Ngân hàng Nhà nước yêu cầu 'làm sạch' tài khoản doanh nghiệp, không để lợi dụng lừa đảo
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các đơn vị tiếp tục rà soát việc thực hiện quy định về chữ ký điện tử, tài khoản doanh nghiệp tại các tổ chức tín dụng nhằm 'làm sạch' tài khoản.
Yêu cầu trên được Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng đưa ra tại buổi làm việc với một số đơn vị thuộc, các ngân hàng thương mại và trung gian thanh toán… nhằm kiểm tra, đôn đốc thực hiện các Thông tư hướng dẫn Nghị định số 52/2024/NĐ-CP ngày 15/5/2024 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt (Nghị định 52).
Các Thông tư hướng dẫn Nghị định số 52 bao gồm: Thông tư 17/2024/TT-NHNN ngày 28/6/2024 quy định việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (Thông tư 17); Thông tư 18/2024/TT-NHNN ngày 28/6/2024 quy định về thẻ ngân hàng (Thông tư 18) và Thông tư 40/2024/TT-NHNN ngày 17/7/2024 quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (Thông tư 40).
Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cho biết, Thông tư 17, 18 và 40 được ban hành đã củng cố khung pháp lý hiện có về hoạt động thanh toán, là cơ sở giúp các ngân hàng đã cơ bản hoàn thành rà soát, phân loại tài khoản; thu thập và đối chiếu thông tin sinh trắc học nhằm bảo vệ người dùng, nâng cao an ninh, bảo mật hệ thống.
Phó Thống đốc nhấn mạnh, việc triển khai các thông tư này không chỉ là một nhiệm vụ quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của hoạt động thanh toán trên môi trường số, mà còn là trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm xã hội cao cả mà toàn ngành phải lưu tâm thực hiện; trong đó lưu ý việc đáp ứng các quy định về hiệu lực thi hành tại các Thông tư này.
Các tổ chức, đơn vị liên quan cần có nghiên cứu và đề xuất kế hoạch điều chỉnh phù hợp, nhất là khi hiện nay khi các hành vi tấn công tài khoản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng ngày càng gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi, bài bản và khó dự đoán.
Để các bước tiếp theo công tác triển khai, phối hợp liên quan đến Thông tư 17, 18 và 40 được thực hiện hiệu quả hơn nữa, Phó Thống đốc yêu cầu các đơn vị thuộc NHNN theo chức năng nhiệm vụ tiếp tục rà soát việc thực hiện quy định về chữ ký điện tử, tài khoản doanh nghiệp tại các tổ chức tín dụng, các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố liên tục cập nhật tiến độ thực hiện, tích cực phối hợp với các TCTD trên địa bàn thực hiện rà soát và “làm sạch” tài khoản.
Các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố cần liên tục đốc thúc, kiểm tra thực hiện của các TCTD, doanh nghiệp về việc ban hành văn bản hướng dẫn đúng tiến độ, đốc thúc các chi nhánh trực thuộc TCTD trên địa bàn nâng cao tính tuân thủ và chấp hành nghiêm chỉnh các chỉ đạo, yêu cầu đã được ban hành chung cho ngành…
Phó Thống đốc đề nghị các ngân hàng tăng cường công tác đào tạo, bổ sung kiến thức nghiệp vụ toàn diện cho các cán bộ tại đơn vị mình để đảm bảo tính toàn diện và hiệu quả trong triển khai hướng dẫn văn bản; tham khảo các đơn vị trong hệ thống để nghiên cứu, thử nghiệm các phương pháp áp dụng phù hợp…
Trước đó, ông Phạm Tiến Dũng từng cho biết, hiện nay các quy định đã siết chặt việc mở tài khoản chính chủ khách hàng cá nhân. Tuy nhiên từ đây xảy ra tình trạng lách quy định bằng mở tài khoản doanh nghiệp, lách xác thực sinh trắc học để phục vụ mục đích gian lận.
Do đó, trong thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ chú trọng hơn hoạt động mở tài khoản của doanh nghiệp, để đảm bảo xác thực được người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp.
“Khi thực hiện giao dịch doanh nghiệp, nếu giao dịch lớn thì cần chữ ký để xác định người chịu trách nhiệm, đảm bảo khi xảy ra vấn đề thì chúng ta truy vết được người ký” – Phó Thống đốc nói.
Ông Phạm Tiến Dũng cũng đề nghị có sự phối hợp với các cơ quan bộ ngành khác nhằm đảm bảo được nguồn gốc, người đại diện pháp luật có CCCD để truy xuất được.