Bài 3: Công khai, minh bạch trách nhiệm
Xử lý dự án 'treo', dự án 'xí phần', 'bỏ hoang' nhằm lập lại kỷ cương pháp luật về đất đai, đầu tư, chống lãng phí, tiêu cực; xử lý tình trạng thiếu trách nhiệm, thiếu kiểm tra, phối hợp xử lý kiên quyết của cơ quan, đơn vị được giao thẩm quyền cấp phép dự án và thu hồi dự án theo quy định của luật. Đây là vấn đề lớn, cần giải pháp tổng thể đồng bộ từ hoàn thiện từ hệ thống pháp luật đến nâng cao trách nhiệm, hiệu quả thực thi pháp luật.
Bài 1: Tại sao phớt lờ quy định?
Bài 2: “Lỗ hổng” thực thi
Khó… nhưng không thể đợi quy định mới
Thực hiện nghiêm việc rà soát và công bố công khai các dự án vi phạm trên trang thông tin điện tử của địa phương là yêu cầu của Quốc hội đã được nêu rõ tại Nghị quyết số: 82/2019/QH14. Tuy nhiên, cho đến nay, việc công khai này vẫn còn khiêm tốn, mới có một số tỉnh, thành phố công khai số dự án vi phạm trên trang thông tin điện tử của địa phương. Đáng nói là, dù có công khai nhưng lại chưa có sự phân loại, đánh giá kỹ lưỡng mức độ vi phạm của từng dự án về quy mô, thời hạn, khả năng tài chính của chủ đầu tư và việc cưỡng chế thu hồi. Sự chậm trễ này không chỉ là “đáng tiếc” mà còn là trì trệ, thiếu cương quyết trong thực thi. Vì vậy, giải pháp trước hết là các địa phương phải rà soát và công bố công khai thông tin trên trang điện tử của địa phương theo đúng yêu cầu của Quốc hội.
Bên cạnh đó, việc công khai dự án vi phạm là cần thiết nhưng không thể công khai chung chung. Việc công khai cần làm rõ thông tin: chủ đầu tư, địa điểm thực hiện dự án, diện tích dự án sử dụng, thời hạn chậm; thời hạn phải thu hồi, cơ quan có trách nhiệm thu hồi, biện pháp thu hồi, dự kiến thời gian hoàn thành thu hồi… Cùng với đó, cơ quan có thẩm quyền cần xây dựng biểu đồ theo dõi về thời gian thực hiện dự án đối với các lĩnh vực thuộc từng đơn vị phụ trách, từ đó có trách nhiệm kiểm tra, xử lý kịp thời đúng quy định. Có như vậy mới rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ đầu tư và chính quyền các cấp. Mặt khác, việc công khai phải thực chất, tránh tình trạng công bố nhưng chỉ cơ quan công bố biết và công khai chỉ nhằm mục đích cho có! Ngoài ra, cần có phương thức công khai để các ngân hàng, tổ chức tín dụng cho vay vốn, đối tác đầu tư… và người dân chịu ảnh hưởng, tác động tiêu cực về môi trường, cuộc sống mưu sinh hàng ngày bởi dự án “treo” đều biết để giám sát việc thực hiện, xử lý.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định: “người dân thấy thu hồi đất để làm dự án phát triển kinh tế - xã hội vì mục tiêu công cộng thì cảm thấy “mát lòng, mát dạ”. Thu hồi đất rồi, người dân phải di dời mà dự án cứ để đấy không làm, sinh ra nhiều khiếu nại, tố cáo.”
Sau rà soát công khai là kiên quyết thu hồi đất theo quy định của pháp luật. Ở giai đoạn này cần phân loại, đánh giá kỹ lưỡng nguyên nhân chậm như một số địa phương thực hiện trong đó tập trung vào các dự án: quá hạn nhiều năm; các dự án được giao đất mà chưa có tác động vào đất; các dự án chưa hoàn thiện thủ tục nhưng đã triển khai đầu tư; các dự án gắn với hạ tầng giao thông mới và tổ chức cưỡng chế thu hồi đất sau khi hoàn trả chi phí, nhưng không bàn giao đất theo quy định của Luật Đất đai... Đặc biệt phải làm rõ trách nhiệm nhà đầu tư vi phạm.
Cưỡng chễ là biện pháp pháp luật đã cho phép. Ở đây việc cưỡng chế theo quy trình các bước chặt chẽ đặc biệt là xử lý vấn đề tài sản trên đất dự án; xác định giá trị còn lại của tài sản, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, chi phí cưỡng chế dự án theo các quyết định thu hồi đất… theo Điều 66 về trình tự, thủ tục thu hồi đất do vi phạm pháp luật Nghị định 43/2014/NĐ-CP chi tiết Luật 45/2013/QH13 về Đất đai và Điều 15b thu hồi đất đối với trường hợp chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư tại Nghị định 01/2017/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai.
Rõ ràng trong khuôn khổ pháp luật hiện hành sau khi rà soát phân loại chúng ta vẫn có thể thu hồi dự án vi phạm luật đất đai mà không có vướng mắc lớn. Các địa phương không thể chờ đợi mà phải kiên quyết thực hiện. Và minh bạch, công khai trách nhiệm trong thực thi sẽ là giải pháp đầu tiên thúc đẩy quá trình thu hồi dự án “treo” chuyển biến thực sự.
