Bài 3: Chung sức giữ màu xanh đại ngàn
Trong những chuyến công tác đến các xã vùng cao của huyện Bát Xát như Y Tý, Dền Sáng, A Lù, Trung Lèng Hồ… điều khiến chúng tôi vô cùng ấn tượng đó là những khu rừng cổ thụ xanh thẫm 4 mùa. Hầu hết những diện tích rừng tự nhiên đó thuộc quản lý của Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Bát Xát, với tổng diện tích 18.637 ha, trên địa giới hành chính 5 xã, gồm Y Tý, Dền Sáng, Sàng Ma Sáo, Trung Lèng Hồ, Nậm Pung. Trong 4 năm qua, với lực lượng mỏng, quân số ít, làm thế nào Ban Quản lý Khu BTTN Bát Xát có thể giữ được màu xanh của đại ngàn mênh mông kia? Trò chuyện cùng các cán bộ, đảng viên Khu BTTN Bát Xát, chúng tôi đã tìm được câu trả lời.
“Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”
>> Bài 1: Dân vận khéo để “ kéo” học sinh ra lớp
>> Bài 2: Góp phần giữ vững một dải biên thùy
Chuyện giữ những cánh rừng “vàng”
Trước khi viết bài này, chúng tôi có một kỷ niệm khó quên cùng các cán bộ, nhân viên Khu BTTN Bát Xát. Đó là một ngày mùa đông đầy sương mù và giá rét cận tết Nguyên đán 2019. Khi nghe tin các cán bộ kiểm lâm phát hiện trong khu vực quản lý của Khu BTTN có một quần thể cây thiết sam cổ thụ hàng trăm năm tuổi, tôi nhấc điện thoại gọi ngay cho anh Ngô Kiên Trung, Trưởng Ban Quản lý Khu BTTN Bát Xát để xác thực thông tin và thực hiện phóng sự về quần thể cây quý hiếm này.
Thật may mắn là buổi chiều hôm sau trời hửng nắng, sương tan dần, đoàn cán bộ, nhân viên Khu BTTN Bát Xát cùng Tổ bảo vệ rừng khu vực xã Dền Sáng, Y Tý nai nịt gọn gàng cùng chúng tôi lên đường khám phá đại ngàn. Chặng đường tìm đến quần thể cây thiết sam đại thụ phải vượt qua nhiều đoạn dốc trơn trượt, khó đi, nhưng bù lại lần đầu tiên được tận mắt thấy, tận tay sờ vào lớp vỏ thô ráp của những cây thiết sam to mấy người ôm, cao như tòa tháp giữa rừng già khiến chúng tôi tiêu tan mệt mỏi. Trong chuyến đi, đảng viên trẻ Lò Văn Quân, cán bộ Khu BTTN Bát Xát kể cho chúng tôi nhiều kỷ niệm về những ngày tháng gắn bó với núi rừng, về tên gọi và đặc điểm, giá trị các loài cây, về sự đa dạng của hệ động thực vật trong khu bảo tồn.
Nhìn những nương thảo quả đang được người dân địa phương phát cỏ quang đãng, một số cây thiết sam non lên cao hơn 1m cũng bị lưỡi dao phát vô tình đốn gục, anh Quân trăn trở: Điều khiến chúng tôi suy nghĩ nhất đó là từ lâu đồng bào người Mông, người Dao, người Hà Nhì đã trồng thảo quả dưới tán quần thể thiết sam này, nên việc bảo vệ những cây thiết sam non đang tái sinh sẽ rất khó khăn. Mặt khác, trong rừng vẫn còn những lều lán chăn nuôi, lán sấy thảo quả, vừa ảnh hưởng tới rừng, vừa có nguy cơ cháy rừng cao. Vì thế, cán bộ kiểm lâm phải thường xuyên tuyên truyền để bà con nâng cao ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ quần thể cây thiết sam cổ thụ và những cây non mới mọc, dần hướng tới giảm diện tích thảo quả để giữ rừng bền vững.
