Bài 3: Giải pháp nâng cao văn hóa công vụ

Trong bối cảnh chuẩn bị sáp nhập đơn vị hành chính, việc nâng cao văn hóa công vụ không chỉ là yêu cầu cấp thiết nhằm giữ vững chất lượng phục vụ nhân dân, mà còn là thước đo năng lực, bản lĩnh và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại cơ sở. Những biến động về tổ chức dễ dẫn đến tâm lý dao động, trì trệ nếu không có định hướng rõ ràng và sự chủ động từ bên trong mỗi cá nhân. Do đó, để văn hóa công vụ thực sự trở thành nền tảng vận hành hiệu quả bộ máy hành chính trong giai đoạn chuyển động, cần có những giải pháp đồng bộ, phù hợp với điều kiện thực tiễn từng địa phương.

Người dân đang làm thủ tục đất đai tại UBND thị trấn Đồng Lê.

Người dân đang làm thủ tục đất đai tại UBND thị trấn Đồng Lê.

Khi bộ máy hành chính bước vào giai đoạn chuyển động – như sáp nhập đơn vị hành chính hay chuyển đổi số – thì điều giữ cho hoạt động công vụ không chao đảo chính là bản lĩnh nghề nghiệp và khí chất công bộc của đội ngũ cán bộ, công chức. Một nền hành chính dù có tinh gọn đến đâu, nếu thiếu đi tinh thần tận tụy, ý thức kỷ cương và thái độ phục vụ đúng mực, thì khó lòng vận hành hiệu quả và giữ được niềm tin từ người dân.

Bởi vậy, hơn lúc nào hết, nâng cao văn hóa công vụ không chỉ là câu chuyện cải thiện tác phong hay bồi dưỡng kỹ năng – mà chính là tái thiết lại tinh thần phụng sự từ bên trong. Đó không thể là những khẩu hiệu dán trên tường hay những buổi tập huấn hình thức, mà phải là một hệ giá trị sống động, được nuôi dưỡng trong từng hành vi ứng xử, từng quyết định hành chính, từng nỗ lực đồng hành cùng người dân. Để làm được điều đó, cần một hệ thống giải pháp đồng bộ, thực chất – vừa khơi dậy ý thức trách nhiệm cá nhân, vừa tạo môi trường thuận lợi để những giá trị công vụ được lan tỏa bền vững. Dưới đây là một số giải pháp đề xuất để xuất để nâng cao văn hóa công vụ cho lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức trước thời điểm sáp nhập:

Một là, tăng cường định hướng tư tưởng, ổn định tâm lý cho đội ngũ cán bộ
• Tổ chức sinh hoạt chuyên đề, giao ban định kỳ để quán triệt rõ ràng quan điểm: “Dù sáp nhập hay không, mỗi cán bộ còn làm việc là còn phục vụ nhân dân.”
• Lãnh đạo cơ quan cần lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cán bộ để kịp thời động viên, tháo gỡ băn khoăn về vị trí việc làm, tránh tâm lý chờ đợi, dao động.

Hai là, phân công công việc khoa học, linh hoạt để giảm áp lực cá nhân
• Kiểm tra, đánh giá lại khối lượng công việc tại các bộ phận “một cửa”, tránh tình trạng một người phụ trách quá nhiều địa bàn.
• Thiết lập cơ chế thay thế khi cán bộ đi công tác chuyên môn, tránh để người dân đến đúng hẹn nhưng không nhận được kết quả.

Ba là, bồi dưỡng kỹ năng hành chính số và kỹ năng giao tiếp công vụ
• Tập huấn kỹ về sử dụng phần mềm hành chính, đặc biệt trong xử lý hồ sơ điện tử, ký số, nộp hồ sơ trực tuyến.
• Rèn luyện kỹ năng giao tiếp, hướng dẫn người dân rõ ràng, dễ hiểu, tránh tình trạng máy móc, thụ động.

Bốn là, nâng cao tinh thần trách nhiệm và kỷ luật công vụ
• Duy trì nền nếp giờ giấc làm việc, xử lý hồ sơ đúng hẹn, tránh để người dân đi lại nhiều lần.
• Gắn kết quả giải quyết thủ tục hành chính và sự hài lòng của người dân với đánh giá thi đua, khen thưởng.

Năm là, chuẩn hóa quy trình và thái độ ứng xử trong phục vụ nhân dân
• Chuẩn hóa các bước hướng dẫn hồ sơ, đặc biệt với các thủ tục phổ biến như đất đai, hộ tịch.
• Khuyến khích cán bộ chủ động hỗ trợ người dân viết, điền hồ sơ nếu cần thiết, thay vì chỉ “hướng dẫn qua loa”.

(Hết).

Bài, ảnh: Nguyễn Hoàng Anh

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/bai-3-giai-phap-nang-cao-van-hoa-cong-vu-trong-thoi-diem-truoc-sap-nhap-don-vi-hanh-chinh-a28286.html