Bài 3: Đề xuất những 'cơ chế' đặc biệt
Ở địa phương việc xử lý tài sản bảo đảm là tàu cá mỗi nơi một đặc thù, một cách làm và kết quả thu hồi nợ cũng khác nhau. Tuy nhiên, nói về giải quyết các vụ việc này, các bên liên quan đều có chung nhận định, để thi hành 'trọn vẹn' bản án là rất khó khăn. Do đó, cần có những 'cơ chế' đặc biệt.
Bình Định có 134km đường biển, số lượng tàu đánh bắt lớn nhất cả nước nhất là cá ngừ đại dương. Trước đây, được hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ nguyên liệu, ngư dân hào hứng một lòng một dạ ra biển nhưng biển Đông khắc nghiệt, chất lượng tàu sau vài năm vận hành thì suy giảm, nợ không trả được dẫn đến phải nằm bờ, hư hao hỏng hóc nhiều, nhưng người dân không có có khả năng đầu tư để ra khơi tiếp, vay tiếp thì không có nguồn. Cho nên hiện nay những người phải thi hành án đang rất lo lắng, con cái họ cũng lo, vì số nợ còn quá lớn, không biết đến bao giờ sẽ trả được.
Khi bị Ngân hàng khởi kiện, phải dùng tàu thế chấp để thi hành án nhưng thi hành thì đụng đâu khó đấy, khó nhất là khi đã xử lý xong tàu cá vẫn không đủ trả nợ. Hiện nay, có ý kiến cho rằng sau khi đã xử lý xong tài sản thế chấp nhưng vẫn còn nghĩa vụ phải thi hành và người phải thi hành án không có tài sản khác ngoài tài sản thế chấp thì nên xóa nợ cho họ
Chúng tôi cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Ban quản lý cảng cá, trạm kiểm soát biên phòng tiếp nhận, bảo quản tài sản là tàu cá sau khi kê biên (trong trường hợp đương sự không nhận bảo quản tài sản sau kê biên) giảm tình trạng mất mát, hư hỏng tài sản, phối hợp với cơ quan THA sau khi thực hiện các thủ tục xử lý tài sản mà đương sự không hợp tác.
Ông Nguyễn Minh Đức, Cục trưởng Cục THADS Nam Định: Đề nghị ngân hàng có hướng nhận tài sản: Từ 01/10/2015 đến 30/6/2023, tại Nam Định số phải thi hành thuộc diện Nghị định 67 là 18 việc, giá trị trên 287 tỷ đồng; trong đó, có điều kiện thi hành là 4 việc, trên 83 tỷ đồng; đã thi hành được hơn 38 tỷ đồng trong số có điều kiện; tỷ lệ về việc đạt: 25% và về tiền đạt 46%. Tỷ lệ vụ việc THADS liên quan đến xử lý tài sản là tàu cá theo Nghị định số 67 hầu hết còn tồn đọng mặc dù không nhiều, nhưng số tiền, giá trị tài sản là khá lớn so với toàn bộ số tiền, giá trị tài sản tồn đọng ở các loại án khác mà cơ quan THADS phải tổ chức thi hành.
Khó khăn lớn nhất của cơ quan THADS là phải xử lý tài sản nhà đất của các chủ tàu: nhiều chủ tàu hợp tác, muốn tự nguyện thi hành án bằng cách đề nghị được thỏa thuận với Ngân hàng để tránh biện pháp cưỡng chế kê biên, phải chịu thêm chi phí cưỡng chế và ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của gia đình nhưng phía Ngân hàng không đồng ý thỏa thuận bất kỳ nội dung nào (mặc dù những nội dung này được Luật THADS quy định đương sự có quyền thỏa thuận) vì cho rằng khoản nợ mà chủ tàu 67 còn nợ nhiều, số nợ lớn hơn giá trị tài sản rất nhiều.
Để tháo gỡ những khó khăn cho các chủ tàu cá cũng như những bất cập trong quá trình thực hiện thi hành án đối với chủ tàu cá theo Nghị định 67 đề nghị các ngành chức năng cần sớm có cơ chế chính sách hợp lý, có hướng dẫn cụ thể về việc cơ cấu nợ… đồng thời có giải pháp xử lý dứt điểm, cho thanh lý đối với những chủ tàu cá có tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước và viện nhiều lý do khác nhau để trốn tránh trách nhiệm trả nợ cho ngân hàng.
