Bài 3 (cuối): Những giải pháp khắc phục cuộc khủng hoảng báo chí
Trên toàn cầu, các phương tiện truyền thông truyền thống đang 'có nguy cơ tuyệt chủng' do sự bóp nghẹt của các gã khổng lồ công nghệ và mạng xã hội. Bởi vậy, giờ không còn là lúc hô hào hay kêu gọi, mà thế giới báo chí cần tìm các giải pháp thực tế vì sự tồn tại của chính mình.
Cần sân chơi công bằng giữa mạng xã hội và báo chí
Trước khi tìm hiểu các giải pháp khắc phục, chúng ta cần biết vấn đề cốt lõi dẫn đến cuộc khủng hoảng báo chí trên thế giới hiện nay. Như đã đề cập ở các bài trước, hiện trạng độc giả từ bỏ các trang báo truyền thống (cả báo in, báo điện tử, báo nói lẫn báo hình) để đổ xô đến các nền tảng công nghệ xuất phát từ việc các mạng xã hội (MXH) ban đầu xây dựng như một kênh để giúp phát hành cho các tổ chức báo chí và lôi kéo độc giả đến các nền tảng của họ.
Song sau đó, các MXH có thể nói đã “trở mặt” khi gần như không còn hỗ trợ cho báo chí, dẫn đến sự sụp đổ của nhiều tờ báo cả tin (như trường hợp của BuzzFeeds News gần đây). Thậm chí, ngày nay các tổ chức báo chí khi đăng bài lên MXH còn không dám chèn link bài báo hoặc sử dụng những từ khóa mà MXH cho là “nhạy cảm”, qua đó không chỉ chẳng hề có thêm lượng truy cập và nguồn thu, mà còn trở thành những người làm không công và bị kiểm soát bởi các MXH.
Sau khi đã thâu tóm độc giả và chèn ép các tổ chức, các nền tảng công nghệ truyền thông xã hội đã sử dụng nhiều thuật toán để kích động nhưng chủ đề “giật gân”, “câu view”… để tạo ra sự lan truyền và giữ chân độc giả, qua đó càng tăng mạnh doanh thu. Các thông tin đó ngoài việc lấy từ các nguồn tin báo chí, thì phần lớn tự do người dùng hoặc các tổ chức, trang web trôi nổi phát tán, đồn thổi và thậm chí xuyên tạc; đánh vào trí tò mò của người đọc và rồi tạo ra cuộc khủng hoảng thông tin trầm trọng như hiện nay.
Không thể phủ nhận các giá trị của MXH và các nền tảng công nghệ khác, song cần phải tách bách giữa giá trị giải trí và truyền thông ở các nền tảng này. Rõ ràng nếu các MXH muốn trở thành kênh truyền thông thì cần phải có sự kiểm duyệt, phải chịu luật cạnh tranh và bản quyền - những điều mà các tổ chức báo chí đều đang phải chịu.
Thực tế, hầu hết các thông tin trên MXH đều bắt nguồn từ tổ chức báo chí (báo hình, báo viết…), những người phải mất công sức và tiền của để có được; nhưng lại được sử dụng tràn lan trên MXH, rồi sau đó suy diễn và xuyên tạc mà không phải chịu sự điều chỉnh của luật lệ nào ở góc độ báo chí hoặc bản quyền (nếu có cũng tự do các MXH đặt ra).
Bởi vậy, điểm mấu chốt của vấn đề là buộc các nền tảng công nghệ, MXH phải chịu các điều chỉnh pháp lý và nguyên tắc đạo đức báo chí giống như mọi tổ chức tin tức truyền thống phải chịu, để ít nhất tạo ra một sân chơi bình đẳng giữa báo chí và MXH, chứ chưa nói đến việc để bảo vệ tính chân thật và giá trị nhân văn của báo chí.
Cần sự vào cuộc của các chính sách
Để làm được điều đó, báo chí hiển nhiên cần phải sự vào cuộc của các nhà hoạch định chính sách, các chính phủ… Và thực tế, đây cũng chính là xu hướng đang diễn ra trên thế giới.