Hôm nay gặp lại, anh Quân báo tin vui: Từ đầu năm 2021 đến nay, chúng tôi đã vận động bà con xã Dền Sáng tự nguyện tháo dỡ 5 lán sấy thảo quả và lán chăn nuôi gia súc lợp mái tôn hoặc tấm lợp xi măng, tháo gỡ bạt che 10 lán tạm trong rừng tự nhiên thuộc khu bảo tồn quản lý. Ngoài ra, nắm được thông tin từ người dân, Ban cũng kiểm tra, xử lý 2 vụ “ken” cây trong nương thảo quả thuộc khu vực Thác Đỏ. Thời gian qua, việc quản lý đất đai trên địa bàn xã Y Tý gặp nhiều khó khăn do giá đất tăng cao, một số cá nhân cố tình dựng lều, lán để giữ đất, bán đất không đúng quy định. Khu bảo tồn cũng đã phối hợp với các lực lượng liên quan tháo dỡ lán của một hộ dân dựng tại khu đất ven Tỉnh lộ 158 thuộc đất của Khu đang quản lý, sử dụng.
Trò chuyện với các cán bộ Khu BTTN Bát Xát, chúng tôi được biết Khu BTTN Bát Xát có tổng diện tích rất lớn với 18.637 ha rừng, trên địa giới hành chính 5 xã, gồm Y Tý, Dền Sáng, Sàng Ma Sáo, Trung Lèng Hồ, Nậm Pung. Kể từ khi thành lập vào tháng 10/2017 đến tháng 7/2021, Khu vẫn chỉ có vẻn vẹn 10 cán bộ. Đến tháng 8/2021, Ban Quản ký Khu BTTN Bát Xát mới thành lập Hạt Kiểm lâm, thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh quản lý và được tăng cường thêm nhân lực. Mặc dù lực lương mỏng, nhưng nhìn vào những kết quả trong công tác bảo vệ rừng và sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân cho thấy hiệu quả trong công tác tuyên truyền của các cán bộ, nhân viên Khu BTTN Bát Xát.
Anh Ngô Kiên Trung, Trưởng Ban quản lý, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khu BTTN Bát Xát chia sẻ: Với diện tích rừng lớn nhưng lực lượng lại mỏng, công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, bảo tồn đa dạng sinh học của Khu bảo tồn gặp muôn vàn gian khó. Tuy nhiên xác định khó mấy cũng phải làm, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các cán bộ, đảng viên đều tập trung làm tốt công tác dân vận, gần gũi với nhân dân, vừa khéo léo, vừa cương quyết với các đối tượng vi phạm pháp luật về rừng mới có thể giải quyết ổn thỏa mọi việc. Từ đó, nâng cao nhận thức cho người dân về công tác bảo vệ rừng, phát huy vai trò của người có uy tín, đảng viên ở các thôn, bản trở thành cánh tay nối dài của Khu bảo tồn cùng phối hợp bảo vệ rừng tốt hơn.
Để dân chung sức giữ đại ngàn xanh mãi
Trong chuyến công tác lần này, chúng tôi có dịp trò chuyện nhiều hơn với các cán bộ, nhân viên Khu BTTN Bát Xát và hiểu hơn về công việc của các anh. Trần Quang Chính, đảng viên trẻ sinh năm 1992 được giao nhiệm vụ phụ trách bảo vệ rừng khu vực xã Trung Lèng Hồ, cho biết: “Diện tích rừng thuộc Khu BTTN quản lý ở xã Trung Lèng Hồ rộng trên 11.000ha, địa hình lại hiểm trở với nhiều núi cao như đỉnh Ky Quan San cao 3.046m, đỉnh Pu Ta Leng cao 3.049m so với mực nước biển, vì vậy việc tuần tra bảo vệ rừng rất khó khăn. Mỗi lần tôi xuống thôn đi cùng người dân tuần tra bảo vệ rừng thường mất 4 -5 ngày”.
