Bài 3: Đột phá từ thương mại, dịch vụ

Nhìn lại tổng thể bức tranh kinh tế từ đầu năm đến nay có thể thấy được những mảng màu sáng tập trung nhiều ở lĩnh vực dịch vụ, thương mại. Đặc biệt, khi du lịch mở cửa trở lại đã 'kích cầu' cho các ngành dịch vụ trở nên sôi động hơn trong trạng thái bình thường mới với sức tăng trưởng vượt trội so với các ngành kinh tế khác, góp phần quan trọng để hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội đã đề ra trong năm 2022.

Khách hàng lựa chọn mua sản phẩm tại Cửa hàng nông sản Sông Vân (thành phố Ninh Bình). Ảnh: Trường Giang

Khách hàng lựa chọn mua sản phẩm tại Cửa hàng nông sản Sông Vân (thành phố Ninh Bình). Ảnh: Trường Giang

Nhiều kết quả khởi sắc

So với các ngành kinh tế khác, du lịch đang được xem là động lực cho sự phục hồi, phát triển, góp phần quan trọng vào hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2022. Chỉ tính từ dấu mốc ngày 15/3/2022, khi Chính phủ cho phép mở cửa đón khách quốc tế trở lại, động thái này đã phá vỡ tình trạng "đóng băng" của ngành du lịch sau một thời gian dài.

Từ đây, du lịch Ninh Bình như được "thổi một luồng gió mới", bắt đầu có sự phục hồi và tăng trưởng vượt bậc. Ước tính số lượng khách đến các điểm tham quan, du lịch trên địa bàn tỉnh trong tháng 9 đạt 310,6 nghìn lượt (cùng tháng năm trước không có khách du lịch do các điểm tham quan, du lịch trên địa bàn tỉnh đang tạm dừng đón khách để phòng, chống dịch COVID-19). Tính chung lại, tổng số lượng khách đến các điểm tham quan, du lịch trên địa bàn tỉnh 9 tháng năm nay đạt 2.779,4 nghìn lượt, gấp 3 lần so với 9 tháng năm 2021, vượt 11,2% so với kế hoạch. Lũy kế doanh thu du lịch trong 9 tháng năm nay ước thực hiện 1.952 tỷ đồng, gấp 3,2 lần so với cùng kỳ năm trước, vượt 10,6% so với kế hoạch. Trong đó: doanh thu lưu trú ước thực hiện 431 tỷ đồng, gấp 3,2 lần; doanh thu nhà hàng 739,7 tỷ đồng, gấp 3,4 lần. Ninh Bình ngày càng trở thành địa điểm du lịch uy tín, hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế, khẳng định vị trí, thương hiệu trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Đồng chí Phạm Duy Phong, Phó Giám đốc Sở Du lịch khẳng định: Đây là minh chứng rõ nét cho sự bứt phá, phục hồi một cách "ngoạn mục" mà ngành du lịch Ninh Bình đã nỗ lực trong những tháng qua. Đồng thời khẳng định sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành và sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân địa phương.

Theo Cục Thống kê tỉnh, du lịch phát triển mạnh mẽ, lượng khách du lịch đến với Ninh Bình tăng vọt kéo theo doanh thu ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành tăng cao. Trong tháng 9, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống toàn tỉnh ước đạt trên 506,6 tỷ đồng, gấp 2,8 lần so với cùng kỳ, doanh thu du lịch lữ hành 0,6 tỷ đồng. Tính chung 9 tháng, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt trên 3.323,5 tỷ đồng, tăng 94,4%; doanh thu du lịch lữ hành gần 2,6 tỷ đồng, gấp 2,7 lần. Doanh thu một số ngành dịch vụ khác trong tháng 9 ước thực hiện 410,1 tỷ đồng, tăng 63,1% so với tháng 9/2021 và 9 tháng ước thực hiện 2.733,8 tỷ đồng, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước.

Có thể thấy, sau hai năm liền chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, đến nay tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát tốt trên địa bàn tỉnh cũng như cả nước. Điều này không chỉ tạo điều kiện cho ngành "công nghiệp không khói" khởi sắc trở lại mà các hoạt động thương mại, dịch vụ của tỉnh trong 9 tháng năm 2022 đã từng bước phục hồi và đạt tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng so với cùng kỳ năm trước.

Hiện tại, lĩnh vực thương mại, dịch vụ của tỉnh đang phục hồi mạnh mẽ để bù đắp tăng trưởng cho những tháng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Nhu cầu mua sắm của người dân cũng đang tăng cao, nhất là những tháng cuối năm chính là nguyên nhân tác động làm doanh thu bán lẻ hàng hóa trên địa bàn tỉnh trong 9 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước.

