng cao.
Để đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội hiện đại, CTKT cần có định hướng khoa học, cụ thể cả trước mắt và lâu dài.
Tăng năng lực tự chủ về bảo đảm kỹ thuật
Theo ý kiến của nhiều đồng chí cán bộ ngành kỹ thuật, để "nâng tầm" CTKT nói chung, nhiệm vụ bảo đảm kỹ thuật nói riêng, trước hết cần phải phấn đấu tự chủ. Bởi vậy, việc phát huy năng lực của các cơ sở trong nước để sản xuất những chủng loại vật tư phục vụ cho công tác bảo đảm kỹ thuật nhằm tránh phụ thuộc vào việc nhập khẩu từ nước ngoài là giải pháp cần được triển khai kịp thời, hiệu quả.
Việc tự chủ trong công tác bảo đảm kỹ thuật là một thách thức lớn, đòi hỏi sự đầu tư không chỉ về ngân sách mua sắm trang thiết bị hiện đại mà còn về chiều sâu khoa học-công nghệ, nhất là về nhân lực chất lượng cao... Tuy nhiên, hiện nay nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành kỹ thuật quân sự vẫn hạn chế. Vì thế, việc quan trọng hàng đầu là cần nghiên cứu phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật quân sự có số lượng, cơ cấu hợp lý, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây là vấn đề vừa có tính cấp thiết trước mắt, vừa cơ bản lâu dài đối với ngành kỹ thuật và cũng là nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động lãnh đạo của cấp ủy các cấp đối với CTKT. Theo đó, cần thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo gắn với sắp xếp, bố trí, sử dụng nguồn nhân lực; chú trọng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ chuyên gia đầu ngành, cán bộ kỹ thuật, thợ kỹ thuật giỏi trên các lĩnh vực trọng điểm, đặc thù, mũi nhọn, làm nòng cốt trong công tác bảo đảm kỹ thuật, nhất là bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) mới, công nghệ cao. Đặc biệt, cần có chế độ, chính sách ưu đãi thỏa đáng để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào ngành kỹ thuật Quân đội...
Bên cạnh đó, để từng bước làm chủ việc khai thác, sử dụng và sửa chữa VKTBKT mới, hiện đại, ngành kỹ thuật cần chủ động đề xuất, triển khai liên doanh, liên kết với đối tác nước ngoài trong tổ chức bảo đảm kỹ thuật; chú trọng đẩy mạnh liên kết với các nước có nền khoa học, công nghệ quân sự tiên tiến trong đào tạo, chuyển giao công nghệ gắn với quá trình khai thác, vận hành VKTBKT hiện đại. Mặt khác, theo Thượng tá Trần Trung Kiên, Chủ nhiệm Kỹ thuật Quân chủng Phòng không-Không quân, cần xây dựng phương thức trao đổi, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu sửa chữa giữa các trung tâm, viện nghiên cứu, nhà trường trong Quân đội, làm cơ sở nâng cao năng lực của các cơ sở trong nghiên cứu khoa học, xây dựng các trung tâm nghiên cứu, sản xuất vật tư, trang bị kỹ thuật bảo đảm tính chủ động, đáp ứng kịp thời yêu cầu nhiệm vụ.
Cuối tháng 10 vừa qua, kiểm tra ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số tại Tổng cục Kỹ thuật, Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cho rằng: Việc chuyển đổi số đối với ngành kỹ thuật Quân đội phải được triển khai nhanh, hiệu quả để giúp người chỉ huy và cơ quan kỹ thuật tối ưu hóa quá trình điều hành hoạt động của ngành, bảo đảm nhanh chóng, kịp thời cung cấp số liệu cần thiết của các đối tượng quản lý kỹ thuật (VKTBKT, hệ thống cơ sở kỹ thuật, đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật...). Qua đó, quản lý chặt chẽ, từ xa, theo thời gian thực mọi quy trình hoạt động hằng ngày của VKTBKT, các quy trình bảo đảm trang bị, bảo đảm kỹ thuật, quy trình hoạt động của hệ thống cơ sở kỹ thuật và đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật; kịp thời chỉ đạo và can thiệp kỹ thuật khi có sự cố, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu. Phấn đấu triển khai rộng rãi phương thức quản lý theo vòng đời đối với VKTBKT để giúp tiết kiệm thời gian, ngân sách, nhân lực, nguyên liệu trong chế tạo, sản xuất, khai thác và bảo đảm kỹ thuật; đồng thời phát huy được tính kế thừa về tri thức, hạ tầng khoa học, công nghệ trong việc tăng hạn, cải tiến, nâng cấp hoặc thiết kế, chế tạo VKTBKT mới...