Úc được xem như quốc gia tiên phong trong lĩnh vực này khi buộc các MXH và các nền tảng công nghệ phải chịu sự điều chỉnh của Luật Cạnh tranh và Quy tắc Thương lượng mà nước này đã ban hành năm 2021. Ban đầu các MXH đã bác bỏ yêu cầu phải trả tiền cho tin tức báo chí xuất hiện trên nền tảng của họ, thậm chí còn dọa cấm các thông tin báo chí xuất hiện trên các nền tảng của mình (ví như qua thuật toán chặn đường link), nhưng sau đó cũng phải nhượng bộ để ký hợp đồng và trả tiền cho các hãng tin của nước này.
Hiện, các bộ luật tương tự cũng đang được xem xét hoặc sắp ban hành ở Canada và Vương quốc Anh, những quốc gia thậm chí còn đang muốn tăng cường siết chặt hơn đối với các MXH, như phạt tiền và thậm chí bỏ tù những người chịu trách nhiệm khi các MXH vi phạm quy định (như lấy thông tin cá nhân người dùng trái phép để giành ưu thế cạnh tranh).
Có nghĩa, với các chính sách như trên, các MXH ở các quốc gia đó buộc phải thực hiện việc kiểm soát nội dung giống như một tổ chức báo chí, thậm chí nếu không chặn được tin sai lệch, tin giả và tin độc hại đến với độc giả sẽ bị phạt nặng (điều mà các tổ chức tin tức đều phải chịu mỗi khi vi phạm). Đó là một sự công bằng cần thiết để các quốc gia cứu nền báo chí chính thống của mình khỏi “sự tuyệt chủng” nói riêng, sự biến mất của thế giới truyền thông thực sự nói chung.
Trong cuốn sách “Người giám sát Internet” của mình, nhà nghiên cứu Tarleton Gillespie lập luận rằng “một nền tảng không phải là một nền tảng nếu không có sự kiểm duyệt”. Và rõ ràng việc kiểm duyệt, chính xác hơn là xác thực thông tin, trên MXH đang hoàn toàn trôi nổi.
Hãy đối xử với MXH như một tổ chức tin tức
Sự sụp đổ của báo chí là không thể tránh được trước sự vi phạm từ quyền sở hữu, sự độc quyền, trốn thuế và trục lợi của các nền tảng công nghệ trong cuộc cạnh tranh truyền thông như hiện tại. Nó giống giữa hai gian hàng, một bên phải chịu nhiều thuế phí, tiêu chuẩn hay nguyên tắc, còn một bên được tự tung tự tác chèo kéo khách hàng bằng mọi chiêu trò.
Các MXH đang ngày càng giàu hơn, lớn mạnh hơn từ việc sử dụng nội dung do các nhà báo và phương tiện truyền thông tạo ra mà không phải trả tiền, trả ít hoặc không đóng thuế. Báo cáo Silicon Six năm 2019 ước tính rằng 6 công ty công nghệ đã cùng nhau tránh được 155,3 tỷ đô la tiền thuế trong vòng 10 năm trước đó.
Các phương tiện truyền thông, các chính phủ liên quan và các nhà vận động cũng đang chống lại sự bất công này. Ngày càng có nhiều chính phủ áp đặt thuế dịch vụ kỹ thuật số, nhưng chúng thường bị giới hạn về phạm vi, với mức thuế từ 2% đến 7,5% doanh thu. Liên minh châu Âu cũng đã đưa ra các quyền mới cho các nhà xuất bản tin tức để thương lượng thanh toán cho một số nội dung.
Như vậy, các tổ chức tin tức không muốn trở thành những người phát báo miễn phí. Họ muốn một sân chơi bình đẳng. Các nhà báo không muốn chỉ làm từ thiện. Và hẳn bạn đọc cũng không muốn các các gã khổng lồ công nghệ quyết định thay cho họ tờ báo nào xứng đáng đọc và tờ báo nào xứng đáng không.
