Bài 3: Đột phá để tiếp cận vaccine
Liên tiếp trong các cuộc họp về phòng, chống dịch gần 1 tháng qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu phải thần tốc hơn nữa, hiệu quả hơn nữa trên 'mặt trận vaccine'.
Vaccine – "cơn khát" toàn cầu
Có lẽ lúc này, ngoài từ COVID-19, vaccine trở thành từ khóa “hot” nhất mạng xã hội trên toàn cầu. Đã có những tranh giành, kiện cáo xung quanh việc tiếp cận vaccine. Đã có biểu hiện bất bình đẳng, gây sức ép, thậm chí đã có nguyên thủ quốc gia lên tiếng rằng đang có chủ nghĩa dân tộc và vũ khí hóa, chính trị hóa vaccine… Thế giới dường như đang xoay quanh hệ trục mang tên vaccine.
Thời gian qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo liên tục, sâu sát, quyết liệt, yêu cầu Bộ Y tế và các bộ, ngành nêu cao tinh thần trách nhiệm vì sức khỏe nhân dân, sức khỏe cộng đồng, lợi ích của quốc gia, dân tộc, cùng cộng đồng trách nhiệm, thống nhất thực hiện các giải pháp để có vaccine sớm nhất.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thông tin, thời gian qua, Bộ Y tế đã liên tục chủ động đàm phán với phía Nga để có vaccine sớm nhất phục vụ nhu cầu tiêm chủng của nhân dân. Ngày 2/6, phía Nga đã đồng ý cung ứng cho Việt Nam 20 triệu liều vaccine trong năm 2021.
Bên cạnh đó để đảm bảo an ninh vaccine trong những năm tiếp theo, Bộ Y tế xác định việc hợp tác trong sản xuất, chuyển giao công nghệ sản xuất là rất cần thiết.
Công ty Vabiotech, đơn vị đầu tiên của Bộ Y tế đã hợp tác với phía Nga và dự kiến đến tháng 7/2021 sẽ tiến hành đóng ống, gia công vaccine phòng COVID-19 của Nga tại Việt Nam với công suất dự kiến 5 triệu liều/tháng. Đây là kết quả rất quan trọng để phía Nga có thể tiến hành chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine cho Việt Nam trong thời gian tới.
Nghị quyết phiên họp Chính phủ đầu tiên sau kiện toàn, được Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành ngày 16/4 đã nêu rõ: Trước mắt do nguồn cung vaccine còn khan hiếm trên quy mô toàn cầu, Bộ Y tế cần khẩn trương thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ nhằm có vaccine sớm nhất; đồng thời xây dựng các cơ chế, chính sách, hướng dẫn để các doanh nghiệp đủ điều kiện nhập khẩu, tiêm vaccine dịch vụ; tổ chức tiêm vaccine khẩn trương, an toàn tuyệt đối, dứt khoát không để tình trạng vaccine không được tiêm kịp thời, phải hủy bỏ. Giao Bộ Y tế khẩn trương hoàn chỉnh phương án và nghiên cứu triển khai cơ chế “hộ chiếu vaccine” đối với từng loại đối tượng, từng nước, góp phần thực hiện mục tiêu kép; đồng thời, có phương án cụ thể tạo điều kiện thuận lợi nhất để hoàn thành thử nghiệm và sản xuất vaccine trong nước.
Liên tiếp trong các cuộc họp về phòng, chống dịch gần 1 tháng qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu phải thần tốc hơn nữa, hiệu quả hơn nữa trên “mặt trận vaccine”. Tuy nhiên, sự bất bình đẳng trên thị trường vaccine thế giới đã trở thành lực cản chính, khiến cho “ chiến lược vắc-xin triển khai còn chậm” – Thủ tướng kết luận trong cuộc họp thường kỳ của Chính phủ, ngày 3/6.
Vaccine là chiến lược, là quyết định
Nếu không nhanh chóng mua được vaccine, sản xuất được vaccine, thì sau bao nhiêu cố gắng, tâm huyết đã bỏ ra từ hơn một năm qua, chúng ta sẽ trở thành quốc gia “đi trước, về sau” trong cuộc chiến chống COVID-19.
Do đó, Nhà nước, người dân phải cùng chung tay chống dịch - Quỹ Vaccine phòng COVID-19 đã ra đời nhanh chóng, với mục tiêu dùng nguồn ngân sách Nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp thông qua xã hội hóa để mua và tiêm vaccine cho nhân dân.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn, nguồn kinh phí để mua vaccine cũng như để tiêm vaccine rất lớn. Theo tính toán sơ bộ, chi phí mua và tiêm vaccine khoảng 25.000 tỷ đồng. Ngoài ra còn phải tiêm nhắc lại hằng năm.
“Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ thành lập Quỹ vaccine. Ngay sau đó, Bộ Tài chính cũng có quyết định thành lập Ban Quản lý Quỹ, cũng như có Thông tư hướng dẫn về cơ chế quản lý Quỹ đảm bảo công khai, minh bạch, rõ ràng” - Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn khẳng định tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 3/6.
Theo kế hoạch, tối 5/6, lễ ra mắt Quỹ Vaccine phòng COVID-19 sẽ được tổ chức. Tuy nhiên, tính đến 17h ngày 2/6, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã đóng góp, ủng hộ cho Quỹ vắc xin phòng COVID-19 số tiền 2.360 tỉ đồng; các tổ chức, cá nhân cũng đang chung tay góp quỹ với một tinh thần tự giác, nhiệt huyết. Đã có những vị cao niên trích hàng trăm triệu đồng từ tiền tiết kiệm của mình để đóng góp cho quỹ. Cũng như thế, những khoản tiền lớn hay nhỏ “tùy theo sức của mình” đã được các em thiếu nhi góp vào quỹ…
Với sự đồng lòng, chung tay góp sức, những gì chúng ta nhận được sẽ lớn hơn rất nhiều giá trị vật chất. Đó là một tinh thần rất Việt Nam, được đắp bồi từ truyền thống đoàn kết, sẻ chia, không chịu khuất phục trước bất cứ kẻ địch nào!
Để tăng cơ hội tiếp cận vaccine Covid-19, một số nước đang phát triển yêu cầu Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) từ bỏ chính sách bảo hộ bằng sáng chế cho loại vaccine này.
Prashant Yadav, thành viên cấp cao tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu, cho biết: "Trong khi các nước phát triển mua vaccine nhằm đảm bảo nguồn cung cho vài năm tới, các nước thu nhập thấp và trung bình có thể sẽ bị phụ thuộc vào việc các nước giàu chia sẻ hoặc phân bổ lại liều lượng vaccine cho họ".