Bài 3: Chống lãng phí phải quyết liệt như chống tham nhũng

Trước tình hình mới, nhiệm vụ mới, bước vào Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, bài viết 'Chống lãng phí', bốn giải pháp cơ bản phòng chống lãng phí của Tổng Bí thư Tô Lâm đã truyền tải thông điệp rất rõ ràng về chống lãng phí, tạo bầu không khí để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thống nhất nhận thức, quyết tâm để tham gia vào mặt trận chống lãng phí thực sự có hiệu quả.

Chống lãng phí – Thông điệp mạnh mẽ của Tổng Bí thư Tô Lâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiểm tra hiện trạng thực tế, bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc tại dự án BV Bạch Mai và BV Việt Đức cơ sở 2 (Hà Nam). Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiểm tra hiện trạng thực tế, bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc tại dự án BV Bạch Mai và BV Việt Đức cơ sở 2 (Hà Nam). Ảnh: Nhật Bắc

Điểm danh các công trình trọng điểm chậm tiến độ

Ngày 13/11/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết “Chống lãng phí”, đây là lời tuyên chiến của Đảng, Nhà nước, Nhân dân ta với “giặc nội xâm” đầy cam go và phức tạp; là một phần của cuộc đấu tranh giai cấp; có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, để xây dựng Đảng ta vững mạnh.

Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm được cán bộ, đảng viên, Nhân dân đón đọc, rất tâm đắc, đồng tình với thông điệp mạnh mẽ người đứng đầu Đảng ta trước thực trạng lãng phí trên nhiều lĩnh vực đời sống, xã hội, nhiều công trình, dự án đầu tư công với kinh phí hàng trăm, hàng nghìn tỷ kéo dài, đội vốn, không phát huy hiệu quả.

Đáng chú ý, hai dự án y tế trọng điểm quốc gia là Bệnh viện (BV) Bạch Mai cơ sở 2 và BV Việt Đức cơ sở 2 tại Phủ Lý (Hà Nam) từng được khởi công xây dựng năm 2014 với tổng quy mô 2.000 giường bệnh, tổng đầu tư gần 10 nghìn tỷ đồng, sau 10 năm vẫn trong tình trạng “gỡ” vướng, thậm chí “cửa đóng then cài”.

Thực tế, nhu cầu khám chữa bệnh cho Nhân dân ngày càng cao, trong đó, BV Bạch Mai hiện mỗi ngày tiếp nhận điều trị cho hơn 7.000 bệnh nhân ngoại trú, hơn 4.000 giường bệnh nội trú và luôn kín giường. BV Việt Đức mỗi ngày cũng tiếp nhận hơn 1.000 lượt khám chữa bệnh, một năm mổ hơn 70.000 ca chủ yếu là chấn thương nặng, phức tạp, đa chấn thương. Bệnh nhân nặng, bệnh hiểm nghèo từ khắp các tỉnh, thành đổ về khiến 2 BV tuyến cuối liên tục trong tình trạng quá tải. Có nhiều người bệnh phải “xếp hàng” chờ hàng tháng trời mới có lịch mổ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiểm tra hiện trạng thực tế, bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc tại hai dự án BV Bạch Mai và BV Việt Đức cơ sở 2 (Hà Nam). Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiểm tra hiện trạng thực tế, bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc tại hai dự án BV Bạch Mai và BV Việt Đức cơ sở 2 (Hà Nam). Ảnh: Nhật Bắc

Người dân các tỉnh, thành trông chờ được khám, chữa bệnh tuyến cuối gần nhà với chất lượng chuyên môn cao, đội ngũ y bác sĩ kỳ vọng mục tiêu hai BV được xây dựng và vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế.

Thế nhưng, tròn 1 thập kỷ qua, hai dự án y tế trọng điểm quốc gia vẫn chưa đưa vào sử dụng, gây lãng phí nguồn vốn lớn của Nhà nước. Hồi tháng 10/2018, BV Bạch Mai cơ sở 2 khánh thành khu khám bệnh, 5 tháng sau bắt đầu đón tiếp bệnh nhân tới khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, tháng 3/2020, phía BV Bạch Mai cơ sở 2 thông báo tạm dừng tiếp nhận bệnh nhân do đợt dịch Covid-19, BV Bạch Mai cơ sở 2 được Bộ Y tế sử dụng làm Trung tâm điều trị Covid-19, Trung tâm Hồi sức tích cực quốc gia. Đến nay, dịch Covid-19 cơ bản được khống chế trong cộng đồng, công trình vẫn chưa được vận hành.