Do thi hành án xử lý tài sản là tàu cá có giá trị lớn, khó khăn, phức tạp, liên quan đến nhiều cơ quan liên quan, do đó cần xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả giữa cơ quan THADS với các cơ quan hữu quan. Theo đó, đề nghị xây dựng cơ chế để Chấp hành viên hoặc cán bộ, công chức cơ quan THADS được tham gia hoặc được thông tin ngay từ đầu về quá trình xét xử nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi hành án sau này; Xây dựng cơ chế tiếp cận, xác minh thông tin hiệu quả từ các cơ quan, lực lượng và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan THADS với các tổ chức tín dụng, ngân hàng.... Trong đó, trường hợp tài sản không bán được, đề nghị ngân hàng và các tổ chức tín dụng xem xét có hướng nhận tài sản để đảm bảo thi hành án,
Ông Dương Diêu, Phó Cục trưởng Cục THADS Khánh Hòa: Rất khó xử lý các tài sản khác ngoài tàu cá
Theo số liệu thống kê thì tổng số việc/tiền thi hành án từ năm 2020 đến nay các cơ quan THADS trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thụ lý 11 việc, tương ứng với số tiền 124.805.751.535 đồng; chưa có việc xong, số tiền thu được 6.926.607.624 đồng
Về nguyên tắc, bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, các tổ chức, cá nhân phải nghiêm chỉnh chấp hành. Cơ quan THADS trên địa bản tỉnh Khánh Hòa thực hiện tổ chức thi hành án theo trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Quá trình tổ chức thi hành án đối với các loại việc mà tài sản là động sản (đặc biệt là tàu cá) gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra đặc thù thân tàu cá ở Khánh Hòa vay vốn theo Nghị định 67 là bằng vật liệu composite có giá trị lớn (vào thời điểm vay định giá 10 đến 12 tỷ đồng) nhưng khi kê biên, xử lý phải giảm giá nhiều lần ( có vụ giảm giá trên 10 lần) vẫn không có người đăng ký mua, giá trị tài sản bảo đảm (là tàu cá) giảm sút (đến thời điểm này cơ quan THADS Khánh Hòa bán đấu giá được 03 tàu và giá trị bán đấu giá cao nhất 2,9 tỷ/chiếc), dẫn đến kết quả xử lý tài sản để đảm bảo thi hành án không đủ để thi hành án. Do đó, khi cơ quan THADS xử lý xong hết tài sản tàu nhưng không đủ để trả khoản vay thì cơ quan thi hành án buộc phải tiếp tục xử lý tài sản khác (như nhà, đất…) của ngư dân. Những thực ra vấn đề này rất khó, vì ngay cả chính quyền địa phương nhiều nơi cũng không đồng tình.
Ông Nguyễn Thái Triệu, Giám đốc Agribank Chi nhánh Bắc Thanh Hóa : Cần có cơ chế hỗ trợ xử lý đối với phần dư nợ còn lại
Tổng số tàu đầu tư theo Nghị định 67 hiện là 18 tàu cho vay tại ba địa bàn TP.Sầm Sơn, huyện Hoằng Hóa và huyện Hậu Lộc với tổng mức đầu tư đóng tàu dự án là 244.872 triệu đồng; tổng tiền cho vay là 182.110 triệu, số tiền đã thu hồi là 56.535 triệu đồng, trong đó thu nợ qua thi hành án là 27.815 triệu đồng. Hiện còn dư nợ 12.505 triệu đồng; với nợ xấu là 16 tàu. Chi nhánh đã cơ cấu nợ nhiều lần để chủ tàu có điều kiện trả nợ, có những chủ tàu được cơ cấu 4 lần (kể cả kéo dài thêm thời gian trả nợ ngay tại Tòa án). Còn lại Chi nhánh đã khởi kiện 16 chủ tàu có nợ xấu và kiến nghị tòa xem xét miễn giảm án phí cho chủ tàu. Chi nhánh cũng đã tìm kiếm chủ tàu mới và chuyển đổi thành công 1 tàu cá vỏ thép.
Chúng tôi có thuận lợi là cấp ủy, chính quyền địa phương, NHNN Chi nhánh Thanh Hóa, cơ quan THADS và sự vào cuộc của nhiều ban ngành trong tỉnh.Tuy nhiên, công tác xử lý nợ xấu còn vướng mắc do chủ tàu và bên bảo đảm có tài sản thế chấp là nhà ở duy nhất tại địa phương nên khó khăn cho việc xử lý nợ; các khoản nợ phát sinh nợ xấu cao cũng ảnh hưởng đến hoạt động của Chi nhánh.
Trước những khó khăn này chúng tôi đề nghị cần xem xét cơ chế hỗ trợ xử lý đối với phần dư nợ còn lại theo Nghị định 67 (đến 31/7/2023 của Chi nhánh là 100 tỷ đồng) mà khách hàng không còn khả năng trả nợ sau khi đã thu từ việc bán đấu giá tàu qua thi hành án; đề nghị cơ quan Thi hành án thường xuyên xác minh điều kiện THA đối với chủ tàu đã bán đấu giá hết tài sản, không còn tài sản để tiếp tục THA theo quy định của pháp luật.
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/bai-3-de-xuat-nhung-co-che-dac-biet-post491347.html