Bài 3: Điện Biên định vị thương hiệu du lịch từ lối đi riêng

Sau 3 năm, chúng tôi có dịp được quay trở lại Điện Biên, trước dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Cảm nhận vui sướng đầu tiên của chúng tôi là hành trình đến với Điện Biên đã được rút ngắn lại chỉ hơn 30 phút qua đường hàng không. Đây cũng là động lực để chúng tôi muốn hội ngộ với mảnh đất này.

Trở lại với Điện Biên, điều khiến chúng tôi ngỡ ngàng khi hàng ngày có tới hàng vạn người tới đây tham quan, thưởng lãm. Hơn ai hết, chúng tôi cảm nhận được sinh khí, sức sống vẫn luôn mãnh liệt từ chính mảnh đất hào hùng này.

Trên gương mặt của những du khách đến với Điện Biên, đều dành tình cảm, sự tri ân sâu sắc đối với con người và mảnh đất nơi đây cũng như lớp lớp thế hệ cha anh đã hy sinh trên mảnh đất lịch sử này. Đây là yếu tố “hồn cốt” làm nên nét đặc trưng riêng có của Điện Biên.

Song, điều khiến những du khách như chúng tôi trăn trở, đau đáu là… đến bao giờ du lịch Điện Biên mới phát triển xứng tầm với tầm vóc mảnh đất có địa danh lịch sử vĩ đại này, khi mà nhiều nguồn lực đều thiếu và yếu. Và câu hỏi đặt ra, Điện Biên cần làm gì để giữ chân du khách khi Điện Biên là vùng núi, nằm khá xa với các cửa ngõ du lịch như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, đòi hỏi thời gian đi tour dài ngày, chi phí cao.

Ngoài ra, các dịch vụ giải trí, nghỉ dưỡng tại bản địa cũng khá ít, đặc biệt vào ban đêm chưa có các khu giải trí để du khách tham gia, nên chương trình cũng giảm bớt sức hút. Thời gian qua, ở Điện Biên cũng đã có mô hình du lịch cộng đồng, đưa du khách vào một số bản người dân tộc..., nhưng chưa đồng bộ về cách thức và chưa đa dạng về hình thức.

Bên cạnh đó, hiện chất lượng dịch vụ du lịch là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của ngành du lịch cũng như doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này. Vì vậy, sau dịch Covid-19, các xu hướng du lịch mới đang đặt ra những yêu cầu mới về chất lượng dịch vụ du lịch. Điều này đồng thời đặt ra các thách thức đối với hệ thống doanh nghiệp du lịch của Điện Biên, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 07/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đề ra mục tiêu du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, điểm du lịch hấp dẫn của khu vực Tây Bắc và cả nước; là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ và mục tiêu lượng khách du lịch năm 2025 đạt trên 1,45 triệu lượt, trong đó có 300 nghìn lượt khách quốc tế; tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt trên 2.380 tỷ đồng. Năm 2030, lượng khách du lịch đạt trên 2,65 triệu lượt, trong đó 600 nghìn lượt khách quốc tế; tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt trên 5.000 tỷ đồng… đã được đề ra.

Do đó, để đạt được mục tiêu, Điện Biên đang rất cần có những giải pháp tổng thể, như Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: Tầm quan trọng của ngành du lịch Điện Biên là xác định với cách tiếp cận mới, theo tinh thần: “Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy - Động lực bắt nguồn từ sự đổi mới - Sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân, doanh nghiệp”.

Với kinh nghiệm thực tế của một doanh nghiệp làm du lịch, ông Đỗ Ngọc Hoan - Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Lữ hành quốc tế Hoàng Nam nêu ý kiến, việc quan trọng nhất là Điện Biên cần ưu tiên khai thác tối đa các nguồn lực sẵn có và tiềm năng để phát triển du lịch, xác định rõ các điểm mạnh và điểm yếu để đưa ra các giải pháp thực hiện phù hợp với điều kiện và thực tế địa phương.

Theo ông Đỗ Ngọc Hoan, đến Điện Biên, ngoài việc thăm di tích lịch sử và văn hóa cộng đồng, du khách còn muốn được tham gia các loại hình du lịch khác như dịch vụ mua sắm, dịch vụ thể thao, dịch vụ vui chơi, giải trí, dịch vụ chăm sóc sức khỏe... Điều này cho thấy, địa phương cần khuyến khích các nhà đầu tư để mở rộng các công trình liên quan đến phục vụ nhu cầu du lịch. Từ đó tạo sức hút, giúp du khách lưu trú dài hơn, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, đóng góp lớn hơn nguồn thuế cho Nhà nước.

“Để nâng cao tính chuyên nghiệp hóa trong du lịch, tạo ấn tượng cho du khách, cần tạo trải nghiệm du lịch đa dạng, phát triển các tour du lịch đa dạng, phong phú để đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng du khách khác nhau. Đồng thời, nâng cấp chất lượng dịch vụ tạo sự chú ý và thu hút du khách” – ông Hoan nói.