Tháng 10/2018, BV Việt Đức cơ sở 2 cũng cắt băng khánh thành vẫn chưa từng tiếp đón bệnh nhân và hiện nay hiện trạng “cửa đóng then cài”. Trong khi đó, dự án BV ở TP Hồ Chí Minh cùng sử dụng nguồn vốn như BV Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2 khởi công sau và chủ đầu tư khác thì đã được xây dựng hiện đại, đi vào sử dụng từ lâu.

Trường hợp hai dự án BV Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2 không đưa vào sử dụng dẫn đến các hạng mục xây xong bị xuống cấp, tường, mái nhà rêu phủ kín, khuôn viên cỏ mọc, trái ngược cả hai BV cơ sở 1 ở nội đô Hà Nội vẫn trong tình trạng quá tải.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, nguyên nhân chậm trễ tiến độ theo đề nghị của BV Bạch Mai và Việt Đức trong quá trình xây dựng một số hạng mục thiết kế, trang thiết bị có sự thay đổi, điều chỉnh dẫn đến có những phát sinh, vướng mắc chưa lường hết giữa nhà thầu và chủ đầu tư nên không thể hoàn tất bàn giao công trình.

Tháng 9/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi kiểm tra hai BV, tìm hiểu những vướng mắc cần tháo gỡ. Tháng 2/2023 Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định thành lập tổ công tác rà soát khó khăn vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án.

Hiện trạng BV Bạch Mai cơ sở 2 (Hà Nam) sau 10 năm khởi công vẫn chưa đưa vào vận hành chính thức. Ảnh: Viên Minh

Hiện trạng BV Bạch Mai cơ sở 2 (Hà Nam) sau 10 năm khởi công vẫn chưa đưa vào vận hành chính thức. Ảnh: Viên Minh

Năm 2023, Bộ Y tế đã phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến hết ngày 31/12/2024 và chỉ đạo chủ đầu tư làm việc với các nhà thầu để tiếp tục thi công hoàn thành công trình.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, tổ công tác đã tổ chức nhiều cuộc họp thảo luận, rà soát, trình Chính phủ những khó khăn vướng mắc và phương án khắc phục để từng bước giải quyết các vấn đề nhằm đưa hai BV đi vào hoạt động.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương tiếp tục thực hiện dự án và đưa vào vận hành trong năm 2024. Tuyệt đối không được để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí, không để chậm trễ kéo dài. Tuy nhiên, bước sang năm 2025 vẫn chưa có thông tin về việc hai BV có thể đưa vào vận hành.

Bất kể nguyên nhân nào, hai công trình trọng điểm của ngành Y tế chậm tiến độ vận hành là câu chuyện lãng phí vô cùng lớn về tiền bạc, thời gian, bỏ lỡ cơ hội cho rất nhiều người dân các vùng lân cận được khám chữa bệnh thuận lợi nhất trong những năm qua.

Qua các dự án điển hình trên cho thấy sự lãng phí rất lớn. Trong đó, còn rất nhiều dự án ở các tỉnh, thành phố được cấp phép đã chục năm, đất “vàng” vẫn bị treo, không ít dự án y tế, trung tâm giáo dục… có vốn hàng chục, hàng trăm tỷ đồng đã hoàn thành xây dựng nhưng bỏ hoang phế rất phí phạm tiền của mà không ai phải chịu trách nhiệm.

Trong cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ngày 30/10/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã giao cơ quan chức năng trước mắt tập trung xử lý một số dự án lãng phí như BV Bạch Mai và BV Việt Đức cơ sở 2 tại Hà Nam; dự án chống ngập tại TP Hồ Chí Minh; các dự án điện năng lượng tái tạo đã xây dựng nhưng chưa được kết nối, vận hành.

