Hợp nhất Đắk Lắk và Phú Yên: Đề xuất bố trí xe công vụ, trợ cấp tiền nhà cho cán bộ

Dự kiến có khoảng 1.300 cán bộ, công chức, viên chức ở tỉnh Phú Yên sẽ lên Đắk Lắk làm việc sau khi hợp nhất hai tỉnh này.

Thành lập tổ phối hợp liên tỉnh

Chiều 18/4, tại trụ sở Tỉnh ủy Đắk Lắk, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên đã tổ chức hội nghị triển khai thực hiện chủ trương của trung ương về việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Tại hội nghị, các đại biểu được nghe báo cáo các nội dung đã phối hợp, triển khai thực hiện gồm: Việc thành lập Tổ phối hợp liên tỉnh triển khai xây dựng và thực hiện Đề án sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Phú Yên; lộ trình xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Toàn cảnh hội nghị.

Toàn cảnh hội nghị.

Cũng tại hội nghị, Tổ phối hợp liên tỉnh đã trình bày để lãnh đạo 2 tỉnh xem xét, cho ý kiến 7 nội dung.

Cụ thể, dự thảo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh; nguyên tắc, định hướng sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự, công tác cán bộ trong hệ thống chính trị; phương án rà soát hạ tầng giao thông, bố trí phương tiện làm việc, chế độ chính sách, hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh Phú Yên sau sắp xếp, sáp nhập tỉnh; phương án dự kiến bố trí nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh Phú Yên khi thực hiện sáp nhập tỉnh.

Phương án bố trí và lộ trình sắp xếp xử lý trụ sở, tài sản công sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh; phương án đầu tư, nâng cấp tuyến đường Quốc lộ 29 kết nối tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Phú Yên; đề xuất, định hướng công tác phối hợp chuẩn bị, xây dựng văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2025-2030.

Trung tâm Tp.Buôn Ma Thuột nhìn từ trên cao xuống.

Trung tâm Tp.Buôn Ma Thuột nhìn từ trên cao xuống.

Sau khi hợp nhất hai tỉnh, Đắk Lắk dự kiến có hơn 3 triệu dân

Theo dự thảo báo cáo nội dung đề án sắp xếp tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Phú Yên, sau khi hợp nhất hai tỉnh, tỉnh Đắk Lắk có 1.809,640 km2 (đạt 226,20% so với tiêu chuẩn), quy mô dân số 3.339.616 người (đạt 371,07% so với tiêu chuẩn), 101 đơn vị hành chính trực thuộc (gồm: Tỉnh Đắk Lắk 67, tỉnh Phú Yên 34). Trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh Đắk Lắk đặt tại trung tâm tỉnh Đắk Lắk hiện nay.

Đối với Đảng bộ tỉnh, về cơ cấu, số lượng Ủy viên Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Phó Bí thư, Bí thư Tỉnh ủy sẽ do Trung ương quyết định.

Đối với các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, hợp nhất nguyên trạng các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy thuộc Tỉnh ủy Phú Yên vào các cơ quan chuyên môn cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy Đắk Lắk. Trụ sở của các đơn vị mới sau hợp nhất đặt tại Tp.Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk).

Lãnh đạo hai tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Lãnh đạo hai tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Tỉnh ủy, hợp nhất Trường Chính trị Đắk Lắk và Phú Yên thành Trường Chính trị Đắk Lắk, có trụ sở chính đặt tại phường Tân Hòa (Tp.Buôn Ma Thuột), cơ sở 2 đặt tại phường Phú Đông (TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên). Số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách được giao là 85.

Hợp nhất các cơ quan Báo, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Đắk Lắk và Phú Yên thành Báo Đắk Lắk. Trụ sở chính đặt tại số 23 Lê Duẩn, phường Tự An (Tp. Buôn Ma Thuột); cơ sở 2 tại 01 Nguyễn Tất Thành (Tp.Buôn Ma Thuột); cơ sở 3 tại số 38 Phạm Hùng (Tp.Buôn Ma Thuột); cơ sở 4 tại Trung tâm truyền dẫn phát sóng phát thanh, truyền hình tại đèo Hà Lan (phường An Bình, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk).

Đối với Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh, sau khi hợp nhất tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Phú Yên, sẽ thành lập các cơ quan thuộc HĐND tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh. Giữ nguyên tổng số đại biểu HĐND tỉnh của 2 tỉnh trước khi sáp nhập (120 đại biểu).

Một góc biển tại tỉnh Phú Yên.

Một góc biển tại tỉnh Phú Yên.

Đối với UBND tỉnh, trước mắt giữ nguyên số lượng Phó Chủ tịch UBND tỉnh của 2 tỉnh trước khi hợp nhất.

Đối với các cơ quan chuyên môn và tương đương thuộc UBND tỉnh, hợp nhất nguyên trạng các cơ quan chuyên môn và tương đương thuộc UBND tỉnh Phú Yên vào các cơ quan chuyên môn và tương đương thuộc UBND tỉnh Đắk Lắk.

Sau khi sắp xếp các cơ quan, tổ chức trực thuộc UBND tỉnh Đắk Lắk gồm có: 13 cơ quan chuyên môn, 2 cơ quan tương đương sở và 8 đơn vị sự nghiệp công lập...

Sở Tài chính tỉnh Phú Yên đã có báo cáo đề xuất một số nội dung liên quan đến việc chuẩn bị hợp nhất tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Phú Yên theo Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4 của Ban Chấp hành trung ương Đảng.

Theo đó, sau khi hợp nhất hai tỉnh sẽ lấy tên là tỉnh Đắk Lắk, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Đắk Lắk hiện nay. Dự kiến có khoảng 1.300 cán bộ, công chức, viên chức, không bao gồm lực lượng vũ trang có nhu cầu đi lại từ Tp.Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) đến Tp.Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) và ngược lại, trong khi xe công vụ không đủ để phục vụ nhu cầu. Ước tính mỗi tháng chi phí đi lại khoảng 1,6 triệu đồng/người trong trường hợp không sử dụng phương tiện chung do tỉnh bố trí và và chi phí hỗ trợ chỗ ở 3 triệu đồng/người trong trường hợp không được bố trí nhà ở công vụ.

Hiện nay Trung ương chưa quy định chính sách hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức sau khi sắp xếp, sáp nhập, nên Sở Tài chính Phú Yên đề xuất chủ trương hỗ trợ chi phí sinh hoạt cho cán bộ, công chức, viên chức tỉnh này làm việc tại tỉnh Đắk Lắk theo hai phương án. Cụ thể, áp dụng mức hỗ trợ khoảng 50% mức phụ cấp lưu trú theo quy định tại Thông tư số 12/2025/TT-BTC ngày 19/3/2025 của Bộ Tài chính, tương đương khoảng 3,3 triệu đồng/người/tháng; hỗ trợ mức phụ cấp bằng 30% mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung trên cơ sở vận dụng quy định tại Hướng dẫn số 05-HD/BTCTW ngày 1/7/2011 của Ban Tổ chức Trung ương.

Khánh Ngọc

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/hop-nhat-dak-lak-va-phu-yen-bo-tri-xe-cong-vu-tro-cap-tien-nha-cho-can-bo-204250418184348765.htm