Là địa bàn cư trú của 19 dân tộc anh em, sự độc đáo về bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc tạo nên sự phong phú, đa dạng của văn hóa tỉnh Điện Biên nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung.

Ngoài ra, theo GS.TS Trương Quốc Bình – Hội đồng Di sản Quốc gia, các chứng tích trong cuộc chiến năm xưa giờ đã trở thành quần thể di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Điện Biên Phủ trải dài trên lòng chảo Điện Biên bốn bề là núi rừng bao bọc với chiều dài 18km, rộng 6km, trong đó cánh đồng Mường Thanh dài hơn 14km là vựa lúa lớn nhất vùng Tây Bắc của Tổ quốc; sông Nậm Rốm chảy cắt ngang chia Điện Biên Phủ thành hai bên tả - hữu, tạo nên vùng đất Điện Biên Phủ vô cùng phì nhiêu, màu mỡ. Đây chính là đặt trưng riêng có để Điện Biên khai phá, phát triển du lịch.

Bên cạnh đó, GS.TS Trương Quốc Bình nhấn mạnh, Điện Biên là tỉnh duy nhất có chung đường biên giới với hai quốc gia là Trung Quốc và Lào, trong đó biên giới với Lào dài 360 km và biên giới với Trung Quốc dài 38,5 km. Trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào có 2 cửa khẩu đã được mở là Huổi Puốc và Tây Trang, còn 3 cửa khẩu phụ khác sắp tới sẽ được mở. Trong thời gian tới, trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc sẽ mở và nâng cấp cửa khẩu A Pa Chải - Long Phú thành cửa khẩu quốc gia. Điện Biên là đầu mối giao lưu của vùng Tây Bắc Việt Nam với các tỉnh Bắc Lào và Tây Nam Trung Quốc.

“Chính vì vậy, bên cạnh các sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng là: Du lịch văn hóa, sinh thái, tham quan tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số; du lịch sinh thái kết hợp với du lịch tham quan, du lịch nghiên cứu hệ sinh thái núi cao và du lịch nghỉ dưỡng núi; du lịch mạo hiểm, nghỉ cuối tuần, thể thao khám phá, du lịch làng nghề, cần chú ý khai thác các hình thức du lịch biên giới gắn với du lịch mua sắm tại một số cửa khẩu” - ông Bình cho hay.

Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ đề ra nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để các địa phương đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững đó là “Sản phẩm đặc sắc – Dịch vụ chuyên nghiệp – Thủ tục thuận tiện, đơn giản – Giá cả cạnh tranh – Môi trường vệ sinh sạch, đẹp – Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”.

Vì vậy, ông Nguyễn Trùng Khánh - Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho rằng, để triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch, Điện Biên cần bám sát nội dung chỉ đạo tại Nghị quyết số 82/NQ-CP. Đồng thời, cần tiếp tục đa dạng hóa, nâng cao chất lượng các loại hình sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác toàn diện, đồng bộ các giá trị tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn nổi trội của Điện Biên; tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công hiệu quả cho phát triển du lịch, ưu tiên đầu tư tháo gỡ điểm nghẽn kết nối giao thông; tăng cường liên kết phát triển du lịch…

Chia tay mảnh đất lịch sử trong không khí tấp nập, rộn rã của dòng xe xuôi ngược trên mọi ngả đường đến với Điện Biên trong tháng 5 nhuộm sắc đỏ của hoa phượng, hình ảnh thiên nhiên kỳ thú, những dãy núi hùng vĩ, cánh đồng Mường Thanh trải rộng như bất tận, những bản làng trù phú, hệ thống di tích lịch sử Chiến thắng Điện Biên Phủ trầm mặc với thời gian… khiến chúng tôi không khởi lưu luyến!

Mong rằng, với “kho báu” về tài nguyên văn hóa, du lịch cùng với việc đánh giá xu thế để xác định những cơ hội và thách thức nhằm chuẩn bị những giải pháp thích ứng cũng như với định hướng mới đặt ra trong Năm du lịch quốc gia Điện Biên - 2024: “Vinh quang Điện Biên Phủ - Trải nghiệm bất tận” Điện Biên sẽ thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam; bốn mùa mời gọi và níu chân du khách gần xa…

>>>>> Xem tiếp:

Bài 1: Về miền di tích lịch sử

Bài 2: Tạo đột phá từ hệ sinh thái thương mại, du lịch, dịch vụ

Nội dung: HOA QUỲNH - ĐỖ NGA

Đồ họa: HÀ HƯƠNG

Bảo Thoa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/longform-bai-3-dien-bien-dinh-vi-thuong-hieu-du-lich-tu-loi-di-rieng-326386.html