Tại phiên họp thứ 27 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, Tổng Bí thư Tô Lâm đã yêu cầu phải tiến hành thanh tra hai dự án BV Bạch Mai cơ sở 2 và BV Việt Đức cơ sở 2 tại Hà Nam, kết luận trước ngày 31/3/2025. Những chỉ đạo của Tổng Bí thư được Nhân dân rất đồng tình, ủng hộ theo đúng tinh thần “Xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực".

Qua rà soát của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, hiện cả nước có 57 dự án (9 dự án trong lĩnh vực xây dựng; 22 dự án lĩnh vực điện lực, công nghiệp than khoáng sản; 15 dự án lĩnh vực giao thông; 7 dự án lĩnh vực giáo dục, văn hóa - thể thao - du lịch; 4 dự án trong lĩnh vực nông nghiệp) cần xử lý chống lãng phí.

Hiện trạng BV Bạch Mai cơ sở 2 (Hà Nam) sau 10 năm khởi công vẫn chưa đưa vào vận hành chính thức. Ảnh: Viên Minh

Hiện trạng BV Bạch Mai cơ sở 2 (Hà Nam) sau 10 năm khởi công vẫn chưa đưa vào vận hành chính thức. Ảnh: Viên Minh

Phải có cơ chế giám sát, phòng ngừa, chống lãng phí và xử lý khi có sai phạm

Thông qua bài viết “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu lên những vấn đề lãng phí trong thời gian vừa qua, như lãng phí trong công tác xây dựng pháp luật; lãng phí thời gian, công sức vì thủ tục hành chính rườm rà; lãng phí cơ hội phát triển, lãng phí từ việc cán bộ né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm; lãng phí tài nguyên thiên nhiên, tài sản công; lãng phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu dùng...

Trao đổi xung quanh bài viết, đại tá, đảng viên Trịnh Thanh Phi (phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) nhận định: “Người dân rất đồng tình với chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, tại những dự án này phải quan tâm, làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân, quan trọng nhất là định ra thời điểm để các dự án này đưa vào hoạt động, mang lại hiệu quả, phục vụ tốt cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống Nhân dân, chứ không phải cứ kéo dài hết nhiệm kỳ này đến nhiệm kỳ khác”.

Hiện trạng BV Bạch Mai cơ sở 2 (Hà Nam) sau 10 năm khởi công vẫn chưa đưa vào vận hành chính thức. Ảnh: Viên Minh

Hiện trạng BV Bạch Mai cơ sở 2 (Hà Nam) sau 10 năm khởi công vẫn chưa đưa vào vận hành chính thức. Ảnh: Viên Minh

Theo đó, tiền bạc của Nhà nước, là mồ hôi, công sức của Nhân dân, người được giao nhiệm vụ phải coi như trách nhiệm của mình, phải có trách nhiệm sử dụng cho hiệu quả nhất, không để thất thoát, lãng phí, phải bảo đảm tiến độ hoàn thành dự án. Minh chứng rõ ràng là công trình đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch, Quảng Bình ra Phố Nối, Hưng Yên dài 519km, qua 9 tỉnh, 1177 cột… từ khi khởi công đến hoàn thành đưa vào vận hành chỉ trong 6 tháng trong khi những công trình trước đó phải mất khoảng 3 - 4 năm.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã yêu cầu “xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí trong toàn xã hội, đưa chống lãng phí trở thành các chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực xã hội và ngay trong từng gia đình”.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã đề cập nhiều đến xây dựng văn hóa lãnh đạo, văn hóa Đảng, văn hóa chính quyền, văn hóa giao thông, văn hóa tiết kiệm cả văn hóa từ chức, nhưng văn hóa phòng, chống lãng phí chưa được đặt ra. Nay, việc xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí là rất cần thiết, rất thiết thực.