Rõ ràng, Google và Facebook là những nền tảng tin tức lớn nhất thế giới, chứ không còn chỉ là một công ty giải trí hay một nền tảng kết nối cộng đồng. Họ nên được đối xử như những nhà xuất bản khác. Họ phải bị đánh thuế, cần phải xác minh thông tin, phải chịu phạt nếu thông tin sai, cần phải tuyển phóng viên, chi trả cho các chi phí báo chí khác .v.v.
Hãy đoàn kết nếu có thể!
Bên cạnh việc thúc đẩy và gây sức ép để khiến các gã khổng lồ công nghệ, hiện đã trở thành một tổ chức tin tức và truyền thông, phải chịu một sân chơi bình đẳng, hiển nhiên báo chí cũng cần phải hợp tác với nhau để tạo nên một sức mạnh đủ sức đối trọng.
Xây dựng sự hợp tác nội bộ và xuyên quốc gia là một giải pháp bắt buộc để đa dạng hóa hoạt động phát hành và gây dựng lại danh tiếng. Ví dụ: Tổ chức Agência Publica đang đi đầu trong việc thúc đẩy hợp tác, không chỉ ở Brazil và châu Mỹ Latinh, mà trên toàn thế giới. Tổ chức tin tức này có chính sách sáng tạo chung, với các bài báo thường được đăng lại và được các phương tiện truyền thông ở Mỹ và châu Âu ghi nhận.
Đây là thời điểm tốt để báo chí định hình lại, đặc biệt trong không gian kỹ thuật số, nơi các phương tiện truyền thông tin tức hợp tác với nhau để đóng vai trò là như nhà cung cấp thông tin chính thống, thay vì giành giật nhau độc giả và thậm chí vô tình trở thành “người làm thuê không công” cho các MXH.
Điều quan trọng hơn nữa, báo chí cũng cần phải khiến các nền tảng truyền thông xã hội nhận thức được vấn đề, khiến họ nhận ra tầm quan trọng của sự tồn tại của báo chí, từ cấp độ địa phương, quốc gia cho đến quốc tế.
Ví dụ, họ phải giúp người dùng phân biệt giữa nội dung từ các cơ quan báo chí và các nguồn thông tin khác, tạo ra các các công cụ để thu hút độc giả đến và đăng ký nội dung ở các trang báo này, nếu như không muốn hầu hết các trang báo sẽ biến mất trong tương lai. Chỉ có như vậy, thế giới truyền thông mới tránh trở thành một một mớ hỗn tạp của các thông tin sai lệch và độc hại.
Thực tế, những gã khổng lồ công nghệ vẫn đang lắng nghe và sẵn sàng hợp tác nếu các chính phủ, các hiệp hội báo chí gây sức ép một cách mạnh mẽ, như trường hợp của Úc, Canada, Brazil, Vương quốc Anh hay tại Liên minh châu Âu.
Có lẽ đã đến lúc áp dụng một giải pháp đồng bộ trên toàn thế giới giống như giải pháp mà Úc đã đưa ra: Buộc các nền tảng như Google và Facebook trả tiền cho nội dung tin tức mà họ phân phối thông qua các công cụ tìm kiếm của mình.
Điều này thực tế đã thúc đẩy báo chí ở Úc. Các toàn soạn trên khắp nước Úc đang thuê các phóng viên mới. The Guardian đã thêm 50 nhà báo, nâng tổng số tòa soạn của họ lên 150. Các quốc gia khác đã xem xét các biện pháp tương tự, bao gồm Mỹ, Canada, Ấn Độ và Nam Phi.
Một số giải pháp khắc phục nói trên có thể giúp ngăn chặn sự sụp đổ, thậm chí nguy cơ “tuyệt chủng”, của báo chí truyền thống ở quy mô toàn cầu. Và đã đến lúc các nhà hoạch định chính sách, các nền tảng và các tổ chức báo chí cần ngồi lại với nhau, cần có sự đoàn kết nếu chúng ta còn muốn báo chí có một tương lai nào ở phía trước!