Gỡ vướng pháp luật về thủ tục
Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch xây dựng, đầu tư xây dựng: sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng, xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn… là một trong yêu cầu có tính đồng bộ. Nhưng thực tiễn cho thấy, lỗ hổng mà chủ đầu tư khai thác và cơ quan quản lý chậm xử lý thu hồi dự án “treo” lại chính ở pháp luật về thủ tục.
Có 2 vướng mắc căn bản dự án “treo” đã phơi bày kẽ hở mà nhà đầu tư “cơ hội” dễ bề lợi dụng, thao túng đó là: thủ tục cấp phép đầu tư còn lỏng lẻo, không có tiêu chí thực chất đánh giá được năng lực, sức khỏe nhà đầu tư, nhất là năng lực tài chính thực sự. Và vấn đề thứ hai chính là thủ tục thu hồi, cưỡng chế dự án vi phạm Luật còn thiếu chặt chẽ, cụ thể quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư, của cơ quan quản lý và chỉ rõ các bước thủ tục thu hồi dự án vi phạm như thế nào.
Việc chỉ ra các dự án vi phạm thời hạn theo Luật Đất đai, Luật Đầu từ phải bị thu hồi là công việc hết sức “dễ dàng”. Chiểu theo quy định của pháp luật, các tỉnh, thành phố có thể liệt kê tất cả dự án vi phạm thời hạn chỉ trong một “nốt nhạc”. Tuy nhiên, cái vướng chính là thông tin công khai, minh bạch dự án vi phạm và thực hiện trình tự, thủ tục thu hồi dự án vi phạm theo Luật Đất đai, Luật Đầu tư như thế nào? Các quy định về trình tự, thủ tục không đủ mạnh, không xác định rõ trách nhiệm của chủ thể thực hiện thu hồi, trách nhiệm của chủ đầu tư phải thực hiện. Thiếu quy định về thời hạn thực hiện các bước thủ tục, nội dung cần thiết trong từng bước như thế nào; cần giấy tờ gì; tổ chức ra sao?... Đặc biệt là quy định về cưỡng chế thu hồi khi nào? Giải quyết vấn đề tài sản trên đất khi cưỡng chễ ra sao? Các tiêu chí cho phép cưỡng chế thu hồi trong các trường hợp khác nhau…
Trong khi chờ đợi sửa đổi toàn diện Luật Đất đai, Chính phủ cần có các giải pháp cụ thể và hữu hiệu hơn nhằm nâng cao hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong công tác quản lý và sử dụng đất công. Phải cương quyết thu hồi những dự án không triển khai, chậm triển khai, có dấu hiệu “găm” đất và các quy hoạch treo ở các địa phương, đặc biệt là các quỹ đất có liên quan đến an ninh, quốc phòng nhiều năm bị lấn chiếm, trên 20 năm tới 30 năm không đưa vào sử dụng thì nên cương quyết thu hồi để giao cho địa phương phát triển kinh tế - xã hội. (ĐBQH Nguyễn Tạo – Lâm Đồng)
Điều quan trọng hơn hết từ bài học dự án “treo” chính là xây dựng các quy định pháp luật hình thức, là thủ tục, trình tự thực hiện các quy định mà lâu nay ta thường xử lý bằng văn bản dưới luật như nghị định, chỉ thị, thông tư hướng dẫn. Trong quá lập quy quy định hướng dẫn về thủ tục thực hiện có chỗ không đầy đủ, thiếu chặt chẽ, cụ thể nhất là hai đạo luật lớn là đầu tư hay đất đai. Đặc biệt, khi ban hành nghị định hay thông tư hướng dẫn cơ quan soạn thảo xem nhẹ, lờ đi, không chú trọng quy định trách nhiệm của đối tượng quản lý và nghĩa vụ thực hiện đúng các thủ tục và chế tài khi vi phạm thủ tục. Đây là yêu cầu quan trọng khi hoàn thiện Luật Đất đai, Luật Đầu tư.
Có thể thấy rất nhiều vướng mắc về trình tự, thủ tục- những khúc “xương xẩu” nhất khi thực hiện Luật Đất đai- cho ta thấy những vướng mắc ở cả chủ thể quản lý và cả đối tượng bị điều chỉnh của luật. Các quy định thủ tục rất quan trọng nhưng là văn bản dưới luật không được các cơ quan của Quốc hội thẩm tra bảo đảm tính khả thi, thống nhất với các quy định luật nội dung. Và vì vậy, nhiều quy định không rõ thời gian, thời hạn, tiêu chí thực thi, thực hiện; nguồn ngân sách thực hiện, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của từng đối tương luật điều chỉnh… Trong bước phát triển mới của công tác lập pháp, khi hệ mà thống pháp luật phát triển mạnh mẽ thì những quy định về trình tự, thủ tục hay luật thủ tục nhất là Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch… phải được quan tâm giải quyết thấu đáo. Nếu các quy định về trình tự, thủ tục không được hoàn thiện, đầy đủ thì mọi sự sửa đổi vẫn dẫn đến khó khả thi và tạo kẽ hở lách luật, nhờn luật kiểu như dự án “treo” ngang nhiên tồn tại.
Thủ tục chặt chẽ cụ thể là điểm vô cùng quan trọng bảo đảm tính nghiêm minh công bằng, công tâm, công khai của pháp luật. Chính thủ tục bảo đảm các quyết sách đi vào cuộc sống năng động mà chặt chẽ; giải phóng nguồn lực đất đai; giảm bớt tình trạng khiếu kiện gay gắt, kéo dài; thúc đẩy đầu tư, phát triển kinh tế xã hội mạnh mẽ.