Hiện trạng BV Việt Đức cơ sở 2 (Hà Nam) sau 10 năm khởi công vẫn chưa đưa vào vận hành chính thức. Ảnh: Viên Minh

Hiện trạng BV Việt Đức cơ sở 2 (Hà Nam) sau 10 năm khởi công vẫn chưa đưa vào vận hành chính thức. Ảnh: Viên Minh

Đảng viên Trịnh Thanh Phi cho biết: “Văn hóa thể hiện trí tuệ, nhận thức và cách ứng xử của con người. Để xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí thì phải bắt đầu từ ý thức của mỗi người, phải biết tự mình tự giác, nêu gương từ trên xuống dưới để nó dần trở thành thói quen hằng ngày của mỗi người, mỗi cán bộ, đảng viên, qua đó tạo sức lan tỏa ra toàn xã hội, trở thành một nét văn hóa của dân tộc trong thời đại mới. Phải coi hành vi lãng phí, để lãng phí là điều đáng day dứt, xấu hổ, coi chi tiêu hợp lý, tiết kiệm và dùng tiền của tiết kiệm đó để làm việc tốt cho mình, góp cho cộng đồng là điều cao đẹp, đáng trân trọng, tự hào”.

 Đại tá, đảng viên Trịnh Thanh Phi. Ảnh: NVCC

Đại tá, đảng viên Trịnh Thanh Phi. Ảnh: NVCC

Ông Trịnh Thanh Phi nêu ý kiến, để đảm bảo mọi hành vi lãng phí của công đều chịu sự giám sát, ngăn chặn. Nếu để xảy ra có khuôn phép để xử lý rất cần đặt ra những quy định, thể chế, luật pháp điều chỉnh, xử lý hành vi lãng phí. Có như thế, ý thức về phòng, chống lãng phí mới được hình thành dần trở thành nếp sống, thói quen, thành văn hóa trong xã hội. Làm được như vậy sẽ góp phần tạo nên trong cán bộ, đảng viên nhất là người lãnh đạo, quản lý một ý thức thường trực “không dám, không thể” để lãng phí, người có quyền lực, trách nhiệm lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương để đơn vị xảy ra lãng phí cũng bị xem xét xử lý trách nhiệm tương xứng với mức độ hậu quả thiệt hại như khi để đơn vị xảy ra tham nhũng.

Muốn hình thành những giá trị văn hóa tốt đẹp này, cần phải tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, đưa tư tưởng phòng, chống lãng phí thấm sâu vào từng cán bộ, người dân, để tinh thần đó lan tỏa rộng khắp ra toàn xã hội.

Cần quán triệt tư tưởng ở tất cả ngành, địa phương, phải coi để xảy ra lãng phí cũng là tội như tội tham nhũng. Coi hiệu quả thực hành tiết kiệm là thước đo hiệu quả công tác xây dựng Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị. Để đạt được điều đó, các cơ quan Đảng, chính quyền và cán bộ lãnh đạo phải đi đầu nêu gương, cấp trên làm gương cho cấp dưới, học tập kinh nghiệm nhau về phòng chống lãng phí.

Cũng cần hình thành lối sống văn hóa hưởng thụ xanh, sạch, hình thành thói quen tiêu dùng vừa đủ, từ chối việc tiêu dùng quá mức, phung phí, xa hoa đây là cơ sở để loại bỏ hành vi lãng phí, xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí.

Tài nguyên của bất cứ quốc gia nào cũng là hữu hạn. Xây dựng xã hội tiết kiệm, tránh lãng phí là nhu cầu khách quan và là chiến lược phát triển cần thiết trong thời kỳ mới, phản ánh ý thức trách nhiệm của chúng ta đối với tương lai bền vững. Tiết kiệm, không lãng phí là lối sống tiến bộ, đúng đắn, văn minh cần được cổ vũ, lan tỏa và phát huy mạnh mẽ.

Khi chống lãng phí và thực hành tiết kiệm trở thành quốc sách, được coi trọng và phổ biến trong xã hội, trở thành thói quen, nếp sống văn minh của mỗi quan chức, người dân thì đó là điều hạnh phúc của dân tộc đó. Thực hiện tốt chính là tạo nguồn lực cho đất nước, xây dựng xã hội tiết kiệm, mà còn nâng tầm vị thế văn hóa, con người Việt Nam, để đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

“Bước sang năm mới 2025, tôi hy vọng và tin tưởng, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng do Tổng Bí thư Tô Lâm đứng đầu, việc xây dựng trong toàn xã hội ý thức, nếp sống văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí có bước phát triển mới, công cuộc chống lãng phí, sẽ đồng hành mạnh mẽ cùng công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực để đất nước hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tiến tới Đại hội XIV của Đảng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình mạnh mẽ và vững chắc” - đảng viên Trịnh Thanh Phi chia sẻ.