Được biết, xã Trung Lèng Hồ có 480 hộ dân đều là người Mông, nan giải nhất vẫn là tình trạng người dân vào rừng lấy gỗ làm quan tài cho người qua đời hoặc lấy củi về đun nấu. Từ khi xuống xã, anh Chính đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã thành lập 5 ban quản lý rừng của các thôn, mỗi ban lại thành lập 1 - 2 tổ tuần tra rừng gồm 10 người do trưởng thôn hoặc bí thư chi bộ, đảng viên tiêu biểu là người đứng đầu. Tổng số người dân tham gia các ban quản lý, tổ tuần tra khoảng 100 người. Mỗi tháng, tổ tuần tra thường đi tuần rừng từ 2 - 4 lần. Anh Chính cũng vận động ban quản lý rừng của các thôn đầu tư phần mềm quản lý rừng Vtools và hướng dẫn sử dụng thành thạo để khi phát hiện có sự việc gì sẽ gửi báo cáo hình ảnh, thông tin nhanh gọn, đồng thời cũng để cán bộ phụ trách địa bàn quản lý việc tuần tra của các ban, tổ tuần tra hiệu quả hơn.
Kết quả là trong mấy năm qua, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, nên trên địa bàn xã Trung Lèng Hồ không xảy ra tình trạng cháy rừng. “Vừa qua, tôi cũng trực tiếp trao đổi với UBND xã Trung Lèng Hồ tuyên truyền, vận động các hộ dân của 5 thôn được hưởng số tiền chi trả dịch vụ bảo vệ rừng dùng số tiền đó để mua bếp gas, bình gas đun nấu. Việc sử dụng bếp gas vừa sạch sẽ, vừa giảm áp lực khai thác củi trong rừng tự nhiên”, anh Chính chia sẻ.
Được biết, không chỉ đối với khu vực xã Trung Lèng Hồ, mà ở các khu vực khác, cùng với phát huy tốt vai trò của lực lượng chuyên trách, Khu BTTN Bát Xát còn làm tốt việc phát huy vai trò của đảng viên, quần chúng tiêu biểu ở các thôn, bản để giữ màu xanh của đại ngàn. Qua công tác tuyên truyền và thực hiện nhiệm vụ, bản thân các cán bộ, đảng viên ở cơ sở trở thành “cánh tay nối dài” đắc lực bảo vệ rừng.
Ông Lý Vần quẩy, Bí thư chi bộ, Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng thôn Dền Sáng, xã Dền Sáng cho biết: “Thôn Dền Sáng có hơn 100 hộ dân đều là người Dao đỏ. Trước đây, do nghèo đói và tập quán lạc hậu nên đồng bào hay phá rừng làm nương. Là Bí thư chi bộ, Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng của thôn, tôi luôn tuyên truyền cho bà con các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ rừng. Nói một lần bà con chưa hiểu thì giải thích nhiều lần, dần đan rồi bà con cũng hiểu và nghe theo. Khi họp chi bộ, tôi cũng giao cho các đảng viên phải làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền bảo vệ rừng ở thôn, bản mình quản lý. Ngoài ra, sử dụng các quy ước, hương ước của thôn, bản để giữ rừng, xử lý vi phạm. Tổ quản lý rừng, tổ tuần tra rừng với lực lượng nòng cốt là các đảng viên, thanh niên gương mẫu luôn đi đầu chấp hành bảo vệ rừng để bà con làm theo. Giờ đây, nhiều hộ dân đã biết giữ rừng, trồng rừng để bảo vệ môi trường và nâng cao thu nhập.”.
Đứng giữa khu rừng già ngắm những cây cổ thụ vài vòng tay ôm không xuể, ông Ngô Kiên Trung, Trưởng Ban quản lý, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khu BTTN Bát Xát nói như “đinh đóng cột”, trước đây, bây giờ và cả mai sau nữa, biết rằng sẽ có nhiều lắm những khó khăn và gian nan trong việc gìn giữ, bảo vệ rừng cùng hệ sinh thái đa dạng, nhưng mỗi cán bộ, đảng viên, nhân viên Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát sẽ tiếp tục cố gắng, làm tốt nhiệm vụ chuyên môn và công tác tuyên truyền, tích cực “dân vận khéo” để cùng đồng bào các dân tộc giữ màu xanh của đại ngàn.
Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/348028-bai-3-chung-suc-giu-mau-xanh-dai-ngan