Số liệu thống kê của các ngành chức năng cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 9 ước đạt gần 3.419,4 tỷ đồng, tăng 70,2% so với tháng 9/2021. Tính chung, trong 9 tháng năm 2022, doanh thu bán lẻ hàng hóa toàn tỉnh ước thực hiện trên 27.582,9 tỷ đồng, tăng 66,8% so với 9 tháng năm 2021. Tất cả các nhóm hàng đều đạt mức tăng cao. Đối với xuất khẩu cũng có những kết quaẩ́n tượng. Giá trị xuất khẩu tháng 9/2022 đạt 338,7 triệu USD, tăng 16,7% so với tháng 9/2021. Tính chung lại, tổng giá trị xuất khẩu 9 tháng năm nay ước đạt 2.499,4 triệu USD, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm trước, đạt 89,3% so với kế hoạch năm.

Tạo thêm dư địa tăng trưởng

Đồng Ngô Minh Kim, Phó Giám đốc Sở Công Thương đánh giá: Những tháng đầu năm 2022, điều kiện phát triển của tỉnh trong bối cảnh khá nhiều khó khăn. Song với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế - xã hội đã có những tín hiệu phục hồi tích cực. Trong đó, lĩnh vực thương mại, dịch vụ trở thành điểm sáng trong bức tranh phục hồi kinh tế. Đặc biệt, sau khi du lịch mở cửa trở lại, tỉnh đã tổ chức hàng loạt các sự kiện lớn: Tuần lễ du lịch Cúc Phương đại ngàn và Ngày văn hóa, thể thao các dân tộc huyện Nho Quan; Tuần du lịch Ninh Bình năm 2022 với chủ đề "Sắc vàng Tam Cốc - Tràng An", Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới… đã tạo cú hích không chỉ riêng cho lĩnh vực du lịch mà còn kéo theo thương mại, dịch vụ phát triển.

Những kết quả đạt được trong 9 tháng năm nay cũng cho chúng ta niềm tin vững chắc hơn vào việc hoàn thành kế hoạch đã đề ra trong năm 2022 là ngành dịch vụ, thương mại tăng trưởng đạt 5,5%, tương đương giá trị GRDP đạt 16.266,05 tỷ đồng.

Bà Định Thị Hà, Doanh nghiệp tư nhân Hà Dũng (Thành phố Ninh Bình) cho biết: Mặc dù sức mua của người dân chưa thể tăng cao như thời điểm trước dịch, nhưng đã có những tín hiệu đáng mừng đối với các doanh nghiệp phân phối sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. Đặc biệt, nhiều nhó hàng hóa tiêu dùng thiết yếu đã tăng trưởng đáng kể, góp phần ổn định doanh thu cho các doanh nghiệp bán lẻ. Chúng tôi hy vọng sự phục hồi của các ngành kinh tế nói chung sẽ giúp đời sống người dân ổn định hơn và tạo ra sự tăng trưởng nhanh cho ngành thương mại, dịch vụ những tháng cuối năm 2022.

Để tiếp tục đà tăng trưởng trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, tỉnh Ninh Bình sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh. Theo đồng chí Ngô Minh Kim: Ngành Công thương sẽ tập trung phát triển mạnh mẽ các ngành dịch vụ, coi đây là mục tiêu tăng trưởng cho những tháng cuối năm. Trong đó, phát triển thị trường nội địa, thúc đẩy xuất khẩu bền vững là 2 giải pháp chính để tạo thêm dư địa tăng trưởng trong năm 2022. Đồng thời, ngành sẽ xây dựng các giải pháp cân đối cung - cầu, bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu, nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ sản xuất, phục hồi chuỗi cung ứng.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý thị trường, quản lý giá cả các mặt hàng thiết yếu, xử lý nghiêm các trường hợp gian lận thương mại, buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Triển khai có hiệu quả chương trình, kế hoạch phát triển thương mại điện tử, kế hoạch xúc tiến thương mại để hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu và quảng bá thương hiệu ra thị trường trong và ngoài nước.

Đối với lĩnh vực du lịch, đồng chí Phạm Duy Phong, Phó Giám đốc Sở Du lịch cũng nhấn mạnh: Ngành du lịch sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 180/ KH-UBND ngày 29/10/2021 của UBND tỉnh về phục hồi và phát triển hoạt động du lịch. Đồng thời tăng cường các giải pháp quảng bá, xúc tiến đến các thị trường tiềm năng trong và ngoài nước. Đẩy mạnh liên doanh, liên kết với các khu, điểm du lịch trong nước tạo nên sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn. Tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng các sản phẩm và dịch vụ du lịch; nghiên cứu, phát triển các hoạt động văn hóa địa phương, văn hóa cơ sở gắn với du lịch với các sản phẩm du lịch mới, sản phẩm lưu niệm, quà tặng mang tính đặc trưng riêng phục vụ du khách. Ngoài ra, Sở Du lịch sẽ phối hợp với các cấp, các ngành, các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình của tỉnh về đẩy mạnh, phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình trong tình hình mới.

Song Nguyễn

Bài 1: Điểm tựa của nền kinh tế

Bài 2: Động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Bài 4: Phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu tăng trưởng năm 2022

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/bai-3-dot-pha-tu-thuong-mai-dich-vu/d20221027082237551.htm