Tại TP Hồ Chí Minh, nói đến dự án chống ngập do triều cường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570km2, đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng đến nay đã triển khai 8 năm vẫn chưa hoàn thành và gây lãng phí rất lớn.

Nhà đầu tư của dự án là Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam; doanh nghiệp thực hiện dự án: Công ty TNHH Trung Nam BT 1547; nhà thầu lập thiết kế và dự toán xây dựng: Liên danh Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Vina Mekong, Viện khoa học Thủy Lợi Miền Nam, Viện Thủy Công, Viện Thủy Lợi và Môi trường.

Dự án được đầu tư theo hình thức “Đối tác công tư – (PPP)”. Loại hợp đồng là Xây dựng - Chuyển giao (BT), thanh toán bằng quỹ đất và ngân sách Thành phố. Theo Hợp đồng BT, dự án sẽ xây dựng trong 36 tháng, khởi công ngày 26/6/2016 và dự kiến hoàn thành ngày 26/6/2019. Tuy nhiên, cuối tháng 4/2018, khi dự án đạt khoảng 75% khối lượng thì bất ngờ dừng thi công. Gần 10 tháng sau, ngày 12/2/2019, dự án được tái khởi động nhưng đến tháng 11/2020, khi dự án đã hoàn thành khoảng 90%, Tập đoàn Trung Nam tiếp tục có thông báo ngừng thi công do chưa ký hợp đồng phụ lục thời gian hoàn thành. Đến nay, dự án đã trễ hạn 5 năm nhưng vẫn chưa thể hoàn thiện và đưa vào sử dụng.

Ngày 9/8/2024, Tổ Công tác Chính phủ đã họp, kết luận tại thông báo số 370/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ, xác định dự án còn tồn tại các khó khăn vướng mắc như: không có nguồn vốn để hoàn thành công trình; chưa xác định rõ thẩm quyền và trình tự thực hiện đối với dự án đang trong quá trình thực hiện có sự thay đổi, mà các nội dung thay đổi dẫn đến dự án thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia; chưa có cơ sở thanh toán Hợp đồng.

Thật đáng tiếc, một dự án đầu tư tới hơn 10.000 tỷ đồng, trải qua hai nhiệm kỳ, nguồn ngân sách Nhà nước nhưng người dân TP Hồ Chí Minh vẫn khổ sở vì ngập lụt, triều cường.

Một dự án tai tiếng khác về sự ì ạch, lãng phí rất lớn là Nhà thi đấu Phan Đình Phùng đã được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư theo hình thức BT từ năm 2008 và được triển khai từ tháng 3/2010 với mức đầu tư công bố là 988 tỷ đồng. Năm 2013, công trình đội giá lên 1.352,7 tỷ đồng, sau đó UBND TP Hồ Chí Minh xin bổ sung thêm khu đất tại 3-3 bis Phan Văn Đạt (quận 1) để thanh toán cho nhà đầu tư. Đến năm 2016, vốn đầu tư khả thi của đại dự án lên tới hơn 1.953 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với dự trù ban đầu và UBND TP Hồ Chí Minh tiếp tục xin bổ sung khu đất 3ha ở khu trường đua Phú Thọ để thanh toán hợp đồng…

Ngày 25/4/2024, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi thống nhất với đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc dừng đầu tư dự án xây dựng Trung tâm Thể dục thể thao Phan Đình Phùng theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng BT), chuyển thành phương thức đầu tư công. Hiện dự án đang vây quanh những biển quảng cáo và bỏ hoang bên trong khu cỏ mọc… Trả lời chất vấn đại biểu HĐND TP Hồ Chí Minh, ông Phan Văn Mãi từng thừa nhận: “Ai ở Thành phố đi qua đi lại nhìn thấy Nhà thi đấu Phan Đình Phùng đều rất "nhức mắt" và chờ đợi kết quả xử lý.

Thái Phương - Mộc Miên - An Nhiên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/bai-3-chong-lang-phi-phai-quyet-liet-nhu-chong-tham-nhung-406343.html