Chủ động đề xuất, thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm
CTKT có vai trò ngày càng quan trọng trong thực hiện mục tiêu xây dựng Quân đội ta tiến lên hiện đại, bảo đảm đủ khả năng ứng phó thắng lợi với chiến tranh công nghệ cao. Do đó, để hoàn thành tốt nhiệm vụ CTKT trong tình hình mới, ngành kỹ thuật Quân đội mà trực tiếp là Tổng cục Kỹ thuật, cơ quan kỹ thuật các cấp cần chủ động tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai có hiệu quả CTKT.
Theo Trung tướng Trần Minh Đức, Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật, trước hết, các cục chuyên ngành, cơ quan chức năng của Tổng cục Kỹ thuật phải chủ động nghiên cứu, nắm chắc tình hình, nâng cao năng lực dự báo chiến lược, năng lực tham mưu, đề xuất với cấp trên cũng như giữ vững thế chủ động về CTKT, đáp ứng nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Trong đó, tập trung tham mưu, đề xuất các chủ trương, biện pháp phát huy tối đa nguồn lực, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả CTKT; giữ gìn, bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa, tăng hạn VKTBKT hiện có; khai thác, làm chủ VKTBKT mới, hiện đại phục vụ sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, diễn tập và các nhiệm vụ khác. Tích cực xây dựng tiềm lực, thế trận bảo đảm kỹ thuật; đổi mới, kiện toàn tổ chức, biên chế ngành. Triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nghị quyết, kết luận, đề án, dự án, chương trình, kế hoạch về CTKT...
Việc rất quan trọng nữa là cần nghiên cứu, đẩy mạnh đổi mới phương thức tổ chức bảo đảm và cơ chế quản lý, chỉ đạo công tác bảo đảm kỹ thuật; chủ động đề xuất phương thức tổ chức bảo đảm kỹ thuật mới với nhiều hình thức, phương pháp hiệu quả; bổ sung, hoàn thiện các tiêu chuẩn, định mức, phương thức bảo đảm kỹ thuật cho VKTBKT, phù hợp với tiến trình hiện đại hóa Quân đội. Tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương điều tra, khảo sát nắm chắc năng lực các cơ sở công nghiệp; xây dựng quy chế điều hành các phương tiện kỹ thuật, cơ sở sản xuất, sửa chữa... để huy động tối đa năng lực bảo đảm kỹ thuật ngay từ thời bình và sẵn sàng động viên khi cần.
Bên cạnh đó, nhiều đồng chí cán bộ ngành kỹ thuật đề nghị, thời gian tới cần tiếp tục quan tâm đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống kho tàng, cơ sở sửa chữa VKTBKT trong toàn quân; tập trung nâng cao năng lực, chất lượng sửa chữa VKTBKT mới, hiện đại.
Trung tướng Trần Minh Đức cho biết: Tổng cục Kỹ thuật đã rà soát và tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác đầu tư mua sắm, sản xuất, cải tiến, hiện đại hóa VKTBKT. Trong đó tập trung nâng cao hệ số kỹ thuật cho các loại VKTBKT; nâng cao năng lực khai thác, làm chủ kỹ thuật các loại VKTBKT thế hệ mới. Nghiên cứu cải tiến, hiện đại hóa để tăng uy lực, sức cơ động, tầm bắn cho một số loại vũ khí; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các đề án, dự án mới, tạo bước đột phá về CTKT trong thời gian tới.
Có thể nói, nhiệm vụ CTKT trong những năm tới rất nặng nề, đòi hỏi ngày càng cao, vì vậy, nhiều đồng chí lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị và cán bộ ngành kỹ thuật toàn quân mong muốn Quân ủy Trung ương ban hành nghị quyết mới về CTKT, thay thế cho Nghị quyết số 382-NQ/ĐUQSTW để tạo bước phát triển đột phá của CTKT, góp phần xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội hiện đại.