Bài 3: Chạy theo danh hão, tên tuổi hão!
Theo chuyên gia, gắn mác giáo sư, tiến sĩ, cử nhân quốc tế chưa hẳn đã oai. Bởi, có khi người ta phong bừa, mang hàm ý trào phúng, châm chọc.
Những nhà sưu tầm
Trong trào lưu doanh nhân, nhà sư được tổ chức nước ngoài phong giáo sư, tiến sĩ danh dự có nhiều cái tên vốn được công chúng biết tới với nhiều vai trò, chức danh khác nhau.
Điểm chung của những giáo sư, tiến sĩ, cử nhân danh dự thế giới đó là những cá nhân đó có quá nhiều danh hiệu, chức danh, nhiều đến mức không ai biết nên gọi họ bằng chức danh gì mới đúng.
Người đầu tiên phải kể đến là doanh nhân Nguyễn Đình Thắng - Chủ tịch Hồng Cơ Group. Ông Nguyễn Đình Thắng đã được sắc phong Giáo sư Kinh tế danh dự của Đại học Apollos (Hoa Kỳ) và tiến sĩ Khoa học và Công nghệ danh dự của Trường Đại học Quốc tế mở và trực tuyến (Canada) vào năm 2023.
Trước khi được phong giáo sư, tiến sĩ danh dự, ông Nguyễn Đình Thắng còn được biết đến với nhiều chức danh khác như: Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Công nghệ Hồng Cơ; Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Công nghệ Viễn thông Việt Nhất (VNCTC);
Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Giải pháp phần mềm Đan Phong; Thành viên HĐQT CTCP Tập đoàn Liên Việt; Chủ tịch HĐQT CTCP Xây dựng Trường Thọ; Phó Chủ tịch HĐQT CTCP HQT Việt Nam; Chủ tịch CTCP Nông nghiệp Xanh 3 Lợi; Chủ tịch HĐQT Trường Đại học Công nghiệp Vinh;
Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Vùng đất mới. Không chỉ là lãnh đạo doanh nghiệp, ông Thắng còn giữ nhiều cương vị như Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội phần mềm Việt Nam. Ngoài ra, ông từng giữ chức Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank.
Nói về danh hiệu, không thể không nhắc đến ông Hoàng Đức Thảo, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Khoa học Công nghệ Việt Nam (BUSADCO), Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VST).
Theo đó, năm 2023, ông Hoàng Đức Thảo được nhận bằng giáo sư danh dự chuyên ngành khoa học và công nghệ trường Apollos Mỹ và tiến sĩ danh dự của Đại học quốc tế mở và trực tuyến Cambridge.
Trước khi nhận bằng giáo sư, tiến sĩ danh dự của 2 trường đại học trên, ông Hoàng Đức Thảo còn đã từng được Viện Đại học Kỷ lục Thế giới phong tiến sĩ danh dự với luận án "Người Việt Nam đầu tiên đoạt nhiều giải thưởng nhất của các tổ chức sáng tạo khoa học công nghệ trên thế giới".
Ông Hoàng Đức Thảo còn được Liên minh Kỷ lục thế giới công nhận xác lập Kỷ lục thế giới là “Nhà khoa học nghiên cứu, ứng dụng thực hành và thực chứng kết quả đồng bộ, với quá trình nghiên cứu, chế tạo, sáng tạo giải pháp, điều phối thi công và vận hành các sản phẩm từ chính hoạt động Khoa học công nghệ theo chu trình khép kín đã ứng dụng vào các lĩnh vực, công trình hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và nông thôn, phục vụ dân sinh, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu đạt số lượng bằng Sở hữu Trí tuệ nhiều nhất thế giới”.
Số doanh nhân đã nhận giáo sư, tiến sĩ danh dự còn có tên bà Nguyễn Thị Hương Liên - Đồng sáng lập, Phó chủ tịch Công ty CP Sao Thái Dương; ông Trần Tựu - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm SAVI (SAVIPHARM); ông Trần Mạnh Báo – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư ThaiBinh Seed... Việc doanh nhân thích gắn mác giáo sư, tiến sĩ, cử nhân quốc tế đang là trào lưu.
Phong thật hay phong đểu?
Về việc doanh nhân, nhà sư được phong giáo sư, tiến sĩ, cử nhân danh dự quốc tế khiến nhiều người ngán ngẩm. Bởi những danh hiệu mà họ nhận được của các tổ chức nước ngoài được đánh giá còn kém uy tín hơn các danh hiệu từng nhận được ở trong nước. Vậy tại sao các doanh nhân, nhà sư lại thích được phong tặng như vậy?
Liên quan đến vấn đề này, phóng viên báo Nhà báo & Công luận đã trao đổi với Phó Giáo sư Lê Quý Đức - Nguyên Phó Viện trưởng, Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Theo ông Đức, hiện tượng này không chỉ doanh nhân mà còn có một số nhà nghiên cứu cũng vấp phải. Họ được một tổ chức nào đó, một cơ quan nào đó ở nước ngoài thiếu uy tín, không tầm cỡ phong tăng nhưng cũng ký nhận. “Những người đó thiếu tự trọng” – ông Lê Quý Đức nhấn mạnh.
Nguyên Phó Viện trưởng, Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: “Biết đâu những cơ quan nước ngoài người ta phong cho những doanh nhân và thậm chí kể cả cán bộ Việt Nam để làm cái việc gọi là mỉa mai các ông. Hay nó cho rằng, giáo sư tiến sĩ ở Việt Nam chẳng ra gì? Không bằng cấp gì cũng cho giáo sư, tiến sĩ cho phổng mũi lên cho sướng. Có khi cho đểu nhưng lại không biết”.
Cũng theo vị này, xã hội ta bây giờ có nhiều người chạy theo danh hão, tên tuổi hão. Nước ta có tình trạng như vậy và như một trào lưu. “Ở nước ngoài, nhiều lãnh đạo cao cấp họ không giới thiệu giáo sư hay tiến sĩ, Việt Nam thì nhiều người cũng nêu. Vì họ nghĩ nêu ra sẽ tín nhiệm hơn”.
Phó Giáo sư Lê Quý Đức phân tích: Người Việt Nam nhiều người thích nhiều danh hiệu, ai có nhiều danh hiệu thì cho rằng mình to. Có người từng ký đến 14 chữ chức danh, danh hiệu…Đó là kiểu người thích thể hiện. “Trong bối cảnh như vậy, cần quy định nếu không có học hàm, học vị mà được phong thì ký rõ ra là giáo sư, tiến sĩ, cử nhân danh dự do ai phong tặng hoặc phải nộp chứng minh năng lực mới được dùng tên giáo sư, tiến sĩ, cử nhân…tránh việc mập mờ, gây hiểu nhầm cho công chúng” – ông Lê Quý Đức chia sẻ.
Qua trao đổi với chuyên gia có thể thấy, được phong giáo sư, tiến sĩ, cử nhân danh dự quốc tế chưa hẳn đã oai. Nhiều khi, những cái mác đó chỉ là danh hão.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bai-3-chay-theo-danh-hao-ten-tuoi-hao-post289983.html